OLGA BERGGOLTZ VÀ NHỮNG VẦN THƠ MANG TÍNH XÃ HỘI

Thứ năm - 01/03/2007 17:15

(NCTG) Olga Berggoltz (1910-1975) là một tên tuổi rất quen biết đối với độc giả Việt Nam cùng những vần thơ tình say đắm. Rất nhiều người còn nhớ “Không đề” của bà, qua bản dịch của Bằng Việt, như một hoài niệm của thời son trẻ:

KHÔNG ĐỀ

Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ.
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ.
“Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva
Tiếng chim kêu trong bóng chiều tà”.

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn.
Em mới hiểu bây giờ anh có lý.
Dù chuyện xong rồi bây giờ xa cách thế
Em hát khác xưa, khóc cũng khác xưa

Lớp trẻ lớn lên, cũng giống như ta
Nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước
Vẫn sông Neva bóng chiều non nước
Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh?

Nhưng có lẽ ít người biết rằng ở Nga, tổ quốc của Berggoltz, nói chung nữ thi sĩ không mấy được biết đến như một nhà thơ của tình yêu. Và, trong cuộc đời mình, bà đã trải qua không ít gian nan và đau khổ, điều không hề thể hiện qua những bài thơ tình đã được dịch ra tiếng Việt.

Olga Berggolz sinh năm 1910, đúng vào những năm tháng loạn lạc của nước Nga, sau khi cuộc cách mạng 1905 bị đàn áp và nền kinh tế nước này lâm vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, thời thanh niên của nữ thi sĩ lại trùng vào những năm tháng cực thịnh của thể chế Stalin, khi nửa nước Nga chìm đắm trong đau thương, của nỗi kinh hoàng, và nửa kia lại tràn đầy sự phấn khích ngây thơ về một “thời đại hoàng kim” của chủ nghĩa cộng sản. Berggoltz thuộc nửa thứ hai: sau một vài tác phẩm viết cho thiếu nhi và các tập phóng sự, trong hai năm 1934-1935, nữ thi sĩ cho ấn hành hai tập thơ “Thi phẩm” và “Sách thơ”, ngợi ca đất nước “tươi đẹp” và “con người mới XHCN”.

Tuy nhiên, sự phấn khích của Berggoltz không kéo dài. Ít lâu sau, người chồng thứ nhất của nữ thi sĩ bị bắt giam và năm 1937, vào đỉnh cao của những vụ đàn áp, thăng trừng ở qui mô lớn, bản thân nhà thơ cũng bị bỏ tù. Năm 1939, bà được phóng thích và mấy năm sau, trong thời kỳ Leningrad bị phát-xít Đức bao vây, Berggolz sáng tác nhiều bài thơ ái quốc; về căn bản, bà nổi tiếng và được biết đến từ dạo đó.

Sau Thế chiến thứ hai, người chồng thứ hai của Berggoltz cũng trở thành nạn nhân của tệ bạo hành Stalin. Dạo đó, nữ thi sĩ đã làm nhiều bài thơ đầy dư vị cay đắng, chỉ để cất trong ngắn kéo chứ không nhằm đăng tải. Bốn thập niên sau, năm 1987, tờ tạp chí “Znamya” (Ngọn cờ) đã cho in những bài thơ đó, khiến lớp độc giả trẻ của nước Nga phải bỡ ngỡ trước ngôn từ ưu phiền, cay nghiệt, thậm chí dữ dằn, hoàn toàn không thích hợp với hình ảnh một Olga Berggoltz hiền hòa mà họ được học, được đọc, trong nhiều thập kỷ đã qua.

Tuy nhiên, những người đứng tuổi còn nhớ: sau khi Stalin chết và nhất là Đại hội XX của đảng Cộng sản Liên Xô, khi Khrushchev đọc bản báo cáo mật vạch trần những tội ác của Stalin và tệ sùng bái cá nhân, Berggoltz là một trong những người khởi xướng dòng văn học chống chủ nghĩa Stalin, khởi đầu với cuốn hồi ký “Những ngôi sao ban ngày” (1954). Biết được điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên trước sự “phân thân” của một nữ thi sĩ, đã rạch ròi CON NGƯỜI XÃ HỘI với những thi phẩm yêu nước hoặc lên án cái Ác, cái Xấu xa, và CON NGƯỜI CÁ NHÂN, với những vần thơ trữ tình mang tính nội tâm, thầm kín, về những mối tình dang dở.

Bài thơ “Tôi cũng cả ngày…” sau đây, được Olga Berggoltz sáng tác năm 1949 - khi Stalin và bè đảng đang tổ chức hàng loạt vụ thanh trừng nhằm vào giới lãnh đạo cấp tiến Leningard, thành phố yêu dấu của nữ thi sĩ - cho thấy CON NGƯỜI XÃ HỘI của Berggoltz, với những trăn trở, day dứt và buồn bã. Như nhiều tác phẩm khác, bài thơ đã nằm trong ngăn bàn gần bốn chục năm, và chỉ được xuất hiện vào thời “cải tổ” ở Liên Xô, trên tờ “Văn học Xô-viết”, tháng 10-1987.

TÔI CŨNG CẢ NGÀY…

Tôi cũng cả ngày ngồi họp -
miệng dối trá và tay tôi biểu quyết
Rằng sao tôi chửa bạc đầu vì sầu muộn?
Sao chưa chết đi vì hổ thẹn, ở đó…?
Rồi tôi còn lang thang hồi lâu trên phố phường,
tại đây, rốt cục, tôi lại được là tôi.
Người quét sân cho tôi lửa bên cánh cửa nhìn ra sân
và tôi tìm, nơi nào có rượu mạnh.
Tại một quán rượu, có hai phế binh
(cách đây không lâu, họ đã chiếm Krasny Bor)
buông lời than vãn về những thiệt thòi,
rượu đã khiến họ trở nên không biết sợ.
Và ngừng lại trước những kỷ niệm chung của chúng tôi,
thắp lại đống tro tàn đã nguội của dĩ vãng.
Anh đi trinh sát - và đụng phải bãi mìn.
đội trừng giới - nhưng ai thoát được?
Có kẻ trở về với mề đay trên vai,
nhưng bao người còn lại, đều nằm xuống ở đó,
Họ đã đổ máu, ôi, không ít
để đổi lấy những tội lỗi tầy đình, chưa bao giờ tồn tại.
Và khi ấy, hẳn tỉnh ra từ đó
bất giác, tôi tuôn cơn thịnh nộ:
Đã quá đủ với những tâm hồn cao thượng,
và lũ ác quỉ ơi, ta yêu ngươi biết chừng nào!

(1949)

H.Linh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn