Minh họa: Internet
Mình lo lắng lắm vì gửi cả trăm người như thế thì sau đó mail của mình sẽ có hàng trăm thư hồi đáp cảm ơn thì… chết. Mà ngộ nhỡ ai đó lại cứ hỏi han sao mình gửi thông tin này, mọi lần là anh A gửi cơ mà, v.v…, nội việc giải thích trả lời cả trăm người thế cũng... chết tiếp.
Thấy mình lo lắng thái quá, bạn động viên: “
Không sao đâu, gửi đi, em yên tâm là sẽ không có một ai reply đâu”.
Ừ thì gửi, và may quá, cám ơn bạn, cho đến giờ vẫn không hề có một ai hồi âm mail mình cả. Kể cho bạn, bạn khoái trá: “
Văn hóa của người Việt nó như vậy!”.
Nghe đến chữ “
văn hóa người Việt” thì mình sững lại, dây thần kinh tự ái rung rinh. Mình cự bạn: “
Nhỡ mọi người không check mail thì sao?”. Bạn bảo: “
Trăm người thì cũng phải có vài ba chục người check chứ”. “
Nhỡ mail em bị cho vào vào hòm thư rác thì sao?”. “
Ngồi đó mà nhỡ, trong danh sách gửi đi cũng có dăm bảy người là bạn em đấy”.
Không thể chấp nhận việc này, mình vội gọi cho một anh bạn vong niên, rất có uy tín, là thành viên lãnh đạo một Hội có hàng nghìn thành viên và có khoảng gần bốn trăm người có mail. Anh cười hồ hởi:
- Hồi âm thư á? Quá xa xỉ. Mọi thông báo, thông tin của Hội mà tất cả đều quan tâm anh gửi quanh năm hầu như không một ai reply. Cái văn hóa người Việt mình nó thế, họ đọc và đi dự những cuộc họp nhỏ là may lắm rồi, mong chi trả lời nữa. Chỉ khi nào chuẩn bị có gặp mặt lớn, ăn uống thì mới có hai ba chục người hồi âm, cũng là những người thân với anh và háo hức muốn gặp mặt nhau thôi.
Thế đấy, một cái click chuột vào chỗ reply rồi buông một câu rất ngắn: “
Cảm ơn đã thông tin!”, rồi một cái click chuột nữa vào send, tất cả có lẽ chưa đến ba giây, thế mà bị gắn bảy chữ: “
Văn hóa người Việt mình nó thế”!