Minh họa: Internet
Có cô bạn phàn nàn rằng chồng cô, vào lúc cô lâm nguy nhất, đã không biết cách an ủi dù chỉ bằng một cái nắm tay.
Lâm nguy ở đây là khi cô nằm trên bàn đẻ. Bác sĩ người ta cho chồng vào ngồi cạnh vợ trong lúc lâm bồn để vợ chồng chia sẻ với nhau nỗi đau đớn của sản phụ cũng như sự gắn bó của cha mẹ ngay khi đứa trẻ ra đời. Khi cô quằn quại trong đau đớn, ông chồng ngồi cạnh, mắt thờ ơ nhìn ra cửa sổ.
Cô, một cô giáo trẻ, năn nỉ rằng anh hãy nắm tay em đi, cho em đỡ sợ, cho em cảm thấy có anh ở bên. Và lúc ấy, lần đầu tiên trong đời, hai vợ chồng mới biết đến cái nắm tay, mà theo cô sau này nhớ lại, vụng về đến mức gần như vô cảm của ông chồng vốn được coi là rất mực yêu thương vợ.
Mình nhớ lại hình ảnh hai ông bà già ngày ngày đi qua nhà, tay trong tay. Lần đầu tiên nhìn thấy ông đâu như vào mùa hè năm trước. Ông lưng còng tóc bạc, tỷ mẩn chọn cho bà những bông hoa hồng màu tro, vì theo ông, đó là mầu của kỷ niệm. Bà, một phụ nữ Đức gốc Ý, dịu dàng và bẽn lẽn như gái mới lớn, bồi hồi kể lại chuyện hai người hồi mới yêu nhau.
Hóa ra họ là đôi tình nhân của thể kỷ trước, chiến tranh đã chia rẽ họ và sau này, khi ông lâm vào cảnh góa bụa, bà đã đón ông sang Đức để chăm sóc ông những ngày cuối đời... Và họ, đôi tình nhân muôn năm cũ, ngày ngày tay trong tay, xiêu vẹo dựa vào nhau đi những bước cuối cùng trong cuộc đời...
Những cái nắm tay của những đôi nhân tình trên đường phố luôn là một hình ảnh rất nhã ở thủ đô văn minh này. Nó luôn làm cho mình thấy ngưỡng mộ và ấn tượng hơn là những cái hôn ngốn ngấu nơi công cộng.
Bàn tay, đâu chỉ đơn giản là cơ quan cầm nắm. Loài người thoát được kiếp động vật cũng nhờ sự tiến hóa của bàn tay. Bàn tay, mà các ngón tay vốn là nơi có nhiều giác quan nhất, đặc biệt ngón cái có ngôn ngữ riêng, không đơn thuần chỉ là một bộ phận của cơ thể. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta dùng đôi tay để làm nhiều thứ hơn là việc chỉ dùng nó để lao động.
Hôn và nắm tay đều là những ngôn ngữ của cơ thể. Khó có thể nói ngôn ngữ nào biểu cảm hơn ngôn ngữ nào. Nắm tay - cầm tay, ngôn ngữ ấy nói nhiều hơn cả nỗi khát khao - đó là ân tình. Khát khao có thể chỉ là khoảnh khắc, thậm chí, nhiều khoảnh khắc, trong khi ân tình thì còn mãi. Một ân tình có thể bắt đầu từ một sự khát khao những khi đã có được ân tình, thì khát khao ấy còn là sự thăng hoa.
Ít năm trước, Trang Hạ có dịch một đoản văn
“Nắm tay và làm tình” của một tác giả châu Á, hình như người Đài Loan. Hồi đó, đâu như năm 2010, chủ đề này làm dấy lên những cuộc tranh luân sôi nổi ở một số diễn đàn. Trong khi nắm tay là hành vi văn hóa thì, ở một đất nước mà đái bậy vẫn được chấp nhận, hôn nhau và cầm tay nơi công cộng vẫn là hình ảnh nghịch nhãn đối với những nhà đạo đức của một nền văn minh ưa chỉ trích.
Trở lại chuyện cầm tay & làm tình, có ai trong số chúng ta chợt nhận ra, cả đời nhiều lần làm việc này mà chưa bao giờ làm việc kia? Có nhiều người phụ nữ chưa bao giờ một lần được chồng một lần nắm tay, dù anh ta đã bao lần leo lên bụng vợ. Mình tin, những bàn tay đàn ông biết nắm lấy tay người đàn bà của mình một cách ân cần không bao giờ lại là bàn tay đánh đập người phụ nữ mình yêu thương.
Cô bạn mình, người đã nhắc đến trong đầu bài viết, nói rằng, cô không bao giờ quên cái nắm tay quá đỗi thờ ơ của người chồng. Sau nhiều năm sống chung, cô mới nhận ra khoảng cách có thật giữa hai người cũng bắt đầu từ lần ấy.
Vâng, cái nắm tay đâu chỉ đơn thuần chỉ là hai vật thể quắp lấy nhau. Trong sự cọ sát của làn da, những ngón tay tìm lấy nhau trong hơi ấm rất thật thà. Người nồng nàn, cái nắm tay dường như rất chặt. Người chứa chan, tay cũng ấm áp. Không thể tìm thấy ở một bàn tay thờ ơ lạnh lẽo một tấm lòng sẻ chia. Cầm tay, trong cử chỉ tưởng như câm lặng ấy, có biết bao điều san sẻ cho nhau. Ngôn ngữ lưỡi có thể mật ngọt dối trá, nhưng ngôn ngữ bàn tay thì không.
Cầm tay, nắm tay và bắt tay, còn cho ta biết rất nhiều tính cách của đối phương. Ai từng đọc “David Copperfield” của nhà văn Charles Dickens, hẳn còn nhớ cái bàn tay nhớp nhúa của Uriah Heep. Bàn tay đớn hèn, mưu mô và phản trắc đã được Dickens lột tả rất thần. Người ta có thể quên ông, quên Uriah Heep, nhưng khó mà quên ngôn ngữ của bàn tay ấy.
Mùa hè năm trước, ngày ngày, đôi tình nhân người Ý già vẫn đi qua nhà mình, tay trong tay, xiêu vẹo mà rưng rưng gắn bó. Ông vẫn chọn mua cho bà những đóa hồng màu tro như thủa mới hẹn hò. Mùa hè năm nay, bà chỉ còn đi có một mình. Ông đã mất, bên cạnh bà, tay trong tay. Mình tin, đó là cái nắm tay dắt ông đi những ngày cuối đời hạnh phúc nhất. Hơn tất cả những ái ân mà ông bà nếu còn có thể, chắc chắn không còn được thăng hoa bởi tuổi tác.
Đã bao giờ bạn quên rằng đâu đó bên cạnh mình, còn một người chưa hề được cầm tay?
Có bao nhiêu người, vẫn ngày ngày làm tình mà chưa một lần biết cầm tay?