3.
Đến năm giờ phòng ông vẫn im lặng. Đúng lúc ấy ông rung chuông gọi người hầu phòng, yêu cầu chuẩn bị cho ông tắm lạnh. Cho mang trả lại bữa trưa, ông chỉ uống một tách trà lạnh. Ông nằm trên tấm nệm, trong căn phòng tranh tối tranh sáng. Ngoài kia, sau những bức tường lạnh, mùa hè nẫu chín khẽ rì rào. Ông nghe tiếng lao xao của những giọt nắng, tiếng gió xào xạc trên những lùm cây, nghe thấy từng tiếng động nhỏ trong tòa lâu đài.
Giờ đây, sau khi đã qua sự bất ngờ ban đầu, ông bỗng thấy mệt rã rời. Con người ta đã chuẩn bị cho việc đó cả một đời. Đầu tiên là sự tức giận. Rồi ý muốn trả thù. Sau đó là chờ đợi. Ông cũng không còn nhớ, từ bao giờ sự giận dữ và ý định trả thù đã biến thành sự chờ đợi. Với thời gian, tất cả vẫn còn lại, nhưng bàng bạc không màu, như những bức ảnh xưa cũ được in tráng lên những tấm kim loại mỏng. Ánh sáng và thời gian đã gột rửa những đường sắc nét và những mảng phớt đặc tả của chúng. Phải xoay nghiêng tấm ảnh, phải để ánh sáng rọi vào nó với góc gãy nhất định, ta mới nhận ra tấm gương kim loại kia đã hấp thụ đường nét đặc thù của ai vào trong nó. Với thời gian ký ức của con người cũng mờ nhạt dần đi như thế.
Nhưng đến một ngày, từ đâu rọi đến một luồng ánh sáng, và ta lại thấy một gương mặt.
Ông tướng giữ những bức ảnh cũ trong một chiếc ngăn kéo. Có ảnh của thân phụ ông. Người cha mặc y phục đại úy vệ binh. Vai khoác áo choàng vệ sĩ, bàn tay đeo nhẫn giữ tấm áo choàng trước ngực. Đầu ông nghiêng một bên, vẻ kiêu hãnh và bất mãn. Ông không bao giờ nói, ông bất mãn vì lẽ gì. Sau khi từ Viên trở về, ông hay đi săn. Ngày nào, mùa nào ông cũng đi săn; nếu không có thú lớn, hay gặp thời vụ cấm săn thì ông săn cáo và bắn quạ khoang. Có vẻ như ông muốn giết một kẻ nào, và ông luôn chuẩn bị trả thù. Thân mẫu ông tướng, bà bá tước, đã đuổi hết thợ săn khỏi lâu đài, bà cấm và cho dọn hết những gì gợi nhớ đến việc săn bắn, vũ khí và các túi đựng đạn, những mũi tên cổ, những con chim và đầu hươu nhồi, những cặp sừng. Chính vào dạo ấy ông cựu vệ binh đã cho xây dựng khu trại săn. Ngoài trại thôi thì có đủ cả: trước lò sưởi trải những tấm da gấu lớn, dọc các bức tường trên những tấm bảng khung gỗ màu nâu phủ bông nỉ, treo các loại vũ khí. Những khẩu súng săn của Bỉ, của Áo. Các loại dao Anh, các kiểu súng Nga. Vũ khí cho tất tật các loài thú. Gần khu trại săn là khu nuôi chó, đàn chó rất đông, các loài kopó, vizsla (1), cả người thuần dưỡng chim ưng cũng sống ngoài trại cùng ba con chim ưng có chỏm lông trên đầu như đội mũ. Thân phụ ông tướng ở luôn ngoài khu trại săn. Chỉ vào giờ ăn những người trong tòa lâu đài mới trông thấy ông. Những bức tường trong lâu đài được dán các loại giấy lụa sáng, màu xanh da trời, xanh lá cây nhạt, màu phớt hồng, có kẻ sọc vàng chế bởi những công xưởng vùng ngoại vi Paris. Đích thân bà bá tước chọn giấy lụa và đồ gỗ trong các công xưởng và cửa hiệu bên Pháp vào mùa thu mỗi năm, khi bà về thăm gia đình ở cố quốc của bà. Không bao giờ bà bỏ qua chuyến đi này. Bà có quyền làm như thế, bà đã đòi ghi rõ trong hợp đồng hôn nhân khi bà lấy chàng vệ binh người ngoại quốc.
- Có lẽ những chuyến đi là nguyên do. - Ông tướng chợt nghĩ.
Ông nghĩ tới việc các bậc thân sinh ông không hiểu nhau. Ông cựu sĩ quan ngự lâm quân thì suốt ngày săn bắn và vì không thể hủy hoại cả thế giới, trong đó có những khác biệt và những người không giống ông, - những thành phố xa lạ, Paris, những lâu đài, ngôn ngữ và lối sống khác - nên ông giết hoẵng, gấu và hươu nai. Đúng, có lẽ tại những chuyến đi. Ông tướng đứng dậy, lại gần cái lò sưởi sứ màu trắng, to bè, trước đây đã sưởi phòng thân mẫu ông. Đó là một cái lò cỡ lớn, có đã trăm năm nay, hơi ấm tỏa ra từ trong lòng nó như lòng tốt ban phát bởi một người bụng phệ, lười nhác, muốn bù đắp lại sự ích kỷ của mình bằng những việc hữu ích, dễ dãi. Chắc hẳn mẹ ông đã thấm lạnh trong căn phòng này. Đối với bà, tòa lâu đài này thật tăm tối, với những căn phòng có vòm cong nằm giữa rừng, nên bà đã cho dán các bức tường bằng giấy lụa sáng màu. Bà lạnh vì trong rừng, gió không ngừng thổi, cả vào mùa hè, gió mang mùi vị của những dòng suối trên núi, khi vào mùa xuân tuyết tan, nước dâng lên, bắt đầu tràn bờ. Bà lạnh, và vì thế lúc nào trong cái lò sưởi sứ màu trắng to bè cũng đốt lửa.
Mẹ ông muốn làm điều kỳ lạ. Nàng muốn về Phương Đông, vì nỗi đam mê đã chế ngự nàng còn mạnh hơn lý trí và óc phán xét của nàng. Họ quen nhau khi chàng đang làm giao thông viên ngoại giao cho sứ quán tại Paris trong một buổi dạ hội, và cả hai không thể làm gì để cưỡng lại cuộc gặp gỡ này. Trong tiếng nhạc, chàng nói với người con gái nhà bá tước: sự rung động cảm xúc, định mệnh còn mạnh hơn cả chúng ta. Chuyện ấy đã xảy ra trong đêm dạ vũ ở tòa đại sứ. Những cửa sổ che rèm lụa trắng, họ đứng trong chỗ hõm sâu sau một khung cửa cùng ngắm nhìn khách khiêu vũ. Đường phố Paris nhuộm trắng, tuyết đang rơi. Đúng vào giây phút ấy người cháu của dòng tộc Louis tiến vào phòng, chàng là đấng Quân vương của nước Pháp. Tất cả cúi rạp xuống chào Đức vua. Đức vua mặc bộ đuôi tôm màu xanh với áo gi-lê trắng; ngài chậm rãi nâng cặp kính gọng vàng lên mắt. Khi từ tư thế cúi gập mình từ từ ngửng lên, đôi trẻ nhìn vào mắt nhau. Vào thời khắc ấy, cả hai đều biết không thể làm gì khác, họ phải chung sống với nhau. Cả hai cùng mỉm cười, xanh xao và bối rối. Phòng bên cạnh vẳng sang tiếng nhạc. Người con gái Pháp khẽ hỏi: „Ở quê hương anh ư? Là đâu vậy?...” Và cô nhoẻn cười, mơ màng. Chàng vệ binh nói tên Tổ Quốc mình. Lời tin cậy đầu tiên họ nói với nhau là tên Tổ Quốc chàng.
Mùa thu, gần một năm sau, họ về nước. Cô gái xứ lạ ngồi lọt thỏm trong thùng xe, giữa đống vải ga và khăn trùm đầu. Họ đi qua những dãy núi, qua Thụy Sĩ, qua thành phố Tirol. Tại Viên, Hoàng đế và Hoàng hậu đã tiếp kiến họ. Hoàng đế phúc hậu như trong truyện cổ tích. Ngài bảo: „Quý bà hãy thận trọng! Nơi ông ấy đưa bà đến nhiều gấu lắm. Chính ông ấy cũng là một con gấu đấy.” Và ngài mỉm cười. Tất cả cùng cười. Thật là diễm phúc lớn, Hoàng đế pha trò với chàng sĩ quan ngự lâm quân và cô vợ người Pháp. Nàng đáp: „Thưa Hoàng thượng, tôi sẽ dùng âm nhạc để thuần phục chúng, như Orpheus (2) đã thuần phục thú dữ vậy”. Họ đi qua những khu rừng và đồng cỏ thơm mùi hoa quả. Qua khỏi biên giới, những dãy núi và thành phố bỗng mất hút, người vợ bắt đầu khóc. „Chéri, - nàng nói - em chóng mặt. Ở đây mênh mang quá.” Nàng chóng mặt vì cảnh sắc của bầu không khí mùa thu uể oải, nặng nề trên thảo nguyên. Xe đi qua những cánh đồng đã gặt xong, những vùng đất hàng mấy giờ không thấy có đường xá gì, những đồng ngô ngả rạp trải dài hai bên đường, như phong cảnh bị tàn phá sau một cuộc chiến. Người lính ngự lâm ngồi bất động trong xe, hai bàn tay đan vào nhau. Thỉnh thoảng chàng cho tháo một con ngựa, cưỡi ngựa đi bên cỗ xe mấy giờ liền. Chàng nhìn đất mẹ, như lần đầu được thấy. Chàng ngắm những ngôi nhà có cửa chớp màu xanh, hàng hiên màu trắng nơi họ nghỉ lại, ngôi nhà nằm sâu trong những khu vườn, những căn phòng mát lạnh, mọi thứ đồ gỗ đều quen thuộc, cả mùi hương những chiếc tủ. Chàng ngắm nhìn phong cảnh, sự cô tịch ảo não của nó làm rung động con tim chàng, như chưa từng thế bao giờ: bằng con mắt của vợ, chàng ngắm nhìn cái giếng có cần múc nước, những vùng đất cằn cỗi, những cánh rừng bạch hoa, những đám mây màu hồng trên nền trời hoàng hôn của thảo nguyên. Đất mẹ mở ra trước mắt họ. Tim đập rộn trong lồng ngực, chàng cảm nhận thấy cảnh sắc chờ đón hai người, đồng thời cũng chính là số phận. Người vợ ngồi trong thùng xe, im lặng. Thỉnh thoảng đưa khăn lên mắt. Những lúc như thế, chồng nàng nhoài người xuống trên yên ngựa, nhìn vào cặp mắt đẫm lệ như gặng hỏi. Nhưng nàng ra hiệu cứ đi tiếp. Bởi họ đã thuộc về nhau.
Thời gian đầu, khu lâu đài đã an ủi nàng. Nó rộng đến nỗi những cánh rừng và dãy núi đã ngăn cách thảo nguyên, một cõi riêng biệt trong một đất nước xa lạ. Sau họ, những chuyến xe chở đồ tháng nào cũng tới. Từ Paris, từ Viên những chuyến xe chất đầy đồ gỗ, vải sợi, vải bạt, những bức họa, và có cả một chiếc dương cầm nhỏ, vì nàng muốn thuần phục các loài thú dữ bằng âm nhạc. Khi trong núi tuyết đầu mùa đã rơi, họ mới sắp xếp xong và bắt đầu cuộc sống trong lâu đài. Tuyết bao kín quanh tòa lâu đài, như một đội quân Phương Bắc ảm đạm, lặng lẽ vây hãm thành. Đêm đêm, lũ nai, hoẵng bước từ trong rừng ra, đứng trên tuyết dưới ánh trăng, nhìn về phía những ô cửa sổ sáng đèn của tòa lâu đài, đầu nghênh nghênh, với những đôi mắt thú ngây thơ phản chiếu thứ ánh sáng màu xanh mê hồn. „Anh thấy chưa?...” - Ngồi bên cây đàn dương cầm, nàng hỏi rồi mỉm cười. Tháng Hai, băng tuyết xua lũ sói xuống trang trại, những người ở và thợ săn gom cành khô nhóm những đống lửa lớn ngoài bãi, đàn sói chạy vòng quanh tru lên trước sự mời gọi mê hoặc của ánh lửa. Chàng ngự lâm vác dao lao vào bầy sói. Như có duyên nợ gì với chúng.
Dẫu thế nào hai người cũng yêu nhau. Ông tướng lại gần bức chân dung mẹ, tác phẩm của một họa sĩ thành Viên, cũng chính là người đã vẽ bức chân dung Hoàng hậu, với những lọn tóc buông rủ xuống; ông tướng đã thấy bức họa ấy trong phòng làm việc của Hoàng đế, ở lâu đài Burg (3).
Trên bức họa, bà bá tước đội một chiếc mũ cói mỏng có gắn hình những bông hoa màu hồng nhạt, như những cô gái Firenze (4) thường đội vào mùa hè. Bức họa khung mạ vàng được treo trên tường màu trắng, phía dưới là một chiếc tủ gỗ anh đào nhiều ngăn kéo. Chiếc tủ này trước đây là của mẹ ông. Ông tướng tỳ hai tay lên thành tủ ngắm bức chân dung trên cao. Người đàn bà trẻ trên bức họa của ông họa sĩ thành Viên đầu hơi nghiêng sang một bên, dịu dàng và nghiêm nghị nhìn khoảng không trước mặt như muốn hỏi: „Vì sao?” Đó là ý nghĩa của bức chân dung. Đường nét trên gương mặt bà nom quý phái, chiếc cổ gợi cảm, đôi tay đi găng len đan, chiếc áo màu xanh nhạt để lộ đôi vai trần trắng và nửa trên hai bầu vú. Bà luôn là người xa lạ. Họ ngấm ngầm đối chọi với nhau, bằng âm nhạc và săn bắn, bằng các chuyến đi và những buổi dạ hội, khi tòa lâu đài tắm trong ánh sáng, những căn phòng như bốc lửa, những nhà nhốt gia súc chật cứng xe và mã phu của khách, trên lối vào chính, cứ bốn bậc thang lại có một gia binh đứng bất động như những người bằng sáp đứng trong panoptikum (5), tay giơ những đế nến lớn bằng bạc có mười hai nhánh, và ánh sáng, tiếng nhạc, tiếng nói cười, mùi thơm tỏa ra từ đám khách hòa quyện trong những căn phòng, dường như cuộc sống là một ngày hội vô vọng, một lễ hội đầy bi kịch và cao quý mà vào lúc mãn cuộc những hồi kèn đồng sẽ được đám thợ kèn tấu lên, như muốn báo cho khách về một điềm gở sắp đến. Ông tướng còn nhớ những buổi dạ hội như thế. Có khi đám mã phu và ngựa vây quanh những đống lửa nhóm trên bãi tuyết, vì chuồng ngựa không đủ chỗ. Một bận cả Hoàng đế cũng đến, ở đây ngài là bậc đế vương. Ngài đến bằng xe ngựa kéo, có đội kỵ sĩ y phục trắng hộ tống. Ngài đi săn hai ngày trong rừng, và ngài ở cánh bên kia lâu đài, ngủ trên một chiếc gường sắt, và ngài khiêu vũ với bà chủ nhà. Họ vừa khiêu vũ vừa chuyện trò, và mắt nữ chủ nhân đẫm lệ. Đi hết một điệu vũ, Hoàng đế cúi chào, hôn lên tay bà chủ, rồi ngài dẫn bà sang phòng bên, nơi đám tùy tùng đứng thành nửa vòng tròn. Ngài đưa trả bà về cho chàng vệ binh, rồi cúi xuống hôn tay bà một lần nữa.
- Hai người nói chuyện gì thế?... - Mãi về sau ông chồng có lần hỏi vợ.
Nhưng bà không nói. Không ai biết Hoàng đế đã nói với bà chủ chuyện gì, bà chủ nhà, người đến từ xứ lạ, và đã khóc trong khi khiêu vũ. Trong vùng người ta còn bàn tán mãi về chuyện này.
(1) Kopó, vizsla: tên các loài chó săn.
(2) Orpheus : Nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp, nhà thơ, có tài chơi đàn lia, dùng tiếng đàn sai khiến được các loài vật.
(3) Burg: Lâu đài hoàng cung triều đình Áo.
(4) Fizenze (Florence): Một thành phố du lịch nổi tiếng, từng là cố đô của nước Ý.
(5) Panoptikum (tiếng Hy Lạp): nơi trưng bày mẫu tượng bằng sáp hoặc thạch cao những người nổi tiếng, hay khét tiếng.
Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn