NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (23)

Thứ tư - 16/07/2008 22:56

(NCTG) "Tôi chỉ còn một cuốn sách của Márai, nhưng nó vô cùng quý báu đối với tôi. Giáng sinh năm 1943, tôi được cha tặng. Ông đề vào sách: "Giáng sinh 1943, tặng con thương yêu. Cha mẹ con". ("Những ngọn nến cháy tàn", NXB Révai, Budapest, 1942)... Giờ đây thì tôi biết rằng "Những ngọn nến cháy tàn" đã được dịch ra bốn mươi thứ tiếng. Ở trong nước, nó cũng trở thành mốt, được tái bản nhiều lần, và lần nào cũng được độc giả tranh nhau mua. Cho dù đối với tôi, một bí ẩn là các độc giả người Hoa, hay Bắc Âu, sẽ hiểu được đến đâu về nó nếu họ không hiểu thế giới tinh thần của người Hung..." (Nhà thần học Hafenscher Károly)

16.

- Vì với con người không chỉ xảy ra những sự việc. - Ông nói giọng đã dứt khoát hơn. Những ngọn lửa nến mải mốt cháy và nhả khói trên đầu hai người, những ruột nến đã thâm đen lại. Ngoài cửa sổ, thị trấn và phong cảnh bên ngoài vẫn còn tối, ánh sáng nến không đủ chiếu sáng ra màn đêm. - Con người gây ra những sự việc xảy ra với anh ta. Anh ta gây ra, mời gọi và không đeo bám điều cần phải xảy ra. Con người là như thế. Anh ta vẫn cứ làm, ngay cả khi cảm thấy và biết trước từ giây phút đầu tiên, rằng việc mình làm sẽ đưa đến một kết cục bất hạnh. Con người và số phận cứ nắm tay nhau, song hành. Không phải định mệnh bước vào đời ta một cách mù quáng, không! Ta thường rước định mệnh vào cửa chính, mời định mệnh đi phía trước ta. Không một ai đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để xua đuổi bằng lời hay bằng hành động số phận bi thảm, sẽ đến như một quy luật tất yếu tùy thuộc vào bản ngã và tính cách của mình. Có đúng là tôi không biết một chút gì về ông và Krisztina? Ý tôi muốn nói về những ngày đầu hay sau này trong câu chuyện giữa ba chúng ta... Chính ông đã giới thiệu Krisztina cho tôi. Ông là người Krisztina quen biết từ thưở nhỏ, ông đã đến chỗ bố cô ấy dạy chép những nốt nhạc, bàn tay tê liệt của ông cụ còn chép được những khúc nhạc, nhưng không giữ nổi cây vĩ cầm và cây kéo vĩ cầm, ông cụ không còn tạo nên được nữa những âm thanh trong sáng, quý phái từ cây vĩ cầm. Ông cụ phải bỏ dở sự nghiệp, bỏ phòng hòa nhạc, bằng lòng với việc dạy nhạc cho lũ trẻ chẳng có chút năng khiếu âm nhạc tí tẹo nào trong một trường học ở một thị trấn nhỏ và với khoản thu nhập thêm khiêm tốn mà việc sửa chữa và bổ sung các sáng tác của những người yêu nghệ thuật có năng khiếu mang lại...Ông đã quen biết hai bố con Krisztina như thế, lúc đó nàng mười bảy tuổi. Bà mẹ đang ở đâu tận miền Nam Tirol, quê hương bà, bà đang chữa bệnh tim trong một dưỡng đường, bà đã mất sau vài năm. Sau này, vào cuối kỳ nghỉ trăng mật, tôi và Krisztina đã đến khu dưỡng đường có bể tắm nước khoáng này, Krisztina muốn thấy căn phòng bà mẹ nàng đã qua đời. Chúng tôi đến Arco vào buổi chiều bằng xe ôtô. Xe chạy dọc ven bờ hồ Garda thơm ngát hương tỏa ra từ các loài hoa và những vườn cam. Chúng tôi nghỉ lại Riva, sau bữa ăn trưa thì sang Arco. Cảnh vật màu xám bạc, như những cây ô-liu, lấp ló sau những mỏm núi đá trên cao, trong bầu không khí ấm nóng, ẩm ướt là một pháo đài cổ, dưỡng đường của những người mắc bệnh tim. Đủ các loại cây cọ, thứ ánh sáng yếu ớt, bầu không khí đậm hương thơm, nóng bức như trong nhà kính. Đứng trong sự tĩnh mịch thái quá ấy là một ngôi nhà màu vàng nhạt, nơi bà mẹ Krisztina đã sống những năm cuối và qua đời. Ngôi nhà có một cái gì bí ẩn, dường như nó cất giấu mọi nỗi buồn, làm cho những con tim đau yếu, dường như ở Arco đau tim là một hành động câm lặng nào đó, hậu quả của sự thất vọng và những rủi ro không thể hiểu nổi của cuộc đời. Krisztina đi vòng quanh ngôi nhà. Sự yên tĩnh, mùi hương tỏa ra từ những cây gai phương nam, mùi hơi nước nóng ẩm vây bọc tất cả, như một lớp vải mỏng bó chặt trái tim người bệnh, tất cả gây cho tôi cảm giác khó tả. Lần đầu tiên tôi cảm thấy Krisztina không hoàn toàn thuộc về tôi, từ rất xa, từ trong sâu thẳm thời gian, tôi nghe thấy một tiếng nói, giọng nói buồn buồn, sâu sắc của cha tôi. Cha tôi nói về ông đấy, Konrád ạ. - Lần đầu tiên ông tướng gọi tên ông khách, giọng lịch lãm, không chút giận dữ hay xúc động. - Cha tôi bảo ông không phải là một người lính thực thụ, ông là một kiểu người khác. Tôi không hiểu ý ông cụ, tôi còn chưa biết, thế nào là kiểu người khác?... Nhiều thời gian và nhiều năm tháng đơn độc đã dạy cho tôi biết, vĩnh viễn chỉ là như thế, đàn ông và đàn bà, bè bạn, các quan hệ xã hội, tất cả đều phụ thuộc điều này: kiểu người khác, nó chia nhân loại ra làm đôi. Đôi khi tôi đã nghĩ, chỉ có hai phái trên thế gian này, tất cả chỉ là những biến thể của hai kiểu người khác nhau, sự phân biệt giai tầng xã hội, thế giới quan, những chênh lệch địa vị và quyền lực, tất cả đều khởi nguồn, đều có căn nguyên từ „kiểu người khác”. Cũng như chỉ những người cùng nhóm máu mới có thể giúp nhau trong cơn hoạn nạn, khi người ta tiếp máu cho đồng loại, vì họ có cùng một công thức máu, cũng như thế, tâm hồn chỉ giúp nổi một tâm hồn khác khi nó không phải là một „kiểu khác”, khi nó đồng điệu trong cả những điều bí ẩn hơn cả quan niệm và nhận thức... Và khi đó ở Arco, tôi đã cảm thấy những ngày vui vẻ đã kết thúc, Krisztina cũng là một „kiểu người khác”. Và tôi nhớ đến những lời nói của cha tôi, người không hề đọc sách, nhưng nỗi cô đơn và cuộc đời đã dạy ông nắm bắt sự thật, ông biết về hai kiểu người. Đúng, chính ông cũng gặp một người phụ nữ và ông rất yêu bà, nhưng bên cạnh bà ông vẫn cô đơn, vì họ cũng là hai kiểu người, hai tính cách, hai nhịp điệu sống, vì thân mẫu tôi cũng là một „kiểu người khác” giống như ông và Krisztina... Ở Arco tôi còn biết thêm một điều. Tình cảm của tôi đối với mẹ, với ông và với cả Krisztina là giống nhau, là một: cũng khao khát ấy, cũng sự tìm kiếm hy vọng ấy, cũng mong muốn buồn bã và bất lực ấy. Vì ta bao giờ cũng yêu „kiểu người khác”, ta tìm kiếm họ trong mọi tình huống và biến thái của cuộc đời... Ông biết chưa? Nếu hai con người „cùng kiểu” gặp nhau, thì đó là bí ẩn và là món quà tặng lớn nhất của cuộc đời. Điều đó hiếm thấy lắm, như thể tạo hóa muốn cản trở sự đồng điệu này bằng cả sức mạnh và mưu kế, có thể vì muốn tạo ra thế giới, muốn tái sinh cuộc sống cần phải có thế năng xuất hiện giữa những người trái ngược nhau về ý tưởng và nhịp điệu, nhưng luôn tìm đến nhau. Như một dòng xoay chiều, ông thấy đấy... quay vào đâu ta cũng thấy sự trao đổi lực âm và dương. Biết bao nỗi thất vọng và hy vọng mù quáng đan xen giữa hai thái cực! Đúng, khi ở Arco tôi đã nghe thấy giọng nói của cha tôi, và tôi hiểu ra số phận cha tôi đang tiếp nối trong tôi, tôi có tính cách và thị hiếu giống cha tôi, còn thân mẫu tôi, ông và Krisztina đứng ở phía bờ bên kia, mỗi người trong một vai khác, một người là mẹ, người kia là bạn, người thứ ba là người vợ đáng yêu và dễ thương, tuy nhiên cả ba đều đóng một vai trò giống nhau trong cuộc đời tôi.  Ở phía bờ bên kia, đúng thế, phía mà ta không bao giờ bước qua được... Anh có thể đạt được tất cả trong cuộc đời, có thể vượt lên so với xung quanh, cuộc sống có thể cho anh mọi điều, và anh có thể giành giật từ cuộc sống tất cả, nhưng anh không thể thay đổi thị hiếu, ý thích, nhịp điệu sống của một con người, sự khác biệt đặc trưng đầy đủ con người quan trọng đối với anh, liên quan tới anh. Lần đầu tiên tôi cảm nhận điều đó, ở Arco, khi Krisztina đi vòng quanh ngôi nhà, nơi thân mẫu nàng qua đời.

Ông ngả người ra phía sau tựa vào ghế bành, úp hai bàn tay lên mặt, cử chỉ phó thác và bất lực, như người đã hiểu ra điều gì, và ông còn hiểu thêm điều này: không thể và không khi nào có thể thay đổi những quy luật của tính cách con người.         

- Rồi sau đó từ Arco chúng tôi về thẳng nhà, bắt đầu cuộc sống ở đây. - Ông tướng nói. - Những chuyện khác ông đã biết cả. Ông giới thiệu Krisztina cho tôi. Tôi cảm thấy cuộc gặp gỡ ấy, cuộc gặp gỡ và quen nhau giữa tôi với Krisztina là không thể hiểu theo cách nào khác, không giống một cuộc gặp gỡ nào trước đó. Nàng mang nhiều dòng máu, một chút Đức, một chút Ý, còn lại là dòng máu Hung. Có lẽ cả một giọt máu Ba Lan vì dây mơ dễ má bên họ bố... Bản thân Krisztina ta cũng không thể đánh giá và nhận biết được, như thể nàng không thuộc hoàn toàn  vào đẳng cấp và giống nòi nào, như là tự nhiên một lần thử sáng tạo ra một sinh linh không phụ thuộc, hoàn toàn tự do, một người không liên quan gì tới đẳng cấp và nguồn gốc của mình. Nàng giống như một con thú hoang: sự giáo dục chu đáo, tu viện, học vấn và tình thương yêu của người cha, tất cả chỉ rèn giũa được phong cách bề ngoài của nàng. Nội tâm Krisztina vẫn là hoang dã, tất cả những gì tôi mang lại cho nàng như tài sản và đẳng cấp xã hội, đối với nàng không thực sự có giá trị, và nội dung thực sự của bản chất con người nàng là sự phóng khoáng nội tâm, là nhu cầu tự do, thì nàng không muốn chia sẻ một chút gì cho thế giới mà tôi đưa nàng tới... Niềm kiêu hãnh của Krisztina cũng khác so với của những người kiêu hãnh vì đẳng cấp, xuất xứ, của cải, vị trí xã hội hay một khả năng riêng, độc đáo nào đó. Krisztina tự hào vì sự hoang dã quý phái sống trong trái tim và trong từng tế bào thần kinh nàng như một độc tố hay sự di truyền. Người phụ nữ ấy - ông biết rõ - là một người tự chủ nội tâm, và điều đó ngày nay thật hiếm, cả ở đàn ông và đàn bà người tự chủ đều rất hiếm. Hình như điều này không phụ thuộc vào xuất xứ và hoàn cảnh. Không thể làm nàng khó chịu, không tình huống nào làm nàng chùn bước, nàng không chịu nổi những ràng buộc theo mọi ý nghĩa. Và nàng còn biết một điều ít thấy trong tính cách phụ nữ, nàng ý thức rõ trách nhiệm của đẳng cấp nội tâm con người. Chắc hẳn ông còn nhớ, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau trong căn phòng đầy những vở chép nhạc của ông cụ thân sinh nàng vương vãi trên chiếc bàn rộng: Krisztina bước vào và căn phòng nhỏ tăm tối bỗng như sáng bừng lên. Nàng không chỉ mang tới sự tươi trẻ, mà mang lại niềm đam mê và kiêu hãnh, ý thức tự chủ của những cảm xúc vô điều kiện. Từ đó tới nay tôi chưa thấy một ai hoàn toàn thích ứng với những gì cuộc sống và xung quanh đem đến như nàng: với âm nhạc, với một cuộc dạo chơi buổi sớm trong rừng, với màu sắc và hương thơm của một bông hoa, với lời nói lịch thiệp của một ai đó. Không ai biết cách vuốt ve một tấm vải đẹp, một con vật như Krisztina. Tôi chưa thấy một người nào biết vui mừng như nàng trước những món quà bình thường của cuộc sống: những con người hay các loài thú, những cuốn sách hay những vì sao, nàng quan tâm đến tất cả, không phải với vẻ kiêu ngạo, với vẻ nghệ sĩ nửa mùa, mà nàng tiếp xúc với mọi thứ mà cuộc sống đem đến bằng niềm vui vô tư của một người bình thường. Giống như cá nhân nàng có mối liên quan đến tất cả mọi sự trên thế gian này, ông hiểu chứ?... Vâng, nhất định là ông hiểu. Và trong sự gần gũi vô tư ấy có cả sự hàm ơn, dường như nàng luôn cảm thấy cuộc sống là một ân huệ và sự khoan dung. Đôi khi tôi vẫn thấy gương mặt nàng, - ông tướng nói như tâm tình. - Trong nhà này ông không còn thấy chân dung nàng đâu nữa, không có ảnh nàng, và bức chân dung lớn do ông họa sĩ người Áo vẽ, một thời gian dài treo giữa những bức vẽ cha mẹ tôi, đã được tháo xuống. Đúng, trong ngôi nhà này không còn bức họa nào về nàng nữa. - Ông nói vẻ dứt khoát, gần như mãn nguyện như người ta kể về một chiến tích nho nhỏ. - Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy gương mặt nàng, trong lúc mơ mơ màng màng hay khi bước vào một căn phòng nào đó. Và giờ đây, khi  chúng ta nói chuyện về nàng, chúng ta đều biết quá rõ về Krisztina, tôi lại thấy rõ mồn một gương mặt ấy như buổi tối cuối cùng bốn mươi mốt năm về trước, khi nàng ngồi đây giữa hai chúng ta. Vì đó là buổi tối cuối cùng chúng ta cùng ăn tối với Krisztina, ông phải biết điều đó. Không chỉ ông, mà cả tôi cũng ăn tối với nàng lần cuối. Vì tất cả đã xảy ra vào hôm ấy, theo cách nó phải xảy ra giữa ba chúng ta. Và vì cả hai chúng ta đều quá hiểu Krisztina, những quyết định nhất định đã diễn ra không thể tránh khỏi: ông bỏ sang xứ nhiệt đới, và Krisztina với tôi không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Nàng còn sống thêm tám năm, đúng thế. Chúng tôi vẫn ở đây, dưới cùng một mái nhà, nhưng không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. - Ông nói giọng điềm đạm.

Rồi ông nhìn vào ngọn lửa.

- Tính cách của chúng ta là như thế - ông nói gọn lỏn. - Dần dà tôi đã hiểu được phần nào chuyện đã xảy ra. Ví như âm nhạc. Trong đời con người có những chi tiết có tính định mệnh, những chi tiết lặp đi lặp lại, như âm nhạc. Giữa thân mẫu tôi, Krisztina và ông âm nhạc như một cầu nối. Có lẽ âm nhạc đã nói với cả ba một điều gì không thể nói lên được bằng lời và bằng hành động, cũng có lẽ các người đã nói với nhau điều gì đó bằng âm nhạc và đối với cả ba âm nhạc đã diễn đạt hoàn thiện điều muốn nói, thì chúng tôi - tôi và cha tôi - những kiểu người khác không thể hiểu nổi. Chính vì thế chúng tôi cô đơn giữa các người. Cả ông và Krisztina đều hiểu ngôn ngữ của âm nhạc, vì vậy hai người tâm sự được với nhau, ngay cả khi mọi cuộc trò chuyện giữa tôi và Krisztina đã nguội tắt. Tôi căm thù âm nhạc! - Ông bỗng nói hơi to, lần đầu tiên trong buổi tối giọng ông trở nên hăng say và hơi khàn. - Tôi căm thù cái thứ ngôn ngữ có nhịp điệu và không thể hiểu nổi ấy, thứ ngôn ngữ mà chỉ một số người biết đàm thoại với nhau, nói với nhau điều gì ngoài những ràng buộc và khuôn phép, đúng vậy, đôi khi tôi nghĩ họ nói với nhau những điều bất nhã và vô luân bằng âm nhạc. Hãy nhìn xem gương mặt họ thay đổi lạ lùng như thế nào khi họ nghe nhạc. Hơn nữa Krisztina và ông cũng không tìm đến âm nhạc, tôi không nhớ có khi nào hai người chơi đàn tay đôi, ông cũng không bao giờ ngồi xuống đàn duơng cầm trước mặt Krisztina, ít nhất là khi có mặt tôi. Có lẽ vì e thẹn và tế nhị mà Krisztina không nghe nhạc với ông khi có mặt tôi. Và bởi lẽ âm nhạc không có một ý nghĩa nào diễn tả nổi bằng lời, có lẽ nó có một tầng ý nghĩa khác, nguy hiểm hơn, nếu như nó có thể tác động đến con người mạnh mẽ như thế, những người gắn bó với nhau không chỉ bằng âm nhạc, mà bằng cả máu thịt và số phận. Ông có nghĩ thế không?...

- Tôi nghĩ đúng như thế! - Ông khách nói.

- Thế thì tôi yên tâm. - Ông tướng nhã nhặn nói. - Ông cụ thân sinh Krisztina cũng nghĩ như vậy, mà ông cụ mới là người am hiểu âm nhạc. Vì ông cụ là người duy nhất, và cũng chỉ một lần, tôi đã nói với ông cụ về âm nhạc, về ông và Krisztina. Khi đó ông cụ đã già, sau cuộc nói chuyện ít lâu thì ông lão mất. Lúc ấy tôi từ mặt trận trở về. Krisztina cũng đã chết trước đó mười năm. Tất cả những người một thời quan trọng đối với tôi đều đã chết hoặc bỏ đi, cha mẹ tôi, ông và Krisztina. Chỉ còn hai người già cả, bà nhũ mẫu Nini và ông cụ thân sinh Krisztina, với sự hờ hững kỳ lạ và sức sống dai dẳng của người già..., giống như hai chúng ta bây giờ vậy. Tất cả mọi người đã chết và tôi cũng không còn trẻ, đã xấp xỉ năm mươi, cô đơn như cái cây lớn giữa bãi trong rừng, cái cây còn sót lại sau trận bão trước ngày xảy ra chiến tranh. Còn duy nhất một cây ngoài bãi, gần trại đi săn. Xung quanh nó bây giờ rừng mới lại mọc lên sau một phần tư thế kỷ. Nhưng nó là cây cũ, có từ trước. Một cơn bão lốc giận dữ đã tàn phá sạch xung quanh nó. Thế mà cái cây ấy, ông biết không, tới nay vẫn còn sống, một sức sống khủng khiếp và phi lý. Nó sống với mục đích gì?... Chẳng có gì cả, đơn giản là nó muốn sống, muốn tồn tại. Hình như cuộc sống, tất cả mọi sinh vật đều có mục đích sinh tồn và phát triển đến cùng kiệt. Khi đó tôi từ cuộc chiến trở về và ngồi nói chuyện với ông cụ thân sinh Krisztina. Ông cụ biết gì về ba chúng ta ư? Ông lão biết hết. Tôi nói với ông cụ, người duy nhất tôi nói ra, tất cả những gì đáng nói. Chúng tôi ngồi trong căn phòng tối, giữa những đồ đạc và nhạc cụ cũ kỹ, trên các giá sách, trong tủ, chỗ nào cũng bừa bộn những cuốn vở chép nhạc, thứ âm nhạc câm lặng ẩn chứa trong các ký hiệu, những âm vang réo rắt trên mặt giấy như vây bủa căn phòng mà tất cả tỏa ra thứ mùi xưa cũ, như những gì thuộc về cuộc sống đã diễn ra trong căn phòng này đều đã bay biến cả... Nghe tôi nói xong, ông cụ bảo: „Anh còn muốn gì nữa? Anh vẫn còn sống sót.” Ông cụ nói điều này như một lời phán quyết, và cũng như một bản cáo trạng. Ông lão nhìn khoảng không lờ mờ phía trước bằng đôi mắt mù lòa, ông đã ngoài tám mươi, nhỏ thó, già nua. Và lúc đó tôi chợt hiểu, kẻ còn sống sót sau một biến cố nào đó, kẻ đó không có quyền kết tội. Kẻ sống sót là kẻ đã thắng trong cuộc chơi, và anh ta không có quyền, không có lý do gì để buộc tội, anh ta là kẻ mạnh hơn, khôn ngoan hơn, hung hãn hơn. Như hai chúng ta đây. - Ông nói giọng cộc lốc, khô khan.

Hai ông già nhìn nhau chằm chằm, dò xét thái độ của nhau.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn