Aleksandr Tvardovsky (1910-1971)
Nhưng tôi còn nhớ về cái thời khi sách còn mới tinh, tôi nhớ cái bìa tuyệt trần của nó, mùi vị của nó: không phải là mùi mực như các cuốn sách mới thông thường, mà là mùi nước hoa, đúng, tôi còn nhớ rõ, nó có mùi nước hoa. Cha tôi mua cuốn sách ở chợ Smolensk, khoảng năm 1920; chắc hẳn sách lưu lạc ra chợ trời từ tủ sách của một quí tộc nào đó. Cha tôi, một người ham đọc sách và quí sách theo thước đo của nông thôn, đã đổi khoai tây lấy cuốn sách.
- Thấy chưa con, cha mang sách về cho con đây - ông nói khi bày ra và chia những đồ ông mang từ chợ về.
Tuy nhiên, món quà chỉ là lời nói. Sự thực, không bao giờ tôi được mang cuốn sách ra đồng, nơi tôi chăn lũ gia súc, hoặc ngồi xổm đọc nó trên bệ lò sưởi, nơi tôi thích học và làm bài tập vào mùa đông. Cuốn sách này chỉ được đọc bên bàn ăn và ở đó, tôi cũng chỉ được đọc khi thức ăn đã được dọn đi và bàn được lau khô. Trong những buổi tối dài dằng dặc, lúc thì cha tôi, lúc thì tôi, đã đọc nó bên bàn, thường là đọc to, thành thử chẳng mấy chốc, cả nhà đã thuộc và yêu thích “Orina, người mẹ lính”, “Những người bán hàng rong” (trước kia, chúng tôi chỉ thuộc đoạn “Bài ca của người bán rong”), “Sasha”, “Tin làng”, “Đường sắt”, “Lũ trẻ nông dân” và nhiều bài khác trong tập thơ. Trước đó, tôi chỉ biết Nekrasov qua bài “Cấy lúa một chân” và một đoạn trong bài thơ “Nhà vua băng giá có cặp mũi đỏ”, bắt đầu ở chỗ “Gió gào trên nền trời câm điếc…” Giờ đây, tôi cảm thấy như đã biết toàn bộ các tác phẩm của Nekrasov, tôi thuộc lòng một đoạn dài trong các bài “Ông”, “Quận chúa Volkonskaya” và hàng loạt bài khác. Tôi vô cùng tự hào vì chúng tôi đã có ở nhà toàn tập Nekrasov và cay đắng khi được biết không phải là như thế, rằng Nekrasov còn viết một thi phẩm lớn, tuyệt vời, mang tựa đề “Ai sống hạnh phúc ở nước Nga?”; một bạn học cùng lớp tôi thuộc vài mẩu trong tác phẩm này.
Thời đó, tôi chưa đủ thông thuộc trong thế giới sách vở để biết rằng tôi có trong tay cuốn sách nào của Nekrasov. Và cuốn tôi có chính là tập một của bộ sách hai tập, in năm 1914, mang tựa đề “Thi ca Nekrasov toàn tập”.
Chỉ sau đó khá lâu, tôi mới biết rằng trong cuốn “toàn tập” đó, chẳng những không có “Ai sống hạnh phúc ở nước Nga?”, mà còn thiếu cả “Những người đồng thời với tôi”, “Nỗi buồn của ông già Naum” và nhiều thi phẩm tuyệt vời khác. Đây là chưa nói đến những truyện ngắn, bài viết, thư từ của thi sĩ mà tôi yêu; ngày nay, chỉ riêng những tác phẩm đó đã chiếm nhiều tập trong “Tuyển tập Nekrasov”.
Vậy mà, cuốn sách kể trên đã là sự kiện lớn nhất, quan trọng nhất trong thuở thiếu thời của tôi, và cùng với tập sách (một tập) của Pushkin và Lermontov mà cha tôi đã mua từ trước, nó là ngọn nguồn của niềm vui và nỗi tự hào lớn nhất, là cơ sở cho niềm hứng thú trẻ thơ và những mộng mơ thầm kín nhất của tôi. Thông qua cuốn sách, tôi được làm quen với tiểu sử Nekrasov. Từ sách, lần đầu tiên tôi được biết về những năm thơ ấu của Nekrasov, tràn ngập những hình ảnh về đời sống khó nhọc của những nông nô và những người kéo thuyền; qua sách, tôi được biết về thời thanh niên đầy thiếu thốn của nhà thơ tại Petersburg, về cuộc hội ngộ với Belinsky, khi nhà phê bình vĩ đại - sau khi đọc thi phẩm “Giữa đường” - đã ôm chầm lấy người thi sĩ và kêu lên, mắt đẫm lệ:
- Anh có biết anh là một thi sĩ, hơn nữa, một thi sĩ thực thụ, không?
Và tôi, trong khi sản xuất những vần thơ vụng về, ấu trĩ, đã mơ mộng đến ngày tôi cũng sẽ trở thành một Nekrasov, thậm chí, rằng sau này tôi cũng sẽ mua được áo lông và mũ lông y hệt như của ông. Về sau, cố nhiên tôi ngộ ra rằng điều này là không thể được, ngay từ một lý do đơn giản là đã có một Nekrasov và không thể có thêm một Nekrasov nữa…
Năm 17 tuổi, tôi rời làng quê nơi tôi đã chào đời và chỉ 3 năm sau, tôi mới từ thành phố về thăm nhà một chút. Trong khoảng thời gian đó, tập thơ Nekrasov cũng bị cũ nát vì dùng nhiều; tôi lo nó hỏng nên quyết định sẽ mang nó theo người.
Một chàng trai hàng xóm đánh xe đưa tôi ra ga. Giữa đường, chúng tôi quá mải trò chuyện và thiếu chút nữa là tôi bị nhỡ tàu. Vừa mua vé xong, tôi đã chạy bán sống bán chết đến toa tàu và đúng vào khoảng khắc đó, chiếc va-li nhỏ của tôi bật mở nắp, đồ đạc của tôi bay tứ tung. Tàu đã sắp khởi hành. Trong khi anh bạn tôi vơ nhặt đồ đạc cho tôi, tôi vội lượm từng trang thơ tả tơi, tôi đã nhặt đến tờ cuối cùng rồi vội vã đóng va-li; tàu đã chuyển bánh khi tôi nhảy lên bậc thang.
Từ bữa đó, thoạt đầu, cuốn sách đã đưa tôi từ thành phố này qua thành phố khác cùng những cuốn khác trong cái kho tàng sách để vừa chiếc giỏ đựng quần áo của tôi. Giờ đây, nó nằm trong tủ sách của tôi, cùng các tác phẩm - trong các kỳ xuất bản khác - của Nekrasov.
Một cảm giác đặc biệt gắn bó tôi với cuốn sách: kỷ niệm ngôi nhà ở vùng quê, khi lần đầu tiên tôi cảm nhận được những dòng thơ của nhà thơ lớn, đã làm chấn động tâm hồn tôi. Ai biết, có lẽ nhờ ấn tượng này mà tôi đã có được niềm hạnh phúc chính yếu của đời tôi, niềm hạnh phúc khi tôi được phục vụ - bằng sức mọn của tôi - sự nghiệp thiêng liêng của nền văn học Xô-viết.
Đó là cuốn sách mà tôi gìn giữ nhất và quí báu nhất.
(1946)
Ghi chú:
Nicolai Nekrasov (1821-1878) và Aleksandr Tvardovsky (1910-1971) là hai tên tuổi lớn của nền văn học Nga - Liên Xô. Tuy nhiên, điều đáng để ý là chính Joseph Brodsky lại có ý kiến rất “tiêu cực” về hai nhà thơ Nga nổi tiếng này. Sau khi nhận giải Nobel Văn chương 1987, trong một cuộc trò chuyện với Tomas Venstlova, khi được hỏi về nhận xét đối với các văn, thi sĩ quen biết của nước Nga, Brodsky đã đáp như sau:
- Hỏi: Còn Tvardovsky?
- Đáp: Không bao giờ tôi ưa thích đặc biệt Tvardovsky; xin lỗi, tôi không thể làm khác, tôi thấy thơ của ông luôn luôn buồn tẻ. Mặc dù nó muôn màu muôn vẻ, có nội dung và mọi thứ đẹp khác… Klyuyev đã khá hơn rồi.
- Hỏi: Thế ư? Còn những thi sĩ bình dân thế kỷ XIX? Nekrasov?
- Đáp: Không, tôi không thích Nekrasov. Không bao giờ. Nói thế nào nhỉ, đây là bằng chứng muộn mằn cho sức khỏe tinh thần của tôi. Ngoại trừ bài “Nhà vua bắng giá có cặp mũi đỏ”.
- Hỏi: Akhmatova thích nhiều bài thơ của ông ấy…
- Đáp: Tôi cho rằng Akhmatova cũng ưa “Nhà vua băng giá có cặp mũi đỏ” nhất. Tuy nhiên, Nekrasov có một đặc điểm vô cùng khác thường mà không hiểu sao vẫn chưa được ai đả động đến: sự bệnh hoạn của ông. Nekrasov là một người vô cùng bệnh tật. Chưa từng có ai như thế trong nền văn học Nga. Những xác chết cứng đờ thường xuyên…
- Hỏi: Một thứ Beckett của Nga…
- Đáp: Không, không như Beckett. Một thứ guignol (*) kinh khủng của Nga. Và điều đó thật thú vị. Nhưng cũng chỉ đôi chút thôi vì rốt cục thơ ca không cần phải như thế. Tóm lại, không tồn tại một thứ triển vọng tinh thần nào ở con người Nekrasov. Không có trên phương diện thi pháp, không có trên phương diện mỹ học và không có cả trên phương diện nội dung. Nếu có, chỉ có thể là sản phẩm phụ của những công cụ mà ông đã sử dụng, trái với ý muốn của ông.
- Hỏi: Và những nhà thơ bình dân khác?
- Đáp: Tôi thử đọc thơ Koltsov nhưng ông không có tác động gì đến tôi. Đại loại như Tvardovsky. Tôi thấy khó khi nhận xét bởi tôi thờ ơ như nhau đối với cả hai người, mặc dù người thứ hai - trong một chừng mực nào đó - là người cùng thời với tôi. Nghĩa là tôi hiểu vai trò đại chúng của Tvardovsky, nhưng đối với tôi tất cả đều vô cùng buồn tẻ, dù tôi không muốn bác bỏ tính xác thực của những cảm giác của ông. Nhưng thi ca, đáng tiếc, không chỉ là sự xác thực của những cảm giác mà còn là kiến thức nghề nghiệp nữa. Thuần túy về mặt kỹ thuật, Tvardovsky là nhà thơ lão luyện. Nhưng cũng có thể nói nói điều đó về Smelyakov: trong phương diện này, ông còn vượt cả Tvardovsky.
- Hỏi: Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn giữa Smelyakov và Tvardovsky, chắc chắn anh sẽ chọn Tvardovsky?
- Đáp: Tôi để ra một bên cả hai cuốn sách. Đáng tiếc. Cái nhánh này của nền thi ca Nga không mấy thú vị đối với tôi. Với tôi, Baratinsky là hay, Vyasemsky là đặc sắc, kể cả những gì phát triển từ họ. Nói chung, toàn bộ nền thi ca Nga cho đến thời Lermantov, kể cả ông, đều đặc sắc. Sau Lermantov, tất cả trở nên hơi tẻ nhạt.
(trích “Nỗi hoài nhớ cố hương có khi nào?”, 16-2-1988)
(*) Một hình tượng được ưa chuộng của ngành múa rối Pháp.
Aleksandr Tvardovsky, H.Linh dịch và chú giải
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn