NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (17)

Thứ bảy - 19/04/2008 09:57

(NCTG) "Câu chuyện toát lên một triết lý sống hết sức nhân văn: sự đố kỵ, ghen ghét, sự phản bội, căm thù, uất hận... đều qua đi, chỉ tình cảm, nỗi khát khao tình cảm, nỗi khát khao tình bạn, tình yêu của con người là còn lại mãi mãi" (một độc giả Việt Nam)

Cả hai cùng im lặng rất lâu. Trông họ nhỏ bé trong bóng tối lờ mờ, trong ánh sáng nến nhập nhoạng; hai ông lão già nua, nhăn nhúm nhìn nhau, cả hai gần như chìm nghỉm trong bóng tối.

- Tôi không chắc chắn hoàn toàn - ông tướng nói. - Vì thế có ông ở đây. Ta hãy nói về chuyện ấy.

Ông tướng ngả người ra sau ghế, bình thản khoanh hai tay về phía trước. Ông bắt đầu nói:

- Vì có sự thật đo đếm được. Điều này điều kia đã xảy ra. Như thế ấy và thế khác. Vào lúc ấy lúc nọ. Biết điều đó không khó. Những sự kiện tự chúng lên tiếng, như người ta thường nói, vào lúc cuối đời tất cả các sự việc sẽ lên tiếng, sẽ gào thét lên, như những can phạm trên ghế tra tấn. Cuối cùng thì mọi việc đã xảy ra và không thể hiểu khác đi được. Nhưng nhiều khi các sự kiện chỉ là những hệ quả thảm hại. Con người không gây tội lỗi bằng việc mình làm, mà bằng mưu đồ khiến anh ta phạm vào chuyện này chuyện nọ. Âm mưu là tất cả. Những bộ luật lớn, cổ xưa, tôn giáo - mà tôi đã nghiên cứu - đều biết và công bố điều này. Một con người có thể làm điều phản trắc, độc ác, đúng, ngay cả việc tồi tệ nhất là sát nhân, nhưng bên trong anh ta vẫn trong sạch. Hành động chưa phải là sự thật, luôn luôn chỉ là hệ quả, nếu một ngày nào đó anh làm quan tòa và muốn phán xét, anh không thể chỉ bằng lòng với những hồ sơ của cảnh sát, anh cần phải biết cái mà các luật gia gọi là nguyên do. Sự trốn chạy của ông có thể hiểu được. Nguyên do của nó thì không. Ông có thể tin rằng trong bốn mươi mốt năm qua tôi đã đưa ra và khảo cứu mọi khả năng có thể giải thích được hành động không thể hiểu được đó. Nhưng không một giả thuyết nào cho lời giải đáp. Chỉ có sự thật mới cho lời giải đáp. – Ông tướng nói.

- Ông nói về sự trốn chạy - Konrád nói. Từ ngữ ấy nặng nề quá. Thực ra tôi không nợ nần ai thứ gì. Tôi đã từ bỏ chức vụ đúng theo cách phải làm. Tôi không bỏ lại sau những món nợ bẩn thỉu, tôi không hứa hẹn với ai điều gì mà không thực hiện. Trốn chạy, một cách nói nặng lời - Ông nói nghiêm chỉnh, và ngồi hơi thẳng người lên.

- Có thể là tôi nặng lời - ông tướng nói và ra hiệu đồng tình. - Nhưng nếu ông nhìn sự việc đã xảy ra từ xa, ông phải nhận rằng khó có thể tìm được từ nào nhẹ nhàng hơn, hiền lành hơn. Ông bảo ông không nợ nần ai. Điều đó vừa đúng, vừa không. Hiển nhiên ông không nợ lão thợ may, hay bọn người cho vay nặng lãi trong thành phố. Ông cũng chẳng nợ tôi cả tiền bạc, cả lời hứa hẹn. Nhưng mà lúc ông rời khỏi thành phố, vào một ngày tháng bảy - ông thấy tôi còn nhớ cả ngày tháng, hôm đó là thứ tư - thì ông biết rõ ông đã để lại một món nợ. Buổi tối tôi đến căn hộ ông ở, vì nghe tin ông đã đi. Mãi lúc hoàng hôn tôi mới biết, trong những hoàn cảnh riêng biệt. Về chuyện này ta cũng có thể nói với nhau một lần, nếu ông muốn. Tôi lên nhà ông, chỉ gặp cậu cần vụ. Tôi yêu cầu cậu ta để lại tôi một mình trong phòng, nơi ông đã sống những năm cuối, khi ông phục vụ trong thành phố, gần chỗ chúng tôi. - Ông bỗng im lặng ngả người ra sau ghế, đưa hai tay lên che mắt, như muốn nhìn về quá khứ. Rồi ông tiếp tục nói, giọng bình thản. - Cậu cần vụ hiển nhiên phải nghe lệnh tôi, hắn không thể làm khác. Còn lại một mình tôi trong căn phòng mà ông đã sống. Tôi đã xem xét kỹ mọi thứ, ông tha lỗi cho tôi vì sự tò mò đường đột đó. Nhưng tôi không thể nào tin vào sự thật, tôi không tin con người mà tôi đã sống cùng suốt phần lớn cuộc đời, chính xác là hai mươi hai năm, qua thời niên thiếu, tuổi thanh niên, và một phần tuổi tráng niên, đã bỏ trốn. Tôi gắng tìm lý do biện hộ, tôi nghĩ có lẽ ông mang bệnh, hay tôi hy vọng ông mất trí, hoặc bị xua đuổi, hay ông chơi bạc hoặc đã làm việc gì đó đê tiện đối với trung đoàn, với quân kỳ, hay phản lại lời thề hoặc danh dự của ông. Tôi có thể chấp nhận tất cả để biện hộ và giải thích, kể cả sự phản bội đối với những lý tưởng của thế giới này. Chỉ có một điều tôi không giải thích nổi: đó là ông đã phạm lỗi đối với tôi. Đó là điều tôi không hiểu. Không gì có thể biện hộ cho điều đó. Ông đã bỏ đi, như một tên biển thủ, như một kẻ cắp lén lút, ông đã đi chỉ vài giờ sau khi ở chỗ chúng tôi, với Krisztina và tôi, trong lâu đài, nơi chúng ta đã cùng sống nhiều giờ ban ngày và đôi khi cả ban đêm, qua bao nhiêu năm tháng, trong một sự thân tình, tin cậy chỉ những người anh em song sinh mới có. Họ là những sinh linh đặc biệt mà sự đỏng đảnh của tạo hóa đã gắn bó cả cuộc đời. Những người anh em song sinh, ông biết đấy, dù ở xa nhau, ngay cả khi đã trưởng thành vẫn biết tất cả về nhau. Và do một quy luật sinh học đặc biệt nào đó sai khiến, họ cùng ốm, cùng mắc một căn bệnh giống nhau, ngay cả khi họ ở cách xa nhau, ví như một sống ở London và một ở tận nước ngoài nào khác. Họ không thư từ cho nhau, không trò chuyện với nhau, họ sống, sinh hoạt, ăn uống trong những điều kiện khác nhau, ở cách xa nhau hàng kilômét. Thế nhưng ở tuổi ba mươi hay bốn mươi, trong cùng một giờ, bên cạnh những điều kiện chạy chữa và hủy hoại giống nhau họ mắc cùng một căn bệnh, ví dụ bệnh viêm túi mật hay viên ruột thừa. Hai cơ thể họ có sự đồng nhất hữu cơ, như khi còn ở trong lòng mẹ... Và họ yêu hoặc ghét cùng một người. Điều này có trong tự nhiên. Không nhiều... nhưng có thể không ít như người ta thường nghĩ. Và đôi khi tôi đã nghĩ rằng tình bạn cũng là một mối liên kết giống như sự gắn bó định mệnh của những người song sinh. Sự trùng lặp đặc biệt của khuynh hướng, thiện cảm, sở thích, trình độ học vấn, sự say mê đã kết nối hai con người trong cùng một định mệnh. Và người này có thể làm bất cứ điều gì phản lại người kia cũng vô ích, họ vẫn chung một số phận. Và dù người này có trốn chạy khỏi người kia cũng vô ích, họ vẫn biết tất cả những điều hệ trọng về nhau. Và dù người này có lựa chọn bạn hay tình nhân mới, nếu không có sự cho phép ngầm, bất thành văn của người kia thì anh ta cũng không thể thoát khỏi mối ràng buộc ấy. Số phận của những người như thế diễn tiến song song với nhau, dù nguời này có đi thật xa người kia, ví như tới xứ nhiệt đới. Tôi đã nghĩ đến điều đó, lơ đãng, khi đứng trong phòng ông, ngày ông bỏ đi. Tôi vẫn thấy rõ ràng cái giây phút ấy, ánh sáng trong căn phòng, giờ đây tôi còn cảm thấy mùi thuốc Anh loại nặng, tôi nhìn thấy những đồ gỗ, chiếc giường lò so với tấm thảm Phương Đông, những bức tranh vẽ ngựa treo trên tường. Tôi còn nhớ có một chiếc ghế bành màu boóc-đô, loại để trong phòng hút thuốc. Cái giường rộng, có lẽ ông đã đặt làm riêng, chứ ở vùng ta không bán loại như thế. Không phải loại giường đơn, mà giường kiểu Pháp thì đúng hơn, đủ chỗ cho hai người.

Ông nhìn theo làn khói.

- Cửa sổ nhìn ra vườn. Tôi nhớ có đúng không?... Đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi đến đó. Ông không bao giờ muốn tôi đến thăm. Ông có nhắc qua đến việc ông thuê nhà ở ven thị trấn, nhà và vườn ở một khu hoang vắng. Ông đã thuê căn nhà ấy ba năm trước khi ông trốn chạy, xin lỗi ông, tôi thấy ông không thích nghe từ này.

- Ông cứ nói tiếp đi! - Ông khách lên tiếng. - Từ ngữ chẳng quyết định chuyện gì. Tiếp tục đi, nếu ông đã bắt đầu.

- Ông nghĩ thế à? - Ông tướng hỏi giọng ôn tồn, vẻ thăm dò. - Từ ngữ chẳng quyết định chuyện gì thật sao? Tôi thì không dám nói chắc như thế. Đôi khi tôi cảm thấy từ ngữ quyết định nhiều, có khi tất cả, từ ngữ mà ta nói ra hay không nói ra đúng lúc, hay viết ra... Đúng, tôi tin vào điều này. - Bây giờ ông dứt khoát hơn. - Ông không mời tôi đến căn nhà ấy, tôi thì không thể đến thăm ông khi không có lời mời.Tôi cứ nghĩ ông xấu hổ trước một kẻ giàu sang vì căn nhà, mà ông tự sắm đồ gỗ... Có lẽ ông thấy đồ gỗ đơn sơ... Ông là người rất sĩ diện, và ông không tha thứ được cho tôi vì sự giàu sang. Sau này khi đã đứng tuổi, tôi nghĩ có lẽ không thể tha thứ sự giàu sang. Gia tài của tôi, mà ông là khách thường xuyên, quá lớn... Tôi thừa hưởng gia tài đó, và đôi khi tôi cũng cảm thấy không thể tha thứ được. Và ông, bao giờ ông cũng giữ ý đến cầu kỳ trong chuyện tiền nong để người ngoài cảm thấy sự khác nhau giữa hai chúng ta. Những người nghèo, đặc biệt những người nghèo trong giới thượng lưu không tha thứ cho tôi. - Ông nói với sự mãn nguyện khác thường. - Vì vậy mà tôi nghĩ ông giấu không cho tôi biết ngôi nhà, ông chán những thứ đồ gỗ đơn sơ. Giả thiết ấy thật xuẩn ngốc, bây giờ tôi đã biết, nhưng ông rất sĩ diện. Thế là hôm ấy tôi đứng trong ngôi nhà, mà ông thuê và tự tay bày biện, và ông không bao giờ cho tôi thấy. Tôi đứng trong phòng ông, kinh ngạc và không tin vào mắt mình. Ngôi nhà ấy, ông biết rõ, là một tuyệt tác. Nó không lớn, một phòng to ở tầng trệt, hai phòng nhỏ ở trên tầng, nhưng khu vườn, các phòng, những đồ gỗ, tất cả đều như thể chỉ có một nghệ sĩ mới bố trí chỗ ở của mình như thế. Lúc đó tôi hiểu ra, ông đúng là một nghệ sĩ. Và tôi cũng hiểu thêm một điều, giữa chúng tôi, giữa những kiểu người khác, ông xa lạ tới mức nào. Và những người vì tình thương và tham vọng đã mắc tội với ông khi cho ông vào lính. Không, ông không phải là người lính, và tôi hiểu sự cô đơn sâu sắc khi ông sống giữa chúng tôi. Nhưng căn nhà đó là nơi ẩn náu của ông, giống như thành trì hay tu viện đối với những người cô đơn thời trung cổ. Và giống như một tên cướp biển với những đồ đạc cướp được, ông đã gom về đây đủ thứ đẹp và giá trị: rèm và thảm, đồ bạc, đồ đồng, đồ thủy tinh và đồ gỗ, những loại vải hiếm...Tôi biết mẹ ông đã mất trong những năm ấy, và ông đã thừa kế từ cả những họ hàng Ba Lan của gia đình ông. Một lần ông đã kể có một điền trang và nhà cửa ở đâu đó gần biên giới Nga, và sẽ có ngày nó thuộc về ông. Thì hóa ra điền trang nhà cửa đã xé vụn ra thành đồ gỗ, các bức tranh, ba căn phòng. Và một đàn dương cầm lớn ở giữa phòng dưới, trải tấm phủ bằng lụa, trên đặt bình pha-lê cắm ba nhành hoa phong lan. Ông biết cả vùng này chỉ trong nhà kính của tôi trồng phong lan. Tôi vào hết các phòng và xem xét kỹ mọi thứ. Tôi đã hiểu ông sống giữa chúng tôi, nhưng không thuộc về chúng tôi. Tôi đã hiểu ra, ông đã xây dựng nên tuyệt tác - căn nhà - này trong bí mật, bằng tất cả sức lực của ông, sự cố chấp, giấu giếm không cho ai biết đến ngôi nhà này, nơi ông sống cho bản thân và cho nghệ thuật của ông. Vì ông là một nghệ sĩ, lẽ ra ông có thể sáng tạo ra một cái gì. - Ông tướng nói, như người không chấp nhận sự phản bác. - Tôi đã hiểu ra tất cả, giữa những đồ gỗ trong căn nhà bị bỏ lại. Và đúng trong giây phút ấy Krisztina bước vào phòng.

Ông khoanh tay trước ngực, giọng nói đều đều, vô cảm như đang trình bày với cảnh sát diễn biến của một tai nạn.

- Tôi đang đứng trước đàn dương cầm và ngắm những nhành phong lan - ông tướng nói tiếp. - Căn nhà này giống như một bộ quần áo giả của ai đó. Hay đối với ông đồng phục là quần áo giả? Điều này chỉ ông mới trả lời nổi, và giờ đây, khi tất cả đã qua, ông đã trả lời bằng chính cuộc đời ông. Con người, cuối cùng bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi quan trọng nhất bằng cả cuộc đời mình. Dù giữa chừng anh có tự vệ bằng lời lẽ và nguyên cớ như thế nào, thì cuối cùng anh cũng phải trả lời những câu hỏi mà thế giới luôn đặt ra cho anh bằng những sự kiện cuộc đời anh. Những câu hỏi ấy thường là: anh là ai? Thực sự anh muốn điều gì?... Anh đã biết thực chất những gì?... Anh đã trung thành và phản trắc với điều gì?... Anh đã dũng cảm và hèn nhát với điều gì hay với ai?... Đó là những lời cật vấn. Và con người trả lời theo cách của mình, thẳng thắn hay dối trá; nhưng điều đó không quan trọng lắm. Điều quan trọng anh sẽ trả lời bằng chính cuộc đời anh. Ông đã lột bỏ đồng phục vì ông cảm thấy nó là y phục giả, điều đó đã rõ. Còn tôi thì giữ nó, đến giây phút chót chừng nào binh nghiệp và thế giới đòi hỏi tôi, và tôi cũng đã đáp lại. Đó là một câu hỏi. Một câu khỏi khác là: Ông có liên quan gì với tôi? Ông đã là bạn tôi ư? Cuối cùng thì ông đã bỏ trốn. Ông đã bỏ đi mà không hề chia tay, cũng không hẳn không chia tay, vì hôm trước đó trong buổi đi săn đã xảy ra một việc mà chỉ sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa của nó; và đó chính là cách ông chia tay. Người ta ít khi biết, lời nói hay hành động nào báo hiệu một cách tiên quyết, không đảo ngược được sự thay đổi trong những quan hệ con người. Và vì sao tôi đã đến chỗ ông vào hôm ấy? Ông không mời, không tạm biệt, không nhắn nhủ. Tôi tìm gì trong căn nhà ông không bao giờ mời tôi đến vào đúng ngày ông vĩnh viễn đi khỏi nơi này? Thông điệp nào đã thôi thúc tôi lên xe, vội vàng xuống phố, tìm đến ngôi nhà của ông khi đó đã bỏ không?... Tôi đã biết được điều gì hôm trước đó trong cuộc đi săn? Không có gì mách bảo tôi ư?... Tôi không nhận được tin tức mật, lời cảnh báo, báo cáo về việc ông sắp bỏ trốn ư?... Không, mọi người đều im lặng, kể cả Nini, - Ông còn nhớ bà vú già chứ? Bà lão biết hết mọi chuyện về chúng ta. Bà lão còn sống không ư? Còn, bà ấy còn sống theo cách của bà. Bà cụ sống như cái cây ngoài cửa sổ kia, cụ nội tôi trồng đấy. Bà lão còn thời gian, cũng như mọi sinh linh khác, phải sống hết thời gian của mình. Bà cụ biết, nhưng không nói. Tôi hoàn toàn đơn độc trong những ngày đó. Thế nhưng tôi vẫn biết, đó chính là khoảnh khắc, khi tất cả đã chín muồi, tất cả sẽ rõ ràng, mọi thứ và mọi người sẽ trở về đúng vị trí, cả ông, cả tôi, tất cả mọi người. Đúng, trong cuộc đi săn tôi đã biết. - Ông nói như hồi tưởng lại, như tự trả lời cho mình một câu hỏi đã dằn vặt ông bao lần. Rồi ông im lặng.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn