NGỤC TRUNG KÝ SỰ

Thứ bảy - 03/11/2012 20:51

(NCTG) “… cũng rất nhiều chuyện mà có khi vừa dịch mình vừa phải nuốt nước mắt vì cảm động. Kể không thể hết được. Chỉ biết cay đắng, cơ cực và tủi nhục vô cùng thân phận của những kiếp người phiêu bạt”.


Minh họa: Internet


Gần hai chục năm chuyên phiên dịch trong tù, mình có biết bao chuyện bi hài, vui buồn để kể. Kể ra đây vài chuyện nho nhỏ, nghe chơi.

1. Trưa nay, lúc đi từ tầng nọ sang tầng kia trong tù, thấy một trung niên phạm nhân toe toét từ xa. Lại gần, không rõ gã người nước nào, có lẽ A-la-bể (Ả Rập) thì phải. Ấy là đoán vậy do ngoại hình của gã.

Mình nghĩ chắc gã nhầm với ai. Nhưng không. Thấy gã chõ vào tận mặt hỏi, bà là người Trung Quốc à, hay người Nga (chả hiểu mắt mũi nhìn ngó thế nào). Mình lắc đầu, trả lời, tôi là người Việt nhưng cũng chẳng hy vọng gã biết Việt Nam ở đâu.

Quá ngạc nhiên khi thấy gã hỏi thế bà ở đâu ở Việt Nam? Hà Nội à? Hay Sài Gòn, Nha Trang, Hội An, Sa Pa, Huế...? - gã làm một tràng rất vui vẻ. Quản giáo kéo đi rồi mà vẫn còn ngoái lại... Hay Mũi Né? Đẹp, đẹp lắm!

Hơi ấm lòng khi biết Việt Nam đẹp trong con mắt “bè bạn năm châu”!

2. Một sáng nọ, vừa bước chân vào tù đang uể oải nghĩ sao cho hết một ngày “đi tù” đây thì bỗng nghe một giọng hát Việt, nam trung, cực ấm Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em… hừng hực đầy khí thế từ sau một bức tường vọng lại. Đằng sau đấy là sân dạo chơi của phạm nhân.

Bài hát và giọng hát yêu đời, yêu người... đã xóa tan bao những mệt mỏi và lăn tăn... của mình. Thật ấm lòng! Tâm trạng khác nào khi  “… Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò ví dặm… Ôi câu hò xứ sở mà thắm đượm tình quê….

Tác dụng của âm nhạc ghê thật!

3. Một hôm trước buổi thẩm vấn phạm nhân mới vào để làm thủ tục nhập trại, mình gặp một phạm nhân khá lớn tuổi. Cụ thể bao nhiêu thì mình không thể đoán được vì cái sự mặn muội lam lũ của người nông dân miền Trung rất khó đoán tuổi.

Vừa gặp, đã thấy anh rất vui tươi, hỏi như thân quen từ kiếp nào :

- Cô khỏe không? Anh mới sang, đã đủ “vé” đâu thì bị bắt cô ạ.

Mình ngạc nhiên quá do cách xưng hô thân mật vì chưa hề gặp anh ấy bao giờ. Đang lúng túng chưa biết trả lời sao thì anh lại hỏi tiếp:

- Thế cô ở đây lâu chưa?

- Dạ, thưa, ở nước Đức này thì đã lâu còn trong tù thì mới từ sáng nay anh ạ.

Mình trả lời anh ấy rất lễ phép. Anh ấy tròn xoe mắt và gục gặc đầu ra ý là có hiểu…

4. Những năm tháng thập niên 90 thế kỷ trước, tình hình căng thẳng vô cùng. Lượng người từ khắp các nơi đổ đến nước Đức như một “miền đất hứa” nhiều vô kể. Và tình trạng tội phạm của cộng đồng người Việt cũng kinh khủng.

Đặc biệt là lợi nhuận của việc bán thuốc lá đã khiến những vụ chém giết giữa các băng đảng người Việt gia tăng và liên tục xuất hiện trên mặt báo. Hôm nay sáu người bị giết trong “vôn” (khu tập thể), ngày mai lại ba, bốn người bị quẳng xác ngoài ga tàu, tuần sau tìm thấy xác người này người kia... bị chôn sống trong rừng...

Có lần sau một đợt nghỉ phép mình về làm việc lại. Gặp lại em phạm nhân kia, rất quan tâm mình hỏi thăm, “thế chị nghỉ cả tháng, vụ em xử đến đâu rồi”. Thì thấy em đó tỉnh bơ bảo: “Chưa xong chị ạ, chắc cũng sắp xong thôi. Nhưng mà em sợ quái gì, em giết có một người thôi mà?!”.

Hoảng hồn, mình không nói thêm câu nào nữa.

5. Cũng đã lâu rồi, dạo mà vụ chém giết còn hàng ngày hàng giờ căng thẳng thì có lần mình dịch một vụ thẩm vấn khi nhập trại. Chưa vào đến phòng đã nghe chú phạm nhân ấy kêu la oan ức.

Mình phải bảo, “tôi chỉ là phiên dịch thôi, không có ý nghĩa gì đâu, anh hãy trình bày với cảnh sát này này”. Nhưng thấy phạm nhân này nói với tôi là “em nói rồi mà ông cảnh sát này không tin em chị ạ”.

Hỏi sao, thì được chú ấy kể là vừa mới sang Đức được có hai ngày, tìm đường đi nhập trại tỵ nạn, qua bến tàu thì gặp người Việt, dừng lại hỏi thăm đường thì bị bắt.

Tôi bảo “vậy anh cứ khai thật thì người ta phải tin chứ, nếu đúng”.

Chú ấy bảo, “khổ quá nhưng khi Công an bắt thì trong người em lại có súng nên khi em bảo không phải em đi “thu thuế” có vũ khí thì họ không tin em”.

Mình hỏi, thế súng ở đâu ra? Chú ấy bảo, “dạ em bắt được ở trên tàu điện ạ. Ông công an ông ấy không tin, ông ấy bảo rằng cả đời làm việc của ông ấy 28 năm chưa bao giờ thấy ai bắt được súng ở trên tàu nên ông ấy không tin em”.

Mình cũng bảo “chuyện ấy khó tin thật nhưng sao anh không tình thật mà khai, vì khó tin nhưng cũng vẫn có thể xảy ra chứ”.

Thấy chú phạm nhân gãi đầu gãi tai, bảo “dạ vâng ạ, nhưng họ còn tìm thấy trong người em một khẩu nữa chị ạ, mà khẩu này lại cưa nòng và giảm thanh?!”.

Tá hỏa!

6. Một bận, vụ hỏi cung kéo dài, mà trời mùa đông thì muộn màng, tối om. Việc chưa xong vì tình tiết có rất nhiều chuyện rối rắm mà nữ nghi can này cứ loanh quanh loéo quéo mãi, không xong. Thay vì thái độ thành khẩn cho công việc nhanh thì thấy chị ấy bảo mình là chị nói ông cảnh sát này “thông cảm” để hôm khác được không “vì hôm nay là ngày ông Táo lên giời nên tôi còn phải về mua bán và làm cỗ cúng?!”.

Buồn cười quá nhưng mình vẫn phải dịch.

Nhưng cũng rất nhiều chuyện mà có khi vừa dịch mình vừa phải nuốt nước mắt vì cảm động. Kể không thể hết được. Chỉ biết cay đắng, cơ cực và tủi nhục vô cùng thân phận của những kiếp người phiêu bạt.

Hoài Thu, từ Berlin - Tháng 11-2012


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn