Xuống đường ủng hộ Luật Biển và phản đối chính sách gây hấn, bá quyền của chính quyên Trung Quốc (Hà Nội, ngày 1-7-2012) - Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Không hiểu trông mình thế nào mà đi đến đâu cũng bị mọi người gọi là “
nhà báo”. Hôm qua cũng vậy, vừa xách vali vào khách sạn lấy phòng đã bị anh chủ khách sạn khẳng định “
Chị là nhà báo, nhìn là biết”. Trước mình còn chối, nhưng giờ thì mình kệ không gật cũng chẳng lắc... thế cũng được.
Sáng nay mình phải chuẩn bị dậy sớm để đi chơi xa, mới 6 giờ sáng đã nghe thấy tiếng vợ chồng chủ khách sạn to tiếng phía dưới. Không chú tâm nên mình cũng chẳng để ý họ cãi cọ với nhau vì việc gì. Khi thấy dưới im ắng mình mới lò dò đi xuống, vừa nhìn thấy mình chị chủ khách sạn tươi tỉnh ra chào đón (ở khách sạn này được cái vợ chồng chủ khách sạn rất mến khách, niềm nở đi chào về cũng chào cảm giác thân mật như gia đình vậy).
Mình chưa kịp đáp lời thì anh chủ khách sạn từ trong phòng lao ra:
- Chị nhà báo đây rồi, may quá chị đây rồi!
Chẳng cho mình trả lời anh hỏi mình luôn:
- Chị cho tôi hỏi, trong lúc tình hình Hoàng Sa và Trường Sa thế này, chị làm gì được cho đất nước? Chị có viết được cái gì tác động đến vụ này không?
Bị hỏi bất ngờ, mình luống cuống:
- Ơ, em không phụ trách mảng đó ạ. Mỗi người một mảng.
Anh chủ khách sạn vẫn hùng hổ vung tay chém vào không khí:
- Vậy tôi hỏi chị với cương vị một người công dân Việt Nam. Chị đã làm được gì cho Hoàng Sa - Trường Sa?
Mình tự dưng bị đẩy vào tình thế này, thật dở, cố chống chế tiếp:
- Anh ơi, cái này em không phụ trách mà.... - mình không dám nói mình không phải nhà báo, vì giờ mình nói anh ta cũng không tin và vì thế, mình phải cố gắng né câu hỏi của anh.
Anh chủ khách sạn giơ hai tay lên trời kiểu bất lực:
- Đấy. Toàn những người như chị thế này thì đất nước trông chờ vào ai? Thế những ngày ngoài đó đi biểu tình chị có tham gia không?
Chị vợ từ nãy đứng im theo dõi giờ mới lên tiếng:
- Em ơi, đừng để ý ông ấy, sáng đến giờ vợ chồng chị cãi nhau cũng vì chuyện này. Chị nói với ông ấy nhiều, trước mình có chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô giúp mình, ân nghĩa ấy không được quên, nên giờ mình không được chống lại họ, mà phải tìm biện pháp hòa hoãn làm sao cho tốt nhất mà không được làm mất lòng họ. Nhưng ông ấy không nghe, ông ấy bảo không được vì ân nghĩa mà giờ muốn làm gì mình thì làm... Với lại cứ hùng hùng hổ hổ ở đây cũng chẳng làm được gì...
Đang nói đến đó anh chồng cắt ngang lời:
- Bà im đi biết cái gì mà nói? Chị nhà báo, chị chưa trả lời câu hỏi của tôi.
Mình hỏi lại:
- Thế nếu anh ở Hà Nội, những ngày đó anh có đi biểu tình không?
Không hề suy nghĩ, anh chồng đáp luôn:
- Biểu tình là cái gì? Bảo tôi chết để bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa tôi cũng chết đừng nói mấy cái biểu tình lẻ tẻ nhé.
Thấy bạn mình đã đứng ở cổng ngoài đợi, chị chủ khách sạn vội kéo chồng ra phía mình:
- Thôi, để chị ấy đi chơi không muộn...
Rồi chị hất hất tay ý bảo mình đi đi. Mình ren rén đi ra cửa bỗng nghe anh chồng gọi giật lại:
- Chị nhà báo! Chị nhớ rằng chị là một người Việt Nam đấy nhé! Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam !
(
Chuyện thật 100% mà nếu mình không được chứng kiến hoặc nghe ai kể lại, không chắc mình đã tin…)