MỘT TƯ LIỆU “MẬT” VỀ THI HÀO JOSEPH BRODSKY

Chủ nhật - 25/02/2007 18:10

(NCTG) Thi sĩ kiêm dịch giả Nga Joseph Brodsky (1940-1996) ra đời và trưởng thành ở Leningrad (Saint Petersburg ngày nay). Ông thôi học năm 15 tuổi và làm đủ mọi thứ nghề trong những chuyến chu du vòng quanh nước Nga và châu Á. Trong thời gian đó, Brodsky học nhiều ngoại ngữ, ông biết thạo tiếng Anh và Ba Lan. Thập niên 60, ông đã kiếm sống bằng các tác phẩm dịch thuật, chủ yếu của các thi sĩ siêu hình Anh thế kỷ XVII.

Hợp tuyển thơ của Brodsky bằng tiếng Anh

Bắt đầu làm thơ năm 1958, Brodsky thường xuyên tham gia các đêm thơ được tổ chức bán hợp pháp ở Leningrad. Ông bị cơ quan mật vụ chính trị KGB theo dõi và nhiều lần bị bắt giam trong thời gian ngắn. Năm 1963, Brodsky bị đưa đi kiểm tra tại viện tâm thần; năm sau, ông bị kết án 5 năm tù đày khổ sai với lời buộc tội “lẩn tránh lao động, ăn bám và nguy hiểm đối với xã hội” (bản án này được xóa bỏ năm 1989).

Sau 17 tháng tù, Brodsky được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều văn nghệ sĩ có uy tín của nước Nga như Anna Akhmatova, Paustovsky, Shostakovich…. Tuy nhiên, ở Liên Xô (cũ), hầu như thơ của Brodsky vẫn không được đăng tải và nhà thơ vẫn bị quản thúc liên tục. Năm 1972, vào thời kỳ đầu của làn sóng di cư Do Thái, cơ quan KGB “khuyên” ông nên rời bỏ tổ quốc (vào thời ấy, điều này đồng nghĩa với sự cưỡng bách).

Rời Liên Xô, Brodsky sang châu Âu rồi định cư ở Mỹ, ông giảng dạy ở nhiều trường đại học và viết văn bằng Anh ngữ. Ông được nhận nhiều giải thưởng văn học lớn như giải dành cho cuốn sách hay nhất năm 1986 ở Mỹ (tập tiểu luận “Less Than One”), giải Thi ca Mỹ (năm 1992)…, trong số đó, cao quý nhất là giải Nobel Văn chương năm 1987.

Mộ Brodsky tại San Michele

Brodsky mất đột ngột trong một cơn đau tim ngày 28-1-1996. Giới thưởng ngoạn văn học phương Tây rất ưa chuộng các thi phẩm và tiểu luận của Brodsky, coi ông là thi hào đương đại kiệt xuất nhất của nước Nga. Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, báo chí thế giới đánh giá Brodsky - cùng Octavia Paz và Gabriel Garcia Marquez - là ba đỉnh Thái Sơn hùng vĩ nhất trong số các văn hào, thi hào hiện hữu. Thậm chí, có nhà phê bình văn học còn cho rằng Brodsky là người “tổng kết mọi nền thi ca của thế kỷ XX!” Nói về Brodsky, thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel Văn chương 1995, đã khẳng định: “Dù tôi không đọc được bằng tiếng Nga các tác phẩm của Brodsky, nhưng trong tất cả các nhà thơ tôi đã gặp hay được nghe danh, Brodsky có trí tuệ thi ca lớn nhất“.

*

Năm 1987, khi Brodsky được trao giải Nobel Văn chương, một lần nữa, chính quyền Xô-viết lại đặt ra một “vụ Brodsky” mới. Trong dịp này, câu hỏi chính được đặt ra là “báo chí Liên Xô có thể tường thuật về giải Nobel Văn chương của Brodsky hay không?

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, chắc hẳn giới lãnh đạo Liên Xô đã suy tính đủ mọi nhẽ. Ngoại trừ Sholokhov là một nhà văn trung thành với chế độ Xô-viết, thì tất cả những giải Nobel còn lại đều được trao cho những nhân vật “có vấn đề”: Bunin, Pasternak, Solzhenitsyn, Sakharov và lần này là Brodsky. Đây là một vấn đề đau đầu đối với ban lãnh đạo thượng đỉnh trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tường thuật, hoặc chỉ đưa tin, về giải thưởng Nobel của Brodsky, đồng nhất với việc chính phủ Liên Xô công nhận sự thất bại của họ trước một thi sĩ mà họ đã và vẫn thường xuyên bôi nhọ. Ngược lại, trái với trường hợp của Pasternak và Solzhenitsyn, Liên Xô cũng không thể “phát ngôn bừa bãi” trên báo chí trong nước với những luận điệu đại loại “giải Nobel là âm mưu chống phá nhà nước Xô-viết của bọn phản động quốc tế“… Vào thời kỳ tổng bí thư Gorbachev hô hào chính sách cải tổ và công khai, bộ phận “cấp tiến” trong Đảng Cộng sản đang cố sức chứng tỏ rằng họ muốn thay đổi trong mối quan hệ với giới văn nghệ sĩ và trí thức (cho phép in ấn lại một số tác phẩm bị cấm đoán trong nhiều năm, trả tự do cho viện sĩ Sakharov, cho phép các nhà văn, nhà báo, sử gia… đụng chạm ở một mức nào đó đến các vấn đề “cấm kỵ”…), không thể tiếp tục tuyên truyền trong dân chúng bằng những thủ thuật ấu trĩ, thô thiển như xưa.

Rốt cục, một chỉ thị ít nhiều mang tính thỏa hiệp - thỏa mãn được phần nào cả phe “cứng rắn” lẫn phe “cởi mở” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô - đã được đưa ra. Người ta không loan tin trên báo chí chính thức về giải Nobel của Brodsky, nhưng ngầm cho phép các bạn hữu của thi sĩ tổ chức những đêm thơ Brodsky ở Moscow và Leningrad, dĩ nhiên là trong khuôn khổ hạn chế. Dần dần, thơ của Brodsky được hiện diện rải rác trên một số tờ báo, tạp chí văn nghệ, thoạt đầu là “Novy Mir” (Thế giới mới) (1), sau đó đến “Ogonok” (Tia lửa nhỏ), “Oktyabr” (Tháng Mười), “Neva” (Sông Neva)…; đôi khi người ta không hề xin phép và bất chấp mọi ý muốn của tác giả. Nhà xuất bản Văn học, một trong số hai nhà xuất bản in ấn các tác phẩm thi ca ở Liên Xô, cũng rậm rịch in một tập thơ “tuyển” của Brodsky, với nhiều thủ tục nhiêu khê, quan liêu thường thấy… Nói cách khác, bề ngoài, do không thể giấu giếm và "lờ" đi Brodsky nên đơn thuần chính quyền “tạm” nhắm mắt cho ông tồn tại vẩn vơ “bên lề xã hội”!

Tuy nhiên, ngay trong những năm tháng cuối của đế chế Xô-viết, giới mật vụ chính trị Liên Xô vẫn giữ một quan điểm và cái nhìn hết sức thủ cựu và “chậm tiến” về nhà thơ. Điều đó được phản ánh rất rõ ràng trong bản “tiểu sử bí mật” của Brodsky, do trưởng phòng KGB I. Abramovich phác thảo năm 1987, nhằm phục vụ cuộc thảo luận của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về vấn đề “có nên để báo chí đưa tin về giải Nobel của Brodsky hay không?”. Mới được đưa ra công luận cách đây gần chục năm, văn kiện “mật” ấy đã khiến đông đảo độc giả kinh ngạc về lối “hành văn” kỳ quặc và những lời lẽ “xanh rờn”, rất đặc thù cho cách diễn đạt của giới quan chế độc tài Liên Xô.

Sau đây là một đoạn trong bản “tiểu sử bí mật” đó. Các chú thích trong bài là của người dịch.

*

TIỂU SỬ BÍ MẬT CỦA BRODSKY (trích)

Brodsky, Josif Aleksandrovich, sinh năm 1940, tại Leningrad, dân tộc Do Thái, không tốt nghiệp phổ thông trung học, thi sĩ, thành viên BBT tạp chí “Kontinent”, sống ở Mỹ.

Cha: Aleksandr Ivanovich Brodsky, sinh năm 1903, Do Thái, làm nghề nhiếp ảnh, mẹ: Volpert Maria Moiseyevna, sinh năm 1905, Do Thái, cả hai đều mất ở Leningrad.

Bắt đầu làm thơ từ năm 1958, đăng tải trên tờ tạp chí tự phát hành (samizdat) “Sintaksis”. Trong những năm 1961-1965, Brodsky tuyên truyền những tư tưởng phản bội và trong số các bài thơ của y, vào thời đó, rất nhiều bài bị các chuyên gia cho là có hại về mặt tư tưởng. Y có quan hệ gần gũi với A.A.Umansky và O.I.Shkhmatov, những kẻ về sau bị bắt vì tội chống chế độ Xô-viết.

Trong một thời gian dài, Brodsky không làm việc ở đâu cả, y sống một cuộc đời ăn bám và đã nhiều lần bị các cơ quan MVD (2) cảnh cáo, do đó, tháng 3-1964, phù hợp với nghị quyết “Tăng cường cuộc đấu tranh chống những cá nhân có lối sống phản xã hội” (3) của Đoàn chủ tịch Hội đồng Xô-viết Tối cao Liên Xô, tòa án nhân dân quận Dzerzhinsky (Leningrad) đã ra bản án 5 năm đày ải ở trại cải tạo lao động Arkhangelsky đối với y… Tháng 11-1965, xét đến đơn [xin ân xá cho Brodsky] của A.Akhmatova, S.Marsak, K.Chukovsky, D.Shostakovich, V.Admony, Y.Erkind, Y.Gordin, I.Metter, y được tha, không phải ngồi tù khoảng thời gian còn lại.

Sau khi trở về Leningrad, Brodsky tập trung quanh y những thanh niên non nớt về chính trị, tiếp tục tuyên truyền các bài thơ có nội dung tệ hại về mặt tư tưởng và đăng tải chúng trong các ấn bản tự phát hành…

Tháng 6-1972, nhận được một lời mời [từ ngoại quốc], Brodsky rời bỏ Liên Xô và định cư ở Mỹ (4).

Ở Mỹ, Brodsky trở thành giáo sư đại học, đồng thời, y tiếp tục đăng thơ trên báo chí phương Tây, trong số đó có những tờ mang tính chất chống chính quyền Xô-viết (”Vestnik RHD”, “Vremya i mi” v.v…), và trong một số bài thơ, y đã nhạo báng Đảng Cộng sản Liên Xô và hiện thực Xô-viết.

Năm 1974, Brodsky là thành viên BBT tờ tạp chí “Kontinent”, có quan điểm chống đối chế độ Xô-viết.

Brodsky tham gia vô số những hoạt động khiêu khích tư tưởng do các trung tâm bạo loạn phương Tây tổ chức…

Năm 1979, tại Đại hội lần thứ 44 của Văn bút Quốc tế (PEN Club) ở Rio de Janeiro, Brodsky có mặt trên cương vị “đại diện nước Nga” và y đã kêu gọi Văn bút Quốc tế mở rộng những trung tâm của các văn sĩ lưu vong và ủng hộ quan điểm chống thể chế chủ nghĩa xã hội của chúng.

Năm 1986, tại Hội nghị ở New York của Văn bút Quốc tế, cùng Aksyonov (5), y đã tuyên truyền cho những ưu điểm của lối sống Mỹ.

Năm 1981, y được trao giải MacArthur, một giải thưởng vô cùng có uy tín; nhờ đó, trong vòng 5 năm, hàng năm y được nhận 30 ngàn Mỹ kim. Năm 1987, y được giải của giới phê bình Mỹ…

Tháng Sáu năm ấy, y từ chức viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Hoa Kỳ để phản đối việc Y.Yetushenko (6) được nhận làm viện sĩ danh dự.

Giới tuyên truyền phương Tây gọi Brodsky là “thi sĩ Nga vĩ đại nhất“, kẻ “khi ở Liên Xô đã bị đàn áp trên báo chí, bị kết án, bị tù đày, bị đày ải và bị buộc phải rời bỏ Tổ quốc“…

Trao giải Nobel cho Brodsky là một hành động chính trị khiêu khích của các nhóm phản động phương Tây, nhằm mục đích ngăn chặn cảm tình ngày càng tăng của công luận thế giới trước chính sách ngoại giao yêu chuộng hòa bình của đất nước ta…

Ghi chú:

(1) Tại lễ trao giải Nobel Văn chương ở Stockholm, Brodsky nhận xét một cách châm biếm rằng sau khi tờ “Novy Mir” đăng một chùm thơ ông, số các bài thơ của ông được đăng tải ở Liên Xô lên đến con số... 12!

(2) Viết tắt của Bộ Nội vụ Liên Xô.

(3) Nghị quyết này nhằm vào “những phần tử trốn tránh lao động”, “ăn bám xã hội”. Chiến dịch chống lại “những tên trốn tránh lao động” bắt đầu năm 1957. Thoạt đầu, nó nhằm vào những kẻ vi phạm trật tự xã hội - buôn lậu, nghiện ngập rượu chè, côn đồ v.v… - nhưng sau đó, mục tiêu thực sự của chiến dịch đó là những văn nghệ sĩ “hành nghề tự do”, những diễn viên, họa sĩ, thi sĩ… không phải là thành viên các Hội nghệ sĩ chính thức, mang tính “quốc doanh”, đặt dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Thời gian đầu, chính quyền mới chỉ xúi giục hàng xóm, láng giềng gây sự, hành hung với những phần tử “ăn bám”, sau đó, họ bị đưa ra tòa và bị đày ải đi những vùng xa xôi nhất của lãnh thổ Liên Xô. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch “chống bọn trốn tránh lao động” biến thành một chiến dịch bài Do Thái: đa số những văn nghệ sĩ, trí thức bị buộc vào tội này đều là người gốc Do Thái hoặc có quan hệ với sắc tộc Do Thái.

(4) Kỳ thực, trong thực tế, Brodsky bị cưỡng bức phải ra nước ngoài.

(5) Vasily Aksyonov (1932- ): nhà văn Nga. Cùng Evtushenko, ông từng là đại diện của “làn sóng mới” trong văn giới Xô-viết đầu thập niên 60. Khi ở Liên Xô, Aksyonov tham gia giới trí thức đối lập và thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu. Bị buộc phải di tản năm 1980, định cư ở Mỹ, Aksyonov thuộc hàng văn sĩ nổi tiếng nhất của Nga ở nước ngoài.

(6) Yevgeny Yevtushenko (1933- ): nhà thơ, nhà văn Nga, nhân vật nổi bật nhất trong văn giới Liên Xô của thời kỳ “hòa dịu” sau 1956. Tuy nhiên, sau những năm tháng “nổi loạn” và “phản kháng” ban đầu, dần dần Yevtushenko đã tỏ ra “thích nghi” với chính quyền và đứng vào hàng những văn nghệ sĩ “cung đình” được trọng dụng ở Liên Xô.

Ngày 16-2-1988, trong cuộc trò chuyện với người bạn cũ là Tomas Ventslova, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Lithuania, một chuyên gia xuất sắc về văn học Nga (sống tại Hoa Kỳ), Brodsky đã phát biểu như sau về Yevtushenko và về việc ông ra khỏi Viện Hàn lâm Văn học Mỹ:

“… anh ta là một kẻ mà tôi không thể chịu đựng nổi. Theo ý tôi, đó là một người xấu, một kẻ bất lương - đây là ấn tượng cá nhân của tôi, được chứng tỏ bởi những kinh nghiệm cá nhân - hơn thế nữa, anh ta rất có hại cả trong lĩnh vực văn học lẫn chính trị. Đối với tôi, không thể chấp nhận được việc ngồi cùng phần tử ấy trong một tổ chức. Chỉ có thế thôi“.

(Xin xem bài “Nỗi hoài nhớ cố hương có khi nào?”, tạp chí “Akiraciai” số 5-6 năm 1988, Chicago, Mỹ).

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và giới thiệu


 
 Từ khóa: Brodsky
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn