NỬA ĐÊM

Thứ ba - 24/07/2012 23:12

(NCTG) “… các từ ngữ mô tả các bộ phận thân thể được che kín hàng ngày được lôi ra hết, rất phong phú và sáng tạo với một cường độ nhanh, gấp và tần số âm thanh cao, to”.


Minh họa: Internet

- Đ. mẹ mày có câm đi không thì bảo? - tiếng đàn ông có vẻ lớn tuổi quát lên.

- Tao đ. câm đấy, ăn l. tao đây này! - giọng nữ trẻ trung, thanh thanh nhưng đã méo mó vì tức giận.

- Mày nói lại xem nào?!

Một tiếng bốp. Tiếng xô đẩy. Tiếng kèn kẹt của vật nặng gì đó không xác định như thể túi, bao gì lê trên sàn.

- Mày đánh đi, đánh đi, tao sợ đ. gì mày.



Im im một lúc lại thấy du đẩy nhau vào nhà, bây giờ thì đã thấy xưng hô với nhau là tôi và chú, nên tôi đoán là họ có quan hệ sao đó với nhau. Nhưng vẫn đang độ cao trào.

Được một tí có vẻ yên vì tôi nghe không rõ, rồi lại tiếp tục ầm ầm bằng thứ ngôn ngữ đó. Có gì đó bất như ý với nhau giữa hai người xưng tao mày, tôi và chú, con này, thằng này... và các từ ngữ mô tả các bộ phận thân thể được che kín hàng ngày được lôi ra hết, rất phong phú và sáng tạo với một cường độ nhanh, gấp và tần số âm thanh cao, to. Con mèo nhà tôi sợ quá nhảy bật ngược lại vào nhà, đuôi xù lông dựng đứng, chạy tìm chỗ trốn.

Cứ như vậy mà ầm ầm cũng tới khoảng mươi phút nữa, bất kể là đã nửa đêm. Hàng phố vắng lặng. Chỉ có tầng trên nhà tôi là vẫn ầm ĩ, điều mà tôi từ gần ba chục năm ở Đức này chưa bao giờ chứng kiến.

Cái việc mà những gia đình người Việt karaoké nửa đêm gà gáy, hát hò oang oang (có lần 2 giờ sáng tôi đã phải chạy sang nhà bên cạnh vì không thể nào chịu nổi nữa, mà tôi tin rằng nếu tôi không sang tận nơi hôm ấy thì chắc chỉ khoảng dăm phút nữa là ò í e xe cảnh sát đến ngay), nhậu nhẹt cãi cọ say xỉn, nhạc nhiếc tưng bừng bất kể khuya khoắt ảnh hưởng hàng xóm láng tỏi thế nào. Hoặc khoan cắt ầm ầm vào giờ nghỉ cuối tuần hay nướng thịt quạt chả khói mù mịt, thơm lừng lẫy trên ban công tỏa ra khắp phố, bất chấp những quy đinh luật lệ nhà ở, nguyên tắc chung sống... thì vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhưng quả thật như hôm nay thì tôi chưa lần nào được tận mục sở thị như vậy. Hay vì đêm hôm nên nghe rõ hơn, hoặc giả vì ở nơi không ai nói tiếng Việt nên nó nổi bật lên như vậy chăng? Chứ còn trong các khu “Trung tâm Văn hóa” của người Việt thì những ngôn từ như trên là thứ phổ cập, đại chúng và chủ đạo.

Cũng không thiếu những “ca” như giữa đường phố Berlin mà có bà đầu tóc bới cao, váy dài đến gót, lấp lánh khắp người như đi dự trao giải Oscar, trông “mệnh phụ” lắm, mà bất như ý gì đó là nhảy cẫng lên, vỗ bèn bẹt vào chỗ giữa hai chân mình, mồm gào lên cho người khác ăn bộ phận ấy; hai cửa hàng tranh khách nhau hàng nọ đổ mắm tôm vào hàng kia, khiến cảnh sát đến nơi vừa bịt mũi điều tra vừa thấy thán phục “phương thức” hành động rất độc đáo của dân Việt; rồi hai hàng rau cạnh nhau, một ông chủ quê HNN “oánh nhau” với một “con đĩ giáo viên HN”… khiến cảnh sát lại lần nữa phải can thiệp; hai dì cháu tranh chồng của nhau hay mâu thuẫn bán buôn gì đó túm tóc nhau, bên thì sử “đả cẩu bổng thân pháp”, bên thì dùng trường côn là một cái gậy vớ đâu dọc đường, đánh lộn giữa đại lộ gần trung tâm sau một hồi khẩu chiến bất phân thắng bại… Tóm lại là rất phong phú và đa dạng, những kiểu hành xử như vậy của người Việt mình giữa nơi công cộng, bất kể còm lê, cà vạt, sam-so-nai đen bóng hay xoa-rê lóng lánh, vàng ngọc lủng liểng đầy người…

Nhưng ở đây là khu vực khu dân cư trong phố, ít người Việt sinh sống. Trước kia chỉ có gia đình tôi, mãi sau này thêm dần, thêm dần người Việt mình và các sắc tộc ngoại kiều khác đến. Berlin là một thành phố đa văn hóa mà lại.

Cái phòng trên gác nhà tôi không phải là chỗ ở cố định của một gia đình nào mà là nhà cho thuê kiểu nhà trọ, cho đến giờ thì rất yên lành… Nên đầu tiên tôi tưởng mình nghe nhầm, nhưng mà sự ầm ĩ chửi bới là có thật, vấn đề ở đây là có đúng tiếng Việt mà thôi không? Nên tôi mở khẽ cửa ra để nghe xem liệu mình nghe có đúng không. Vì cặp này xô xát, chửi bới nhau ngay trước cửa chứ không phải trong nhà nên tôi nghe rõ mồn một, dù không thấy rõ mặt.

Họ mải mê chửi nhau đến mức tôi đã mở cửa ra đứng ở chân cầu thang mà không biết. Tôi đang suy nghĩ mình nên làm gì. Can họ ư? Có thể lại bị nhẹ thì ăn chửi như vụ “con phản động”, còn lôi thôi hơn có khi nó nện cho thì ốm đòn, già rồi lại đơn thân, chả dại. Gọi cảnh sát thì thực lòng không muốn. Hay là thôi, để nêu một tẹo nữa thôi để “bọn Đức” nó gọi. Nhưng tôi cũng không muốn vì như trên đã nói, không muốn thêm một người đồng hương dính dáng đến pháp luật vì hàng ngày đã có quá nhiều chuyện đau đầu rồi.

Biết thế này là không vô tư nhưng vì là tiếng Việt nên tôi không muốn gọi công an. Tôi không muốn thêm một người đồng hương dính dáng đến pháp luật. Tôi sợ một gia đình Đức nào đó rất có thể sẽ gọi công an vì mất trật tự an ninh nhà ở. Nhưng chắc cũng như tôi, họ chưa có kinh nghiệm về việc này vì khu nhà tôi ở đã gần một phần tư thế kỷ chưa bao giờ có một việc nào tương tự, dù là chỉ ầm ĩ. Nên chắc họ sốc (như tôi) nhưng chưa biết mình phải làm gì.

Dầu sao, may mà họ không hiểu tiếng Việt chứ hiểu được thì kinh khủng đến chừng nào. Cùng lắm họ chỉ thấy to tiếng, có thêm chút tay chân thôi chứ không hiểu hết ý nghĩa của cuộc đấu khẩu này.

Nên tôi đành chọn cách gọi cho chú hàng xóm của tôi, là người quản lý khu nhà này để bảo: “Em ơi sang xem thế nào, chứ thế này nữa là cảnh sát nó ò í e bây giờ đấy, mình không gọi nhưng bọn đức nó gọi đây em ạ”.

Chả hiểu chú ấy có động thái gì không nhưng phúc bảy mươi đời là chỉ khoảng dăm phút sau là “trật tự đã được vãn hồi”, không kèn không trống.

Một lúc sau, thấy yên ắng, ước chừng họ đã vào thì tôi thấy tiếng bình bịch của tiếng chân đi xuống. Tò mò xem ai là tác giả của vở kịch nửa đêm này, tôi ngó ra thì thấy một cô gái lạ khoảng mười chín, hai mươi tuổi, xinh xắn, nhẹ nhõm từ trên tầng trên xuống. Nếu không thực sự chứng kiến, hẳn khó có ai tưởng tượng được đây là một trong hai diễn viên chính của tấn kịch vừa rồi.

Tôi ngẫm nghĩ mãi, vì sao những lời “có cánh” ấy lại có thể phát ra từ một cô gái trông rất nền nã và cũng có vẻ có ăn có học như vậy? Và người đàn ông kia làm gì để cô gái ấy tuôn được ra những lời bất nhã đến vậy với người đáng tuổi cha chú mình? Vì sao, vì sao và vì sao?

Ồ, mà đời biết bao nhiêu việc phải vì sao phải thế này chứ?! Ngủ thôi!

Hãi nhất là ngày hôm sau tôi được biết, họ là hai chú cháu ruột, nghĩa là người đàn ông đấy là em ruột của bố cô ta!

Hoài Thu, từ Berlin


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn