HỒI ỨC CỦA NHÀ VĂN VASILY AKSYONOV (1)

Thứ ba - 27/03/2007 13:20

(NCTG) Lời giới thiệu: Là con trai của Yevgenia Ginzburg, một phụ nữ nổi tiếng đấu tranh cho nhân quyền ở Liên Xô, Vasily Aksyonov thuộc hàng những nhà văn Nga xuất sắc. Sinh năm 1932, cùng hai thi sĩ Voznesensky và Evtushenko, ông là tên tuổi đáng kể nhất thuộc thế hệ “làn sóng mới” của văn giới Xô-viết vào đầu thập niên 60.

Khi còn ở Liên Xô, Aksyonov từng là tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn mang tính phản kháng. Năm 1979, ông tham gia ban tuyển chọn và ấn hành cuốn niên giám đối lập nổi tiếng “Metropol”, mà mục đích chính là trả lời cho câu hỏi nhức nhối của giới trí thức và xã hội Xô-viết: “Có thể chấp nhận một thỏa hiệp văn hóa hay không? Có thể sửa đổi tình trạng chung hay không? Có thể tiếp máu cho một thây ma đã thối rữa hay không?” (1)

Sau sự kiện đó, Aksyonov thường xuyên bị cảnh sát và cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô sách nhiễu. Để phản đối, ông tự nguyện ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô và năm 1980, nhà văn cho in ở Hoa Kỳ  tiểu thuyết “Vết bỏng”, được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về chủ nghĩa Stalin.

Bị tước quốc tịch Xô-viết và buộc phải rời quê hương, Aksyonov định cư và sinh sống ở Washington (Mỹ), ông sáng tác nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Nga và tiếng Anh tại các nhà xuất bản phương Tây. Trong thời kỳ “cải tổ” ở Liên Xô, những tác phẩm của Aksyonov dần dần được đăng tải trên báo chí Nga. Ông được tái nhận quốc tịch Nga năm 1990 và là giáo sư Đại học George Mason University (Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ) cho đến năm 2003. Năm 2004, Aksyonov được Giải thưởng Sách của Nga.

Hồi ức đặc sắc sau đây của Aksyonov, đăng trên tạp chí Nga ngữ “Literaturny Kuryer” (xuất bản ở Mỹ) số 9, 10, 12 năm 1985-1987, thuật lại một sự kiện “khét tiếng” trong làng văn nghệ Liên Xô thời Khrushchev. Qua đó, chúng ta có thể thấy phần nào mối quan hệ đầy tính quyền uy và áp đảo của chính trị với văn nghệ ở Liên bang Xô-viết (cũ).

Các chú thích trong bài là của người dịch.

*

MÙA ĐÔNG KINH HOÀNG CỦA CHÚNG TÔI, HAY LÀ CHUYỆN NHÀ MÁC-XÍT KHRUSHCHEV ĐÃ DẠY DỖ CÁC VĂN SĨ THEO CHÂN LÝ “ĐẢNG TÍNH” NHƯ THẾ NÀO?

Trong tòa nhà khổng lồ Manezh, quần ngựa thời Nga hoàng xưa, người ta tổ chức cuộc triển lãm những thành tựu hội họa, đồ họa và điêu khắc của nền nghệ thuật Xô-viết. Tất cả [các tác phẩm] đều “trong sạch” và “chân chính” đến mức cao nhất: [đó là một thứ] trường phái Xô-viết và hiện thực xã hội chủ nghĩa vô khuẩn; Cézanne [nếu muốn tham gia] chắc hẳn cũng bị cấm cửa, nói chi đến phái trừu tượng!

Rồi tất cả thay đổi trong giây lát. Những kẻ nô bộc phóng tít mù khắp Moscow. Một tin chấn động lan truyền tới mọi gác xép và mọi tầng hầm của những nghệ sĩ tiền tiến: người ta mời họ đến Manezh dự triển lãm! Và họ tin ư? Thử hỏi làm sao không tin được: thời đại mới đang hửng sáng với chúng tôi, tự do, dân chủ, tìm tòi nghệ thuật! Ngay những kẻ vốn hay nghi hoặc cũng tin, ngay Ernest Neizhvestny - thủ lĩnh phe “hiện đại” ở Moscow, một chàng trai bản tính hoài nghi và cứng cỏi - cũng tin, thậm chí, anh còn đem những tác phẩm của mình đến Manezh trưng bày.

Hôm sau, chúng tôi mới vỡ ra rằng tất cả chỉ là một âm mưu khiêu khích được dàn dựng kỹ lưỡng, nhằm kích động Khrushchev, khiến nhà lãnh đạo phe hòa bình và tiến bộ trút nỗi tức giận lên đầu lớp nghệ sĩ trẻ hỗn xược và cho họ một bài học. Trò hề này được bày đặt ra trong Hội Nghệ thuật Tạo hình bởi những tên xta-lin-nít cổ hủ theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, những kẻ liếm gót giày như Serov, Yakobson và Gerasimov, sau họ là Ilychev vô liêm sỉ và Lebedev tráo trở.

Nhóm Bilyutin được lựa chọn làm tấm vải đỏ cho chú bò tót mác-xít phát khùng. Trong nhóm này, có vô số nghệ sĩ trẻ học hỏi dưới sự chỉ dẫn của Bilyutin, một nhà sư phạm nổi danh. Đó là một tập thể vui tươi yêu đời và tràn trề sự sống, họ phấn khởi vì những gì họ làm được. Thêm vào đó, họ còn thử nghiệm cả hội họa trừu tượng. Rất tiếc tôi không được gặp Bilyutin, nhưng tôi có vài bạn bè quen biết trong đám nghệ sĩ đến học ông, thành thử có thể hình dung được: quả thực, một tinh thần tuyệt diệu ngự trị trong nhà trường ấy và Bilyutin không đơn thuần là thầy giáo, ông còn là một thứ thủ lĩnh tinh thần và thẩm mỹ của nhóm, ngày nay ta thường gọi là “guru”. Một cựu thành viên của nhóm kể lại: mỗi khi hè đến, họ lại thuê cả một con thuyền và đi thực tập “plein-air” trên dòng Volga. “Chúng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái - anh bạn tôi nói -, và học hỏi được rất nhiều trong những dịp “viễn du” như thế“. Thử hỏi những chàng trai ấy cản đường ai? Những tâm hồn nghệ sĩ ngoan đạo này chẳng quấy rầy ai. Nhưng ở Liên Xô, họ làm ai đó vô cùng khó chịu, khiến anh ta phát khùng và lên cơn kinh giật, thậm chí còn sốt phát ban nữa.

Lũ nô bộc cũng đem giấy mời dự triển lãm cho các thành viên của nhóm Bilyutin. Thậm chí, họ còn được khuyến khích cứ chọn những tác phẩm bạo dạn, khúc khuỷu vào! Các chàng trai cũng rất cố gắng… Họ phải vội vã, làm sao khác được, chỉ có một đêm để thu xếp mọi thứ thôi!

Thế là sáng hôm sau, cánh cửa bật mở và một đám đông niềm nở bước vào: toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị, tức Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, dẫn đầu là Nikita Sergeyevich Khrushchev, lãnh tụ hệ thống mác-xít toàn thế giới.

Liếc thấy các bức ảnh trừu tượng, Khrushchev lập tức rống lên: “Lũ đồng cô!” Tôi không dám chắc là ông hiểu nghĩa thực của từ này, đối với ông nó chỉ như một câu văng tục trắng trợn. Độc giả có thể tưởng tượng các chàng trai và các cô gái của Bilyutin bối rối chừng nào khi bị bao bọc bởi những vị lãnh đạo được “cả nước yêu thương”, những kẻ được trọng thưởng, cười hô hố nhạo báng với hàng xếp huân chương, huy chương trên ngực cùng đội ngũ bảo vệ vây xung quanh.

Sau khi nổi xung với các thành viên nhóm Bilyutin, Khrushchev quay ra tấn công cả những bậc thầy khá ôn hòa, thậm chí đã “thành danh”, như Birgernek, Vasnetsov (cháu của nhà danh họa vĩ đại Vasnetsov), Nirkonov và Andronov. Còn lúc ngắm bức họa “Akt” của Falk, vẽ một thiếu phụ lộng lẫy trong sắc màu xanh lá cây, ông đặt câu hỏi mỹ từ cho các bạn chiến đấu của mình: “Thử hỏi ai dám ngủ với một người đàn bà xanh rờn như thế? Các đồng chí thử nói xem, ai dám ăn nằm với cô ta?” Và các bạn chiến đấu của ông - Kirilenko, Suslov, Podgorniy, Kozlov, Brezhnev, Pelse, Ilychev cùng những kẻ khác - đồng thanh đáp, giọng sang sảng: “Không, thưa Nikita Sergeyevich, chẳng ai dám ăn nằm với ngữ ấy đâu!

Sự kiện bi thảm nhất của chiến dịch lịch sử trong điện Manezh là cuộc đụng độ giữa vị thủ lĩnh và nhà điêu khắc Ernest Neizvestny. Khrushchev lại hò hét “lũ đồng cô!” khi coi vài tác phẩm siêu thực của nhà điêu khắc. Cự lại, Ernest tuyên bố anh không thuộc hạng người ấy. Rồi anh tìm cách giảng giải vài nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật hiện đại cho Khrushchev hiểu. Nhưng ông ta chẳng thèm để ý và chỉ gào rống. Khi ấy, nhà điêu khắc bảo ông: “Đồng chí đừng tru tréo lên với tôi!” Một bầu không khí im ắng chết chóc bao phủ căn phòng. Shelepin, bộ trưởng Nội vụ đương thời, người được cả Moscow gọi bằng cái tên “Suric nắm đấm sắt” (mặc dù, thay vì “sắt”, tính cách “rẻ rách” chế ngự hơn trong con người ông ta), lặng lẽ tiến đến gần. Ông ta phun phì phì vào tai nhà điêu khắc bằng cái giọng khe khẽ, nhưng vẫn nghe được: “Sao mày dám nói như thế với thủ tướng? Rồi tao sẽ cho mày thối rữa trong mỏ u-ran!

Thử coi, hình phạt kinh khủng nhất của ông ta là gì?

Và khi đó, đã diễn ra hành động anh dũng nhất của thế hệ “chiến sĩ tiền tuyến” kiểu Neizvestniy. Trước mặt mọi người, nhà điêu khắc quật vào gã trưởng sen đầm của quốc gia: “Mời ông ra khỏi đây và đừng quấy rầy khi tôi trò chuyện với thủ tướng!

Ai nấy hóa đá, nhưng “thủ tướng” hé một nụ cười ám muội trên môi, ở đó chắc chắn bao hàm chút cảm phục trước nhà điêu khắc táo tợn. Có vẻ như chính Nikita cũng không thể “châm chích” tay “Suric nắm đấm sắt” này được mấy…

Rồi sau đó, cái thời kỳ căn bản là vui vẻ này tiếp tục trôi đi, mặc dù đôi lúc báo chí vẫn đăng tải những bài vở mang hơi hướng khủng bố, nhằm chống lại ảnh hưởng tư sản trong nghệ thuật tạo hình. Chính nhờ đó, đời sống vô độ của các tầng hầm và các gác xép Moscow còn thú vị và hấp dẫn hơn: người ta có “mốt” đi từ xưởng vẽ này sang xưởng vẽ khác, các cuộc hội họp triển lãm tranh những nghệ sĩ bị hắt hủi được tổ chức, ai nấy đọc thơ và nốc vốt-ca.

Ôi, hương vị tus và gouache,
Ôi, hương vị những xưởng vẽ

Yevtushenko từng viết như thế trong một bài thơ đương thời của anh.

(1) Coi tờ “Russkaya Mysl” (Tư tưởng Nga, ngày 14-8-1980).

Xem tiếp Phần 2 của hồi tưởng.

H.Linh dịch và chú giải theo bản tiếng Hung


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn