NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (4)

Thứ bảy - 26/01/2008 20:10

(NCTG) „Với chiến thắng của cuốn tiểu thuyết hai trăm trang này, nền văn học thế kỷ hai mươi - mà chúng ta nghĩ rằng đã hoàn toàn cáo chung và yên bề - đã nhận được món quà muộn từ một bậc thày mới mà sau đây, chúng ta có thể đặt cùng hàng với Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil và những vị thánh xa xăm khác, như Thomas Mann và Franz Kafka. Bậc thày ấy là Márai Sándor” (đánh giá của "Die Zeit")

4.

Tòa lâu đài khép kín tất cả, như một hầm mộ lớn chạm khắc bằng đá mà trong đó mục ruỗng xương cốt của bao thế hệ, đồ khâm liệm bằng nỉ đen hay lụa xám của những người đàn ông và đàn bà ngày xưa tan rữa ra. Nó giữ kín cả sự yên tĩnh, như giữ một phạm nhân sùng đạo trong hầm ngục, đầy râu ria và tơi tả, trên đống rơm ẩm mốc và thối nát. Nó giam giữ cả những ký ức, ký ức về những người đã mất ẩn náu trong các xó xỉnh của các phòng, như các loài nấm, bụi bặm, các loài dơi, chuột, và gián trong những hầm nhà cũ kỹ ẩm thấp. Trên những tay nắm cửa còn như cảm thấy một bàn tay run rẩy, hơi ấm của một thời khắc cũ, khi bàn tay ngại ngùng ấn nhẹ lên then cửa. Tất cả các ngôi nhà, nơi niềm đam mê của con người đã đến tột đỉnh, đều đầy ắp những chuyện mờ ảo như thế.

Ông tướng ngắm bức chân dung mẹ. Ông nhớ từng nét trên gương mặt thon dài của bà. Đôi mắt buồn hờ hững nhìn cuộc đời như khinh thị, những người đàn bà thời xưa thường bước lên đoạn đầu đài với cái nhìn như thế, vừa khinh bỉ cả những người mà vì thế họ đã hy sinh, cả những kẻ hành quyết họ. Gia đình mẹ ông có một biệt thự ở Bretagne, trên bờ biển.

Khoảng tám tuổi, cậu được đưa đến đây vào mùa hè. Khi đó đã đi bằng xe hỏa, rất chậm chạp. Trong túi đựng hành lý là những đồ đạc gói trong các túi vải thêu đánh dấu bằng những chữ cái đầu tên của mẹ. Paris trời mưa. Cậu bé ngồi lọt thỏm trong thùng xe bọc vải lụa xanh, nhìn thành phố qua cửa kính mờ, phố xá bóng nhẫy như một con cá béo bụng. Cậu thấy những mái nhà dốc, những ống khói cao, xám xịt vút nghiêng trên nền trời u ám và ẩm ướt, như chúng muốn hét lên với thế gian điều gì đó về bí mật của những thân phận hoàn toàn khác và không thể hiểu nổi. Những người phụ nữ vừa cười vừa đi trong mưa, một tay nâng váy, răng trắng như làn mưa, cái thành phố xa lạ, những lời đối thoại bằng tiếng Pháp, lẽ ra tất cả có thể trở thành một cái gì đó vui vẻ, dễ chịu, có điều thằng bé chưa thể hiểu nổi điều đó. Cậu mới tám tuổi, cậu ngồi yên bên cạnh mẹ trong thùng xe, đối diện với người hầu gái và gia sư, cậu cảm thấy mình có sứ mạng. Ai cũng để ý đến cậu, đứa bé hoang dã, đến từ đẩu từ đâu, từ nơi có rừng và những con gấu. Cậu chú ý phát âm những từ tiếng Pháp, cẩn thận và lo ngại. Cậu biết giờ đây cậu phải nói nhân danh bố, tòa lâu đài, lũ chó, và những cánh rừng ở quê nhà. Một chiếc cổng mở ra, xe chạy vào một khoảng sân rộng, trước những bậc thang lớn những người hầu mặc áo đuôi tôm cúi chào. Tất cả đều có vẻ thiếu thân thiện. Cậu được dẫn đi qua những căn phòng, mọi thứ được bày biện quá ngăn nắp và nghiêm cẩn. Tại phòng lớn trên gác, bà ngoại người Pháp đón mẹ con cậu. Bà có đôi mắt xám, và có một hàng ria đen hơi mỏng, mái tóc bà vấn cao, trước đây có lẽ màu đỏ, giờ nâu đỏ lôm nhôm, như thời gian bỏ quên không gội. Bà thơm thằng bé, rồi hơi ngửa đầu cậu ra sau bằng đôi bàn tay xương xẩu trắng nhợt. „Toute de même” - bà bảo mẹ, mẹ cậu lo lắng đứng bên, như cậu đang trải qua kỳ sát hạch, như sắp sáng tỏ ra điều gì. Rồi họ mời trà hoa bồ đề. Tất cả bốc lên một thứ mùi rất khó chịu, cậu thấy buồn nôn. Gần nửa đêm thì cậu khóc và bắt đầu nôn. „Mang Nini đến đây!” - Nằm trên giường, cậu gào khóc trong nước mắt, mặt trắng bệch.

Hôm sau cậu sốt cao, mê sảng. Mấy ông bác sĩ dáng vẻ trịnh trọng đến, áo khoác đen dài tới gối, trên khuy giữa của áo gi-lê trắng có luồn dây đeo đồng hồ vàng, họ cúi xuống thằng bé, từ chòm râu và quần áo họ tỏa ra thứ mùi y hệt mùi từ những đồ đạc trong lâu đài, mùi từ mái tóc và từ miệng bà ngoại người Pháp. Cậu cảm thấy mình sẽ chết nếu thứ mùi ấy không bay biến đi. Đến cuối tuần, cơn sốt vẫn không giảm, mạch thằng bé gần như mất hẳn. Người ta đánh điện cho gọi Nini. Bốn hôm sau, người vú nuôi mới tới Paris. Người quản gia râu quai nón không nhận ra cô ngoài sân ga. Nini đi bộ về lâu đài, trong tay xách một chiếc túi đan. Cô đến như loài chim di cư, chẳng hề biết tiếng Pháp, không quen biết phố phường, cô không trả lời nổi: làm thế nào cô đã tìm được đến ngôi nhà, trong một thành phố xa lạ, nơi có thằng bé đang ốm. Cô bước vào phòng, nâng thằng bé đang hấp hối ra khỏi giường, nó đã hoàn toàn bất động, chỉ còn đôi mắt rực sáng; hai tay ôm chặt nó vào lòng, cô ngồi yên lặng ru thằng bé. Đến ngày thứ ba, người ta vẩy giọt nước thánh cuối cùng cho cậu bé. Buổi tối Nini bước ra khỏi phòng, nói với bà bá tước bằng tiếng Hung:

- Tôi nghĩ, cậu nhà sẽ qua khỏi.

Cô không khóc, chỉ thấy quá mệt mỏi vì đã sáu hôm không ngủ. Cô mang cái túi đan, quay vào phòng, lấy đồ ăn đem từ nhà sang, bắt đầu ăn. Sáu ngày cô đã níu giữ thằng bé bằng hơi thở của mình. Nữ bá tước quì trước cửa và cầu nguyện. Tất cả đều có mặt, bà ngoại, đám gia nhân, một cha cố trẻ, chàng mày xếch, mỗi giờ lại tới một lần. Những ông bác sĩ đến thưa dần. Người ta đưa Nini cùng tới Bretagne, bà ngoại người Pháp - sửng sốt và phật ý - ở lại Paris. Tất nhiên không ai nói ra, vì sao thằng bé lại ốm. Không nói ra, nhưng tất cả đều biết. Cậu bé cần tình thương, và khi những người xa lạ cúi xuống gần cậu, và thứ mùi không thể chịu nổi kia tỏa ra, cậu quyết định thà chết còn hơn. Ở Bretagne gió ù ù thổi, và thủy triều dâng lên giữa những tảng đá cũ kỹ. Những khối đá màu đỏ nằm nhô trên mặt nước. Nini bình thản, mỉm cười và ngắm biển, ngắm trời, cứ như cô đã thấy từ trước. Ở bốn góc ngôi biệt thự là những ngọn tháp cổ xây bằng đá thô, nơi xa xưa tổ tiên bà bá tước thường rình rập bọn cướp biển Surcouf. Cậu bé bắt nắng nhanh, cười luôn miệng. Giờ thì cậu không còn sợ nữa, cậu biết: với Nini chẳng có gì đáng sợ. Cả hai ngồi trên bãi biển, gió lật những đường viền trên váy áo màu xanh của Nini, tất cả đều có vị mặn, cả gió và những khóm hoa. Buổi sáng, khi nước triều rút hết, trong những khe đá màu đỏ còn sót lại những con nhện biển chân đầy lông, những chú cua bụng đỏ tía, những con sao biển màu tím, nhầy nhụa. Trên sân tòa lâu đài, một cây vả mấy trăm năm tuổi, như một nhà hiền triết Đông Phương, kể những tích truyện thật đơn giản. Dưới tán lá rậm, bóng mát ngọt ngào như có hương vị lan tỏa. Vào những giờ buổi trưa, khi biển gà gật ào lên từng chập, cậu bé ngồi bên cô bảo mẫu im lặng lắng nghe.

- Ta sẽ thành thi sĩ, - một lần cậu nói, mắt nhìn lên, đầu nghiêng sang một bên.

Cậu ngắm biển, những lọn tóc vàng lất phất bay trong làn gió ấm áp. Lim dim mắt, cậu dõi nhìn về phía biển xa.

Người vú nuôi kéo cậu bé vào lòng, ngực tỳ sát đầu cậu. Rồi bảo:

- Không! Cậu phải trở thành một người lính.

- Như bố ư? - Cậu bé lắc đầu. - Bố cũng là thi sĩ đấy, Nini không biết sao? Lúc nào bố cũng nghĩ tận đâu đâu.

- Đúng vậy, - người vú em đáp rồi thở dài. - Đừng ra nắng, cưng ơi. Sẽ đau đầu đấy.

Họ còn ngồi rất lâu dưới bóng cây vả. Cả hai cùng nghe tiếng rầm rì quen thuộc của biển. Cũng giống tiếng thầm thì của rừng ở quê nhà. Cậu bé và vú em đều cùng nghĩ, trên thế gian này mọi thứ đều gắn bó với nhau.

(1) Bretagne: một bán đảo ở phía Tây nước Pháp.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn