VĂN HÓA LY HÔN

Thứ năm - 25/09/2014 21:56

(NCTG) “Tại sao con người lại khó có thể chia tay nhau một cách có văn hóa? (…) Những người bạn “Tây” của cô, họ cũng có xích mích, cũng ly hôn, cũng đau buồn nhưng cách họ xử lý khác hẳn”.


Minh họa: Internet

Tuổi ngoài băm, hai lần đò, nhìn quanh thấy bạn bè mà cô không khỏi có phút thở dài. Cái tuổi của cô, ai cũng kêu vất vả lắm, tình duyên lận đận. Già nửa số bạn gái thân của cô, người thì sắp bỏ chồng, người thì chấp nhận ở với chồng mà không có hạnh phúc, người thì chồng chưa cho bỏ vì còn tranh chấp nuôi con, cái người mà chấp nhận ở lại với chồng là cũng do không vượt qua được cái rắc rối của sự ly hôn mang lại. Có hôm tụ tập bạn bè, nhìn nhau rồi ồ lên, ôi có một mét vuông mà hai con đã ly dị và hai con sắp ly dị, thật là cám cảnh.

Một gia đình để đi đến quyết định tan đàn xẻ nghé phải trải qua cả một quá trình dài, lỗi thì bao giờ cũng của cả hai bên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh không ai ở ngoài mà hiểu hết được, tuy nhiên để qua cửa ải ly hôn thì các cô bạn cô đều trải qua nhiều thê thảm giống nhau.

Cái sự thê thảm đầu tiên là từ chính bản thân các cô, khi đã không thể níu kéo hạnh phúc nhưng ai cũng sợ sệt, nấn ná. Sợ dư luận, sợ cha mẹ lo nghĩ, sợ con cái chia lìa, sợ tài chính không đủ để nuôi con, sợ bỏ chồng này vớ chồng khác cũng chẳng tử tế gì, v.v...

Sự thê thảm thứ hai là các cô đã quyết tâm bỏ mà chồng không chịu bỏ, mà chồng không chịu bỏ không phải là còn yêu các cô mà vì sĩ diện hay muốn gây khó dễ, hành hạ tinh thần vợ cho thỏa mãn cái cay cú, à, nó lại dám chủ động bỏ mình ư???

Để hành các cô vợ thì không thiếu gì cách, à, cô đi đâu thì đi để con lại cho tôi, nào thì giữ hộ khẩu này, đố cô làm gì được đấy. Hoặc chiêu tiếp theo, cô đi đâu cứ đi, đừng hòng mang gì ra khỏi nhà, có giỏi thì đi tay trắng nhé. Nếu có hai con thì cô đi đâu để một đứa lại. Thế là các cô bạn của tôi chụn ngay chân lại, nghĩ đến các chướng ngại vật đặt ra mà ngao ngán chấp nhận ở lại với chồng, anh thì có bồ, anh thì vũ phu đánh vợ, anh thì lười thối thây không bao giờ chia sẻ công việc với vợ, anh thì gia trưởng bắt vợ nghỉ việc ở nhà chăm con..

Giá như có hệ thống pháp luật chặt chẽ, hợp lý hợp tình thì các cô đã có chỗ dựa, đằng này, khi đi nộp đơn ly hôn phải có hộ khẩu (???) nên cái cô bị chồng giữ hộ khẩu đã không nộp được vì phải mất khoản tiền kha khá để lách luật. Cái cô không muốn xa con thì cay đắng khi thẩm phán nói con sẽ chia đôi mỗi bên nuôi một đứa. Còn cái cô đi làm lương thấp lại ngậm ngùi đi về vì bảo quy định cha trợ cấp nuôi con quá ít, nếu có quỵt trợ cấp cũng chả có chính sách nào mà đi đòi được, tiền thuê nhà, nuôi con không đủ trang trải nên cô lại ngậm ngùi quay lại với chồng, tuần lại cãi nhau vài ba trận.

Cô nào mà vượt qua được của ải ly hôn và sống một mình nuôi con là cần có tự chủ về tài chính, có khả năng nuôi con mà không cần sự trợ giúp của chồng, có mặt dày để kệ thiên hạ muốn nói gì thì nói, gia đình muốn mắng mỏ gì thì kệ. Cũng cần phải có tinh thần thép vì hầu như cuộc ly hôn nào cũng có hình của nắm đấm và khuỷu tay, âm thanh của cãi vã và chì chiết, chửi bới. Có cô phải ký vào giấy từ bỏ hết nhà cửa để được nuôi con, xách va-li quần áo ra đi. Pháp luật chả bênh vực được cô vì cô đã bỏ tiền ra xây nhà khi chưa đăng ký kết hôn, giờ cô muốn đòi phần mình cũng chả ai cho, nếu muốn nuôi con thì đi tay trắng cho nhanh. Thậm chí có cô ly hôn xong đồng nghĩa với việc thông gia cãi nhau cạch mặt nhau, con dâu con rể cạch mặt bố mẹ vợ/chồng cũ, tình nghĩa coi như xóa sổ.

Tại sao con người lại khó có thể chia tay nhau một cách có văn hóa? Đành rằng ly hôn là cực kỳ buồn, là khó khăn nhưng một khi đã không thể cứu vãn thì tại sao không chia tay nhau một cách êm ái nhất có thể để giảm tổn thương cho cả hai và cho con cái? Không phải vì họ là bạn cô mà cô bênh họ, nhưng đa phần gây sự là từ phía những người chồng, họ không đồng ý ly hôn nhưng không làm gì tích cực để cứu vãn cuộc hôn nhân. Việc họ làm là gây khó dễ, gây cản trở cô vợ ra đi, họ dùng cách mà chúng ta hay gọi là Chí Phèo để giữ vợ, nếu vậy thử hỏi nếu vợ ở lại liệu họ có hạnh phúc hay không? Hay lại như quay về với cái máng lợn cũ, còn vỡ nát hơn nhiều!

Những người bạn “Tây” của cô, họ cũng có xích mích, cũng ly hôn, cũng đau buồn nhưng cách họ xử lý khác hẳn. Riêng việc nuôi con họ được pháp luật cho hai trẻ ở chung một nơi với bố hoặc mẹ, nhưng ưu tiên con ở với mẹ nhiều hơn, họ sẽ thay phiên nhau chăm sóc, tiền đóng góp nuôi con phải chi đầy đủ, nếu không sẽ bị trừ vào tài khoản, nặng hơn còn bị đi tù.

Đó là về mặt luật pháp, về cá nhân họ cũng cố gắng đối thoại mềm mại nhất có thể. Anh bạn Úc của cô trong quá trình ly thân vẫn về nhà ăn cơm tuần hai buổi với con và đọc truyện cho con nghe. Hai vợ chồng vẫn đưa con đi chơi chung và cười nói vui vẻ cho dù họ phải cố gắng. Một cặp vợ chồng người Pháp khác thì sau khi ly dị họ đã lập gia đình mới, tuy nhiên họ bàn nhau cùng xin đi làm tại một nước khác để các con có thời gian ở gần bố mẹ, họ còn thuê nhà ở gần nhau, chung sống hòa bình, giữ hòa khí với cả người chồng mới và vợ mới của người kia, cốt là tốt nhất cho con họ. Anh bạn người Đức đành gạt nước mắt chia tay con để vợ mang con về Hungary, vì anh bận làm việc không thể chăm sóc con được, gia đình không ai giúp đỡ, cách tốt nhất là để vợ mang con về quê hương và thi thoảng anh sang thăm hai con. Dù gì, lợi ích của bọn trẻ cũng được đặt lên trên hết.

Nếu đã không còn sự lựa chọn nào ngoài việc ly hôn, tại sao mỗi người không cùng nhau làm cho sự việc đơn giản và đỡ đau buồn hơn? Hãy nhìn vào trẻ con và làm gì tốt nhất cho chúng. Còn chồng cũ, vợ cũ, dù có chia tay nhưng ít ra cũng có khoảng thời gian gắn bó, tại sao ta lại không thể chia tay họ một cách văn minh để còn nhìn mặt nhau mỗi lúc gặp con? Phải chăng điều ấy khó lắm sao? Hay lại nói văn hóa mình nó thế?

Đến bao giờ cái cô bạn của cô mà đang còn ở với chồng kia mới có thể có cơ hội làm lại cuộc đời nếu như cô vẫn bị các rào cản của việc ly hôn mang lại? Chỉ có bản thân cô ấy phải chiến đấu thôi, đừng hi vọng vào pháp luật bênh vực, đừng hi vọng chồng cô đổi ý một ngày ký vào giấy ly hôn với các thỏa thuận tốt đẹp cho cô!!!

C.V., từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn