NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (14)

Thứ tư - 19/03/2008 12:30

(NCTG) "Cuốn tiểu thuyết viết năm 1942 đã đem lại thành công văn học lớn nhất cho Márai Sándor. Đạt được thành công gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học Hungary, trong những năm vừa qua, cuốn sách đã được bán ra với số đầu sách lên tới vài trăm ngàn bản - tại nước ngoài, sự quan tâm rất lớn dành cho tác phẩm cũng khiến sách dẫn đầu các bảng xếp hạng..."

- Ở đây ông sẽ đỡ phải ngạc nhiên. - Ông tướng nói. - Ở chỗ chúng tôi ít thay đổi.

- Những năm gần đây ông không đi đâu sao?

- Ít khi lắm. - Ông tướng nhìn vào ngọn nến. - Chỉ khi nào công việc đòi hỏi. Có một dạo tôi đã nghĩ đến chuyện giải ngũ, cũng như ông đã làm. Trong một giây tôi đã nghĩ đến chuyện đó. Tôi cũng sẽ đi xa, quan sát, tìm kiếm một thứ gì đó hoặc một ai đó. - Cả hai không nhìn nhau, người khách đăm chiêu nhìn cốc thủy tinh rót thứ rượu vàng óng, ông tướng nhìn ngọn lửa nến thao thiết cháy. - Rồi tôi vẫn ở lại. Ông biết đấy, binh nghiệp là thế. Con người trở nên cứng nhắc, bướng bỉnh. Tôi đã hứa với thân phụ tôi sẽ không rời quân ngũ. Vì thế tôi đã ở lại. Đúng là tôi đã nghỉ hưu sớm. Năm mươi tuổi tôi được trao một quân đoàn. Tôi cảm thấy mình còn trẻ để gánh vác việc ấy. Và tôi xin giải ngũ. Thượng cấp đã thông cảm và chấp nhận.

- Mặt khác - ông nói, và ra hiệu cho người đầy tớ rót thêm vang đỏ - cũng đến giai đoạn binh nghiệp không còn mang lại niềm hứng khởi. Cách mạng. Thời thế đã thay đổi.

- Vâng! - Người khách cất tiếng. - Tôi cũng nghe thấy chuyện đó.

- Ông chỉ nghe thấy thôi ư? Chúng tôi thì đã trải qua. - Ông tướng nói nghiêm trang.

- Có thể tôi không chỉ nghe thấy. - Người khách đáp lại. - Năm mười bảy, đúng. Tôi quay sang xứ nhiệt đới lần thứ hai. Tôi làm việc trong đầm lầy, với bọn cu-li người Tàu và Mã Lai. Người Tàu là cừ nhất, họ nướng vào bài bạc hết, nhưng họ là bọn giỏi nhất. Chúng tôi ở sâu trong đầm lầy và rừng rậm. Không có dây thép, không có cả ra-đi-ô. Chiến tranh đang hoành hành trên thế giới. Lúc đó tôi đã mang quốc tịch Anh, nhưng họ cũng hiểu: tôi không thể chiến đấu chống lại Tổ Quốc mình. Họ thông cảm những việc như thế. Vì vậy mà tôi có thể quay lại vùng nhiệt đới. Chúng tôi mù tịt chẳng biết gì, bọn cu-li lại càng mù tịt nốt. Nhưng một hôm trong đầm lầy, không điện thoại, không rađiô, hàng tuần lễ xa tất cả những gì được coi là tin tức trên thế giới, họ đã ngừng công việc. Lúc mười hai giờ trưa. Không có lý do gì. Dù chẳng có gì thay đổi đối với họ, những điều kiện làm việc, nội quy, ngay cả việc chu cấp cho họ, tất cả đều như cũ. Không khá mà cũng không tồi. Đúng như ở đó cần phải như thế. Và vào một hôm, năm mười bảy, lúc mười hai giờ trưa họ nói họ không tiếp tục làm việc nữa. Họ từ rừng rậm ra, bốn nghìn gã cu-li, bùn đất đến ngang lưng, mình trần; họ quăng dụng cụ, xẻng, rìu xuống và bảo thế là đủ. Họ đòi hỏi mọi thứ, đòi quyền xem xét việc xử phạt, đòi chủ tăng lương, tăng thời gian nghỉ ngơi. Thật chẳng hiểu, chuyện gì đã xảy ra với họ. Ngay nhỡn tiền, bốn nghìn gã cu-li bỗng biến thành bốn nghìn con quỉ da nâu và da vàng. Buổi chiều tôi phóng ngựa vào Singapore. Thế là ở đó tôi đã rõ. Tôi là một trong những người đầu tiên trên bán đảo ấy được biết.

- Ông biết điều gì trên bán đảo? - Ông tướng hỏi và hơi ngả người về phía trước.

- Tôi được biết cách mạng đã nổ ra ở nước Nga. Một người, khi đó người ta chỉ biết chỉ biết tên ông ta là Lenin, đã trở về nước trong một toa xe hỏa kẹp chì, đem về nước Nga chủ nghĩa bôn-sê-vích trong hành lý xách tay. Ở London cũng chỉ hôm ấy người ta mới biết việc này, cùng lúc với bọn cu-li của tôi trong rừng rậm, không điện thoại, không ra-đi-ô, giữa đầm lầy. Thật không thể hiểu nổi. Nhưng rồi tôi hiểu ra, điều gì hệ trọng đối với người ta thì người ta sẽ biết, chẳng cần đến máy móc, điện thoại điện báo gì.

- Ông tin như thế ư? - Ông tướng lại hỏi.

- Tôi biết chắc như thế. - Ông đáp chắc nịch. - Krisztina mất khi nào? - Ông đột ngột hỏi.

- Sao ông biết Krisztina đã mất? - Ông tướng hỏi giọng đều đều. - Ông sống ở xứ nhiệt đới, bốn mươi năm không về Châu Âu lục địa. Hay ông cũng cảm thấy, như bọn cu-li cảm thấy cách mạng?

- Tôi cảm thấy ư? - Ông khách hỏi lại. Có lẽ thế. Nhưng nàng không ngồi đây với chúng ta. Nàng đâu? Chỉ có thể dưới nấm mồ.

- Đúng! - Ông tướng đáp. - Nàng nằm ngoài vườn kia, gần khu nhà kính. Theo ý nguyện của nàng.

- Nàng mất đã lâu chưa?

- Tám năm, sau ngày ông bỏ ra đi.

- Tám năm sau. - Ông khách nhắc lại, đôi môi nhợt nhạt với hàm răng giả mấp máy không thành tiếng, như đang nhẩm tính điều gì. - Lúc nàng hai mươi tám. - Rồi ông lại nhẩm tính, gần thành tiếng. - Nếu còn sống, thì bây giờ nàng sáu mươi.

- Đúng! - Đã thành một bà lão, cũng như chúng ta đã trở nên già lão.

- Nàng mắc bệnh gì?

- Người ta bảo nàng chết vì bệnh thiếu máu trầm trọng. Một căn bệnh hiếm thấy.

- Cũng không hiếm lắm đâu. - Konrád đáp, vẻ hiểu biết. - Ở vùng nhiệt đới thường có. Điều kiện sống thay đổi, thế là công thức máu phản ứng lại.

- Có thể. - Ông tướng nói. - Có khi ở Châu Âu cũng hay xảy ra, nếu điều kiện sống thay đổi. Tôi không rành chuyện này.

- Tôi cũng vậy thôi. Nhưng ở xứ nhiệt đới bao giờ cơ thể cũng có vấn đề. Dần dà người ta đều thành lang băm cả. Những người Mã Lai đều làm lang băm, quanh năm suốt tháng. Vậy là nàng mất năm một nghìn chín trăm linh tám. - Cuối cùng ông nói, không lên giọng, như nãy giờ ông mải tính toán để tìm ra đáp số. Thế thì lúc đó ông còn trong quân ngũ, đúng không?

- Đúng. Tôi đã phục vụ suốt thời chiến tranh.

- Ông thấy thế nào?

- Chiến tranh ấy à? - Ông tướng chằm chằm nhìn khách. - Cũng khủng khiếp như xứ nhiệt đới. Nhất là vào mùa đông cuối cùng, ở phía Bắc. Ở Châu Âu, cuộc sống cũng phiêu lưu lắm. - Ông nói và mỉm cười.

- Phiêu lưu à? - Ừ, cũng có thể. - Ông khách gật đầu đồng ý. - Ông có thể tin, nhiều lúc tôi rất khổ tâm vì không có mặt ở nhà khi các ông trận mạc. Tôi đã nghĩ đến chuyện trở về trình diện tại trung đoàn.

- Ở trung đoàn, nhiều người cũng nghĩ thế. - Ông tướng nói vẻ lịch sự nhưng quả quyết. - Nhưng rồi không thấy ông về, chắc ông có việc khác. - Ông nói vẻ khích lệ.

- Tôi là công dân Anh. - Konrád bối rối nhắc lại. - Người ta không thể cứ mươi năm lại thay Tổ Quốc.

- Không. - Ông tướng nói vẻ tán đồng. - Tôi nghĩ người ta hoàn toàn không thể thay đổi Tổ Quốc mình. Người ta chỉ thay đổi giấy tờ tùy thân. Ông không nghĩ vậy sao?

- Tổ Quốc của tôi không còn nữa, nó đã tan rã. Tổ Quốc tôi là Ba Lan, là thành Viên, là ngôi nhà này và binh trại trong thành phố, Galicia và Chopin. Cái gì còn lại từ tất cả. Thứ tố chất đã kết nối tất cả, cái chất kết dính huyền bí đó không còn công nghiệm nữa. Tất cả đã tan ra từng mảnh. Tổ Quốc với tôi chỉ là một cảm giác. Cảm giác đó đã bị xúc phạm. Khi đó thì người ta ra đi. Tới xứ nhiệt đới hoặc xa hơn nữa.

- Xa hơn ư, nhưng tới đâu? - Ông tướng lạnh lùng hỏi.

- Đi theo thời gian.

- Loại vang này, chắc ông còn nhớ năm tuổi của nó. - Ông tướng vừa nói vừa giơ cao cốc vang rót đầy thứ rượu đỏ sẫm. Nó được ép từ dòng nho tám mươi sáu, năm chúng ta tuyên thệ. Cha tôi đã cho chất đầy một ngách hầm loại vang này để ghi nhớ ngày đó. Đã bao nhiêu năm qua rồi, gần cả một đời người. Rượu cũng già rồi.

- Những gì chúng ta tuyên thệ không còn nữa. - Ông khách cất tiếng, giọng trang nghiêm, rồi cũng nâng cốc. - Những gì chúng ta thề họ đã bán rẻ, họ cũng đã chết, đã ra đi. Đã từng có một thế giới đáng để vì nó mà chúng ta sống và hy sinh. Thế giới ấy đã mất. Tôi không liên quan gì đến thế giới mới. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói.

- Cái thế giới ấy, với tôi vẫn tồn tại, ngay cả khi trong thực tế nó không còn nữa. Nó tồn tại, vì tôi đã thề trung thành với nó. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói.

- Vâng, ông vẫn là một người lính. - Người khách đáp lại.

Cả hai cùng nâng cốc vang đỏ, rồi lặng lẽ uống cạn.

(1) Ở đây, cả hai người đều nói tới nền Quân chủ Áo - Hung đã tan rã từ năm 1918.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn