CÔNG AN HAY CÔN ĐỒ

Chủ nhật - 18/11/2012 20:48

(NCTG) “Xin đểu là hành vi côn đồ thì rõ rồi. Nhưng sau đấy, biết xấu hổ lại là một hành vi hướng thiện”.


Minh họa: HTD


Từng có chuyện côn đồ giả danh công an “làm luật”, lại “sáng kiến” công an giả thường dân chặn bắt xe vi phạm. Thảo dân bơ vơ ngơ ngác, biết ai công an ai côn đồ? Loạn. Thời buổi tiền giả tiêu giữa thanh thiên bạch nhật, thẻ công an đểu, dù có được trình ra trong nhập nhoạng, nạn nhân hồn xiêu phách lạc làm sao dám chống đối?

Có một lần “chạm trán” với những người mặc áo thi hành công vụ, đến giờ mình vẫn băn khoăn không biết họ là ai?

Sau bữa ăn tại Nhà hàng Làng Tôi ở phố Lê Duẩn, ông bạn người nước ngoài cao hứng rủ mình lang thang chia tay phố đêm Hà Nội mai lên đường về nước. Đồng ý ngay. Mình chưa bao giờ từ chối “khoe” Hà Nội về đêm với bạn bè phương xa. Khoe đã đành, còn là cái cớ để được mộng du ban đêm như thời con gái, nhắm mắt bước đi giữa lòng đường chả sợ va vào ai. Chỉ Hà Nội về đêm thôi. Hà Nội dưới ánh sáng mặt trời thì... không phải của mình.

Tà tà lướt đi trên chiếc xe máy cà tàng của ông bạn, mình ngồi sau “vóng vót” lớn tiếng, Hà Nội nghĩa là gì biết không? là nước, nội là bên trong. Thành phố của sông hồ đấy! Ông bạn gật gù vẻ hiểu biết, Hồ Gươm là “lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố”, tôi đã đọc đâu đó câu thơ này. Và đề nghị mình cho đi thăm lại tất cả các “lẵng hoa nước” của Hà Nội. Hồ Gươm, Hồ Thiền Quang, Hồ Giảng Võ, Hồ Thành Công. Hồ Bảy Mẫu. Khát thì cà phê Triệu Việt Vương dưới gốc cây si già chỗ cắt phố Tô Hiến Thành. Đi bộ một vòng Hồ Thiền Quang, mỏi chân thì sà vào nghỉ ở cà phê vỉa hè Nguyễn Du, lại gốc si già. Khuya tí nữa, đói đã có xôi nóng Cấm Chỉ.

Chuyện trò miên man càng “nửa đêm về sáng” càng “sâu sắc” thế nào mà cuối cùng ông bạn bộc bạch đang cực buồn vì phải chia tay cô người yêu, có thể là mãi mãi. Mình ngạc nhiên, lão này ghê nhỉ, có người yêu mà bí mật thế chứ! Mình an ủi, tôi đang ở trong hoàn cảnh của cô ấy đây, người yêu tôi cũng... về nước, hẹn sẽ trở lại, một năm rồi, tôi vẫn đang chờ... Nếu cô ấy yêu ông chắc sẽ chờ ông thôi. Câu chuyện chết ngắc ở đó, ông bạn chẳng nói chẳng rằng thẳng hướng Hồ Tây.

Ba giờ sáng. Chỉ những kẻ thất tình điên rồ mới vật vờ ngoài đường như thế! Chợt xuất hiện phía trước hai chiếc xe máy phóng ngược chiều. Rồi thì, bốn chú công an tự nhiên sừng sững chặn trước mũi xe ông bạn. Trái tim bỗng đập dồn, hoảng loạn. Mình sợ công an hơn cả hồi bé sợ ma. Ăn phở sáng, nhìn thấy chú công an đi vào ngồi ăn ngay cạnh là hết muốn ăn luôn. Chẳng hiểu sao lại thế! Cứ như thể, nếu mình nhai to một tí, tương ớt rớt ra ngoài một tí, hay là... không ăn hết bát phở thì sẽ bị... phạt vi cảnh. Cứ thấy công an là mình tim đập chân run. Có khi chỉ thấy đèn xanh đèn đỏ ngã tư giao thông là đã sợ rồi. Một nỗi sợ thậm vô cớ và vô lý.

Ánh đèn lờ nhờ hắt xuống lòng đường Thanh Niên vắng ngơ ngắt. “Cho xem giấy tờ!” - một chú đứng gần nhất hất hàm hỏi trống không. Nào thì giấy chứng minh nhân dân của mình, nào thì hộ chiếu của ông bạn, nào thì giấy tờ chiếc xe ông Tây đang lái, nào thì bằng lái xe máy của ông ấy đâu, nào thì bản chất nghề nghiệp và mối quan hệ..., vân vân và vân vân và vân vân. Hỏi đến giấy tờ nào ông bạn trưng ra giấy tờ ấy. Chẳng thiếu thứ gì. Còn mình, cứ là răm rắp trả lời thật thà như thóc. Nghề mình chuyên phỏng vấn thiên hạ, giờ bỗng nhiên bị phỏng vấn, phát hiện ra rằng: cứ có thế nào nói đúng như thế sẽ không bao giờ sợ sai sợ hố sợ bất kỳ cái gì. Mình dần dần có thể mỉm cười với các chú công an. Thôi nhé, chào các anh!

Chiếc xe công vụ thứ nhất quay đầu, chiếc thứ hai nổ máy. Bỗng chú công an “hỏi cung” kéo mình xa khỏi ông bạn nửa mét, nói nhỏ: “ Bảo nó cho bọn lày tút thuốc”.

Cái gì?” - trái tim đang yên lành của mình bỗng hí lồng lên như con ngựa bất kham. “Anh vừa nói gì?” - dù nghe rõ nhưng mình vẫn cố tình gằn giọng hỏi lại. Tưởng chú công an sẽ không dám nhắc lại câu xin đểu thô bỉ ngạo ngược ấy, không ngờ, chú thản nhiên: “Bảo nó cho bọn lày tút thuốc”. Giờ thì mình “bỗng nhiên hết ngoan”. Máu hổ mang đáo để tuôn ra phì phì nọc độc: “Này nhé, anh nghe đây. Tôi không thể hỏi ông ta cái điều vô lý đó. Ông ta sẽ không bao giờ hiểu tại sao lại phải cho các anh tút thuốc. Các anh thèm thuốc à? Ông ấy không có thuốc lá. Các anh thèm tiền à? Ông ta không phạm luật để phải hối lộ các anh tha tội. Đi chơi với một người bạn ban đêm thì phạm tội gì? Hôm nay, ông ta vừa được nhà nước Việt Nam tặng Kỷ niệm chương dành cho chuyên gia nước ngoài có công giúp Việt Nam. Ngày mai, ông ta sẽ về nước với ấn tượng thế nào về công an Việt Nam? Tôi xấu hổ nếu tự dưng phải ngửa tay ăn xin một tút thuốc cho các anh...”.

Như bị nhập đồng. Nỗi giận lấn át nỗi sợ. Lần đầu tiên trong đời, mình dám mắng thẳng cánh vào mặt... các chú công an. Muốn ra sao thì ra. Điên!

Chú công an (đội lốt côn đồ) hay thằng côn đồ (đội lốt công an) cúi mặt như một “con bệnh” nghe mình sa sả trút cơn thịnh nộ đếch thèm kiềm chế. Kết luận, “các anh không biết xấu hổ thì đi mà trực tiếp hỏi xin ông ấy, tôi sẽ dịch cho”. Không chờ mình nói hết câu, chú công an quay gót, tót lên sau chiếc xe đang nổ máy chờ cách đấy mấy mét. Hai chiếc xe vụt đi, trả lại sự tĩnh lặng mờ ảo cho con đường Thanh Niên chẳng còn tí gì hơi hướng lãng mạn nào nữa. Ông bạn lên tiếng, có chuyện gì thế? Mình đắng ngắt, khô khốc: chúng tôi đùa nhau tí thôi mà.

Chục năm trôi qua. Ông bạn giờ là ông xã. Một lần, nhắc đến công an Việt Nam, anh hỏi đêm ấy, chú công an muốn gì mà mình nói khiếp thế. Mình nói đùa: “Chú công an bảo, chị phải chăm sóc anh chuyên gia cho chu đáo nhé, nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của các anh ấy”.

Gần đây, đọc về vụ “côn đồ giả danh công an đi trấn lột”, mình buột miệng kể cho ông xã nghe sự thật cuộc “độc thoại” đêm khuya ấy, rồi bâng quơ, không biết họ là công an hay côn đồ nhỉ? Ông xã cười, tất nhiên, họ là côn đồ rồi, thế mà cũng phải hỏi. Rồi nháy mắt một cái đầy hàm ý. Mình ớ người, ngượng muốn độn thổ. Ông xã hỏi tiếp, giọng nghiêm chỉnh, họ có biết em làm báo không? Có chứ. Họ hỏi nghề nghiệp ngay câu đầu tiên mà. Đến lượt ông xã ngớ ngẩn lẩm bẩm, công an mà dám xin đểu phóng viên à? Thế thì hai lần côn đồ!

Mình lại nghĩ khác.

Không hiểu sao, mình tin rằng: người đàn ông trong bộ đồng phục công an, người đã “hỏi cung” mình ấy, là một con người tử tế. Bởi cuộc sống khó khăn, anh ta phải nhắm mắt làm liều kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Nhưng khi bị mắng “các anh không biết xấu hổ à”, anh ta đã bỏ đi như chạy. Anh ta đã thực sự biết xấu hổ.

Xin đểu là hành vi côn đồ thì rõ rồi. Nhưng sau đấy, biết xấu hổ lại là một hành vi hướng thiện.

Công an hay côn đồ, khi biết hướng thiện, chẳng phải là người tử tế sao?

Bùi Mai Hạnh, từ Úc


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn