NGÀY XỬA NGÀY XƯA (1)

Thứ ba - 29/01/2008 11:45

(NCTG) LỜI ĐẦU SÁCH: Cuốn sách này mở đầu cho bộ sách “Truyện Lịch Sử Việt Nam” của tác giả Hoàng Đình Long, nhưng nó lại ra đời sau hai cuốn: “Nghìn năm vương triều” và “Con đường trăm năm”.

Lăng Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh

Viết truyện lịch sử, nhưng không phải là huyền thoại, truyền thuyết về thời các vua Hùng và thời Bắc thuộc là rất khó. Những sử liệu về thời kỳ này đã ít ỏi, lại quá sơ lược, hậu sinh chỉ có thể phỏng đoán những điều còn bị bóng tối che khuất mà thôi.

Tác giả cuốn sách này đã tưởng tượng những gì  có thể xảy ra ngoài những gì sách sử của người xưa còn ghi lại được.

Cuối cùng các bạn đã có trên tay một tập sách mỏng, ngõ hầu kể những chuyện xưa như thực tế nó đã diễn ra (theo quan điểm của tác giả).

Đây là một cuốn truyện kể lịch sử, vì vậy “Ngày xửa ngày xưa” bao gồm hầu hết các sự kiện thuộc khoảng thời gian từ cách đây 4000 năm cho đến năm 930, đã được ghi nhận trong sách sử xưa.

Tác giả đã viết cuốn sách này dựa vào các công trình “Việt Nam thời cổ xưa” (Bùi Thiết), “Việt Nam sử lược” (Trần Trọng Kim), “Lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp) và “Việt Sử giai thoại” (Nguyễn Khắc Thuần).

Cuốn sách gồm các phần nói về Kinh Dương Vương, Hùng Vương, An Dương Vương, Triệu Vương (Triệu Đà), Thời kỳ chống Bắc thuộc, Bình minh của một ngày mới.

Các thông tin trong cuốn sách, tuy đã so sánh, đối chiếu với các tài liệu khác hết sức nghiêm cẩn, nhưng sai sót chắc khó tránh. Rất mong được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa góp ý kiến phê bình để lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn.

Tác giả cũng xin cám ơn các nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử đi trước có tác phẩm được sử dụng làm tư liệu để viết cuốn sách này. Vì điều kiện không cho phép tác giả xin phép từng người và ghi rõ xuất xứ, xin thành thật cáo lỗi.

Tác giả

Trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ, kỷ Hồng Bàng

***

Chương 1

Kinh Dương Vương mở cõi ở phương Nam
Các vua Hùng dựng xây nền quân chủ

Theo sách sử cũ, được chép sớm nhất là từ thời nhà Trần, thủy tổ của người Việt là ông Thần Nông, vốn là người phương Bắc.

Cháu đích tôn ông Thần Nông là vua Đế Minh có lẽ là người đầu tiên đặt chân tới cõi Nam. Truyện xưa nói, ngài đi tuần phương Nam, đến tỉnh Hồ Nam, lấy vợ, sinh người con trai thứ hai là Lộc Tục (trước đó ngài có trưởng nam là Đế Nghi).

Khi Đế Minh sắp mất, ông chia giang sơn làm hai phần.

Đế Nghi được làm vua phương Bắc, nay đất ấy thuộc Trung Hoa.

Lộc Tục làm vua phương Nam.

Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.

Nước Xích Quỷ phía Bắc giáp tỉnh Hồ Nam (nay thuộc Trung Hoa), phía Tây giáp Tứ Xuyên (cũng thuộc Trung Hoa), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (sau là Chiêm Thành), phía Đông giáp biển Đông. (Vùng này tương ứng với lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam sông Trường Giang ngày nay, vốn có hàng trăm tộc người Việt, gọi là Bách Việt).

Khi đó là khoảng năm 2000 TCN.

Kinh Dương Vương chỉ có một con trai là Sùng Lãm (Lạc Long Quân).

Sùng Lãm là một hùng trưởng là chúa tể một vùng đất rộng lớn.

Ngài có nhiều vợ, riêng con trai ngài có hơn trăm.

Bấy giờ dân số tăng trưởng nhanh, sùng chủ vận động một nửa số con cháu ngài đem gia nô về vùng hạ lưu sông Nhị, khai khẩn đất đai ven biển, mở mang thêm làng xã, dần hình thành những khu dân cư chuyên sống về nghề làm muối, đóng thuyền và chài lưới.

Một số con trai khác của họ Sùng lên vùng núi phía Bắc, phát triển nghề lâm nghiệp và nông nghiệp vùng cao, dần hình thành một vùng kinh tế rộng lớn, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng nhất của quốc gia. (Cá biệt, có người lên tận Lào Cai, Sapa… sau lập ra nước Tây Thục hùng mạnh).

*

Sùng Lãm thấy con trưởng của ngài là Sùng Lân đã trưởng thành, liền chia cho Sùng Lân một phần giang sơn, lập ra nước Văn Lang.

Sùng Lân là vua Hùng đời thứ nhất.

Ngài đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì).

Nước Văn Lang khi đó bao gồm 15 bộ:

1/ Văn Lang (Bạch Hạc - Việt Trì)
2/ Châu Diên (Sơn Tây)
3/ Phúc Lộc (Sơn Tây)
4/ Tân Hưng (Tuyên Quang)
5/ Vũ Định (Cao Bằng, Thái Nguyên)
6/ Vũ Ninh (Bắc Ninh)
7/ Lục Hải (Lạng Sơn)
8/ Ninh Hải (Quảng Yên)
9/ Dương Tuyền (Hải Dương)
10/ Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)
11/ Cửu Chân (Thanh Hoá)
12/ Hoài Hoan (Nghệ An)
13/ Cửu Đức (Hà Tĩnh)
14/ Việt Thường
15/ Bình Văn

Các vua Hùng truyền ngôi, nối dõi, có khi tạm gián đoạn rồi lại trung hưng được, trong hàng nghìn năm. đất nước luôn được thái bình, không mấy khi có loạn lạc, chiến tranh, kinh tế ngày càng phát triển, bờ cõi ngày càng mở rộng, triều chính ngày càng ổn định, quy củ.

Đến đời Hùng Vương cuối cùng là Hùng Duệ Vương, nước ta bị người Tây Thục do Thục Phán làm thủ lĩnh, mượn cớ trả thù cho cha, gây hấn và tấn công thôn tính. Vua Hùng do chủ quan khinh địch nên bị quân Thục vây gấp, phải nhảy xuống giếng tự vẫn.

Nước Văn Lang rơi vào tay Thục Phán.

Hoàng Đình Long - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn