NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (16)

Thứ sáu - 11/04/2008 20:58

(NCTG) “Tôi thích “Những ngọn nến cháy tàn”, một cuốn sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mà mỗi lần lại đọc ra được một cái gì đó mới. Cuốn sách khiến mình suy nghĩ, tư duy cùng nội dung của truyện. Tác giả dẫn dắt mình, và cũng mở cho mình nhiều hướng suy nghĩ, tư duy. Đọc tác phẩm, tôi nghĩ là có nhiều người sẽ thấy mình trong đó. Đấy là điều rất thú vị của “Những ngọn nến cháy tàn”…” (một độc giả Việt Nam)

13.

- Chúng ta chẳng sống được bao lâu nữa - ông tướng nói không hề có sự chuyển tiếp, như ông nói ra kết luận cuối cùng của một cuộc tranh luận câm lặng vậy. - Một hai năm nữa, có thể còn không nổi chừng ấy. Chúng ta không sống thêm bao lâu nữa, vì ông đã trở về. Điều này thì ông cũng biết rõ. Ông đủ thời gian để suy nghĩ, khi ở xứ nhiệt đới, và cả sau này khi ông đã về ngôi nhà ông, gần London. Bốn mươi mốt năm là thời gian dài. Ông đã suy nghĩ kỹ, đúng không?... Nhưng ông đã trở về, vì ông không thể làm khác. Và tôi cũng đã chờ ông, vì tôi cũng không thể làm khác. Và cả hai chúng ta đều biết, rằng chúng ta còn gặp nhau một lần nữa, rồi là kết thúc. Cuộc sống và tất cả những gì cho tới nay đã mang đến cho cuộc đời chúng ta ý nghĩa. Vì trong những điều bí mật, như bí mật ẩn náu giữa tôi và ông, phải có một sức mạnh đặc biệt. Nó thiêu đốt các tổ chức mô của sự sống như loại tia độc hại, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra trữ năng, nhiệt huyết cho cuộc sống. Nó buộc ta phải sống... Ta còn sống chừng nào ta còn có việc phải làm trên thế gian này. Tôi sẽ nói cho ông biết, một mình sống trong rừng tôi đã nghiệm ra những điều gì trong bốn mươi mốt năm qua, khi ông đang ở xứ nhiệt đới. Sự cô đơn cũng lạ lùng lắm..., thỉnh thoảng nó cũng như rừng rậm, đầy hiểm nguy và bất trắc. Tôi am tường mọi cung bậc của nó. Nỗi buồn - mà anh muốn xua đuổi một cách vô ích bằng cách thay đổi quy tắc sống do anh tự tạo ra. Rồi những cơn bột phát. Nỗi cô đơn cũng bí ẩn như rừng già. - Ông bướng bỉnh nhắc lại. Một người sống đúng phép tắc nghiêm ngặt, bỗng một ngày trở nên điên rồ, như những người Mã Lai của ông ấy. Quanh anh là những căn phòng, là danh chức và phẩm hàm, là những quy tắc sống chặt chẽ. Và một ngày anh lao ra ngoài thế giới, trong tay có vũ khí, hay không có..., trường hợp đó còn nguy hiểm hơn. Anh lao ra ngoài, mắt anh liếc trừng trừng. Bạn bè cũ dạt sang hai bên đường. Anh đến các thành phố lớn, chơi gái, xung quanh anh lộn tung hết lên, anh gây gổ và đâu đâu cũng gặp địch thủ. Và tôi nói, điều đó chưa phải là tồi tệ nhất. Có thể người ta sẽ đập chết anh như một con chó dại ghẻ lở cắn càn. Có thể anh lao đầu vào tường, lao vào hàng ngàn vật cản của cuộc đời và anh toi mạng. Nhưng khi người ta kìm nén nhũng cảm xúc dữ dội mà nỗi cô độc đã tích góp, chất chứa trong tâm hồn, thì điều đó còn tệ hại hơn. Anh không chạy đi đâu, không giết một ai. Thì anh làm gì? Anh chờ và gìn giữ những quy tắc sống. Anh sống như một tu sĩ, một kẻ đa thần giáo, theo một quy tắc sống trần tục... Nhưng tu sĩ sống như vậy không khó, vì hắn ta có đức tin. Còn những kẻ đã trao cả linh hồn và thân phận cho nỗi cô đơn thì không có niềm tin. Anh chờ đợi. Anh chờ đến một ngày, đến một giờ khi anh có thể tranh luận về tất cả những gì đã xô đẩy anh, với những người hoặc với chính người đã xô đẩy anh tới nỗi cô đơn. Anh chờ cái giây phút ấy, suốt mười năm hay bốn mươi năm, hay chính xác hơn là suốt bốn mươi mốt năm, như những kẻ thách đấu chờ tới giờ quyết đấu. Anh đã sắp đặt hết khi còn sống, để nếu anh chết trong trận quyết đấu, thì cũng không nợ nần ai. Và ngày ngày anh luyện tập, như những kiếm sĩ chuyên nghiệp thường vẫn tập. Anh tập bằng gì? Bằng những hồi ức, để nỗi cô đơn, sự mê muội của thời gian đừng làm phai nhạt bất cứ điều gì. Vì trong cuộc đời có một trận thách đấu, không có kiếm, nhưng vẫn đáng luyện tập. Đấy là điều nguy hiểm nhất. Nhưng rồi một ngày giây phút ấy sẽ đến. Ông cũng nghĩ như vậy chứ. - Ông hỏi lịch sự.

- Đúng như vậy! - Ông khách đáp. Rồi ông nhìn vào tàn điếu xì-gà.

- Tôi mừng vì ông cũng suy nghĩ như vậy. - Ông tướng nói. - Chính sự chờ đợi làm ta sống. Tất nhiên điều này cũng có giới hạn, giống như mọi thứ khác trong cuộc đời. Nếu không biết chắc một ngày nào đó ông sẽ trở về, có lẽ tôi đã đi tìm ông, hôm qua hoặc hai mươi năm trước, ở ngôi nhà của ông gần London hay ở xứ nhiệt đới, giữa những người Mã Lai hay dưới đáy địa ngục. Vì thế nào tôi cũng tìm ông, ông biết chắc điều đó. Có vẻ như những điều quyết định, quan trọng thật sự thì người ta bao giờ cũng biết. Ông nói đúng, người ta biết không cần đến ra-đi-ô và điện thoại. Trong nhà tôi không có điện thoại, chỉ có ở văn phòng người quản lý, không có ra-đi-ô, tôi cấm không cho những thứ âm thanh xuẩn ngốc, bẩn thỉu từ thế giới bên ngoài lọt vào phòng tôi. Thế giới không động chạm gì được đến tôi. Những trật tự thế giới mới có thể hủy hoại lối sống mà trong đó tôi đã sinh ra và tôi đã sống. Các thế lực nổi loạn và hung hãn có thể cướp mất tự do và cuộc sống của tôi. Tất cả những điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tôi không thỏa hiệp với thế giới mà tôi đã biết và tôi đã gạt nó ra khỏi cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, dù không có những thiết bị hiện đại, tôi biết ông vẫn sống và sẽ có ngày trở về. Tôi cũng không hối thúc cái giây phút ấy. Tôi muốn đợi, như người ta đợi trình tự và thời điểm của mọi việc. Và giờ đây nó đã tới.

- Ông muốn nói tới điều gì? - Konrád hỏi. - Tôi đã ra đi và tôi có quyền làm việc đó. Đúng là tôi đã đột ngột ra đi, không chia tay tạm biệt. Ông phải biết rõ, tôi không thể làm khác, đó là việc của tôi.

- Ông không thể làm khác ư? - Ông tướng hỏi, rồi ông ngửng đầu lên nhìn người khách bằng cái nhìn sắc lạnh. - Vấn đề là ở chỗ đó. Tôi suy nghĩ rất lung về chuyện đó, rất lâu rồi. Nếu tôi tính đủ: bốn mươi mốt năm.

Thấy người khách im lặng, ông tướng tiếp:

- Bây giờ khi về già, tôi hay nghĩ về tuổi thơ. Người ta bảo đó là một quá trình tự nhiên. Con người thường nhớ về thuở ban đầu rõ ràng, chính xác hơn, khi cái kết cục đang lại gần. Tôi nhìn thấy những gương mặt và nghe thấy những giọng nói. Tôi thấy giây phút tôi giới thiệu ông với cha tôi trong khu vườn học xá. Cha tôi đã nhận ông là bạn vì ông là bạn tôi. Ông cụ ít khi nhận ai là bạn. Nhưng có thể tin lời ông cụ, cho đến khi chết. Ông còn nhớ giây phút ấy không?...Chúng ta đứng dưới những cây hạt dẻ tây, trước lối lên lớn, và cha tôi chìa tay ra bắt: „Cậu là bạn con trai tôi à”- Ông cụ nói. „- Hãy biết quý trọng tình bạn này.”- Ông nói thêm, rất nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ đối với cha tôi không có gì quan trọng hơn hai chữ tình bạn. Ông vẫn nghe đấy chứ?... Cám ơn. Thế thì tôi sẽ nói. Tôi sẽ cố gắng nói cho mạch lạc. Ông đừng sốt ruột, xe vẫn chờ, bất cứ lúc nào cũng có thể đưa ông về thành phố, nếu ông muốn. Đừng sốt ruột, nếu ông không muốn, không cần phải qua đêm ở đây. Ý tôi muốn nói, không cần ngủ lại đây nếu ông không cảm thấy thoải mái. Còn nếu ông thích thì có thể qua đêm ở đây. - Ông tướng nói hững hờ. Và khi ông khách ra hiệu không ở lại, ông nói tiếp:

- Tùy ông. Xe vẫn đợi. Sẽ đưa ông về thành phố, sáng mai ông có thể ra đi, về nhà ông cạnh London, hay đến xứ nhiệt đới, đến nơi mà ông muốn. Nhưng trước hết hãy nghe tôi nói đã.

- Tôi nghe ông đây! - Ông khách đáp.

- Cám ơn ông!- Ông tướng nói vẻ nhanh nhẹn hơn. - Ta có thể nói về những chuyện khác. Hai ông bạn già, khi tuổi đời đã chiều tàn bóng xế, nhớ lại nhiều thứ lắm. Nhưng bây giờ ông đã về đây, ta sẽ chỉ nói về sự thật. Tôi đã bắt đầu từ chỗ cha tôi chấp nhận ông làm bạn. Ông biết đối với ông cụ điều đó có nghĩa là gì, ông biết rằng người nào được ông chìa bàn tay bè bạn ra, thì người ấy có thể trông cậy ở ông cụ trong mọi đòn vùi dập và những rủi ro số phận của cuộc đời, chừng nào ông cụ còn sống. Đúng, ông cụ ít khi chìa bàn tay ấy ra. Nhưng đã làm là thật tâm. Ông cụ đã chìa bàn tay ấy ra cho ông, trên sân khu học xá, dưới những cây hạt dẻ tây. Lúc đó chúng ta mười hai tuổi. Đó là giây phút cuối cùng của tuổi thơ. Thỉnh thoảng ban đêm tôi vẫn thấy rõ ràng giây phút ấy, cũng như thấy rõ những gì quan trọng trong cuộc đời. Với cha tôi, hai tiếng „tình bạn” đồng nghĩa với danh dự. Ông biết rõ điều này, vì ông biết ông cụ. Và hãy để tôi nói với ông rằng: đối với tôi tình bạn còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Ông thứ lỗi cho, nếu như điều tôi nói làm ông khó chịu. - Ông tướng nói nhẹ nhàng gần như thân tình.

- Không sao đâu, - Konrád đáp cũng từ tốn như thế. - Ông cứ nói.

- Giá như ta biết, - ông nói như với chính mình - liệu có tình bạn thật không? Giờ đây tôi không nghĩ đến những cuộc hạnh ngộ tình cờ, khi hai con người vui mừng vì gặp gỡ nhau, vì trong một đoạn đời họ suy nghĩ giống nhau về những vấn đề nào đó, vì óc thẩm mỹ, sở thích của họ giống nhau. Tất cả những điều đó chưa phải là tình bạn. Đôi khi tôi đã nghĩ, đó là quan hệ mật thiết nhất trong cuộc đời... có lẽ vì thế mà nó hiếm hoi. Và nền tảng của nó là gì? Cảm tình? Một từ trống rỗng, nhạt nhẽo, nội hàm của nó không thể đủ mạnh để hai con người có thể hết mình vì nhau trong mọi tình huống nan giải của cuộc đời. Hay là một thứ gì khác?...Hay có một chút Erôs (1) trong sâu thẳm mọi quan hệ con người. Ở giữa rừng trong nỗi cô đơn, khi tôi cố gắng hiểu hết mọi lẽ đời, vì không có việc gì khác, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ tới điều này. Tình bạn tất nhiên khác với quan hệ của những kẻ bệnh hoạn đi tìm sự thỏa mãn méo mó với những người cùng giới. Thần Erôs của tình bạn không cần tới thể xác... có khi nó làm ta khó xử hơn là kích thích ta. Nhưng vẫn là Erôs. Trong tận cùng mọi tình thương yêu, mọi quan hệ con người Erôs đều tồn tại. Ông biết đấy, tôi đọc rất nhiều. - Ông tướng nói như người thú lỗi. - Ngày nay người ta viết về chuyện này tự do hơn nhiều. Nhưng tôi vẫn đọc đi đọc lại Platon (2), vì khi ở trong trường tôi còn chưa hiểu. Tình bạn, theo tôi nghĩ - là người đi ra ngoài nhiều, chắc hẳn ông phải biết về nó nhiều hơn, khác hơn tôi, kẻ quê mùa cô độc này - là quan thứ hệ con người, không có gì cao quý hơn giữa những sinh linh thoát thai từ lòng mẹ. Lạ lùng thay các loài vật lại biết thứ tình cảm này. Có tình bạn thú, vô tư và sẵn sàng. Một hoàng tử Nga đã viết về chuyện này,... tôi không nhớ tên ông ta nữa. Có những con sư tử và gà trống rừng, các loài thú thuộc nhiều giống nòi, cố gắng giúp đỡ những con vật đồng loại khốn khổ gặp hoạn nạn, đúng thế, chính tôi cũng đã nhìn thấy, đôi khi chúng còn giúp cả những con khác nòi. Ông đã bao giờ thấy như thế ở nước ngoài chưa?... Chắc ở nước ngoài tình bạn phải khác, tiến bộ hơn, hiện đại hơn so với xứ sở lạc hậu của chúng ta. Các loài vật biết tổ chức việc giúp đỡ nhau..., đôi khi chúng vượt qua những trở ngại của việc cứu giúp rất khó khăn, nhưng bao giờ cũng có những con thú mạnh mẽ, sẵn sàng trợ giúp nhau, trong mọi cộng đồng sống. Tôi đã thấy cả trăm trường hợp trong thế giới các loài vật. Giữa những con người ít khi thấy chuyện này. Chính xác hơn là tôi chưa hề thấy trường hợp duy nhất nào. Những mối thiện cảm hình thành giữa hai con người mà tôi được tận thấy cuối cùng bao giờ cũng chết chìm trong vũng lầy của sự ích kỷ và hợm hĩnh. Trẻ con chơi với nhau đôi khi tưởng như tình bạn. Những lợi ích chung đôi khi tạo ra những tình huống giữa con người giống như tình bạn. Rồi người ta cũng lẩn tránh nỗi cô đơn bằng những quan hệ thân mật, cuối cùng người ta sẽ ân hận, nhưng tạm thời trong lúc nhát người ta tin rằng đó là một dạng của tình bạn. Hiển nhiên tất cả đều không phải là tình bạn thực sự. Con người nghĩ rằng - và cha tôi cũng hiểu như vậy - tình bạn là một sự hy sinh. Như một người yêu, người bạn cũng không đòi hỏi được trả ơn vì những tình cảm của mình. Anh ta không muốn sự có đi có lại, không nhìn người mình chọn là bạn như một sinh linh lý tưởng, anh biết những khiếm khuyết của bạn, và anh ta chấp nhận điều đó với tất cả những hệ lụy của nó. Đó là một hình mẫu lý tưởng. Và ta phải tự hỏi liệu có đáng sống, đáng làm người nếu thiếu một hình mẫu lý tưởng như thế? Và nếu một người bạn thất bại, vì anh ta không phải là một người bạn đích thực, liệu ta có thể lên án anh ta, tính cách của anh ta, những khiếm khuyết của anh ta? Tình bạn liệu đáng giá gì nếu ta chỉ yêu thích ở bạn những ưu điểm, sự thủy chung và kiên nhẫn? Liệu sự vô tư không mong muốn và chờ đợi ở người kia một thứ gì có phải là ý nghĩa đích thực của tất cả mọi quan hệ giữa con người với con người? Và phải chăng càng cho nhiều anh ta càng ít chờ sự đền đáp? Và nếu anh đã trao cho người bạn tất cả niềm tin của tuổi trẻ, sự sẵn sàng hy sinh của thời tráng niên, và cuối cùng anh đã trao cho bạn còn nhiều hơn cả những gì con người có thể dành cho con người, với một niềm tin đam mê, mù quáng, vô điều kiện, rồi anh phải chứng kiến người kia phản trắc và đê tiện, thì anh có quyền cảm thấy bị xúc phạm, có quyền đòi trả thù? Và nếu anh thấy mình bị xúc phạm, anh nuôi chí báo thù, thì liệu anh - người bị lường gạt và bị bỏ rơi - có còn là một người bạn? Ông thấy đấy, tôi đã xem xét những vấn đề lý thuyết, khi tôi ở lại có một mình. Sự cô đơn tất nhiên không cho ta lời giải đáp. Sách vở cũng không cho câu trả lời hoàn thiện. Ngay cả những cuốn sách cũ, những nhà tư tưởng Trung Hoa, Do Thái và La Tinh, cả những sách vở đương thời cũng chỉ thuyết lý dài dòng, chứ không nói lên sự thật. Nhưng liệu đã có ai đó, vào một thời nào đó nói, hay viết lên sự thật? Tôi đã nghĩ nhiều về điều này, khi tôi bắt đầu tìm kiếm nó trong tâm hồn và trong sách vở. Thời gian trôi đi và mọi thứ quanh tôi cứ mờ nhạt dần. Sách vở và những hồi ức cứ tích tụ lại, nhiều mãi. Trong mỗi cuốn sách đều có một mảnh vụn sự thật, và mọi hồi ức đều đáp lại rằng: ta biết bản chất của những quan hệ con người cũng vô ích, ta cũng chẳng thông thái hơn lên nhờ bất kỳ tri thức nào. Và vì vậy mà ta không có quyền đòi hỏi sự thật và sự trung thành vô điều kiện ở người mà có lần ta đã nhận làm bạn, ngay cả khi những sự kiện đã cho ta thấy người bạn ấy đã phản trắc.

- Ông có chắc người bạn ấy đã phản trắc? - Ông khách hỏi.

(1) Erôs: Thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp, còn được dùng với nghĩa tình yêu.

(2) Platon: Triết gia Hy Lạp cổ đại (427-347 Tr. CN).

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn