NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (5)

Thứ ba - 29/01/2008 08:21

(NCTG) “Thuộc hàng những tiểu thuyết gia lớn nhất của Châu Âu, tác giả cuốn sách không chỉ đưa ra sự mổ xẻ - một cách rực rỡ - mối quan hệ tay ba trong Đế chế Áo - Hung, mà còn nắm bắt được sự rối ren ghê gớm bao bọc mọi mối quan hệ con người: nhiệt huyết cháy bỏng của những tình cảm chúng ta, tức là mộng ước, tình yêu, nỗi oán thù và chán ghét của chúng ta. Một tác phẩm thực sự tuyệt vời!” (nhận định của "Der Spiegel")

5.

Những việc như thế mãi sau này người ta mới nhớ đến. Mấy thập kỷ đã trôi qua, khi đi ngang một căn phòng, trong đó một ai đó đã lìa đời, ta chợt nghe thấy tiếng rì rầm của biển, những lời nói thuở nào. Dường như những lời nói ấy lột tả ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng sau này lại phải nói đến những chuyện khác.

Vào mùa thu, khi họ trở về từ Bretagne, ông vệ binh đón gia đình tại thành Viên. Cậu bé được gửi vào học xá quân sự. Cậu được phát một thanh kiếm nhỏ, quần dài, mũ chào mào. Một mũi lê nhỏ đeo ngang sườn, áo sĩ quan xanh thẫm, mỗi chủ nhật lũ học viên nhí được đưa đi dạo ở Graben. Trông chúng giống những đứa trẻ chơi trò mặc quần áo lính. Chúng đeo găng trắng, đứng nghiêm chào, nom rất đáng yêu. Học xá đứng trên đỉnh một quả đồi gần thành Viên. Đó là một tòa nhà màu vàng, từ cửa sổ trên gác hai có thể nhìn thấy khu phố cổ với những phố xá thẳng tắp, cả lâu đài mùa hè của Hoàng đế. Những mái nhà khu Schönbrunn, và những lối đi dạo chạy giữa những lùm cây được cắt tỉa trong một khu vườn lớn. Trên những hành lang vòm, màu trắng, trong các phòng học phòng ăn, phòng ở chỗ nào cũng ngăn nắp gọn gàng, dường như đây là nơi duy nhất trên thế gian này người ta đã sắp xếp và đặt đúng vị trí tất cả những đồ vật lộn xộn và dư thừa. Giáo viên là những sĩ quan đã có tuổi, mỗi phòng ở có ba mươi học sinh, ngủ trên những chiếc giường sắt hẹp, giống như Hoàng đế. Cửa ra vào treo cây thánh giá gắn hình Đức Chúa và một chùm hoa nhỏ đã vẩy nước thánh. Ban đêm thắp những cây đèn ánh sáng xanh. Sáng dậy theo hiệu còi; vào mùa đông có khi nước đóng băng trong những chậu sắt tây. Những lúc ấy, lính cần vụ mang nước nóng lên từ nhà bếp bằng những bình dựng nước.

Lũ trẻ học tiếng Hy Lạp, binh khí học, cách hành xử khi trực diện với địch thủ, và môn lịch sử.

Nom cậu bé xanh xao, hay húng hắng ho. Vào mùa thu, chiều nào ông linh mục cũng dẫn cậu xuống dạo chơi trong khu Schönbrunn. Họ đi chầm chậm trên những đường phố chính. Từ một giếng phun - những phiến đá lát bị rêu mốc ăn mòn - chảy ra dòng nước lấp lánh vàng dưới ánh mặt trời. Họ đi dọc những rặng cây cắt tỉa thành hàng, cậu bé rướn thẳng người đưa cánh tay đeo găng trắng lên cao, chào những người lính già theo đúng kiểu cách, những người lính mặc lễ phục đi dạo, cứ như ngày nào cũng là sinh nhật của Hoàng đế. Một người phụ nữ đi lướt qua, trên vai bà có ô che nắng màu trắng viền ren, đầu để trần. Vị linh mục cúi rạp xuống chào.

- Hoàng hậu đấy! - Ông ghé sát vào tai cậu bé thì thầm.

Gương mặt bà trắng nhễ, mái tóc đen dày tết lọn ba, cuốn quanh đầu. Đi sau hoàng hậu ba bước là một bà bận bộ đồ đen, lưng hơi còng, vẻ như mỏi mệt vì gấp gáp.

- Hoàng hậu đấy! - Linh mục nhắc lại, đầy vẻ sùng kính.

Cậu bé nhìn theo người đàn bà cô độc sắp mất hút giữa những hàng cây trong khu vườn lớn, vẻ như bà đang trốn chạy điều gì.

- Trông bà ấy giống mẹ cháu, - cậu nói, vì chợt nhớ tới bức họa treo trong phòng làm việc của bố cậu, phía trên bàn.

- Con không được nói như thế! - Ông linh mục nghiêm giọng nói.

Lũ trẻ học từ sáng đến tối, học những điều không được nói. Trong học xá, nơi coi dạy bốn trăm đứa trẻ, yên tĩnh như trong lòng một quả bom hẹn giờ trước khi nổ. Ở đây thôi thì đủ, những cậu bé đến từ những lâu đài nước Tiệp, tóc màu đồng đỏ, với mũi hếch và những bàn tay trắng nhợt, mệt mỏi; từ những tư dinh quý tộc vùng Morva (1); từ những thành quách vùng Tirol, và những lâu đài săn bắn xứ Stajer (2), từ những dinh thự suốt ngày cửa chớp đóng im quanh vùng Graben; những điền trang Hungary, với những tên gọi dài ngoẵng, nhiều phụ âm và tiền danh, tước hiệu, đẳng cấp, những thứ được người ta sắp đặt như xếp quần áo vào kho, trong học xá này, những áo quần thị dân may ở Viên, ở London hay đồ lót Hòa Lan. Chỉ có một tên gọi đứng ngoài tất cả, và một cậu bé mang cái tên ấy, và ở đây cậu mới được chỉ bảo cái gì nên, cái gì không nên. Có những cậu bé trán thấp xứ Xla-vơ, trong máu pha trộn tất cả tính cách con người của vương quốc, có những đứa trẻ quý tộc mắt xanh mười tuổi nom rất mệt nhọc, chúng nhìn vào khoảng không, như tổ tiên chúng đã nhìn thấy thay chúng mọi điều, và một thái tử Tirol mười hai tuổi tự sát bằng súng vì yêu cô em họ.

Konrád nằm giường bên cạnh. Hai người quen nhau lúc cả hai mới mười tuổi.

Cậu ta có vóc người thấp đậm nhưng vẫn gầy, như con cái của những giống người cổ xưa, những người cơ thể họ phần xương cốt lấn át phần da thịt. Cậu chậm chạp nhưng không lười nhác, mỗi cử chỉ đều mực thước như có chủ ý. Thân sinh cậu từng là một viên chức được phong nam tước ở vùng Galicia (3), mẹ cậu là người Ba Lan. Khi cười, quanh khóe miệng cậu xuất hiện một nét vòng lan rộng, ngây thơ, mang đặc trưng Xla-vơ. Hiếm khi thấy cậu ta cười. Cậu ít nói và rất có ý tứ.

Ngay từ giây phút ban đầu chúng đã cùng sống với nhau, như những đứa trẻ song sinh trong lòng mẹ. Chúng không cần qua „thủ tục kết bạn”, như bọn trẻ cùng lứa thường làm, giữa những nghi lễ vừa trang nghiêm vừa hài hước, với sự nhiệt thành quá mức, như nỗi khát khao thường nảy sinh có khi vô thức và méo mó trong con người, khi lần đầu tiên ta muốn giành cả thể xác và tâm hồn một người khác từ xung quanh, để người ấy chỉ thuộc về ta, chỉ một mình ta mà thôi. Ý nghĩa của tình yêu và tình bạn cũng chừng ấy. Tình bạn giữa chúng trang nghiêm và lặng lẽ như mọi tình cảm lớn, thứ tình cảm dành cho một đời người. Và cũng như trong mọi tình cảm lớn, trong tình bạn của chúng cũng có sự e thẹn và cảm giác tội lỗi. Nhưng chúng biết, ngay từ phút giây đầu tiên, cuộc gặp gỡ này sẽ ràng buộc suốt cuộc đời. Cậu bé người Hung cao gầy mảnh khảnh, dạo ấy tuần nào bác sĩ cũng khám cho cậu: người ta lo cậu bị bệnh phổi. Theo yêu cầu của ông hiệu trưởng, bố cậu phải sang thành Viên trao đổi rất lâu với các bác sĩ. Tất cả những gì các thày thuốc nói, cuối cùng ông chỉ hiểu một từ: „Nguy kịch”. Thực ra thì cậu bé không ốm, họ bảo, cậu chỉ có xu hướng dễ ngã bệnh. Vì thế, như họ nói, mối nguy hiểm là thường trực. Ông vệ binh nghỉ ở một con phố nhỏ, tăm tối gần nhà thờ Thánh István, trong một nhà trọ đề „Dâng vua Hung”, trước đây ông nội ông đã từng ở. Người làm công chào „Thưa mời tôn ông”. Ông ở hai phòng có trần hình vòm, thiếu ánh sáng, chất đầy những đồ gỗ trải lụa màu vàng. Những ngày này, ông xin cho thằng bé ra ở cùng trong nhà trọ. Phía trên mỗi cánh cửa có thể đọc tên những vị khách quen và khả ái, cứ như căn nhà này là một thứ ni viện trần tục dành cho các đức ông độc thân của Nền Quân chủ. Buổi sáng họ đi xe ngựa ra công viên Prater. Đã sang đầu tháng Mười Một, trời trở lạnh. Buổi tối hai cha con vào nhà hát, trên sân khấu các dũng sĩ múa kiếm ngả nghiêng, hò hét inh ỏi. Rồi họ vào ăn tối trong một tiệm ăn nhan nhản người hầu bàn. Cậu bé sống bên bố lặng lẽ, với vẻ lịch lãm già nua, tựa như cậu cam chịu và lượng thứ điều gì.

- Họ bảo: „Nguy hiểm!” - Sau bữa ăn, ông nói như cho chính mình nghe, rồi ông châm một điếu xì-gà to màu đen. - Nếu muốn, con có thể về nhà. Nhưng bố vẫn thích hơn, nếu con không sợ một thứ hiểm nguy nào.

- Con không sợ đâu, bố ạ. - Cậu đáp. - Nhưng Konrád hãy ở với chúng ta. Cậu ấy nhà nghèo. Con muốn, hè này mời cậu ấy về nhà mình.

- Bạn con à? - Ông bố hỏi.

- Thưa vâng.

- Thế thì cậu ta cũng là bạn bố. - Ông nói một cách nghiêm chỉnh.

Ông mặc bộ đuôi tôm, áo sơ-mi có mép viền, gần đây ông không bao giờ mặc đồng phục nữa. Cậu bé ngồi nghe, lòng thấy nhẹ nhõm. Có thể tin lời của bố. Đến chỗ nào trong thành Viên, người ta cũng nhận ra ông, trong các cửa hiệu, người bán găng tay, bán sơ-mi, ông thợ may, trong tiệm ăn, nơi những người bồi bàn chính ăn mặc trịnh trọng đi như lướt bên những dãy bàn, ngoài phố xá, nơi người ta vẫy chào ông từ các cỗ xe ngựa kéo, đầy vẻ hân hoan.

- Bố có đến thăm Hoàng đế? - Một hôm trước khi ông về, cậu bé hỏi bố.

- Nhà vua - ông nhắc, giọng nghiêm khắc.

Rồi ông nói:

- Bố không bao giờ đến chỗ ông ta nữa.

Cậu bé hiểu, đã có chuyện gì đó xảy ra giữa họ. Đúng hôm ông về, cậu giới thiệu Konrád với bố. Tối hôm trước, cậu đi ngủ mà tim vẫn đập như gõ trống: tất cả giống như một cuộc hứa hôn. „Đừng nói gì về đức vua trước mặt ông nhé!” - cậu dặn bạn. Nhưng bố rất độ lượng, thân mật, hào phóng. Bằng một cái bắt tay duy nhất, Konrád đã trở thành người thân của gia đình.

Từ hôm đó cậu bé bớt ho. Cậu đã hết đơn độc. Cậu không chịu nổi sự cô đơn giữa mọi người.

Sự giáo dục mà cậu tiếp thu từ gia đình, từ vùng rừng và từ Paris, từ trạng thái tinh thần của người mẹ, đều chỉ dẫn cho cậu, rằng con người ta đừng bao giờ nói về nỗi đau, mà hãy âm thầm chịu đựng. Khôn ngoan nhất là đừng bao giờ nói về điều đó, cậu đã học như thế. Nhưng thiếu tình thương cũng không thể sống nổi, đó cũng là điều cậu tiếp thu được. Có thể là người phụ nữ Pháp đã đem vào gia đình niềm khao khát được bày tỏ những cảm xúc với một ai đó. Trong gia đình bên nội, mọi người thường im lặng trước những chuyện như thế. Phải có người nào đó để yêu quý: Nini hay Konrád. Và thời gian đó cậu không sốt, không ho, gương mặt gầy guộc, xanh xao của cậu trở nên hồng hào, đầy lòng nhiệt huyết và tin tưởng. Cả hai đang ở vào thời kỳ mà những cậu con trai chưa có giới tính rõ rệt: như chúng chưa quyết định chuyện đó. Mái tóc vàng, mềm mại - mà cậu ghét thậm tệ, vì cảm thấy nó giống con gái - cứ hai tuần lại được ông thợ cạo gọt trọc. Konrád trông đàn ông hơn, điềm đạm hơn. Đây là lúc tuổi thơ rộng mở phía trước, và từ nay hai đứa không còn sợ quãng thời gian này, vì chúng đã có nhau.

Bà ngoại người Pháp, sau mùa hè đầu tiên, khi hai cậu bé trở về thành Viên, dõi theo chúng từ cổng tòa lâu đài. Rồi bà cười và nói với Nini:

- Một cặp hay, phải không?

Nhưng Nini không cười. Mùa hè nào hai đứa trẻ cũng cùng về, sau này chúng cùng về cả vào những dịp Nô-en. Mọi thứ của hai đứa đều là của chung, quần áo, đồ lót, chúng được sắp xếp ở chung một phòng, đọc cùng một cuốn sách, cùng khám phá thành Viên và những cánh rừng, những cuốn sách và nghề săn bắn, môn cưỡi ngựa và những giá trị binh nghiệp, cuộc sống bè bạn và tình yêu. Nini lo lắng, có thể pha chút ghen tỵ. Kết bạn đã được bốn năm, hai cậu con trai bắt đầu né tránh xung quanh, chúng đã có những bí mật riêng. Tình bạn ngày càng sâu nặng hơn. Cậu rất hãnh diện về Konrád, muốn khoe với tất cả mọi người, như một tác phẩm, một tuyệt tác, đồng thời cậu lại e ngại tất cả, chỉ sợ người ta cướp đi cái cậu yêu quý.

- Thái quá! - Bà vú nói với người mẹ. - Sẽ có lúc cậu bạn ra đi. Cậu nhà sẽ rất đau đớn.

- Đó là nghĩa vụ con người. - Bà mẹ nói, bà ngồi trước gương, ngắm nghía vẻ đẹp đang tàn phai của mình. - Đến một ngày, ta sẽ mất người ta yêu. Kẻ nào không chịu nổi điều đó, kẻ đó chưa hẳn đã nên người.

(1) Morva, Moravia: Một lãnh địa nhỏ ở tả ngạn sông Đa-nuýp (Danube), từ 1526-1918 thuộc triều đại Habsburg (Đức), từ 1918 trở đi thuộc Tiệp Khắc (cũ).

(2) Stajer: Một tỉnh của Áo ngày nay, trong lịch sử đã từng thuộc sự cai quản của nhiều nước như Ý, Đức...

(3) Galicia: Một tỉnh của Đế chế La Mã, nay là phần diện tích thuộc ba nước Pháp, Bắc Ý và Bỉ, còn hay dùng để chỉ nước Pháp.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn