NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (13)

Thứ hai - 17/03/2008 20:58

"Sau những câu hỏi, những đam mê là một người đã quá cố: Krisztina, người vợ yêu thương của một trong hai người. Cả hai người bạn đều có đam mê như nhau với người phụ nữ ấy. Một người lừa dối người kia và trốn chạy, người kia ở lại, nhưng không chìa tay cho Krisztina khi nàng lâm hoạn nạn. Giờ đây, cả hai đều phải đối mặt với sự phản bội. Giờ đây, khi những ngọn nến đã cháy hết. Tàn lụi..."

11.

- Chuyện là như thế đấy. - Konrád nói sau món hương ngư. - Lúc đầu anh tưởng anh sẽ quen. - Ông nói về xứ nhiệt đới.

- Khi đến đó tôi còn trẻ, chắc ông còn nhớ. Ba mươi hai tuổi. Tôi tới chính khu đầm lầy. Sống trong những căn nhà mái lợp tôn. Tôi không có tiền nong gì. Một hãng thuộc địa trả tất. Đêm anh nằm xuống, như nằm trong một thứ sương mù nóng bức. Sáng ra sương mù còn dày đặc hơn và nóng bức hơn. Rồi anh mệt rã rời. Tất cả đều uống rượu, mắt người nào cũng vằn đỏ những tia máu. Năm đầu tiên, anh tưởng mình sẽ chết. Đến năm thứ ba thì anh thấy mình không còn là mình trước đây nữa, như thể nhịp sống của đời anh đã thay đổi. Anh sống gấp hơn, một thứ gì đó nung đốt anh, tim anh đập khác trước, và anh thờ ơ, lãnh đạm. Hàng tháng trời anh cứ bàng quan như thế. Rồi đến lúc, anh không còn biết điều gì xảy ra quanh mình. Đôi khi điều này chỉ diễn ra sau năm năm, có khi ngay trong mấy tháng đầu tiên. Một cơn tức giận. Những lúc như thế nhiều kẻ đã giết người, hoăc tự sát.

- Cả những người Anh? - Ông tướng hỏi.

- Hãn hữu hơn. Nhưng họ cũng nhiễm thứ dịch này, cơn giận dữ, thứ bệnh không có vi khuẩn. Tôi tin chắc đó là một căn bệnh, có điều người ta không tìm ra nguyên nhân. Có thể là do nước. Có thể do cây cỏ. Có thể do những cuộc tình Mã Lai. Không thể nào quen những người phụ nữ ấy. Trong số họ có nhiều người rất đẹp. Nụ cười của họ, sự mịn màng của làn da, những cử chỉ, nụ cười, những thói quen của họ, cái cách thức họ phục vụ anh, cả trên giường và cạnh bàn ăn..., thế mà vẫn không thể quen được. Những người Anh thì biết tự bảo vệ. Họ đem theo cả nước Anh trong hành lý xách tay. Sự kiêu ngạo lịch lãm, sự kín đáo, nền giáo dục tốt, sân gôn và sân tennis, rượu whisky, những bộ xmô-king mà tối tối họ diện trong những ngôi nhà lợp tôn, giữa đầm lầy. Dĩ nhiên không phải tất cả đều như thế. Những điều đó chỉ là huyền thoại. Phần đông trong số họ chỉ sau bốn, hay năm năm đều trở nên đầy thú tính, giống như những người khác, người Bỉ, người Pháp, người Hà Lan. Xứ nhiệt đới gặm nhấm tính cách tập thể của họ, như bệnh phong gặm nhấm da thịt người bệnh. Nhiệt đới gột sạch khỏi họ Cambridge và Oxford. Ông phải biết rằng, ở quốc đảo, tất cả những người Anh sang ở xứ nhiệt đới quá lâu, đều bị ngờ vực. Họ kính trọng anh, họ thừa nhận anh, nhưng họ ngờ vực. Chắc chắn trong hồ sơ mật họ ghi chú thêm: „Đã ở xứ nhiệt đới”. Chẳng khác gì họ bảo: „Mắc bệnh giang mai”. Hay: „Gián điệp”. Những ai từng ở xứ nhiệt đới lâu, đều đáng ngờ, vì họ chơi gôn, chơi tennis lên miên, uống whisky trong các giới giao du Singapore, và dù thỉnh thoảng họ có mặc xmô-king, hay quân phục đeo đầy mề đay, dự các buổi yến tiệc của ngài tổng trấn, cũng vô ích: họ vẫn cứ đáng ngờ. Vì họ đã từng ở xứ nhiệt đới. Vì họ đã trải qua cơn dịch khủng khiếp và không thể quen nổi, nhưng cũng có gì rất lôi cuốn, giống như trong mọi sự hiểm nguy. Nhiệt đới là một căn bệnh. Những bệnh nhiệt đới có thể chữa khỏi, nhưng không thể thoát khỏi bệnh „Xứ nhiệt đới”.

- Tôi hiểu. - Ông tướng lên tiếng. - Ông cũng đã mắc phải?

- Tất cả đều mắc hết. - Ông khách nhấp một ngụm vang Chablis, hơi ngửa đầu ra sau, nhâm nhi vẻ rất sành sỏi. - Kẻ nào chỉ nốc rượu, kẻ đó dễ thoát khỏi. Sự đam mê ẩn náu trong đời sống như vòi rồng ẩn náu sau đầm lầy, giữa những dãy núi và những cánh rừng. Mọi thứ đam mê. Chính vì thế mà đối với dân ở quốc đảo, ai ở xứ nhiệt đới về cũng đáng ngờ. Không thể biết trong máu, trong tim, trong những tế bào thần kinh của anh ta có những gì. Anh không còn là một người Âu bình thường nữa, chắc hẳn như vậy. Dù anh có đặt các tạp chí, anh có đọc tất cả những gì người ta viết, người ta suy ngẫm ở cố quốc trong vài năm trước đó hay trong hàng thế kỷ trước, khi anh ở giữa đầm lầy, thì điều đó cũng vô ích. Dẫu anh có cố giữ cái phong cách đặc biệt, cẩn trọng mà con người ở xứ nhiệt đới giữ gìn giữa những người da trắng lông lá, như những kẻ nghiện rượu giữ phong độ của họ trong đám bạn bè: anh ta hành xử quá quy tắc, để người khác không nhận thấy sự đam mê trong anh, thấy anh hoàn toàn bình thường, đứng đắn và có giáo dục... Nhưng bên trong thì lại khác.

- Thế nhưng, - Ông tướng nói và giơ cao cốc vang trắng vừa rót đầy về phía ánh sáng. - Ông thử nói coi, bên trong là những thứ gì?

Thấy người khách im lặng, ông cất tiếng:

- Tôi cứ tưởng, ông về đây hôm nay để giãi bày.

Họ ngồi bên chiếc bàn dài, trong phòng ăn lớn, từ khi Krisztina mất tới nay chưa có khách vào phòng này. Đã mấy chục năm nay không ai ngồi ăn trong căn phòng, nó giống như một phòng trong bảo tàng bày đồ gỗ và các vật dụng, những đồ vật đặc trưng cho một thời quá vãng. Các bức tường bọc gỗ theo lối Pháp, đồ gỗ đều mang về từ Versailles. Họ ngồi ở hai đầu bàn, ở giữa bàn trên phần trải bằng khăn vải sợi thô, là một bình thủy tinh đầy hoa phong lan. Bao quanh bình thủy tinh là một nhóm tượng đài nhỏ, bốn tuyệt tác của một công xưởng vùng Sèvres, mô phỏng rất nghệ thuật và tinh tế biểu tượng bốn phương: Bắc, Nam, Đông, Tây. Phía trước ông tướng là biểu tượng Tây Phương, trước Konrád là Đông Phương: một anh chàng da đen cưỡi lạc đà và những cây cọ. Những đế nến bằng sứ xếp thành hàng trên bàn,với những cây nến to, màu xanh, loại thường thắp trong nhà thờ. Chỉ ở bốn góc phòng có chiếu sáng bằng những ngọn đèn đã được giấu kín. Những ngọn lửa nến bốc cao lật phật, căn phòng tranh tối tranh sáng, lúc tỏ lúc mờ. Từ những thanh củi, ngọn lửa lúc đỏ quạch, lúc vàng rực, cháy bập bùng trong chiếc lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Những cửa sổ hai cánh thấp sát nền không đóng kín, những rèm cửa lụa màu xám không kéo chạm sát vào nhau sau cửa sổ. Thi thoảng luồng khí lạnh đêm cuối hè tràn qua những khe cửa vào căn phòng, và qua những tấm rèm cửa mỏng, từ phía xa xa thấp thoáng ánh đèn của thành phố nhỏ, dưới ánh trăng. Phía bên cạnh, quay lưng lại lò sưởi, giữa chiếc bàn dài trang trí hoa và hàng nến bập bùng còn một chiếc ghế bành phủ khăn Gobelin. Trước đây đó là chỗ của vợ ông tướng, Krisztina. Trước chiếc ghế bành bỏ trống là biểu tượng Phương Nam: một con sư tử, một chú voi, một hình nhân mặt đen mặc áo choàng có mũ chụp, cùng trông coi một thứ gì đó trên khoảng rộng bằng bàn tay, trông rất thanh bình. Người quản gia mặc áo khoác đen dài đến đầu gối, đứng im canh chừng phía sau, cạnh chiếc bàn phục vụ, điều khiển cử chỉ của mấy người đầy tớ, tối nay phải mặc đồng phục đầy tớ kiểu Pháp, quần âu ngắn đến gối và áo đuôi tôm đen. Lệ này do mẹ ông tướng đặt ra, và lần nào dọn bữa trong phòng này, căn phòng mà tất cả đồ gỗ, cả bát đĩa, những đồ ăn bằng vàng, đồ thủy tinh, và cả gỗ lát tường đều được bà cho mang sang từ quê hương bà, - bà bắt tất cả đầy tớ khi phục vụ phải ăn bận theo kiểu cũ. Căn phòng yên tĩnh tới mức nghe rõ cả tiếng tí tách của của những thanh củi đang cháy. Họ chuyện trò rất nhỏ, nhưng vẫn hiểu hết lời nhau, vì những bức tường lát gỗ cũ phản hồi những âm thanh dù nhỏ bé, như hộp gỗ của một nhạc cụ phản hồi lại tiếng rung của những dây đàn.

- Không! - Konrád nói, giữa chừng ông vừa ăn vừa suy nghĩ. - Tôi về đây, vì mới đi qua thành Viên.

Ông ăn liên tục, bằng những động tác tinh tế, nhưng với vẻ háu ăn của người lớn tuổi. Đến lúc này, ông đặt dĩa xuống mép đĩa, hơi ngả người về đằng trước, nói như kêu lên với ông chủ nhà ngồi đầu bên kia bàn:

- Tôi về vì muốn nhìn thấy ông một lần nữa. Điều đó không là lẽ tự nhiên sao?

- Chẳng có gì tự nhiên hơn thế. - Ông tướng đáp lời một cách lịch sự. - Vậy là ông qua thành Viên. Chắc ông phải ấn tượng lắm nhỉ, ông đã biết tới xứ nhiệt đới và những đam mê. Lần cuối cùng ông đến thành Viên là khi nào?

Ông hỏi rất lịch sự, trong giọng nói không hề cảm thấy có chút gì giễu cợt. Từ phía đầu bàn bên kia người khách nhìn ông nghi hoặc. Hai con người mệt mỏi, già nua ngồi đó, trong căn phòng rộng, cách nhau một khoảng xa.

- Lâu rồi. - Ông đáp. - Bốn mươi năm trước. Lúc đó... - Ông nói ngập ngừng, rồi như vô tình, ông chợt im lặng, lúng túng. - Lúc đó tôi đi ngang qua thành Viên, trên đường sang Singapore.

- Tôi hiểu, - ông tướng nói. - Thế lần này ông thấy gì ở thành Viên?

- Những thay đổi - Konrád nói. - Ở tuổi tác và địa vị của tôi bây giờ đi đâu cũng thấy những đổi thay. Đúng là đã bốn mươi mốt năm tôi chưa về châu Âu lục địa. Tôi chỉ ghé qua những bến cảng Pháp trong những lần từ Singapore về London. Nhưng tôi vẫn muốn thấy thành Viên. Và ngôi nhà này.

- Vì thế mà ông sang đây, vì muốn thấy London và ngôi nhà này ư? Hay ông có công chuyện làm ăn trên lục địa?

- Tôi chẳng còn có công chuyện gì nữa, - ông khách đáp. - Tôi đã bảy muơi ba, cũng như ông. Chẳng mấy nữa mà quy tiên. Vì thế mà tôi lên đường, cũng vì thế mà tôi đến cả đây nữa.

- Người ta bảo - ông tướng cất tiếng, giọng nhã nhặn vẻ khích lệ - vào tuổi này con người sẽ sống đến khi nào chán sống. Ông có cảm thấy thế không?

- Tôi đã chán rồi. - Ông khách đáp.

Giọng ông trầm lặng, vẻ thờ ơ.

- Ở Viên, ông biết đấy, với tôi thành Viên là một thanh chuẩn âm trong thế gian này. Gọi tên thành Viên, cũng như gõ vào thanh chuẩn âm một cái, rồi để ý xem người đang đối thoại với mình nghe thấy gì từ âm thanh ấy. Tôi đã kiểm tra mọi người theo cách ấy. Người nào không trả lời được, kẻ ấy không phải là người của tôi. Vì thành Viên không chỉ là một thành phố, mà còn là một thanh điệu, hoặc ta nghe thấy trong tâm hồn, vĩnh viễn, hoặc không bao giờ. Đó là cuộc sống đẹp nhất của tôi. Lúc đó tôi nghèo, nhưng không đơn độc, vì tôi có một người bạn. Và thành Viên cũng như một người bạn. Tôi lúc nào cũng nghe thấy âm thanh nó phát ra, khi ở xứ nhiệt đới, trời mưa tầm tã, và cả những lúc khác nữa. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới mùi ẩm mốc của lối cổng vào căn nhà ở Hietzing ngay cả khi đang ở trong rừng rậm. Ở thành Viên, âm nhạc và tất cả những gì tôi yêu quý đều sống động, trên những viên đá lát, trong cái nhìn và phong thái của con người, hệt như những cảm xúc đã lắng đọng trong trái tim con người. Ông biết đấy, khi cảm xúc không còn làm ta đau đớn. Thành Viên về mùa đông và mùa xuân. Những con đường đi dạo ở Schönbrunn. Ánh sáng xanh trong những phòng ngủ ở học xá, cầu thang lớn màu trắng với những pho tượng kiểu ba-rốc. Những lần phi ngựa ở Prater. Những con ngựa trắng ở trường luyện ngựa Tây Ban Nha. Tôi nhớ rõ tất cả, và muốn nhìn thấy một lần nữa. - Ông khách nói rất nhỏ, gần như hổ thẹn vì chuyện đó.

(1) Sèvres: Thành phố nổi tiếng về đồ thủy tinh mỹ nghệ của Pháp.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn