Đã phải vô viện, “lộ hàng”, rất ngại!
Đọc báo, nghe kể về tình hình bệnh viện và các dịch vụ y tế ở Việt Nam, quả thực thấy khá hãi hùng và bi đát. Bệnh viện chật chội, điều kiện vệ sinh kém, bác sĩ lạnh lùng, y tá hách dịch... nhưng phải công nhận rằng dân mình quả thực là hiền: khổ ơi là khổ mà cũng chỉ dám... than vãn với nhau.
Cũng không thấy ở đâu có biểu tình phản đối gì cho cam, có lẽ vì mọi người đều cho rằng báo chí lên tiếng to ơi là to rồi mà nào có đi đến đâu đâu, nữa là mình thấp cổ bé họng. Vả chăng, “
cái nước mình nó thế!”, như nhận định trứ danh của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến!
Ở “Tây” thì động cái là biểu tình, mà có khi vì những thứ chả nhằm nhò gì. Ví như ở Pháp, bệnh nhân trong viện đều phải mặc một loại áo mở đằng sau, nghĩa là khi bước đi thì người đi sau mình có thể nhìn thấy... đằng sau của mình. Chính xác (và thô hơn) là nhìn thấy... mông mình.
Mình cũng đã từng ở bệnh viện, cũng phải khép nép đi lại. Khi nào tự nhiên thấy man mát thì giật mình biết ngay là “lộ hàng”. Cũng ngại! Chả biết các nhân vật đi sau mình có bình phẩm gì không! Khen thì... may ra còn tha thứ được chứ chê thì nhất quyết phải... phản đối, biểu tình!
Bác sĩ Farfadoc, đồng thời cũng là một blogger, vừa phát động một cuộc thu thập chữ ký để phản đối loại áo mà bệnh nhân phải mặc trong các bệnh viện ở Pháp. Hiện giờ cuộc phát động này đã thu được chừng 8 ngàn chữ ký. Mục tiêu đặt ra là phải 10 ngàn. Lý do phản đối là những chiếc áo “lộ hàng” như vậy xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của người bệnh.
Loại áo “xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự” người bệnh?
Tất nhiên không phải vô tình mà loại áo này lại được thiết kế mở đằng sau. Điều này rất thuận tiện cho công việc của bác sĩ, y tá và giúp họ có thể xử lý nhanh gọn, tiết kiệm thời gian. Ví dụ đơn giản là các bệnh nhân phải nằm hoặc đi vệ sinh cần có người dìu đỡ thì việc lót bô hay giúp họ vệ sinh không gặp rắc rối: chỉ cần vén hai vạt áo sang hai bên, xong. Hơn nữa, áo này ai cũng mặc được, nam nữ, già trẻ, béo gầy...
Có điều bệnh nhân nhiều khi rất ngại ngùng. Nếu ở cùng phòng với người khác thì lại càng phải để ý sao cho bản thân mình và người khác không cảm thấy phiền. Chẳng may nghiêng người với tay lấy ly nước là bạn cùng phòng có thể chiêm ngưỡng ngay những phần kín đáo của cơ thể.
Đi ra ngoài hành lang cũng có thể gặp vô số người khác, mà mình thì không phải lúc nào cũng tay níu tay che được. Mỗi bước đi là thấp thoáng gợi mở, rất ngại. Một số bệnh viện cho phép bệnh nhân mặc đồ lót bên trong, nhưng không phải tất cả các bệnh viện đều “linh động” như vậy.
Bác sĩ Farfadoc không phải là người đầu tiên đưa vấn đề này ra trước công luận. Một blogger khác, nữ bác sĩ đa khoa trẻ tuổi Jaddo đã nêu việc này lên từ năm 2007. Tuy nhiên cuộc đấu tranh xem chừng vẫn chưa thu được kết quả như mong đợi.
Bác sĩ Farfadoc hy vọng rằng nước Pháp có thể xem Canada hay nước Anh như một ví dụ về việc tìm được “thỏa hiệp” giữa sự thuận tiện trong công việc chuyên môn của các bác sĩ, y tá với việc tôn trọng sự kín đáo của bệnh nhân, bằng cách thiết kế áo với những dây buộc ở bên cạnh.
Tranh châm biếm nhân cuộc vận động thu thập chữ ký phản đối loại áo mở đằng sau được dùng trong các bệnh viện
Bình luận về cuộc thu thập chữ ký này, một số người phẩy tay: “
Thật vớ vẩn, người bệnh thì chỉ cần được chăm sóc tốt và chữa khỏi bệnh, chứ mặc thế nào thì quan trọng gì!”. Một số thì phản đối: “
Không thể thế được! Bệnh nhân đã đau đớn, lại còn phải xấu hổ vì “lộ hàng” thì đúng là cái đau bị nhân lên mấy lần ấy chứ!”.
Vui nhất là số người cười cợt: “
Chả sao, nếu bác sĩ, y tá đồng ý là chúng ta hở mông thì họ cũng phải hở... ngực”.