NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (15)

Thứ hai - 31/03/2008 22:19

(NCTG) "Tôi tin rằng những tác phẩm của Márai Sándor rất có vai trò xác định trong đời tôi. Nhà văn đã biết một điều gì đó, và đã nhìn nhận được mọi sự việc như chúng ta, như tôi muốn..." (một độc giả)

12

- Khi ông ra đi, - ông tướng nói thân mật, như thể điều hệ trọng nhất, khó nói nhất họ đã nói với nhau, và bây giờ là lúc tâm sự - một thời gian dài chúng tôi tưởng ông sẽ quay về. Mọi người đều mong, đều coi ông là bạn. Ông có khác người một chút, nói ông đừng giận. Nhưng chúng tôi cũng bỏ quá, vì chúng tôi biết, âm nhạc quan trọng hơn đối với ông. Sự ra đi của ông chúng tôi không hiểu, nhưng rồi cũng chấp nhận, vì chúng tôi biết ông có lý do để làm việc đó. Chúng tôi biềt ông chịu đựng mọi thứ khó khăn hơn chúng tôi, những người lính thực sự. Với ông binh nghiệp chỉ là một trạng thái, với chúng tôi là sự nghiệp. Những gì đối với ông chỉ là hóa trang, với chúng tôi nó là định mệnh. Chúng tôi không ngạc nhiên khi ông vứt bỏ thứ đồ hóa trang đó. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ một ngày nào đó ông sẽ trở lại. Hoặc sẽ viết thư về. Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy thế, tôi thú thực, cả tôi, cả Krisztina. Vài người nữa trong trung đoàn, chắc ông còn nhớ.

- Tôi chỉ còn nhớ láng máng. - Ông khách hững hờ.

- Cũng phải thôi, ông có nhiều ấn tượng mới. Ông sống tận bên kia thế giới. Những lúc như thế người ta chóng quên lắm.

- Không! - ông nói. - Thế giới không có ảnh hưởng gì. Những gì quan yếu, thì anh không bao giờ quên được. Điều này mãi khi về già tôi mới hiểu. Những gì thứ yếu thì không còn, anh vứt bỏ nó đi như những giấc mơ. Tôi không nhớ về trung đoàn, - ông nói bướng bỉnh. - Đã từ lâu nay, tôi chỉ nhớ những gì quan trọng thôi.

- Ví dụ như thành Viên và ngôi nhà này? Ý ông là thế ư?...

- Thành Viên và ngôi nhà này. - Ông khách lặp lại một cách máy móc. Qua hàng lông mi nhíu lại, ông nheo mắt đăm đăm nhìn về phía trước. - Sự hồi tưởng đã gạn lọc tất cả. Những sự kiện lớn sau mười năm, hai mươi năm hóa ra chẳng thay đổi ở anh điều gì. Rồi đến một ngày anh nhớ một cuộc đi săn, một tình tiết trong một cuốn sách, hay căn phòng này. Khi chúng ta ăn tối lần cuối ở đây, ba chúng ta. Krisztina còn sống. Nàng ngồi đây, chính giữa. Bàn ăn cũng được trang trí như thế này.

- Đúng! - Ông tướng nói. - Phía trước ông là Phương Đông, Trước Krisztina là Phương Nam và phía trước tôi là Phương Tây.

- Tôi nhớ hết.

- Đúng, những chi tiết đôi khi rất quan trọng. Chúng kết nối tất cả, chúng là keo dán những chất liệu cơ bản của hồi ức. Thỉnh thoảng ở xứ nhiệt đới tôi cũng nghĩ tới điều này, những khi trời mưa. - Ông khách nói, như muốn bắt đầu một câu chuyện khác. - Mưa kéo dài hàng tháng trời, gõ trên mái tôn như súng liên thanh. Mưa nóng, đầm lầy bốc hơi nghi ngút. Tất cả ga trải giường, quần áo lót, sách vở, thuốc hút đựng trong hộp, bánh mì, đều ẩm ướt. Cái gì cũng dính dấp, nhớp nháp. Anh ngồi trong nhà, những người Mã Lai ngồi hát. Người phụ nữ mà anh mang về ngồi bất động trong phòng, nhìn ra ngoài hàng giờ liền. Lúc đầu anh không để ý. Sau anh bực mình, đuổi cô ta ra khỏi phòng. Nhưng cũng chẳng ích gì, vì anh biết cô ta ngồi ở một chỗ khác, trong một phòng nào đó của ngôi nhà và vẫn nhìn như thế dù phải nhìn qua những bức tường. Họ có cặp mắt nâu rất to, như mắt của loài chó Tây Tạng, những con thú câm lặng, nham hiểm nhất thế gian. Họ nhìn bằng đôi mắt sáng, lạnh lùng, và đi đến đâu anh cũng cảm thấy cái nhìn đó, như bị xua đuổi bởi một tia sáng độc ác. Nếu anh đuổi đi, họ sẽ ngồi xuống bậc cửa mà nhìn, lúc ấy phải gọi họ quay lại. Họ đẻ liên miên, nhưng chẳng ai nói về chuyện đó, họ lại càng không. Giống như anh nuôi cùng lúc một con thú, một kẻ sát nhân, một nữ tu sĩ, một mụ phù thủy, một con dở người trong nhà. Rồi anh mệt mỏi, vì cái nhìn ấy mạnh đến nỗi làm người khỏe mạnh nhất cũng mệt mỏi. Nó mạnh như chạm vào da thịt, như ai đó luôn vuốt ve anh. Có thể phát rồ lên vì nó. Rồi đến lúc anh thờ ơ với nó. Anh ngồi trong phòng nốc rượu, rất nhiều rượu, và đốt thứ thuốc lá có vị ngọt. Thỉnh thoảng có người đến, cũng lầm lì, nốc rượu và đốt thứ thuốc lá có vị ngọt. Anh muốn đọc sách, nhưng mưa len cả vào trong sách, không theo nghĩa đen của từ ngữ, nhưng đúng là như thế, anh không theo nổi ý nghĩa của câu chữ và chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi. Anh muốn chơi dương cầm, nhưng mưa như ngồi ngay cạnh anh và cùng anh chơi đàn. Rồi sang mùa khô, thứ ánh sáng chói lóa đầy hơi nước. Con người ta già đi rất nhanh.

- Thỉnh thoảng ông có chơi bản „Tưởng khúc Polonaise” ở xứ nhiệt đới không? - Ông tướng lịch sự hỏi.

Họ ăn đến món thịt tái, chăm chú và ngon lành, với vẻ chậm rãi của người già, như chuyện ăn uống không đơn giản chỉ là ăn uống, mà trang nghiêm như một nghi lễ cổ xưa. Họ gặm và nhai cẩn trọng như người ăn để lấy sức. Để hành động cần có sức, và sức ở trong đồ ăn, trong món thịt tái lòng đào, trong thứ rượu đen thẫm này. Họ vừa ăn, vừa xuýt xoa, với vẻ say sưa hết mình, như khi người ta không đủ thời gian để ăn cho từ tốn, phải gặm hết các thớ thịt, hút hết tinh lực - mà họ cần - từ trong từng miếng thịt. Họ ăn với những động tác tinh tế, nhưng đồng thời cũng giống như những già làng thường ăn trong lễ hội: nghiêm cẩn và tai quái.

Trong góc phòng người quản gia lo lắng dõi theo những động tác của người hầu bàn, tay đi găng, đang giữ thăng bằng một chiếc khay lớn. Ở giữa khay là món kem sô-cô-la đốt cồn, ngọn lửa cồn màu vàng-xanh cháy lấp loáng.

Những người đầy tớ rót sâm-banh vào cốc của vị khách và gia chủ. Hai ông lão hít hà đánh giá thứ chất lỏng màu vàng nhạt, được rót ra từ chai rượu lớn gần bằng thân người một đứa bé, với vẻ sành sỏi.

Ông tướng nhấp một chút rồi đẩy cốc sâm-banh ra. Ông ra hiệu rót thêm vang đỏ. Ông khách hấp háy nhìn động tác ấy của chủ. Họ ăn và uống đã nhiều, mặt cả hai cùng đỏ.

- Trong thời ông nội tôi, - ông tướng lên tiếng và nhìn vào cốc rượu vang - trước mặt khách bao giờ cũng đặt một pint (1) rượu vang. Đó là định lượng cho khách. Một pint, một lít rưỡi loại vang để bàn dùng trong bữa ăn. Ông cụ thân sinh tôi kể, trước mặt khách của nhà vua cũng đặt một chai vang để bàn. Mỗi vị khách một chai riêng. Vì thế gọi là vang để bàn, khách uống bao nhiêu tùy thích. Các loại vang chính thì bồi bàn rót riêng. Đấy là lệ uống rượu trong Hoàng Cung.

- Đúng thế, thời ấy tất cả đều có lề lối, trật tự đâu ra đấy. - Konrád nói lơ đãng, mặt ửng đỏ.

- Ngài ngồi đây. - Ông tướng nói rồi ông liếc mắt chỉ chỗ giữa bàn Hoàng Đế đã ngồi. - Mẹ tôi ngồi bên phải ngài, bên trái là cha xứ. Ngài đã ngồi đây, trong phòng này, trên chỗ của gia chủ. Ngài ngủ trong căn phòng màu vàng trên gác. Sau bữa tối ngài đã khiêu vũ với mẹ tôi. - Ông nói nhỏ nhẹ, giọng vừa già nua, vừa thơ trẻ, như người đang hồi tưởng. - Ông thấy đấy, với người khác không thể nói những chuyện như thế này. Vì thế tôi mừng là ông đã trở về. - Ông tướng nói nghiêm chỉnh. - Ông đã cùng chơi bản „ Tưởng khúc Polonaise” với mẹ tôi. Sau này ở xứ nhiệt đới ông không đàn nữa ư? - Ông hỏi một lần nữa, như chợt nhớ ra.

Ông khách trầm ngâm.

- Không. - Ông khách đáp. - Tôi không bao giờ đàn Chopin ở xứ nhiệt đới. Ông biết đấy, nhạc của ông ấy động chạm đến nhiều thứ trong tôi. Ở nhiệt đới con người ta nhạy cảm hơn.

Họ đã ăn uống xong, sự bối rối và vẻ khiên cưỡng ban đầu đã qua đi. Dòng máu nóng chảy đều trong huyết quản, mạch máu nổi hằn trên trán và hai bên thái dương họ. Đầy tớ đặt hoa quả trồng trong nhà kính lên bàn. Họ dùng nho và sơn trà Đức. Căn phòng đã ấm lên, gió buổi tối mùa hè nhẹ nâng những rèm lụa màu xám sau những ô cửa sổ để mở nửa chừng.

- Ta sang bên kia dùng cà-phê! - Ông tướng bảo. Đúng lúc ấy một cơn gió ào qua cửa sổ, thổi tung những tấm rèm lụa xám nặng nề, chiếc đèn trùm cũng chao đi chao lại như đèn trên tàu thủy gặp bão. Trong một khoảnh khắc bầu trời sáng rực lên, một tia chớp màu lưu hoàng xé rách màn đêm, như một lưỡi kiếm vàng xẻ dọc thi thể nạn nhân. Bão đã giật vào tận trong phòng, những ngọn nến hốt hoảng phụt tắt, tất cả chợt sầm tối. Người quản gia vội vàng lại bên cửa sổ, cùng mấy người đầy tớ lần mò đóng những cánh cửa sổ. Lúc này họ mới thấy thị trấn cũng tối đen.

Sét đánh trúng vào trạm điện thành phố. Hai ông lão ngồi trong bóng tối, chỉ có ngọn lửa lò và hai ngọn nến còn sót lại. Rồi những đầy tớ mang những bộ đế nến nhiều nhánh vào phòng.

- Ta sang bên kia! - Ông tướng nhắc lại, như chẳng hề để ý tới sét đánh và bóng tối. Một người đầy tớ giơ cao bộ đế nến soi đường đi trước. Hai người im lặng đi theo trong thứ ánh sáng ma quái, hơi khật khưỡng và lắc lư như bóng họ in trên tường. Từ phòng khách qua một dãy hành lang hơi lạnh, họ tới một căn phòng bên trong bày toàn đồ gỗ để mở, một chiếc dương cầm dài và ba chiếc ghế bành xung quanh một lò sưởi bọc sứ đã nhóm lửa sẵn. Họ cùng ngồi xuống, nhìn phong cảnh tối đen bên ngoài qua những khung cửa sổ che rèm trắng. Một người đầy tớ bày cà-phê đen, thuốc xì-gà, rượu mạnh lên một chiếc bàn nhỏ, và để một hộp đựng nến, bên trong có những cây nến nhà thờ to gần bằng cánh tay trẻ con, xuống cạnh lò sưởi. Cả hai cùng châm thuốc xì-gà. Từ trong lò, hơi ấm của lửa lan tỏa đều đều, ánh nến dập dờn trên đầu hai người. Họ đóng cửa ra vào. Chỉ còn lại hai người với nhau.

(1) Pint: đơn vị đo thể tích cũ, hoặc dụng cụ đo thể tích.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn