Minh họa: Internet
Tiếc thương tặng N.T.V.
Đã hứa với lòng, từ nay gác bút không viết nữa, cho đến khi...
Cho đến khi ấm lại một chút hồn côi... Nhưng lá thư em gái còn kia, báo tin vẻn vẹn: “
Anh V. mất rồi. Ung thư máu. Mẹ bảo, một người thật sự tử tế đã ra đi!”.
Một người tử tế. Chỉ thế thôi ư? Tấm chứng nhận tư cách một con người? Khi vòng đời khép lại, cuộc dạo chơi nơi dương thế đã hết, cái gì còn đọng lại trong nhau? Lá thư viết trên di động vội vàng không có dấu. Mãi mình mới luận ra V. là ai trong muôn trùng ký ức.
Một người tử tế...
Ngày đó...
Gã và tôi ở cùng một khu tập thể thời ấy. Một cơ quan trung ương vốn không nhiều nhặn gì, chủ yếu các chú các bác độc thân, vài ba gia đình có tụi loai choai ẩm ương. Trong số đó có tôi và gã.
Ương bướng đến cố chấp, tôi chẳng bao giờ chịu gọi gã là anh. Trong khi cả khu tập thể ngưỡng mộ hắn, một hot boy. Đẹp zai, học zỏi, con nhà zầu. Chưa hết, gã còn thuộc hàng nhà mặt phố, bố làm to. Ừ bố hắn làm to, chả gì cũng giám đốc của cơ quan bố mẹ tôi.
Cho đến mãi sau này, tôi cũng không bao giờ hiểu, tại sao tôi nhất định không gọi gã là anh dù chỉ một lần. Gã học cùng khóa với bà chị vần Ương của tôi. Gã ở với bố để tiện trông nom bố gã hay để bố gã quản lý thằng con nghịch như giặc, tôi không biết. Gã hơn tôi đến năm tuổi, nhưng lại là thủ lĩnh đám con nít trong đó có tôi, đen nhẻm vì bêu nắng, vì trốn ngủ trưa câu đám cá rô ron, đá bóng và sẵn lòng bênh vực tôi mỗi khi có ai bắt nạt... Đó là gã tự nguyện, chứ không ai bắt nạt tôi, vì không nỡ và vì nếu có nỡ, cũng có rất nhiều bặm trợn tự nguyện chiến đấu để bảo vệ con nhóc gan lỳ tướng quân và khét lẹt cháy nắng.
Gã không chơi với tôi, không thân với bà chị tôi, mà là khách quý của bố tôi. Hồi đó, tôi ghét gã cũng một phần vì điều này. Gã có thể đến nhà tôi bất cứ khi nào, chả nói chả rằng, chui tọt lên gác xép, bò toài trong kho truyện cả ngày không ra. Thời đó, kho truyện nhà tôi là sự thèm muốn vô biên đối với tất cả những đứa nào thích đọc. Bố tôi quý truyện như vàng. Trong khi lũ con gái bọn tôi chả bao giờ được ngồi khề khà chiếu rượu với bố, thì gã đường đường ngồi đối ẩm với bố như tri kỷ.
Đã thế, gã còn trêu chọc tôi bất cứ khi nào có thể. Tôi đá bóng, gã ngồi bên hò hét cổ vũ: “
Đội than Quảng Ninh gặp đội than Hà Nội” - ấy là gã chọc quê nước da cơ bản của tôi. Tôi đi câu, gã đứng trên bờ ném cho cá chạy. Tôi vọc đất trồng rau, gã thả gà ra bới. Tôi đi thi học sinh giỏi văn đoạt giải, hắn bảo tại giáo viên thiên vị. Gã chê tôi không biết nấu cơm, trong khi tôi lấm như than ngồi đun bếp thì hắn ngồi bên cạnh chọc cho tôi cười đến nỗi nhiều khi khê cơm lúc nào không biết.
Trong khi cả mấy chị, mấy đứa loai choai cỡ tôi, ra sức lấy lòng gã, làm duyên bằng đủ thứ kẹp tóc lẫn son gió 14, 16 từ Nam ra, thì tôi chả biết làm gì với tất cả những thứ ấy. Tôi vẫn ham đá bóng, câu cá, thơ thẩn chơi ngoài đồng với cỏ, tóc dài đen dầy trĩu lưng chả biết làm duyên dù chỉ bằng một sợi len gọi là.
Tôi học cùng lớp với cái Hồng. Cái Hồng hơn tôi một tuổi, phổng phao như thiếu nữ, da dòn xinh xinh có dững hai cái răng khểnh. Cái Hồng học dốt, mà dốt nhất là môn toán. Nó cậy có thằng anh học cùng gã, ra sức nhõng nhẽo nhờ gã giảng toán. Gã giải bằng đủ các cách không có trong sách giáo khoa, rồi thách tôi làm được như thế. Tôi chả bận tâm. Mặc kệ Hồng son môi làm điệu. Mặc kệ các chị đỏ mặt mỗi khi gặp gã. Tôi vẫn khét nắng và hoang dại, như cỏ.
Thế rồi, lần đó, bố gã đi công cán nước ngoài về. Tôi còn nhớ thế bởi gã được thừa hưởng một món quà từ vùng đất thiêng liêng đến quá đỗi xa vời đối với con bé tôi ngày ấy. Gã giơ trước mặt tôi chiếc khăn bông bay màu đỏ. Bao năm qua, tôi vẫn nhớ “
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” (*). Nó chói lên khiến con bé tôi run rảy. Trái tim bé bỏng tuổi mười ba dù có dại khờ đến mấy, cũng linh cảm gã muốn dành nó cho riêng mình.
- Gọi V. là anh đi!
Gã vừa ra lệnh, vừa gần như van lơn. Nhưng tôi bặm môi lắc đầu. Tôi chống lại chính tôi, vì cái gì, làm sao tôi biết tôi lúc đó. Gã thở dài bất lực. Cái khăn đỏ lại chui vào túi gã. Tôi và gã đứng bên thềm nhà. Ánh trăng mười bốn non mướt rơi qua những tán cây phi lao của vùng đất pha cát.
Hôm đó, bố tôi cho tôi một cái bạt tai, vì gã. Vì cái tội... không gọi gã là anh. Đồ hèn! Tôi hét lên vào mặt gã. Cái bạt tai không làm tôi đau lắm. Nhưng không bao giờ gã có cơ hội đến gần tôi nữa. Không còn những trận cười nắc nẻ, những buổi đi câu trốn ngủ trưa kẻ dăng mồi đứa đuổi cá... Tuổi thơ vô tư đi ngang qua đời dường như nhẹ nhàng đến vậy.
Tết năm đó, rét đậm lắm. Hăm tám tết, tôi đang lúi húi rửa lá dong, nghe tiếng bố gọi, có vẻ dịu dàng khác thường. Ngỡ ngàng thấy cậu lớp trưởng lớp 9C, học trên một khóa, da trắng như con gái, ngượng ngùng với cả núi táo Thiện Phiến còn nguyên cành đẫm sương trên tay đang đứng đợi... Tôi nhất định không mời vào chơi, nhưng táo thì nhận ngay, dại gì không. Hí hửng ôm vào nhà, thấy gã ngồi đó, cành đào phai biếu bố. Tôi không nhìn gã, đánh bài chuồn, tai vẫn nghe tiếng bố càu nhàu, con này hư, không chào anh một tiếng...
Cho đến khi, gã tốt nghiệp Bách khoa, đi quân dự nhiệm... tôi và gã chẳng bao giờ có điều kiện nói với nhau bất kỳ điều gì nữa. Hôm trước khi đi, gã dẫn một thằng bạn đến nhà tôi. Vai xanh áo lính và quân hàm đỏ chói. Thấy dường như hắn người lớn hơn và cũng buồn hơn. Tôi lẳng lặng trốn vội vào lô cốt gác xép. Gã và thằng bạn ngồi dưới trà đạo với bố. Thằng bạn hình như có nhắc đến tôi... Tôi ngồi mãi trên nóc nhà, nóng như thiêu như đốt, đọc mãi không xong mấy trang sách. Trái tim thiếu nữ chợt cồn cào, chợt thấy mình hình như có uy quyền với một kẻ không thờ ơ với mình...
Nhưng chỉ có thế... Rồi hắn đi bộ đội. Tôi cũng chuyển trường về ở với bà ngoại rồi xa nhà từ đó... Nghe nói gã vẫn đến thăm bố, như một người bạn vong niên....
Sau lần đó, tôi hầu như không gặp lại gã. Trong trang nhật ký tuổi thiếu nữ, có duy nhất một dòng nhắc đến tên hắn: “
Sao Ka. không gọi V. là anh?”.
Và cái dòng duy nhất đó là mở đầu cho những trêu chọc không dứt mỗi lần về phép, mấy chị em gái ngồi ôn lại ngày xưa. Bởi chính cuốn nhật ký đã bị đọc trộm và vì thế, một bí mật ngỡ ngàng mới bị phát giác. Bao giờ bà chị vần Ương của tôi (giờ là tiến sĩ tiếng Ăng-lê) cũng ngạc nhiên như lần nào về những chuyện... tưởng đã... rồi!
Sao không một lần gọi V. là Anh?
Gã có ấm lòng không, nơi thế giới bên kia... Nếu gã biết, trong suốt những năm tháng đã qua, con bé ngày ấy đã không chỉ một lần muốn được gọi “Anh”, một người anh thật sự đã bao bọc nó một phần quãng đời thơ ấu. Một người bạn không phải chỉ riêng của gia đình...
Ngủ ngoan nơi đó nha, anh. Hãy nghe một lần gọi ANH như thế... dẫu muộn màng.
(*) Trích thi phẩm “Những cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ.