Đền thờ An Dương Vương gần Hà Nội
Chương 3
Triệu Vũ Vương lập ra nước Nam Việt
Hán Vũ Đế xóa xổ một quốc gia
Quân Triệu gồm hơn 2 vạn lính, 2 vạn phu, kéo vào với khí thế mạnh mẽ như thác lũ.
An Dương Vương cùng tướng Cao Lỗ và công chúa Mỵ Châu vội lên thành tìm cách ngăn chặn địch quân.
Các tướng tham mưu khuyên nhà vua đưa hoàng gia và quân chủ lực Âu Lạc lui về Bố Hải Khẩu, chờ khi quân Bắc cạn lương thì quay lại tấn công.
Vua còn lưỡng lự chưa biết tính sao thì Cao Lỗ nói: “Xin quốc vương cứ yên tâm”, rồi cho đội xạ kích tập hợp trên mặt thành. Thấy đội thân binh của Cao Lỗ trang bị hiện đại, tác phong chính quy, vua ta yên tâm hơn, liền ra lệnh cho quan quân kíp củng cố các tuyến phòng ngự và sẵn sàng tác chiến với quân phương Bắc.
*
Triệu Đà đóng trại ở chân núi Sóc (Sóc Sơn), ngày ngày cho lính trinh sát đi Cổ Loa điều tra địch tình.
Thấy quân Cổ Loa bố phòng chặt chẽ, hiệu lệnh nghiêm minh, ông không dám chủ quan khinh địch.
Sau khi đã tập kết toàn bộ quân lực ở chân núi Sóc, công tác hậu cần cũng hòm hòm, Triệu Đà và Trọng Thủy chỉ huy hai cánh quân đánh phá dữ dội hai phía Tây Bắc và đông bắc của Cổ Loa.
Quân Cổ Loa chờ quân địch tới đúng tầm bắn mới đưa dàn phi tiễn bắn một lúc hàng trăm mũi tên ra sử dụng. Quân Triệu bị đốn ngã hàng loạt. Tình thế buộc hai cha con Triệu Đà phải lui binh.
Sau gần sáu tháng vây đánh Cổ Loa không thành, quân phương Bắc phải xin giảng hòa, lui về đất cũ.
An Dương Vương cho củng cố thành trì, rèn thêm gươm giáo, làm thêm nhiều dàn phi tiễn, đề phòng họ Triệu lại tấn công.
*
Triệu Đà vẫn chưa từ bỏ ý đồ thôn tính nước Âu Lạc. Nhưng ông cũng hiểu là với lối đánh thông thường, ông không thể hạ nổi thành Cổ Loa có cấu trúc rất hoàn hảo.
Một phó tướng của họ Triệu thấy chủ tướng ăn không ngon, ngủ không yên, liền dâng kế:
“Thần nghĩ, cổ nhân có câu “binh bất yếm trá” là muốn nói, trong việc binh có thể dùng mưu mẹo, kể cả lừa lọc để đạt đến mục đích. Nay, vua Âu Lạc đã có ý đề phòng quân phương Bắc, nếu chúa công dùng kế, làm cho họ lơ là, mất cảnh giác, rồi bất ngờ tấn công, việc lớn có thể thành mà công sức không tốn mấy.”
“Ta chưa hiểu rõ ý ông lắm.” Triệu Đà trầm ngâm nói.
“Theo ngu ý của thần, trước hết chúa công vờ bỏ ý định tiến đánh Âu Lạc, rồi xin kết thông gia với Thục Phán, Phán tất mất cảnh giác và chúng ta có thể tìm hiểu kỹ hơn việc bố phòng của địch quân trước khi mở đợt tấn công mới.”
Triệu Đà khen kế đó hay, liền sai sứ thần sang Âu Lạc dâng lễ vật, xin cho hai nước hoà hiếu và xin được kết thông gia với Thục Vương.
Thục Phán tưởng họ Triệu thật lòng nên cũng đồng ý gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy.
*
Sau ba năm ở rể nước Âu Lạc, Trọng Thủy vào xin phép nhạc phụ cho về thăm cha già. Thục Vương không hề mảy may nghi ngờ nên cũng thuận cho.
Mỵ Châu lên kiệu, theo xe tiễn chồng về Bắc quốc mà lòng luôn linh cảm về một cuộc ly biệt vĩnh viễn.
Trước khi chàng đi, nàng rưng rưng nói:
“Không biết có khi nào thiếp lại được gặp chàng. chàng đi hãy bảo trọng. Nếu còn xuống phương Nam mà không gặp thiếp trong Loa thành thì hãy theo dấu chiếc áo lông ngỗng này mà tìm thiếp.”
Trọng Thủy lựa lời an ủi vợ rồi lệnh cho phu xe xuất hành.
Chiếc xe hai ngựa của Triệu phò mã đi đã xa mà nàng còn đứng trông theo. Mãi tới khi kể cả đám bụi hồng cũng đã tan trong cảnh chiều hôm tím sậm, công chúa mới lệnh cho tỳ nữ khởi kiệu hồi cung.
*
Triệu Đà nghe Trọng Thủy báo cáo tình hình.
“Thưa phụ vương, vũ khí bí mật lợi hại của người Việt chính là thần nỏ. Đó là loại nỏ có thể bắn một lúc một trăm mũi tên bọc đồng. Nếu phụ vương dùng một tấm ván dày, ngoàI bao bọc bằng rơm ướt trộn bùn, có thể khắc chế được thần nỏ. Về bố phòng thì thuỷ trại giặc là nơI người của ta có thể lặn vào mà không sợ bị giặc phát hiện.”
Triệu Đà nghe xong thì mừng lắm, liền quyết ý đem quân đánh Âu Lạc.
Vào một đêm mưa rất to, quân Triệu người thì ngậm tăm, ngựa khóa hàm, lặng lẽ xuất kích.
Quân Âu Lạc bị bất ngờ phải mở cổng thành tháo chạy.
Trọng Thủy dẫn lính kỵ mã cứ theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo cha con Thục Vương.
An Dương Vương và công chúa Mỵ châu chạy đến Diễn Châu (Nghệ An) thì bị địch bắt được. Cả hai cha con nhà vua bị quân thù hại chết.
Đó là năm 179 TCN.
*
Triệu Đà sát nhập đất đai chiếm được của Thục Vương vào vùng đất cát cứ của ông, lập ra nước Nam Việt. Ông định quốc đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu).
Lưu Bang bấy giờ đã diệt được nước Tần, nước Sở, nhất thống thiên hạ, lập ra nhà Hán. Thấy Triệu Đà cũng muốn xưng đế, năm Ất Tỵ (196 TCN), vua Hán sai sứ thần là Lục Giả xuống phương Nam dọa nạt: “Ngài là người nước Tàu, mồ mả cha ông còn ở cả Chân Định (Hà Bắc - Trung Quốc), bà con thân thích cũng ở đó, ngài không sợ Hán Cao Tổ cho người tới bắt giết hết cả họ hàng tông tộc, quật hết mồ mả họ Triệu, rồi đem quân sang đây hỏi tội sao?”
Triệu Đà nghe ra, vội sai sứ đi Lạc Dương, xin được thần phục nhà Hán.
Hoàng Đình Long - Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn