NGÀY XỬA NGÀY XƯA (2)

Thứ tư - 30/01/2008 23:59

(NCTG) Trong Chương 1 của cuốn sách, tác giả Hoàng Đình Long đã điểm qua về nguồn gốc người Việt (theo sách sử và huyền sử), từ thời Thần Nông đến vua Hung cuối cùng – Hùng Duệ Vương -, khi nước Văn Lang rơi vào tay Thục Phán (người Tây Thục).

Sơ đồ thành Cổ Loa

Chương 2

Vua Thục Phán làm chủ nước Văn Lang
Cổ Loa thành - kinh đô nước Âu Lạc

Thục Phán đem đại quân về đóng ở Cổ Loa.

Ngài xưng vương, gọi là An Dương Vương.

Vương lấy quốc hiệu là Âu Lạc.

Khi đó Thục Phán mới 22 tuổi.

Đó là năm 229 TCN.

Tuy nhiên, Thục Phán vẫn tự coi mình là dòng dõi các vua Hùng, rất chu toàn việc thờ phụng tiên tổ ở cả Phong Châu và Cổ Loa.

*

Thành Cổ Loa được xây dựng trên một khu đất cao ở tả ngạn sông Hoàng Giang.

Vì thành có hình dáng xoắn xuýt như vỏ ốc nên gọi là Loa Thành.

Thành có ba vòng thành lồng vào nhau, chu vi tổng cộng khoảng 16 cây số.

Ngoài cùng gọi là thành ngoại (kinh thành) với chu vi tường thành dài 9 cây số, nương theo những con sông tự nhiên và sông đào để tăng cường thêm khả năng phòng thủ của các pháo đài.

Tường thành cao khoảng 4 mét, chân thành rộng tới 15-20 mét.

Vòng thành này có bốn cổng chính là cổng Bắc, cổng Đông, cổng Nam và cổng Tây - Nam. Ngay dưới chân tường thành là trại quân cấm vệ gồm đủ cả tượng binh, bộ binh và thủy binh.

Phía ngoài thành ngoại có các hỏa hồi làm nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ.

Vòng thành tiếp theo là thành trung (hoàng thành).

Thành trung được đắp bằng đất sét, ngoài ốp gạch, chu vi vòng thành gần 6 cây số.

Bề mặt tường thành rộng gần mười thước, lính bộ binh có thể đi ngựa tuần phòng trên mặt thành.

Trên mặt thành còn bố trí rất nhiều hỏa điểm, là nơi quân xạ kích được trang bị cung cứng, nỏ có thể bắn một lúc hàng trăm mũi tên; luôn sẵn sàng tác chiến.

Mũi tên đồng được tìm thấy tại thành Cổ Loa

Vòng thành này có các cổng Chính Bắc, Chính Nam, Tây - Bắc, Tây - Nam. Phía Đông không bố trí cổng thành mà chỉ có một cầu cảng phục vụ cho một thủy trại với hàng trăm chiến thuyền lớn nhỏ.

Vòng thành trong cùng là thành nội (cấm thành), có hình gần với hình vuông, mỗi cạnh khoảng 400 thước. Đây là nơi An Dương Vương thiết triều đại lễ.

Ở đây cũng có nơi ăn nghỉ và làm việc của vương và hoàng gia.

Xung quanh thành nội là hào nước bao bọc với những ao sen, ao muống xanh mướt.

Vòng thành này chỉ có một cổng chính ở phía Nam.

Với một thiết kế rất hài hòa, Cổ Loa thành trở thành một pháo đài phòng thủ kiên cố và cũng là một trung tâm chính trị, văn hóa lớn thời bấy giờ.

*

Ngược lên phương Bắc, cùng thời gian đó Tần Doanh Chính vừa đánh bại nước chư hầu cuối cùng là nước Sở, nhất thống thiên hạ, lập ra nhà Tần.

Vua Tần (Tần Thủy Hoàng) bắt đầu nhòm ngó phương Nam. Ông lệnh cho quan quân gấp đào con sông Linh Cửu (ở Quảng Tây) làm thuỷ lộ chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Vua ta biết thế mình khó địch nổi Tần Vương nên cho người đi sứ sang xin thần phục. Vua Tần thuận cho, lại đổi nước ta thành Tượng Quận.

Nhưng nhà Tần tồn tại không được bao lâu thì tại Trung Hoa lại xảy nội chiến.

Một viên tướng nhà Tần ở phía Nam (vùng Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) là Triệu Đà (là phó tướng và là người kế tục tước vị của Nhâm Ngao) muốn xưng hùng xưng bá, liền ly khai chính quyền trung ương. Ông cùng con trai là Trọng Thủy, cũng là một võ tướng trẻ tuổi, tài cao, đem quân đi sâu xuống phương Nam. Từ đó hình thành thế cát cứ. Hai cha con lại đánh chiếm thêm Âu Lạc để mở rộng lãnh thổ.

Hoàng Đình Long - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn