TÁC GIẢ HOÀNG ĐÌNH LONG VÀ CUỐN SÁCH LỊCH SỬ “NGÀY XỬA NGÀY XƯA”

Thứ ba - 29/01/2008 23:35

(NCTG) "Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" – đó là hai câu thơ mở đầu một tác phẩm “quốc sử diễn ca” với tựa đề “Lịch sử nước ta”, gồm 210 câu thơ lục bát, được chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1941 tại rừng Pác Bó.

Diễu hành kỷ niệm Hai Bà Trưng, một hoạt động hướng về cội nguồn

Một năm sau, trên tờ “Việt Nam độc lập” số 117 ra ngày 1-2-1942, Hồ Chí Minh một lần nữa đã nhắc lại hai câu thơ này, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy và học lịch sử đất nước.

Mong muốn ấy của vị lãnh tụ, đến nay, lại càng mang tính thời sự sâu sắc, khi một bộ phận không nhỏ trong giới học sinh không hề quan tâm, mặn mà với môn Lịch sử. Rất nhiều thanh niên rất “sành điệu” khi được hỏi đến các ngôi sao thể thao, âm nhạc hay điện ảnh, nhưng tỏ ra hoàn toàn “mù sử” nước nhà. Thêm vào đó, chất lượng dạy Sử tồi tệ trong nhà trường cũng là một “vấn nạn” đau lòng mà báo chí Việt Nam đã mổ xẻ từ nhiều năm nay.

Một dân tộc không hiểu, không rành cội rễ của mình, là một dân tộc vong bản. Nói rộng ra, lịch sử là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khiến chúng ta có thể thấu hiểu những gì đã xảy ra và rọi chiếu những gì sắp tới. Một đất nước không thể có một tương lai tươi sáng, trên căn bản một lịch sử mù mờ!

Với tâm niệm như thế, ngay từ khi mới ra đời, NCTG đã chú trọng tới chuyên mục “Tìm hiểu lịch sử”. Loạt bài dài nhất, kéo dài hơn 1 năm trên NCTG, cũng là chuỗi bài đề tài lịch sử “Việt Nam - Đất nước bốn ngàn năm” do tác giả Giáp Văn Chung dày công biên soạn. Cũng trên tinh thần đó, NCTG xin giới thiệu sau đây, cuốn sách “Ngày xửa ngày xưa” của tác giả Hoàng Đình Long.

Tác giả Hoàng Đình Long

Là một họa sĩ, nhạc sĩ, một nhà nghiên cứu sử không chuyên, từ hơn ba thập niên nay, Hoàng Đình Long đã ấp ủ mơ ước trở thành một nhà văn viết về sử.

Chào đời tại Nghệ An, trưởng thành và theo học tại Hà Nội, tốt nghiệp cấp Ba Chu Văn An, rồi Học viên Kỹ thuật Quân sự, phục vụ trong quân đội tại một đơn vị thuộc Bộ Tổng tham mưu và cơ quan Bộ Quốc phòng đóng tại Thành cổ, trong nhiều năm dài, Hoàng Đình Long đã say mê tìm hiểu về Thành cổ Hà Nội, để rồi trở thành một “chuyên gia” về đề tài này, với một số đầu sách, sách ảnh và cuộc triển lãm tranh, ảnh “Thành Cổ: Đại La - Thăng Long - Hà Nội” vào cuối tháng 8-2007.

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong vòng 1 năm rưỡi, Hoàng Đình Long cho ra đời bộ sách 3 tập mang tên "Thông sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến ngày nay", gồm "Ngày xửa ngày xưa" (tập 1), "Nghìn năm vương triều" (tập 2) và "Con đường trăm năm" (tập 3).

“Ngày xửa ngày xưa” được tác giả biên soạn dựa theo một số tư liệu lịch sử, khắc họa một cách nghiêm túc, ngắn gọn, sáng sủa lịch sử Việt Nam từ thời các vua Hùng đến năm 930, khi họ Khúc vừa giành quyền tự chủ được ít năm, đã lại bị nhà Nam Hán (Trung Quốc) đàn áp. Sách được viết theo lối sử biên niên, chính xác, vừa có thể làm tài liệu tham khảo lịch sử cho những ai muốn tìm hiểu trong nhà trường, vừa đủ tính hấp dẫn của một tiểu thuyết lịch sử chương hồi. Ngoài ra, giới trẻ có thể tìm thấy ở đây những trang sử hào hùng của một dân tộc tuy nhỏ nhưng không chịu khuất phục trước bạo tàn, không cam lòng chịu phận tôi đòi, mà sẵn sàng đứng lên để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá của mình.

Xin chân thành cám ơn tác giả Hoàng Đình Long đã gửi bản thảo cho NCTG và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm của ông!

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn