NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (8)

Thứ ba - 12/02/2008 11:38

(NCTG) "Không có gì bất ngờ khi tiểu thuyết "Những ngọn nến cháy tàn", ấn hành năm 1942, của Márai Sándor được độc giả lựa chọn là Cuốn sách Vĩ đại, vì tác phẩm đang làm sống lại thời kỳ hoàng kim của văn học Hung này đã lao vào đời sống văn học thế giới nhờ các bản dịch tiếng An và Đức tại Hội chợ sách Frankfurt 1999" (Benedek Anna)

7.

Con người ta bao giờ cũng biết sự thật, cái sự thật khác mà vai diễn, các đồ hóa trang, những tình huống của đời sống che đậy. Hai chàng trai cùng trưởng thành, cùng tuyên thệ, cùng sống những năm ở thành Viên, vì ông vệ binh đã lo liệu cho con trai và Konrád được phục vụ gần Hoàng Thành trong những năm đầu cuộc đời binh nghiệp. Họ thuê nhà ở trong một căn hộ trên gác hai của một ngôi nhà hẹp, đầu hồi sơn màu xám, nằm kề khu vườn Schönbrunn. Cửa sổ căn hộ nhìn ra một khu vườn hẹp, sâu hút, trồng kín cây bồ quân. Họ có ba phòng trong căn hộ của bà quả phụ nặng tai, chồng bà trước là bác sĩ trung đoàn. Konrád thuê đàn dương cầm, nhưng ít khi thấy anh chơi, cứ như anh sợ âm nhạc. Họ sống ở đây như hai anh em, ông vệ binh thỉnh thoảng vẫn băn khoăn cảm thấy hình như bạn con mình có bí mật gì.

Konrád là một „kiểu người khác”, và không thể tiếp cận bí mật của anh ta bằng những câu hỏi. Anh luôn bình thản. Không bao giờ tranh cãi. Anh sống, thực thi nhiệm vụ, tiếp xúc với đồng sự, đi lại ngoài xã hội như thể cuộc đời binh nghiệp không bao giờ kết thúc, như thể cuộc sống chỉ là bản điều luật và ca trực duy nhất xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Họ là những sĩ quan trẻ, và con trai người vệ binh đôi khi lo lắng nhận thấy Konrád sống như một tu sĩ. Như không phải anh đang sống trong thế giới này. Như thể vừa hết những giờ công vụ này lại bắt đầu những công cụ khác, phức tạp hơn, nhiều trọng trách hơn, như đối với một tu sĩ trẻ không chỉ sự cầu nguyện và những nghi lễ ngoan đạo, mà cả nỗi cô đơn, cả tri giác, cả những giấc mơ cũng mang ý nghĩa tu hành. Anh sợ âm nhạc, thứ âm nhạc mà anh có mối liên quan đầy trắc ẩn, không chỉ bằng tri giác, mà bằng cả thể xác anh, như thể ý nghĩa sâu xa của âm nhạc là một mệnh lệnh tai hại hất anh ra khỏi sự nghiệp, làm cho sự nghiệp ấy giữa đường đứt gánh. Buổi sáng họ cùng đi ngựa trong công viên Práter, hoặc trong phòng tập cưỡi ngựa của trường, rồi Konrád đi làm nhiệm vụ, xong anh về căn hộ ở Hietzing, thỉnh thoảng có khi hàng tuần anh không ra khỏi nhà vào buổi tối. Trong ngôi nhà cũ người ta còn thắp sáng bằng đèn dầu hoặc nến; con trai người vệ binh hầu như tối nào cũng từ vũ hội hay từ chỗ đám bạn bè ra về sau nửa đêm, và từ ngoài đường phố, trong chiếc xe thuê, cậu đã nhìn thấy trên cửa sổ căn phòng bạn mình thứ ánh sáng yếu ớt, nhút nhát, như trách móc cậu. Cái cửa sổ sáng đèn là một tín hiệu lên án. Con trai người vệ binh dúi cho người xà ích một đồng xu, lặng lẽ dừng lại trên phố, trước chiếc cổng cũ kỹ, bỏ găng tay tìm chìa khóa cổng, chàng cảm thấy như tối nay mình lại mắc lỗi với bạn mình thêm một lần. Chàng hay đến những tiệm ăn, vũ trường, những phòng trà trong nội đô, nơi người ta chơi thứ nhạc mà bạn chàng không thích. Người ta chơi nhạc cho cuộc đời thoải mái hơn, sang trọng hơn, cho mắt các nàng long lanh sáng, cho lòng kiêu hãnh của đàn ông bật ra những tia lửa. Thứ âm nhạc mà Konrád yêu thích không mang đến sự quên lãng, mà đánh thức những đam mê, cảm thức tội lỗi trong con người, nó muốn cuộc sống trong trái tim và trong tri giác con người trở nên hiện thực hơn. Thứ âm nhạc như thế thật đáng sợ, chàng nghĩ và bắt đầu huýt sáo nhè nhẹ một điệu van-xơ với vẻ bất cần. Vào năm đó, ở thành Viên, đâu đâu cũng thấy người ta huýt sáo những bài van-xơ đang thịnh hành của nhà soạn nhạc trẻ Strauss (1). Chàng đã tìm thấy chìa khóa, hai cánh cổng hàng trăm năm tuổi nặng nề, chậm chạp mở ra, chàng đi dọc theo cái cầu thang mái vòm hôi hám, được chiếu sáng bằng những ngọn đèn dầu lờ mờ, vào đến khoảng rộng dưới tầng trệt, chàng dừng lại nhìn ra khu vườn tuyết phủ trắng trải dưới ánh trăng, trông như người ta dùng phấn vẽ các đường viền đen vị trí của đồ vật và cây cối. Mọi thứ toát lên vẻ thanh bình. Thành Viên đã ngủ yên, và tuyết vẫn đang rơi. Hoàng đế chắc cũng đã ngủ trong Hoàng Thành Burg, và năm mươi triệu thần dân cũng đang yên ngủ trong vương quốc của ngài. Con trai người vệ binh thấy mình cũng liên quan tới sự bình yên này, anh cũng là một trong những người canh giữ sự bình yên và giấc mơ của Hoàng Đế và năm chục triệu con người, ngay cả khi anh chẳng làm một việc gì, chỉ mang binh phục với niềm kiêu hãnh, tối tối đi vũ hội, nghe những điệu van-xơ, uống rượu vang đỏ Pháp, nói những điều mà các bà mệnh phụ và các đức ông muốn được nghe. Chàng cảm thấy mình có nghĩa vụ tòng phục những mệnh lệnh thành văn hay bất thành văn cực kỳ quyền năng, và sự tòng phục ấy ở trong doanh trại hay trên bãi tập đều là sự phục vụ. Sự yên bình của năm chục triệu con người bồi đắp lên từ những cảm thức như thế: Hoàng đế chỉ đi nghỉ lúc trước nửa đêm, và năm giờ sáng ngài đã dậy ngồi bên ánh nến, trên chiếc ghế Hoa Kỳ đan bằng sậy trước bàn viết của ngài, và những người đã thề sẽ trung thành với Hoàng đế, đều tòng phục những tập tục và luật pháp. Hiển nhiên sự tòng phục còn sâu nặng hơn những gì luật pháp đòi hỏi. Con người ta đã mang sẵn trong tim mình ý thức tòng phục, đó là điều hệ trọng nhất. Ta phải tin tưởng rằng mọi thứ đã được đặt đúng chỗ. Năm ấy họ ở tuổi hai mươi hai, con trai người vệ binh và bạn của chàng.

Họ là những sĩ quan trẻ sống giữa thành Viên. Con trai người vệ binh bước lên những bậc thang mục nát, khẽ huýt sáo mồm một điệu van-xơ. Trong căn nhà này mọi thứ đều có mùi cũ nát, những phòng ở, bậc cầu thang..., nhưng cũng có mùi thơm như hương vị ngọt ngào của những lọ mứt hoa quả lan tỏa trong những căn phòng. Mùa đông năm ấy, khắp thành Viên rộ lên vũ hội hóa trang, hệt một thứ dịch lây lan nhẹ nhàng và dễ chịu. Tối nào dân chúng cũng nhảy múa bên ánh sáng dập dờn của những ngọn lửa đốt bằng khí ga, trong những gian phòng màu trắng và màu hoàng kim. Tuyết rơi nhiều, những cỗ xe ngựa chở các cặp tình nhân lướt đi lặng lẽ. Cả thành Viên nhảy múa dưới làn tuyết đang rơi, con trai người vệ binh sáng nào cũng tới sân quần ngựa, xem những kỵ sĩ Tây Ban Nha, những chú ngựa Lipica luyện tập. Có một khí chất nào đó tồn sinh trong cơ thể những kỵ sĩ và những con tuấn mã, một vẻ quý phái và thuần khiết, một vẻ sảng khoái và nhạy cảm nhịp điệu đến tội lỗi, như trong tri giác của tất cả những linh hồn thông thái và những thể xác cao quý. Rồi chàng đi dạo, vì cảm thấy rất trẻ trung. Chàng dừng bước trước những cửa hiệu trong khu trung tâm, trên đảo khỉ; và những người đánh xe song mã, những người bồi bàn nhận ra chàng vì chàng giống cha. Đây là một đại gia đình, thành Viên đây, Vương quốc này, người Hung, người Đức, người Morava, người Tiệp, người Rac (2), người Croatia, người Ý, tất cả đều ngầm hiểu: chỉ có Hoàng đế mới duy trì được sự ổn định giữa những khát vọng, những hằn học, những khuynh hướng phiêu lưu trong cái đại gia đình ấy. Hoàng đế, ngài cùng lúc vừa là thiếu tá tòng ngũ và cũng là đấng quân vương, vừa là một công chức áo vải và là một đức ông, vừa là thường dân vừa là thống soái. Thành Viên hồ hởi và phấn chấn. Trong những tửu quán cửa vòm cổ lỗ ở nội đô chảy tràn loại bia ngon nhất thế gian, và buổi trưa khi chuông nhà thờ ngân lên, mùi xúp thịt bò đã thơm lừng thành phố, có một cái gì gần gũi thân thuộc trên phố xá và trong lòng người, như thể sự bình yên nhân thế là vĩnh cửu. Phụ nữ đeo bao tay lông thú đen, đầu đội mũ lông chim, trong mưa tuyết, mắt mũi sáng lên sau tấm che mặt mỏng. Bốn giờ chiều những ngọn đèn khí ga được thắp lên trong các quán cà-phê, các tướng lĩnh và công chức quây quanh những bàn họ thường ngồi, cà-phê sánh bọt được đưa tới, các cô gái mặt ửng hồng ngồi nép sâu trong các thùng xe vội vã tìm đến những căn hộ đàn ông chưa vợ, vì đang kỳ hội hóa trang, ái tình nổi loạn và vây bủa thành phố, chẳng khác gì những điệp viên của một âm mưu lớn - bủa lưới mọi giai tầng xã hội - đang kích động và quấy nhiễu những tâm hồn. Trước giờ mở cửa nhà hát, những người say mê thứ rượu vang bốc lửa lẳng lặng tụ họp dưới căn hầm lớn của tòa lâu đài nhà công tước Eszterházy (3), ngoài khách sạn Sacher bàn tiệc dành riêng cho các đại công tước đã được bày sẵn, các đức ông Ba Lan phấp phỏng và buồn não ngồi uống rượu mạnh trong hầm rượu ngột ngạt khói thuốc gần thánh đường Thánh István, vì xứ Ba Lan đang bất hạnh. Ngoài chuyện đó ra, hình như mùa đông năm ấy ở thành Viên, có những khoảnh khắc mọi người đều hạnh phúc. Con trai người vệ binh nghĩ đến đó, chàng khẽ huýt sáo và mỉm cười. Vào tới phòng ngoài, chàng thấy hơi ấm tỏa ra từ chiếc lò sưởi ốp gạch men như cái bắt tay của một người thân. Trong thành phố rộng lớn này, mọi thứ và mọi người đều ở đúng vị trí: các đại công tước cũng có chút dân dã, ngay những người quản gia cũng ngấm ngầm tận hưởng và gìn giữ một thứ bậc nào đó... Người đầy tớ đứng bật dậy khỏi lò sưởi, đỡ áo khoác, mũ chào mào, găng tay cho chủ, tay kia đã nhấc chai vang đỏ của Pháp xuống từ giá đặt trên chiếc lò sưởi gốm màu trắng. Mỗi tối trước khi đi nằm chàng thường nhâm nhi một cốc, như muốn tạm biệt những kỷ niệm nhẹ nhàng của ban ngày và buổi tối bằng ngôn ngữ thâm trầm của rượu, loại vang đỏ xứ Burgundi.

Người đầy tớ bưng chai vang theo chàng vào phòng Konrád trên một chiếc khay bạc.

(1) Có lẽ ở đây tác giả muốn nói đến Oscar Nathan Strauss (1870-1954), nhạc sĩ người Áo, từng là nhạc trưởng các nhà hát Viên và Berlin, tác giả nhiều điệu van-xơ nổi tiếng, sau năm 1938 sang Paris rồi sang Hoa Kỳ. Còn hai nhạs sĩ Johann Strauss „cha” (1804-1849) khi đó đã mất, và Johann Strauss „con” (1825-1899) thì cuối thế kỷ 19, khi câu chuyện này xảy ra, đã không còn trẻ nữa.

(2) Một tộc người sống trên lãnh thổ Serbia ngày nay.

(3) Một gia đình đại quý tộc Hungary. Công tước Eszterházy (1715-1785) từng là tể tướng (nádor), người đứng thứ hai sau vua. Các đời sau dòng họ này cũng có nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống chính trị, xã hội Hungary tới cuối thế kỷ 19.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn