NGÀY XỬA NGÀY XƯA (4)

Chủ nhật - 10/02/2008 21:32

(NCTG) Chương 3 của “Ngày xửa ngày xưa” thuật lại việc Triệu Đà (người Chân Định, Trung Quốc) dùng mẹo, cùng con là Trọng Thủy đánh bại Phục Phán An Dương Vương, lập nên nhà Triệu tại xứ Âu Lạc rồi nghe lời khuyên của Lục Giả, sứ thần của Hán Cao Tổ, xin được thần phục nhà Hán.

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh

Chương 4

Hai Bà Trưng phất cao cờ tự chủ
Mã tướng quân bình định nước Lĩnh Nam

Năm Mậu Ngọ (183 TCN), Lưu Bang mất, Cao Hậu (Lữ Hậu) lấn át Hán Huệ Đế. Triệu Đà không thần phục nhà Hán nữa mà tự xưng là Nam Việt Vương.

Năm Canh Thân (181 TCN), lấy cớ Triệu Đà đánh phá quận Trường Sa, Cao Hậu sai các tướng đem quân đánh Nam Việt, nhưng bị thua to. Thanh thế Triệu Đà càng lừng lẫy, ông tự cho phép mình ăn mặc như đế vương, lại sai chế tạo những đồ nghi vệ, ngựa xe như của thiên tử, không khác gì các bậc vua chúa Trung Hoa.

Nhưng rồi Cao Hậu mất, Hán Văn Đế, một vị vua có đủ cả tâm và tài lên ngôi. Ông sai Lục Giả đem thư dụ Triệu Đà:

Trẫm là con trắc thất vua Cao Đế, phụng mệnh ra an dân trị quốc, vì đường xá xa xôi, lại hồ đồ phác lậu, nên lâu nay chưa cho người mang thư sang hỏi thăm ngài.

Từ khi Hán Cao Tổ qua đời, Huệ Đế cũng bỏ quần thần, bà Cao Hậu lâm triều không may cũng mất sớm, để cho Lữ Hậu chuyên quyền, làm đủ trò ngược ngạo. May nhờ có tông miếu nhà trẫm linh thiêng, các công thần đã dẹp được kẻ tiếm nghịch.

Trẫm cũng vì các vương hầu cùng bách quan cố ép, nên phải lên ngôi tôn.

Vừa rồi, trẫm nghe các quan nói, ngài có thư sang xin cho anh em ở quận Chân Định, lại xin bãi binh.

Trẫm cũng tin theo lời thư của ngài mà bảo các tướng bãi binh. Còn anh em, họ hàng ngài ở Chân Định cũng đã có người của trẫm tới thăm nom; lại cho người sửa sang phần mộ cha ông ngài rất tử tế.

Thế mà mới đây lại có tin báo, ngài vẫn đem binh quấy nhiễu ngoài biên, dân ở quận Trường Sa đã khổ, dân ở Nam Quận lại còn khổ hơn. Làm như vậy ngài có chắc sẽ được lợi mãi không? Hay chỉ làm cho tướng tá, quân sĩ chết hại ngày một nhiều, vợ phải góa chồng, con mồ côi cha, cha mẹ mất con, được một mà mất mười; trẫm không nỡ làm theo như vậy.

Vả lại, được đất của ngài cũng không to tát gì, được của của ngài cũng chẳng đáng bao nhiêu. Vậy trên vùng đất của ngài, ngài cứ tự quản lấy. Nhưng ngài cũng xưng đế. Hai bên cùng là đế quốc mà lại không có mối liên hệ, thế thì là ganh nhau ư? Ganh mà không nhường nhau thì người chính nhân quân tử không bao giờ làm.

Nay, trẫm muốn cùng ngài gác bỏ điều cũ, từ nay trở đi lại thông sứ như cũ. Vậy trẫm sai Lục Giả sang lựa lời khuyên nhủ, ngài nên nghe theo, chứ làm chi nhiều sự quấy nhiễu, khiến cho trăm họ phải khổ.

Nhân đây trẫm gửi biếu ngài 50 áo bông thượng hạng, 30 áo bông trung hạng, 20 áo bông loại thường.

Mong ngài hãy nghe lời phải quấy mà bớt thời gian thăm hỏi nước láng giềng.

Triệu Đà nghe Hán Văn Đế nói có tình, có lý, trong bụng rất phục, vội biên thư trả lời:

"Lão phu là Triệu Đà xin có thư dâng hoàng đế bệ hạ.

Lão phu là kẻ cố lại nước Nam Việt, khi Huệ Đế lên ngôi, tình nghĩa quân thần không khi nào dứt. Huệ Đế vẫn có ý biệt đãi lão phu.

Nhưng khi Cao Hậu nhiếp chính lại phân biệt đối xử, coi lão phu là ngoại di, hạ lệnh cấm bán sắt, vàng cho Nam Việt, ngựa, trâu, dê, bò thì bán cho giống đực, không bán giống cái.

Lão phu ba lần cho sứ đi kêu cầu đều bị bắt giữ sứ giả.

Lão phu lại nghe phong thanh rằng lăng mộ cha ông ở Chân Định đã bị phá, anh em tông tộc bị giết; lão phu có bàn với các con: Nay trong đã không vẻ vang gì với người Hán, ngoài chí ít phải như nước Ngô. Vì vậy có xưng đế hiệu, nhưng không dám hại gì đến ai.

Cao Hậu vì thế mà tức giận, không cho Nam Việt thông hiếu nữa.

Lão phu ở đất Nam Việt đã 49 năm nay, đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng lòng vẫn mong được phụng thờ Hán Đế. Nay, nhờ bệ hạ đoái thương, cho thông sứ như xưa, lão phu lại được hưởng chút ơn nhuần trạch, có chết cũng cam lòng.

Vậy, xin cải hiệu từ đây, và xin có cống phẩm phụng hiến hoàng đế bệ hạ."

Kèm theo phong thư trên, Triệu Vương gửi biếu Hán Văn Đế cống phẩm gồm: 1/ Ngọc bích: 1 đôi; 2/ Lông chim trả: 1.000 bộ; 3/ Sừng tê giác: 10 chiếc; 4/ Vỏ ốc màu tía: 500 chiếc; 5/ Cà cuống: 1 giỏ; 6/ Chim trả sống: 40 đôi; 7/ Chim công: 2 đôi.

Từ đó nước Nam Việt và nước Hán lại giữ được đường biên giới hòa bình, ổn định.

*

Đến năm Giáp Thìn (137 TCN), Triệu Đà ốm nặng. Vì Trọng Thủy đã mất, họ Triệu truyền ngôi lại cho cháu đích tôn là Triệu Hồ. Ít lâu sau, Triệu Đà mất, khi đó ngài đã hơn trăm tuổi, làm vua 60 năm.

Triệu Hồ ở ngôi được hai năm thì có việc nước Mân Việt (vùng Phúc Kiến) đem quân lấn cõi. Triệu Hồ không dám đem binh cự địch, phải viết thư cầu xin Hán Văn Đế giải nguy.

Hán Đế cử Vương Khôi và Hán An Quốc đem binh tiến đánh. Quân Mân Việt thua to. Các tướng Mân Việt giết chết thủ lĩnh rồi theo hàng nhà Hán.

Bình xong Mân Việt, Hán Đế triệu quốc vương Nam Việt lên kinh đô chầu. Triệu Hồ cáo bệnh, cho con là thái tử Triệu Anh Tề đi thay.

Anh Tề bị giam lỏng ở kinh đô nước Hán suốt 10 năm, đến khi cha mất mới được về tiếp quản ngôi báu. Khi ở kinh đô, Anh Tề có lấy một thiếu phụ là Cù thị (trước đã có một đời chồng là Thiếu Quý). Anh Tề và Cù thị sinh được người con trai là Triệu Hưng. Anh Tề lên ngôi báu, liền lập Cù thị làm chánh hậu, lập Triệu Hưng làm thái tử. Đó là năm Bính Thìn (125 TCN).

*

Anh Tề ở ngôi được 12 năm. Năm Mậu Thìn (113 TCN), Anh Tề ốm nặng rồi qua đời.
Triệu Hưng được nối nghiệp cha. Nhưng chỉ được 1 năm.

Năm sau, Hán Đế cho Thiếu Quý làm sứ giả sang dụ Triệu Vương về chầu. Thiếu Quý gặp lại Cù thị, tình cũ trỗi dậy, hai người tư thông với nhau rồi dụ dỗ Triệu Hưng đem dâng Nam Việt cho Hán Đế. Tình thế quốc gia nghìn cân treo sợi tóc.

Vua Hán lúc này là Hán Vũ Đế quyết không tha tội giết sứ giả của vua tôi Nam Việt. Ông bèn sai Hàn Thiên Thu đem 200 biệt kích sang giúp Cù thị và Thiếu Quý bắt giết Lữ Gia. Quan tể tướng Lữ Gia không chịu khoanh tay ngồi nhìn cảnh đó, liền đem quân nhanh tay vây bắt cả đôi gian phu dâm phụ và quốc vương đem giết đi. Anh cả của Triệu Hưng là Triệu Kiến Đức được lập lên ngôi vua.

Vua Hán bèn sai các tướng Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem 10 vạn quân tiến đánh Nam Việt.

Lữ Gia đốc thúc quan quân dốc sức giữ thành (Phiên Ngung), nhưng không chống cự nổi, phải hầu xa giá chạy xuống phương Nam. Nhưng, lính kỵ binh của Tô Hoàng, Đô Kê, là người Nam Việt đã phản bội Lữ Gia, bắt trói cả Lữ Gia và Kiến Đức giao cho Dương Bộc. Bộc cho quân đem Lữ Gia và Triệu Vương ra kể tội rồi giết đi. Đó là năm Canh Ngọ (111 TCN).

Nước Âu Lạc từ đây thuộc nhà Hán. Hán Đế cải gọi nước Nam Việt là Giao Chỉ Bộ, chia ra 7 quận, (trong đó có quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc lãnh thổ nước ta), đặt quan thái thú, thứ sử  cai trị như ở bên Tàu.

Giao Chỉ Quận bao gồm các huyện: 1/ Luy Lâu; 2/ Yên Định; 3/ Câu Lâu; 4/ Mê Linh; 5/ Chu Diên; 6/ Khúc Dương; 7/ Bác Đái; 8/ Kê Từ; 9/ Tây Vu; 10/ Long Biên.

Trong ba quận thuộc lãnh thổ Âu Lạc trước kia, quận Giao Chỉ là quận có đông cư dân và phát triển hơn cả. Quan Thứ Sử đầu tiên là Thạch Đái. Thạch Đái nhậm chức, liền dời trị sở về Lũng Khê (Bắc Ninh).

*

Nhưng nhà Tây Hán thời gian đó không còn ở giai đoạn phồn thịnh. Sau các vua Cao Tổ, Văn Đế, Võ Đế triều chính ổn định, các triều vua sau đó, bắt đầu suy vi, sa sút. Nhân đó, năm thứ 8 CN, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán.

Vương Mãng thực sự là người có chí, có tài, muốn thực hiện nhiều cải cách, nhưng tôn thất nhà Hán đã không chấp nhận ông. Họ đã tập hợp lực lượng chống lại ông, và trung hưng được triều Hán, gọi là Đông Hán. Vương Mãng chỉ ở ngôi được 17 năm.

Trong thời gian Vương Mãng tiếm ngôi, các thái thú, thứ sử ở Giao Chỉ không chịu phục Vương Mãng. Mãi đến năm 25 (CN), khi Hán Quang Vũ trung hưng triều Hán, các thứ sử ở Giao Chỉ mới lại đem đồ tiến cống về triều.

Năm Giáp Ngọ (34), Hán Quang Vũ cử Tô Định làm thái thú quận Giao Chỉ (ông này là vị thái thú thứ 9 của nhà Hán ở Giao Chỉ, sau Thạch Đới, Chu Chương, Ngụy Lãng, Đặng Huân, Ích Cư Xương, Đặng Nhượng, Tích Quang, Nhâm Diên).

Tô Định chuyển phủ trị về Luy Lâu (Bắc Ninh), và chia lại quận Giao Chỉ thành các quận, huyện (không khác trước bao nhiêu), và vẫn sử dụng các quan lại địa phương như trước. Đứng đầu các huyện vẫn là các lạc tướng người Việt.

Chính sách của Tô định là ai cống nộp nhiều thì được ưu ái, cho mặc sức thu tô, thu thuế. Lạc tướng nào không cống nộp đúng mức yêu cầu, Tô Định cho là tham quan, ô lại, có khi bị biếm chức, có khi bị điều chuyển, làm cho khổ cực không chịu nổi.

Dưới chế độ cai trị của Tô Định, không chỉ người dân Việt phải khổ mà các quan lại, hào trưởng, lạc tướng địa phương cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Ngoài việc cống nộp bằng tô thuế, người dân còn bị bắt làm dân công, xây dựng hơn 70 thành lũy ở khắp các quận huyện để làm nơi đóng quân của các quan đô úy và binh lính Hán, hòng khống chế các cuộc nổi dậy của dân bản địa.

Các sản vật quý ở phương Nam bị Tô Định vơ vét chở về Bắc Quốc hết chuyến này đến chuyến khác. Ngược lại, những làn sóng di dân gồm toàn dân nghèo, tù binh người Hoa được đưa xuống phương Nam để khai khẩn đất đai ngày càng nhiều. Người Việt khi đó chỉ khoảng non một triệu mà người Hoa và binh lính đến đóng quân dễ đến 10 vạn người.

*

Ngày ấy ở hai huyện Châu Diên (Đan Phượng - Từ Liêm) và Mê Linh (Ba Vì - Vĩnh Phúc) có hai Lạc tướng họ Thi và họ Trưng, đều là những người nghĩa khí, muốn kết thông gia với nhau, cũng để hợp lực chống lại sự chèn ép thái quá của người Hán.

Thi ông có con trai là Thi Sách là người có tài xạ kích, lại tinh thông văn học.

Còn Trưng ông có hai cô con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trưng Trắc có tài tề gia, biết thay cha mẹ lo việc nông tang, canh cửi, lại là một trang tuyệt sắc giai nhân, hội đủ cả công, dung, ngôn, hạnh.

Ác thay, Tô Định cũng là kẻ háo sắc, thấy hai chị em họ Trưng sắc đẹp nghiêng thành, nghiêng nước, cũng rắp ranh bắn sẻ. Khi biết họ Thi đã cưới Trưng Trắc cho Thi Sách, Định liền tìm cách đổ tội cho Thi Sách là toan khởi loạn, rồi sai người giết đi. Trưng Trắc liền cùng với em đi tìm mẹ là bà Man Thiện (khi đó đang ở Đường Lâm - Ba Vì - Sơn Tây) xin mẹ giúp đỡ việc chiêu tập nghĩa quân, quyết trả thù cho chồng.

Nghĩa binh khắp nơi kéo về đứng dưới cờ nghĩa của hai chị em họ Trưng. chỉ sau sáu tháng chuẩn bị, nghĩa quân đã có quân số hơn 4 vạn chiến binh, hơn chục thớt voi và gần 2.000 kỵ mã.

Thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, Trưng Trắc cho đắp đàn thề ở cửa sông Hát, tế cáo trời đất rồi làm lễ xuất quân.

Quân ta đi tới đâu, nhân dân nổi dậy hưởng ứng tới đó. Hơn 60 thành của quân Hán bị tấn công (ở cả ba quận nước ta và quận Hợp Phố, bên kia biên giới).

Tại vùng Đông Triều (Quảng Ninh) có ông Phạm Công Huyền cùng cháu là chàng Hối tụ họp được 500 nghĩa binh, bất ngờ tấn công các đồn binh của Tô Định ở suốt dái bờ biển Đông Bắc.

Ở vùng kẻ Sải (Vĩnh Yên) có vợ chồng Trần Nương - Thiên Bảo chiêu mộ được hơn 1.000 nghĩa binh, thường xuyên quấy rối các đồn binh của nhà Hán ở vùng trung du Bắc Bộ.

Lại có hai chị em ở Đường Lâm (Sơn Tây) là Lê Lan và Lê Tuấn mới 18 - 20 tuổi đã tổ chức được một vùng căn cứ kháng chiến có chiều sâu phòng ngự hiểm hóc, khiến quân Hán không dám bén mảng tới.

Tại vùng Yên Mạc (Vĩnh Phú), hai chị em Ả Nương, Ả Nàng cũng tổ chức được một đạo quân toàn nữ đông tới hơn 1.000 người.

Từ Trang Vân Thủy (ngoại thành Hà Nội), nhóm 50 nữ binh của Ả Tú, Ả Huyên cũng náo nức lên đường giết giặc trả nợ nước.

Tại An Biên (Hải Phòng), tại Bố Hải Khẩu (Thái Bình), các nữ tướng Lê Chân và Bát Nàn cũng khởi binh ứng nghĩa.

Nghĩa quân của bà Thánh Thiên, bà Chu Tước, bà Trinh Thục cũng nổi dậy phá tan các sở Đô Úy (đồn binh Hán) ở các huyện phía Bắc giáp với Trung Hoa.

Chẳng bao lâu, quân Hán đã phải co cụm cả về Luy Lâu cố thủ.

Quân ta gồm cả lính thủy, lính bộ, kỵ binh, tượng binh rầm rập kéo về bao vây Luy Lâu khiến Tô Định vô cùng bối rối. Trong khi đó quân Việt vẫn bao vây Luy Lâu một cách lặng lẽ nhưng chắc chắn. Tiếng chiêng trống bỗng dậy vang. Với hàng trăm chiếc thang tre đã nối dài, quân Việt nhất loạt tiến đánh khắp 4 phía thành lũy của Tô Định. Quân Hán ném đá và đổ cả nhựa thông đun sôi xuống đầu quân Việt, song quân Việt vẫn lớp nối lớp, tổ chức hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác.

Chỉ khi đêm xuống, các đợt tấn công mới tạm ngừng.

Biết không thể cầm cự được lâu, Tô Định cho quân theo đường hầm bí mật dưới chân thành thoát ra ngoài, rồi chạy không kịp thở về phương Bắc. Tô Định về tới Phiên Ngung trong bộ dạng tả tơi.

*

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân của hai vị nữ tướng họ Trưng đã đuổi sạch quân Hán khỏi bờ cõi.

Trưng Trắc lên ngôi tôn, gọi là Trưng Nữ Vương.

Bà định quốc đô ở Mê Linh.

Quốc hiệu được đổi là Lĩnh Nam.

Nhân dân khắp cõi được miễn thuế hai năm.

Triều chính dần đi vào nề nếp.

Đó là mùa đông năm Canh Tý (40).

Hoàng Đình Long - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn