NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (2)

Thứ tư - 23/01/2008 09:33

(NCTG) “Cuốn tiểu thuyết nhạy cảm của Márai Sándor như một cổ vật quý báu với những địa điểm tại Hungary và Viên, với sự căng thẳng cuộn xoáy dưới bề mặt, với sự tạo dựng đầy phong cách những gì mà tác phẩm muốn đề cập, về mặt đạo đức và siêu hình” (nhận định của "The New York Times")

2.

Bà Nini đã chín mươi mốt, nhưng bà lên phòng ông rất nhanh. Bà đã chăm bẵm ông tướng trong căn phòng này. Bà đã có mặt khi ông chào đời. Lúc đó bà là cô gái mười sáu, và rất đẹp. Người thấp lùn nhưng chắc lẳn và đằm tính, dường như cơ thể bà ẩn chứa điều bí ẩn gì, trong xương tủy, trong máu thịt bà có bí mật của thời gian, của sự sống, và điều này không thể nói cho người ngoài hiểu được, không thể chuyển dịch sang ngôn ngữ, ngôn từ không thể chứa đựng nổi điều bí ẩn này. Bà là con gái nhân viên bưu điện trong làng, sinh con lúc mười sáu tuổi, nhưng bà không bao giờ tiết lộ cho ai biết cha đứa bé là ai. Bà cho ông bú vì có nhiều sữa, khi bị ông bố đuổi khỏi nhà, bà đến ở trong lâu đài. Bà không có một thứ gì, ngoài quần áo và một nhúm tóc của đứa con đã chết. Bà đến lâu đài như thế. Đúng vào lúc ông ra đời. Hơi sữa đầu tiên ông mút là từ bầu vú của bà.

Bà sống trong tòa lâu đài như vậy, lặng lẽ, suốt bảy mươi nhăm năm. Lúc nào bà cũng mỉm cười. Tên bà bay từ phòng này qua phòng khác, như mọi người trong nhà muốn nhắc nhở nhau điều gì. Họ gọi bà là „Nini”, Như muốn nhắc nhau: „Thật lạ, trên thế gian còn những điều khác với lòng vị kỷ, sự đam mê, thói hiếu danh. Nini...” và vì bà có mặt ở mọi nơi cần có, nên họ không bao giờ thấy. Và vì bao giờ bà cũng vui vẻ, nên người ta chẳng bao giờ hỏi làm thế nào bà có thể vui vẻ khi người bà yêu bỏ bà ra đi, khi đứa con bà chết lúc dòng sữa dành cho nó còn căng trong hai bầu vú. Bà đã bú mớm, nuôi dưỡng ông tướng, rồi bảy mươi nhăm năm đã trôi đi. Đôi khi trời hửng nắng trên cả tòa lâu đài và gia đình này, những lúc như thế, trong rực rỡ ánh hào quang, người ta bất chợt nhận ra: Nini cũng mỉm cười. Rồi bà bá tước thân mẫu ông tướng qua đời, Nini dùng khăn tẩm dấm lau gương mặt nhợt nhạt, lạnh giá râm rấm ướt cho bà. Rồi một hôm người ta cáng bố ông tướng về, ông bị ngã ngựa, nhưng còn sống thêm năm năm nữa. Nini đã chăm nom ông. Bà đọc tiếng Pháp cho ông nghe, nhưng vì không biết thứ ngôn ngữ này, bà chỉ đọc những chữ cái, và vì không biết cách phát âm cho chuẩn, bà đọc những chữ cái rất chậm, theo trình tự của chúng. Thế mà người bệnh vẫn hiểu hết. Rồi ông tướng lấy vợ, khi hai vợ chồng ông trở về sau tuần trăng mật, Nini đứng chờ họ trước cổng. Bà hôn tay cô chủ mới, rồi đưa tặng cô một bó hoa hồng. Buổi đó Nini cũng cười; thỉnh thoảng ông tướng vẫn nhớ lại khoảnh khắc ấy. Rồi bà chủ mất, hai mươi năm sau đó, lại là Nini chăm sóc mộ phần và gìn giữ áo quần người quá cố.

Trong nhà này bà chẳng có danh chức gì. Mọi người chỉ cảm thấy ở bà có một thứ quyền năng. Chỉ mình ông tướng biết, như một sự đãng trí, bà đã qua tuổi chín mươi. Nhưng không ai nói gì về chuyện này. Thứ quyền năng của bà Nini lan tỏa khắp ngôi nhà, qua mỗi người, qua các bức tường, qua các đồ vật, như một dòng điện bí ẩn, điều khiển những con rối, Hiệp sĩ János và Tử Thần (1), trên sàn diễn của một gánh rối rong. Đôi khi người ta cảm thấy như ngôi nhà, những đồ vật sẽ tan ruỗng ra, nếu như thiếu sức níu kết của bà, nếu không có thứ quyền năng kia giữ chúng lại, chỉ cần một ai đó bất chợt chạm tay vào, chúng sẽ tan biến đi, như những chất liệu đã quá già cũ.

Sau khi vợ mất, ông tướng bỏ ra đi. Một năm sau, ông quay về, và lập tức chuyển tới cánh cũ của tòa lâu đài, vào phòng thân mẫu ông. Cánh mới của tòa nhà, nơi ông đã sống với vợ; những xa-lông màu với những tấm trải bằng lụa Pháp đã ngả màu; căn phòng lớn với lò sưởi và những giá sách; lối lên gác với những sừng nai và những con gà rừng nêm nhồi, những thủ sơn dương khô; phòng ăn rộng có những cửa sổ nhìn xuống thung lũng và xuống thành phố nhỏ, xa xa là những triền núi màu xanh bạc; căn phòng của vợ ông và cả phòng riêng của ông lúc trước, ông đều sai khóa lại. Đã ba mươi hai năm, kể từ ngày vợ mất, và ông từ nước ngoài trở về, chỉ bà Nini với vài người giúp việc vào những căn phòng ấy - hai tháng một lần - vào những dịp quét dọn.

- Ngồi xuống đây, già Nini. - Ông tướng bảo.

Bà nhũ mẫu ngồi xuống. Một năm lại đây bà già đi nhiều. Sau tuổi chín mươi người ta già đi khác với sau tuổi năm mươi hay sáu mươi. Người ta già đi mà chẳng phiền muộn vì chuyện đó. Gương mặt đỏ au của bà đầy nếp nhăn - chỉ những chất liệu quý hiếm mới lão hóa như thế - những thứ tơ lụa trăm tuổi được dệt bằng tất cả sự khéo tay và mơ ước của một gia đình. Năm ngoái một mắt bà bị bệnh nhài quạt, bây giờ nom xám đục và buồn. Con mắt bên kia vẫn xanh như sắc xanh của những hồ mắt biển trên những rặng núi lớn, vào tháng Tám. Con mắt ấy như đang cười. Bà Nini mặc bộ đồ màu xanh thẫm, bao giờ cũng như thế, chiếc váy nỉ màu xanh thẫm với áo blu may liền. Tưởng như suốt bảy mươi nhăm năm qua bà không hề may cắt áo quần.

- Có thư của Konrád. - ông tướng nói, một cánh tay giơ cao lá thư vẻ hững hờ. - Già còn nhớ chứ?

- Vâng! - bà đáp. Bà nhớ không sót điều gì.

- Ông ấy đang ở trong thị trấn, - ông nói với bà nhũ mẫu, như báo một tin quan trọng và tin cẩn. - Ông ấy đang ở khách sạn Đại Bàng Trắng. Tối nay sẽ đến đây, tôi đã cho người ra đón. Sẽ ăn tối ở đây.

- Ở đây, nhưng phòng nào? - Bà hỏi giọng điềm đạm. Con mắt màu xanh lanh lợi hay cười nhìn lướt quanh căn phòng.

Đã hai mươi năm nay nhà này không tiếp khách. Đôi khi có người tới thăm ở lại ăn trưa, các vị bản chức của tỉnh và thị trấn, những vị khách dự hội săn bắn đều do người quản lý trại gia súc tiếp trong ngôi nhà ngoài rừng. Ngoài ấy lúc nào cũng sẵn sàng cho việc đón khách, những phòng ngủ, buồng tắm, bếp, phòng ăn kiểu phường săn rộng rãi, ban-công mở, những chiếc bàn có chân hình chân dê. Những dịp như vậy người quản trại gia súc ngồi ghế chủ nhân, thay mặt ông tướng tiếp khách săn và các vị bản chức. Không ai cảm thấy bị xúc phạm vì tất cả đều biết ông chủ như người vô hình. Đến tòa lâu đài mỗi năm một lần, vào mùa đông, chỉ có ông mục sư, khi ông dùng phấn viết lên tấm dầm ngang cửa ra vào những chữ cái đầu tiên của ba tên gọi Gáspár, Menyhért và Boldizsár (2). Vị mục sư đã làm lễ an táng những người trong nhà. Không bao giờ có một ai khác.

- Ở cánh bên kia, - ông tướng nói - Có được không?

- Chúng tôi mới quyét dọn cách đây một tháng. - Bà nhũ mẫu đáp - Thưa ông, được ạ.

- Tám giờ tối. Được chứ?... - Ông hỏi giọng pha chút bồn chồn, tò mò của con trẻ, rồi ông hơi ngả người ra phía trước trên ghế bành. - Trong phòng lớn nhé. Bây giờ là giữa trưa.

- Giữa trưa, - bà nhũ mẫu nói. - Tôi bảo gia nhân ngay đây. Cho họ thông gió đến sáu giờ, rồi dọn bàn ăn. - Môi bà khẽ mấp máy, như đang nhẩm tính. Bà tính thời gian, một lô việc phải làm. - Vâng! - Bà nói bình thản và quả quyết.

Ông tướng ngả người về phía trước, tò mò dõi theo. Hai cuộc đời cứ như hai dòng chảy, với nhịp sống chậm rãi của hai cơ thể già nua. Họ hiểu biết tất cả về nhau, còn hơn cả mẹ và con, hơn cả vợ chồng. Sự chung sống đã kết nối họ, gắn bó hơn mọi sự chung đụng tầm thường. Có thể là dòng sữa mẹ đã tạo nên điều đó. Có thể do bà Nini là sinh linh đầu tiên nhìn thấy ông tướng khi ông vừa chào đời, trong máu và dơ bẩn, như con người ta thường sinh ra. Có thể do bảy mươi nhăm năm họ cùng chung sống dưới một mái nhà, ăn cùng một đồ ăn, cùng hít thở một bầu không khí; sự cũ kỹ của ngôi nhà, những cây ngoài cửa sổ, tất cả đều là của chung. Và tất cả không có tên gọi. Họ không phải chị em, cũng chẳng phải người tình. Còn điều gì khác nữa, chính họ cũng chỉ lờ mờ hiểu. Có một thứ tình bằng hữu, thắm thiết hơn, nồng đậm hơn của những đứa trẻ sinh đôi nằm trong lòng mẹ. Cuộc sống đã hòa quyện ngày và đêm của hai người, họ hiểu biết nhau cả về thể xác và những khát vọng.

Bà nhũ mẫu hỏi:

- Ông muốn tất cả như ngày trước chứ?

- Đúng! - Ông tướng đáp. - Như hệt ngày trước. Như lần cuối cùng vậy.

- Tôi hiểu. - Bà đáp gọn

Bà lại gần ông tướng, cúi xuống và hôn lên bàn tay già nua đeo nhẫn, hằn lên những mạch máu của ông.

- Ông phải hứa, - bà nói - đừng có quá xúc động.

- Tôi xin hứa. - Ông đáp bằng thứ giọng nhẹ nhàng, ngoan ngoãn.

(1) Hiệp sĩ János và Tử Thần: Tên các nhân vật chính trong một vở múa rối nổi tiếng Hungary.

(2) Ba nhà hiền triết phương Đông được nhắc tới trong "Thánh Kinh" (Tân Ước), được ngôi sao sáng trên bầu trời dẫn đường đến Bethlehem để mừng sự ra đời của Đức Jesus, nhà vua mới của sắc dân Do Thái, trong Đêm Giáng sinh. Tên theo tiếng Anh của họ là Caspar, Melchior and Balthasar.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn