Nhân mùa Vu Lan: CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI MẸ

Thứ sáu - 31/08/2012 19:02

(NCTG) “Ai nuôi con cũng mong cho con thành đạt sung sướng, không bố mẹ nào muốn hoặc đòi hỏi con phải đền đáp. Nhưng trên bước đường đời của tuổi trẻ, cũng mong con trẻ cũng biết nhìn lại bậc sinh thành, đền đáp đôi chút công lao cho bố mẹ!”.


“Tình mẫu tử” - Tranh của Köllő Sándor


Hôm qua tôi vừa đến viếng một chị bạn đồng nghiệp lớn tuổi. Chị ốm đã lâu, nên thực ra cái chết lại là sự giải thoát cho chị. Nhưng nhìn tấm ảnh chị cười hiền từ trên bàn thờ vẫn thấy đau xót. Phận người nhiều khi sao quá trớ trêu…

Tôi biết chị từ khi mới về trường công tác năm 1985, khi ấy chị mới ngoài 30, là thành viên Ban Chấp hành Công đoàn trường. Tính chị xởi lởi, hiền hòa nên làm công việc ấy rất hợp. Gia cảnh chị khá khó khăn vì chồng là bộ đội toàn đi xa, lương bổng hai vợ chồng đâu có bao lăm. Một mình chị ở trong khu Tập thể Nhà trường với hai đứa con lít nhít, một trai một gái, đứa lớn mới quanh 10 tuổi. Chị là người mẹ rất tận tụy với con. Trường khi ấy cơ sở vật chất rất kém, cứ mưa là lụt. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chị gầy nhỏ, lưng đeo túi, một tay bế đứa con gái bé, tay kia dắt đứa con trai lớn, cố gắng nhấc con qua từng vũng nước…

Cũng may hai cháu dần lớn, xinh xắn và học giỏi: cả hai cháu đều đỗ vào Đại học, cháu gái còn được học bổng đi học ở Nhật, cháu trai tốt nghiệp đi làm cho một ngân hàng ở ngay Hà Nội, ai cũng mừng cho chị, nhất là khi anh cũng được chuyển về gần nhà. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, con gái chị thông báo là yêu một anh nước ngoài, sau khi cưới sẽ đi theo chồng. Mọi người đều động viên chị, bảo chị nên mừng cho con, bây giờ đi lại thuận tiện, chỉ vài ba giờ là lại về với mẹ ngay mà.

Chị vẫn đứng ra tổ chức đám cưới rất sang trọng cho con nhưng vì là một phụ nữ truyền thống, chỉ biết sống vì chồng vì con, trong đám cưới tưng bừng cô dâu chú rể xinh đẹp mà nhìn chị cứ héo hắt…. Rồi một thời gian sau chị đổ ốm, bệnh rất lạ, người cứ yếu lần, không đi lại được, thở cũng dần khó khăn. Chồng chị đưa chị đi khám khắp nơi, cuối cùng bác sĩ kết luận là chị bị suy giảm hệ thần kinh thực vật, một bệnh lạ và không có thuốc chữa.

Dần dần chị chỉ còn nằm một chỗ, không nói không cử động được, đến thở cũng phải qua một ống nối trực tiếp vào cổ họng. Đến thăm chị mà rơi nước mắt vì người chị cứ teo tóp dần, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mọi thứ mà không nói gì được! Con gái đi lấy chồng xa, vài năm mới về một lần, con trai lấy vợ ra ở riêng, chỉ có chồng và mấy đứa cháu thay phiên nhau chăm sóc chị. Chị dần trở thành người tù trong chính cơ thể của mình mà dù có một người chồng tuyệt vời, chị cũng không sao thoát ra đươc!

Trời cũng thương, cho chị ra đi rất nhẹ nhàng. Chồng chị kể, sáng ra anh vẫn còn rửa mặt cho chị rồi dặn chị cố ăn thêm một chút để con về thăm được yên tâm. Sau đó, khi anh vào bếp thì cô cháu hớt hải chạy vào bảo là thấy chị nấc mấy tiếng rồi nghoẹo đầu xuống. Khi anh chạy ra thì chị đã đi rồi… Con trai, con dâu chạy về, con gái cũng bế cháu về ngay chiều hôm ấy nhưng đã không thể thay đổi được định mệnh. Chị - người mẹ hết lòng yêu thương con, hy sinh mọi thứ vì con, có hai đứa con thành đạt, đàng hoàng nhưng lúc ốm không được con chăm sóc, lúc nhắm mắt không được gặp con lần cuối! Phận làm mẹ thật đắng cay!

Chuyện đời chị làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác. Có lần tôi đi dạy ở một công ty viễn thông, sau buổi học, công ty mời đi ăn trưa cùng học viên. Một bạn học viên xung phong lái xe chở tôi đi, dọc đường anh kể là anh thích nói chuyện với tôi vì anh cũng từng học và làm việc ở nước ngoài. Hỏi ra mới biết anh tốt nghiệp Thạc sĩ ở Đức, sau đó đã làm việc cho Siemens 2 năm rồi đưa cả vợ con qua, làm thủ tục định cư, coi Đức như quê hương mới.

Nhưng một ngày anh nhận được tin từ một anh bạn, thông báo bố anh ốm nặng, đã vào viện nhưng mẹ anh không cho anh biết. Khi về anh mới biết bố anh mắc bệnh tim, đòi hỏi phải chữa trị lâu dài. Nhà chỉ có hai chị em, chị anh đã định cư bên Úc. Như anh nói thì bệnh bố anh sẽ duy trì được nếu chăm sóc tử tế nhưng ở Việt Nam con cái phải tự mình giám sát chứ không thể trông chờ vào hệ thống y tế. Cuối cùng, sau 2 tháng chăm sóc bố qua cơn hiểm nghèo, anh quay lại Đức làm thủ tục thôi việc, bán nhà về sống ở Việt Nam với bố mẹ.

Nghe chuyện tôi rất tiếc vì biết bao người nỗ lực để có thể định cư ở một nước như Đức; anh học viên đã có cơ hội, đã mất công gây dựng bên ấy rồi lại phải bỏ cả! Chưa kể con cái anh sẽ mất cơ hội hưởng một nền giáo dục tốt, một tương lai đảm bảo. Nhưng anh bảo, anh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thời cũ mà vẫn có cơ hội định cư ở nơi khác. Con cái anh nếu cố gắng thì chắc rồi cũng sẽ có tương lai của mình.

Nhưng bố mẹ anh già rồi, anh đã thử mời qua bên Đức mà buồn quá, các cụ không sống được, lại phải quay về. Đến bây giờ anh vẫn tiếc vì hội nhập lại với cuộc sống ở Việt Nam thật khó khăn, công việc không như ý muốn nhưng anh không hề hối hận. Bố mẹ anh đã cho anh cuộc sống, ít nhất anh có thể dùng một phần đời mình để phụng dưỡng bố mẹ! Anh làm tôi thật sự khâm phục!

Hai câu chuyện trên cho thấy cuộc đời nhiều khi đặt ta trước những lựa chọn thật khó khăn. Làm bố mẹ cũng thật rủi ro. Ai nuôi con cũng mong cho con thành đạt sung sướng, không bố mẹ nào muốn hoặc đòi hỏi con phải đền đáp. Nhưng trên bước đường đời của tuổi trẻ, cũng mong con trẻ cũng biết nhìn lại bậc sinh thành, đền đáp đôi chút công lao cho bố mẹ!

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?


Hãy hành động để sau này chính mình khỏi phải ân hận!

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn