NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (11)

Thứ hai - 03/03/2008 19:48

(NCTG) "Ngay từ lúc sinh thời, và sau này, khi ông đã qua đời, không ai có thể phủ nhận rằng tác giả "Những ngọn nến cháy tàn", Márai Sándor (1900-1989), là một trong những nhà văn đáng kể nhất của văn học Hungary thế kỷ XX. Kể cả những người không ưa ông, cũng phải thừa nhận giá trị nghệ thuật, sự phong phú về tư tưởng và ảnh hưởng các tác phẩm của ông đối với đông đảo độc giả..."

9.

Đã hơn bảy giờ khi ông tướng bước ra khỏi phòng. Chống chiếc gậy đầu bịt xương voi, ông đi những bước đều chậm rãi dọc theo hành lang dài nối cánh bên này của tòa biệt thự, những phòng ở với căn phòng lớn, phòng khách, phòng hòa nhạc và các xa-lông. Những bức chân dung phủ kín tường hành lang: chân dung đóng khung mạ vàng của các bậc tổ tiên, các cụ tổ năm đời, những bạn hữu của gia đình, những gia nhân cũ, những chiến hữu cùng trung đoàn, những người khách danh tiếng của tòa lâu đài. Gia đình ông tướng có truyền thống đón họa sĩ về nuôi trong lâu đài: Những họa sĩ vẽ chân dung lang thang, có khi chỉ ghé qua, nhưng có cả những người nổi tiếng như ông S.- người Praha, đã ở lâu đài tám năm trong thời ông nội, và ông họa sĩ này đã vẽ tất cả mọi người lọt vào mắt ông, cả người quản gia và những con ngựa nổi tiếng. Các cụ kỵ là nạn nhân của những cây cọ trong tay các họa sĩ xê dịch nửa mùa: họ nhìn con cháu với những cặp mắt thủy tinh vô hồn, trong những bộ trang phục đại lễ. Sau họ là những gương mặt nghiêm trang của các đồng ngũ của bố, người sĩ quan vệ binh, những gương mặt đàn ông để ria mép kiểu Hung, tóc xoắn ốc rủ xuống trán, mặc lễ phục đen hoặc binh phục. Một thế hệ khá, ông tướng nghĩ và ngắm chân dung của họ hàng, bè bạn, những bạn cùng trung đoàn của bố. Một thế hệ khá, hơi đơn độc, vì họ không hòa nhập được với thế giới, nhưng họ còn tin vào một cái gì đó: danh dự, phẩm cách đàn ông, sự im lặng, nỗi cô đơn, và cả phụ nữ nữa. Khi thất vọng, họ thường im lặng. Phần đông trong số họ im lặng suốt đời, họ tin vào trách nhiệm và sự im lặng như một lời nguyền. Phía cuối hành lang là những bức chân dung Pháp, những phụ nữ Pháp thời xưa tóc trang điểm bằng các vòng phấn; những người đàn ông xa lạ đội tóc giả, cặp môi duy cảm, béo tốt, những họ hàng xa bên mẹ, những gương mặt hiện lên trên nền toan xanh, phớt hồng hay xám nhạt. Những người xa lạ. Rồi đến chân dung người cha, trong y phục vệ binh. Rồi bức tranh vẽ mẹ, đầu đội mũ lông, tay cầm roi ngựa, như một người luyện ngựa. Rồi trên tường là một khoảng trống chừng bốn mét vuông, giữa những bức chân dung: một vệt xám nhạt viền quanh khoảng trống màu trắng cho thấy trước đây ở vị trí đó đã từng treo tranh. Ông tướng đi lướt qua khoảng trống với vẻ mặt bất động. Đã đến các bức phong cảnh.

Ở cuối hành lang, bà nhũ mẫu mặc bộ đồ đen, trên chiếc đầu nhỏ nhắn trùm chiếc khăn mới đã hồ cứng, đứng chờ sẵn.

- Ông xem những bức tranh ư?- Bà hỏi.

- Vâng.

- Ông có muốn cho treo lại bức tranh ấy vào chỗ cũ không? - Bà hỏi, rồi với vẻ bình thản của một người cao tuổi, bà chỉ lên tường. Chỗ vắng bức tranh.

- Có còn không? - Ông tướng hỏi.

Bà nhũ mẫu khẽ gật đầu, bà vẫn cất giữ bức tranh.

- Thôi. - Ông đáp sau vài giây. Rồi ông khẽ bảo: - Tôi không biết già vẫn giữ nó. Cứ tưởng già đã đốt đi rồi.

- Đốt những bức tranh, - bà nhũ mẫu đáp, giọng sắc, mảnh - thì có nghĩa gì đâu.

- Đúng! - Ông tướng nói, giọng tin cẩn như người ta thường chỉ nói với bà. - Không có nghĩa gì hết.

Hai người quay xuống phía cầu thang chính, nhìn xuống phía dưới, trong tiền sảnh một người đầy tớ và một cô hầu phòng đang cắm hoa vào những lọ thủy tinh. Trong mấy giờ vừa qua, tòa lâu đài sinh động hẳn, như một chiếc đồng hồ vừa lên dây cót. Không chỉ những đồ gỗ, những ghế bành đã lột tấm trải, những ghế đệm dài, mà cả những bức tranh trên tường, những chân đỡ nến bằng sắt, những vật trang trí trong tủ kính và trên bục lò sưởi cũng bất đầu như sống dậy. Gỗ thanh đã được đặt vào lò sưởi để chuẩn bị nhóm lò, vì từ sau nửa đêm, khí lạnh cuối hè làm các căn phòng ngấm lạnh và ẩm ướt. Những đồ vật bỗng trở nên có hồn, như thể chúng muốn chứng minh rằng, trên thế gian này mọi thứ chỉ có nghĩa khi chúng liên quan tới con người, gắn bó với số phận và hành động của con người. Ông tướng nhìn tiền sảnh, những bình hoa đặt trên lò sưởi, nhìn cách xếp đặt những chiếc ghế bành.

- Cái ghế da này... - Ông nói, rồi đứng dịch sang bên phải.

- Ông vẫn còn nhớ ư? - Bà nhũ mẫu hỏi.

- Vâng! - Ông đáp. - Konrád đã ngồi chỗ này, dưới cái đồng hồ, cạnh lò sưởi. Tôi ngồi chính giữa, đối diện lò sưởi, trong chiếc ghế kiểu Fizenze. Krisztina ngồi đối diện, trong chiếc ghế bành mà mẹ tôi mang về.

- Ông nhớ kỹ quá. - Bà vú già nói.

- Đúng! - Ông tướng tựa lưng vào lan can cầu thang, nhìn xuống phía dưới. -Trong những bình thủy tinh cắm hoa thược dược. Bốn mươi năm rồi.

- Ông còn nhớ cả! - Bà nhũ mẫu nói, rồi buông tiếng thở dài.

- Tôi vẫn nhớ,- ông bình thản nói. - Già đã dọn bàn ăn bằng bộ đồ sứ Pháp phải không?

- Thưa vâng, bộ sáng màu. - Nini đáp.

- Được rồi. - Ông gật đầu vẻ yên tâm.

Bây giờ cả hai im lặng nhìn bức tranh một hồi, nhìn căn phòng khách phía dưới, những đồ gỗ lớn, chúng giữ một kỷ niệm, ý nghĩa một giây phút, như thể đến giờ chúng chỉ tồn tại theo những quy luật của vải, của gỗ, của sắt, nhưng trong một khoảnh khắc, bốn mươi năm trước đã mang lại ý nghĩa cho những vật vô tri, khoảnh khắc đó chính là ý nghĩa sự tồn tại của chúng. Và bây giờ chúng sống dậy, như một cơ cấu được lên giây, những đồ vật cũng nhớ điều đó.

- Già tiếp khách những món gì?

- Hương ngư. Món súp và hương ngư, thịt lòng đào và xa-lát, gà sao và món kem đốt. Đã mười năm nay đầu bếp không làm. Nhưng chắc sẽ ổn. - Bà nói vẻ lo lắng.

- Già phải để mắt tới cho ổn. Hôm ấy có cả món tôm. - Ông nói nhỏ, như với riêng mình
- Đúng, - người vú già đáp điềm đạm. - Krisztina thích món tôm. Nấu kiểu gì cũng bà ấy cũng thích. Ngày ấy ngoài suối còn có tôm. Bây giờ không có. Tối qua tôi không bảo nhà bếp mua trong thành phố.

- Già chú ý rượu vang đấy, - ông nhắc nhẹ, với vẻ đồng lõa tin cậy. Nghe giọng nói như thế, bà vú già bước lại gần, nghiêng đầu ghé sát tai với vẻ tin cậy như người trong gia đình, để nghe rõ hơn. - Già cho lấy dòng Pommard tám mươi sáu nhé. Cả rượu Chablis cho món cá nữa. Và cả dòng Mumm lâu đời nữa, một chai loại to ấy. Già nhớ chứ?

- Thưa vâng. - Bà vú già đăm chiêu. - Dòng ấy chỉ còn loại chát thôi. Krisztina uống loại nửa ngọt cơ.

- Một ngụm - ông tướng đáp. - Bao giờ bà ấy cũng chỉ uống một ngụm, với món thịt nướng thôi. Bà ấy không thích sâm-banh.

- Ông muốn gì ở con người ấy? - Bà nhũ mẫu hỏi.

- Sự thật! - ông tướng đáp.

- Ông biết rất rõ sự thật.

- Tôi không biết, - ông nói to, chẳng hề quan tâm đến việc người đầy tớ và cô hầu phòng nghe thấy, cả hai ngừng cắm hoa, cùng ngước nhìn lên. Nhưng họ lại cúi xuống ngay, tiếp tục sắp xếp hoa một cách máy móc. - Điều tôi không biết chính là sự thật.

- Nhưng ông biết điều gì đã xảy ra. - Bà vú già bỗng nói với giọng sắc lạnh.

- Điều đã xảy ra chưa phải là sự thật, - Ông tướng đáp. - Việc xảy ra chỉ là một phần. Krisztina cũng không biết sự thật. Có thể là ông ta, Konrád, biết. Hôm nay tôi sẽ yêu cầu ông ấy nói ra.

- Điều gì? - Bà nhũ mẫu hỏi.

- Sự thật! - Ông tướng đáp cộc lốc, rồi ông im lặng.

Khi cô hầu phòng và người đầy tớ đi khỏi phòng khách, và trên tầng cao chỉ còn lại hai người, bà vú già hững hờ tựa hai khuỷu tay lên lan can cầu thang bên cạnh ông tướng, họ làm như ngắm nhìn phong cảnh ven đồi, rồi bà hướng về phía căn phòng, nơi ba con người đã có lúc cùng ngồi trước lò sưởi, bà nói:

- Tôi cần phải nói với ông điều này. Khi hấp hối, Krisztina đã cho gọi ông.

- Đúng! - Ông tướng đáp. - Và tôi đang có mặt ở đây.

- Ông ở đây mà cũng như không. Ông xa xôi như đã đi đâu. Ông ở trong phòng ông, còn bà ấy thì đang hấp hối. Chỉ mình tôi với bà ấy, lúc gần sáng. Lúc bà ấy gọi ông. Tôi nói điều này, để ông biết, cho buổi tối nay.

Ông tướng im lặng.

- Hình như ông ấy đã đến. - Ông nói và đứng thẳng dậy. Già chú ý xem rượu vang đấy, và các thứ khác nữa, Nini ạ.

Đã nghe thấy tiếng sỏi lạo sạo trên lối lên, tiếng kêu cót két của những bánh xe kiệu ngựa kéo từ phía cửa vọng vào. Ông tướng dựng cây gậy vào lan can, rồi bước xuống cầu thang, không chống gậy, đi về phía khách. Chợt ông dừng lại trên một bậc cầu thang phía trên.

- Những ngọn nến, - Ông nói. - Già còn nhớ chứ?... Thứ nến để bàn màu xanh. Có còn không? Hãy thắp vào bữa tối, cho chúng cháy sáng lên.

- Điều này thì tôi không nhớ. - Bà nhũ mẫu đáp.

- Tôi thì vẫn nhớ. - Ông nói vẻ bướng bỉnh.

Ông thẳng người, từ từ bước xuống những bậc cầu thang, trong bộ y phục màu đen, già nua và trang trọng. Cửa phòng khách mở ra, và trong khung cửa kính lớn, theo sau một người đầy tớ, xuất hiện một ông lão.

- Ông thấy đấy, tôi đã trở về. - Người khách nói, khẽ khàng.

- Không bao giờ tôi nghi ngờ điều đó. - Ông tướng nói, cũng nhẹ như thế, và ông mỉm cười.

Ông tướng bắt tay người khách, rất lịch thiệp.

(1) Hương ngư: Giống cá trên mình có những chấm đỏ, thịt rất thơm ngon.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn