110 năm ngày sinh của cố thủ tướng Nagy Imre (1896-2006): NHÀ CÁCH MẠNG LƯỠNG LỰ

Thứ sáu - 13/10/2006 21:51

(NCTG) Bốn mươi tám năm đã trôi qua kể từ ngày Nagy Imre, thủ tướng Hung, bị kết án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo do Moscow dàn dựng. Những người được chứng kiến ngày hôm ấy, còn nhớ vị thủ tướng đeo cặp kính cận, dáng vẻ buồn bã, ưu tư, ngoại hình có phần giống một trí thức phương Tây hơn là một người Hung điển hình. Hai khuỷu tay ông bị cột vào đùi, người ta phủ lên đầu ông một cái rọ để ông không thể mở miệng và không thể cử động được phần vai. Rồi, Nagy Imre bị đưa đến trước giá treo cổ.

Cố thủ tướng Nagy Imre (1896-1958) - Ảnh tư liệu

Người con ưu tú của nước Hung thế kỷ XX đã lặng lẽ ra đi vào một ngày thứ Hai mùa hạ 1958, hai năm sau ngày cả thế giới biết đến tên ông với lời tuyên bố và cầu cứu bi thảm cuối cùng được phát đi bằng nhiều thứ tiếng, vào lúc chiến xa Liên Xô đã bao vây tứ bề tòa Nhà Quốc hội Hungary.

Cho đến nay, vẫn có hai "dị bản" không đồng nhất về những lời nói cuối cùng của Nagy Imre khi bản án tử hình được công bố. Đó là vào Chủ nhật, một ngày trước khi ông từ giã cõi đời.

Bản thứ nhất: "Đã hai lần, tôi tìm cách cứu vãn danh dự của chủ nghĩa cộng sản tại cội nguồn sông Duna (Danube), vào năm 1953 và 1956. Rákosi (1) và người Nga đã cản trở tôi trong việc này. Nếu giờ đây, người ta cần cái chết của tôi để chứng tỏ những người cộng sản không phải là kẻ thù của nhân dân, tôi sẵn sàng trao nó cho họ. Sau những sự kiện này, đời tôi chẳng còn giá trị gì nữa. Tôi biết rằng, một lần nữa, sẽ có một phiên tòa Nagy Imre mà tại đó, tôi được phục hồi, và số người đến dự đám tang tôi sẽ gấp ba số người dự lễ tang Rajk (2). Chỉ sợ những người sau này đọc điếu văn tôi lại chính là những kẻ đã phản bội tôi".

Bản thứ hai: "Về phần mình, tôi coi bản án mà quí tòa, Hội đồng Tòa án Nhân dân, đưa ra đối với tôi, là bất công, và cách lý giải của nó là vô cơ sở, và vì thế, về phần mình, mặc dù biết rằng không thể kháng án, tôi không thể chấp nhận bản án đó. Trong hoàn cảnh này, tôi chỉ có một điều an ủi duy nhất là niềm tin: trước sau, nhân dân Hung và giai cấp công nhân sẽ đưa tôi khỏi những lời buộc tội nặng nề mà trọng lượng của nó tôi đang phải chịu đựng, mà những hậu quả của nó khiến tôi phải hi sinh cuộc đời, nhưng tôi phải nhận lấy phần mình. Tôi cảm thấy sẽ có một ngày, khi vụ việc của tôi có thể được nhìn nhận một cách công bằng, trên cơ sở việc tìm hiểu thực tế một cách rõ rệt hơn, bằng một tầm nhìn sáng sủa hơn, trong một bầu không khí bình tĩnh hơn đối với các vấn đề này. Tôi cảm thấy tôi là nạn nhân của một sai lầm nặng nề, một sai lầm của tòa án. Tôi không xin ân xá".

Rõ ràng, "dị bản" thứ nhất mang nhiều "kịch tính" hơn, "anh dũng" hơn, nhưng có lẽ nó chưa bao giờ tồn tại. Thực tế phũ phàng, cho dù mờ nhạt, thậm chí xám xịt, so với huyền thoại, nhưng chúng ta vẫn phải theo. Cố nhiên, hình ảnh một nhân vật lịch sử có thể, và chắc chắn, sẽ biến đổi theo từng thời kỳ và từng cách diễn giải. Những nhầm lẫn, thậm chí dối trá, cũng không hiếm. Tuy nhiên, cố gắng tiếp cận và tìm đến một hình ảnh xác thực không bao giờ là việc vô ích.

*

Những ai quan tâm đến lịch sử hiện đại Hung, nhất là một số sự kiện liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng 1956, đều phải công nhận Rainer M. János là tác giả của những chuyên khảo đồ sộ nhất, đầy đủ nhất và có lẽ, xác tín nhất, về Nagy Imre. Nhưng ngay trong sách của Rainer, Nagy Imre cũng được mô tả như một con người cương nghị, không gì lay chuyển nổi, từ đầu đến cuối. Nói cách khác, như một vị thánh tử vì đạo!

Sự thật không phải như vậy. Gần đây, giới sử học Hung đã công bố vài tư liệu, cho thấy tính cách và quan điểm của Nagy Imre phức tạp, đa dạng và mâu thuẫn hơn nhiều so với chúng ta thường nghĩ. Và, trên cơ sở những tư liệu mới đó, chúng ta càng thấu hiểu hơn tấn thảm kịch của ông, một người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn tin tưởng vào khả năng có thể cải đổi của "chủ nghĩa cộng sản hiện thực".

Chỉ riêng sự kiện Nagy Imre không công nhận bản án áp đặt cho ông, không xin ân xá, cũng như không "khai man", không vò đầu bứt tai "thú tội", "hối lỗi" như rất nhiều lãnh tụ cộng sản bị xét xử trong các phiên tòa ngụy tạo do điện Kremlin giật dây, đã khiến ông trở thành một con người xác tín, cho dù trong đời, Nagy Imre đã có nhiều lời lẽ khó hiểu, nhiều hành động sai lầm và dao động.

Bởi lẽ, quả thực, nhiều lần ông đã dao động và chần chừ. Mấy ai biết rằng đầu tháng 11-1956, khi quân đội Liên Xô tràn vào Hung để đàn áp cuộc khởi nghĩa, Nagy Imre đã định ký một lời tuyên bố, trong đó, với thời điểm lùi về trước, ông xin từ chức thủ tướng chính phủ. Theo tác giả Rainer, hành động đó là "nhượng bộ chính trị nặng nề nhất trong cuộc đời Nagy Imre". May thay, các đồng chí của ông, cùng có mặt trong tòa đại sứ Nam Tư ở Budapest, đã thuyết phục ông từ bỏ ý định đó, vì nó đồng nghĩa với việc thừa nhận chính quyền mới, con bài của Liên Xô.

Như chúng ta từng biết, trong thời gian từ 24-11-1956 đến 14-4-1957, Nagy Imre bị đày ải (biệt giam) ở Romania, trong một làng nhỏ cạnh dòng sông Snagov. Trong nhật ký, ông đã ghi lại về thời kỳ đó như sau: "Tình cảnh của chúng tôi là rõ ràng. Chúng tôi bị đày ải, phải sống dưới sự quản thúc của các tổ chức an ninh quốc gia, của những đội canh phòng có vũ khí, biệt lập với thế giới bên ngoài, cách ly với nhau, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn về thông tin chính trị (không có đài và chỉ có vài tờ báo)".

Ngày 25-1-1957, Kállai Gyula (3), lãnh tụ cộng sản chủ trương trừng phạt thẳng tay những ai từng tham gia cách mạng 1956, đã đến Snagov thăm Nagy Imre. Trong cuộc nói chuyện bị Securitate - cơ quan mật vu chính trị Romania - đặt máy nghe trộm, Kállai đã buộc cho Nagy Imre hai lỗi lầm nặng nề nhất: rút Hung khỏi khối Hiệp ước Warszawa và tuyên bố quốc gia này trở thành một nước trung lập. (Sở dĩ Kállai có thể coi đây là hai "tội trạng" nặng nề nhất vì chúng đặt ra trước nước Hung một khả năng lựa chọn: trở thành một xứ tự trị độc lập, hay tiếp tục chịu làm "chư hầu" cho Liên Xô. Điều này hiển nhiên đi ngược lại mọi luận lý của đế chế Xô-viết thời bấy giờ).

Sau đây là một đoạn trong cuộc nói chuyện đó.

"Kállai:Ai đề nghị phá vỡ Hiệp ước Warszawa và bao nhiêu vấn đề khác? Ai quyết định sự độc lập của đất nước? Anh làm gì, anh đã ký cái quyết định đó phải không?

Nagy:Không, không. Chúng tôi không nghĩ đến chuyện phá bỏ hoàn toàn Hiệp ước đó, nhất thời chúng tôi muốn bắt đầu... Phải phân tích xem giữa nhiều nước, hiệp ước này... Tốt hơn cả là chúng ta sẽ phân tích trong phiên tòa.

Kállai:Như vậy, có nghĩa đó là một cuộc cách mạng?

Nagy:Tôi không thể nói bằng một cách nào khác, đó là một cuộc cách mạng. Nhưng, không thể gọi những gì đã xảy ra theo một cách nào khác, một cuộc phản cách mạng với những phần tử phát-xít, tôi có thể nói thế, nhưng đồng thời đó là một cuộc cách mạng. Ở châu Âu người ta nói rằng những sự kiện ở Hung có thể dẫn đến sự phục hồi của giai cấp tư bản, điều này tôi không cho là như thế, nó không thể xảy ra như vậy. Không, nó không thể xảy ra như vậy. Và lẽ ra chúng tôi đã có những lực lượng để [ngăn chặn] việc này... Lẽ ra chúng tôi có thể, bằng sức mình, phục hồi tình thế. Vào ngày mùng 3 và mùng 4-11, tình thế càng trở nên rõ ràng. Sự can thiệp của quân đội Xô-viết là không đúng lúc, vì những băng đảng, như băng đảng của Dudás chẳng hạn, đã bắt đầu tan rã và tôi tin rằng lẽ ra chúng tôi đã làm chủ được tình thế... Có thể, nhóm do tôi đứng đầu đã làm những việc lẽ ra không nên làm, đứng trên phương diện chính trị. Những việc không đúng đắn. Nhưng tại sao không ai nói là chúng tôi đã phạm sai lầm? Giá thử ai đó đến bảo tôi "phải làm như thế, như thế", hẳn tôi đã làm theo anh ta".

Thật là những lời lẽ kỳ lạ! Lời lẽ của kẻ hạ cấp, của một công chức bàn giấy. Của một người không có khả năng quyết định một cách tự lực!

Trong trường hợp của Nagy Imre, "thượng cấp" của ông chính là đảng. Người chiến sĩ kiên định, từng bị tù đày và chịu gian khổ nhiều năm trong phong trào lao động Hung và trong ngục tù đen tối của Stalin ở Liên Xô, đành phải trao lại sự tự quyết của mình cho đảng. Là một người cộng sản xuất sắc, nhưng đồng thời, Nagy Imre cũng là một "con chiên", ông không thể bước qua những giới hạn "đảng tính" của bản thân. Trong một công trình nghiên cứu, tác giả Rainer đã nhận định: đối với lớp người có tính cách như thế, việc bám vào tổ chức được coi là một giá trị tự thân, vượt lên trên mọi thứ giá trị khác; ở điểm này, các thể chế độc tài đã "chế tạo" ra họ dưới một dạng hoàn thiện nhất. Một cán bộ đảng chỉ phê phán thực tiễn chứ không bao giờ oán trách lý tưởng, cùng lắm, anh chỉ kêu ca và la rầy những kẻ thừa hành. Nagy Imre không thể từ bỏ chuỗi quan niệm cho rằng "học thuyết mác-xít là tốt, có điều nó bị áp dụng tồi trong thực tiễn; chính sách của Stalin là phản mác-xít, không đồng nhất với chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Marx - Lenin cũng tồn tại một con đường chân chính, nhưng Stalin và Rákosi, học trò của ông ta, đã đi chệch hướng; có thể sửa đổi được sai lầm đó, vẫn còn một lý tưởng, một "chốn về": đó là một chính thể Xô-viết tốt đẹp, một "thiên đường trần thế...", và đây là tấn thảm kịch của ông.

Cố nhiên, không phải Nagy Imre không nhìn thấy phần nào thực chất của Moscow. Trong những ghi chép để lại, ông từng nhận định bản chất đường lối quyền lực của Liên Xô - "chính sách phiêu lưu kiểu Stalin" - là sự bảo đảm và bành trướng vô điều kiện "vùng ảnh hưởng" của nước này, và thực hiện chính sách sô-vanh Đại Nga. Khối Hiệp ước Warszawa, một thứ "Liên minh Thần thánh XHCN", công cụ cho những mưu đồ bá quyền của Liên Xô, không phải gì khác ngoài vũ khí của Moscow nhằm áp buộc nền độc tài quân sự lên các quốc gia khác.

Vậy mà, như một "con chiên" ngoan đạo, Nagy Imre không (thể) đi đến một bước "cấp tiến" hơn: tuyên bố cái lý tưởng mang danh cộng sản, phủ nhận cơ chế đa dạng của thế giới, coi bản chất đa nguyên của chính trị là một tội lỗi, chính là một thử nghiệm hết sức lệch lạc và nguy hiểm, đã dẫn đến sự thất bại của cuộc cách mạng 1956.

*

Tính chất "hai mặt" ấy còn xuất hiện trong hệ thống "mật mã" mà Nagy Imre vẫn tư duy và sử dụng. Có thể nhận thấy, khi tấn công chủ nghĩa Stalin, ông đã dùng một thứ ngôn từ mâu thuẫn đến mức khó hiểu, như thể ông vẫn ẩn trong tấm áo choàng của hệ ngôn từ Stalin. Cũng như thế, khi tấn công tư tưởng giáo điều và xa rời thực tế, ông cũng dùng một hệ ngôn ngữ giáo điều và xa rời thực tế không kém. Nghe lại các cuộc nói chuyện của Nagy Imre trong những ngày tháng cô đơn ở Snagov, chúng ta thấy ông vẫn giữ nguyên cách diễn đạt mập mờ, lập lờ tranh tối tranh sáng, với những ngôn từ đầy "mùi vị" của Stalin và bè đảng như "bè phái", "tranh đấu", "chính sách phiêu lưu", "tay sai", "chệch hướng", "phản động"...

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: thứ ngôn ngữ chi vậy? Câu trả lời: chẳng phải gì khác, nó chính là loại ngôn từ vô bản sắc, phi cá tính của giới quan liêu, khi những kẻ này biến mọi sự kiện thành cuộc "đấu tranh" giữa cái Tốt và cái Xấu, đơn giản hóa mọi việc một cách độc đoán. Những dịp ấy, một lời phát biểu không nhằm vào đề tài mà lẽ ra nó phải chứa chở. Diễn giả phải lựa lời vòng vo, sao cho quyền lực của ông ta không bị ảnh hưởng. Sự giao tiếp chính trị được đặc trưng bởi tính kỹ lưỡng, tẩn mẩn đến mức khổ ải; không được phép sai lầm vì trong một không gian chính trị phi lý dưới thể chế Stalin, sự nhầm lẫn đi kèm với nhiều hậu quả không gì bù đắp nổi. Như mọi người đều biết, ngay cả bài phát biểu nổi tiếng của Nagy Imre trước Nhà Quốc hội Hung, vào đúng ngày cách mạng 1956 bùng nổ (23-10), cũng được ông đọc cẩn thận từ giấy ra!

*

Dầu sao đi nữa, đối với dân Hung, cái tên Nagy Imre vẫn mang tính biểu tượng. Trong vòng ba thập niên, dân Hung không được nhắc đến ông, nhưng đa số các tổ chức đối lập dân chủ ở nước này đều lấy những ý tưởng của ông làm mục đích đấu tranh. Ít người để ý đến một thực tế: Nagy Imre không chủ định lật đổ chế độ "cộng sản hiện thực" mà ông chỉ có ý thực hiện một mô hình xã hội chủ nghĩa "mang bộ mặt nhân tính" (trên phương diện này, ông đã đi trước "Mùa xuân Prague" 1968 gần 15 năm!) Cố nhiên, trong một hoàn cảnh như thế, việc phân tích con người và những hành động của Nagy Imre chưa được thực hiện một cách khách quan và chính xác.

Từ giữa thập kỷ 80 trở đi, tình thế đã thay đổi. Sự thay đổi này xảy ra trước sự thay đổi của một thể chế đã ngự trị ở Hung hơn 3 thập niên, mà lễ "tái mai táng" Nagy Imre vào mùa hạ 1989 là một khởi điểm mang tính tượng trưng (3). Và rốt cục, nếu nước Hung đến được "bến bờ tự do", như giới truyền thông nước này thường viết một cách màu mè, thì đó cũng (một phần không nhỏ) là công lao của Nagy Imre, nhà cách mạng & viên chức luôn do dự, lưỡng lự với cặp kính mắt, một con người có nhiều dao động và nhiều hạn chế về quan điểm, nhưng trong giờ phút cuối cùng, vẫn dám hành động. Dù là một nhà cải lương, song Nagy Imre vẫn dám làm cách mạng, trái với thể trạng và niềm tin của ông.

Tượng Nagy Imre tại Quảng trường Liệt sĩ (Budapest) - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Nagy Imre đã giải quyết được mâu thuẫn nảy sinh giữa con người viên chức và con người cách mạng của ông, bằng hành động thực tế và bằng cái chết quả cảm. Và người Hung đã đánh giá đúng vai trò của ông trong lịch sử hiện đại nước này. Ngày nay, du khách đến thăm thủ đô Budapest, có thể chiêm ngưỡng đài tưởng niệm Nagy Imre của điêu khắc gia Varga Tamás, được đặt ở một vị trí rất trang trọng tại Quảng trường Liệt sĩ, gần Nhà Quốc hội và hướng ra bờ sông Duna. Tại đó, không bao giờ thiếu những đóa hoa tươi và những người kính cẩn cúi mình...

Chú thích:

(1) Rákosi Mátyás (1892-1971), lãnh tụ thượng đỉnh của Đảng Cộng sản Hung, thủ hạ đắc lực nhất của Stalin tại vùng Đông Âu. Sự sùng bái cá nhân Rákosi ở Hungary được coi là một trong những nguyên nhân (tuy khôn mang tính quyết định) của cách mạng 1956. Bị hạ bệ mùa hạ năm 1956 và phải sống lưu vong ở Liên Xô đến cuối đời.

(2) Rajk László (1909-1949): lãnh tụ cộng sản Hung. Gia nhập đảng Cộng sản từ thời thanh niên, từng tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha, nhiều lần bị cầm tù trong thời kỳ hoạt động bí mật. Sau 1945, là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và giữ nhiều trọng trách trong chính phủ (cộng sản) Hung như bộ trưởng Nội vụ và ngoại trưởng.

Rajk bị tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo hè 1949, được tổ chức dưới sự điều khiển của Moscow. Đây là một màn trong vở kịch "kỳ vĩ" do Stalin khởi xướng, nhằm "thanh lọc" một số lãnh tụ cộng sản cựu trào như Kostov (Bulgaria), Clémentis (Tiệp Khắc)... tại các xứ "dân chủ nhân dân" vùng Đông Âu. Sau khi Stalin chết, Nagy Imre lên làm thủ tướng Hung và một trong những hành động chính trị tích cực của ông là phục hồi danh dự cho Rajk vào năm 1955.

(3) Điều đáng nói ở đây là vào năm 1951, Kállai cũng từng là nạn nhân của tệ bạo hành Stalin, khi ông ta bị giam giữ vì những tội danh ngụy tạo, và đến năm 1954, khi Nagy Imre nhậm chức thủ tướng, ông mới được phục hồi!

Về sau, Kállai từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Hung, như bộ trưởng, phó chủ tịch nhà nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng Hung. Chỉ đến năm 1988, Kállai mới bị cách chức ủy viên Ban Trung ương Đảng Công nhân Xã hội (đảng Cộng sản) Hung, và ông ta mới từ chức dân biểu Quốc hội Hung.

(4) Ngày 16-6-1989, khi chuyển biến dân chủ tại Hung đang lên cao, toàn thể nước Hung đã xuống đường tưởng niệm trọng thể Nagy Imre và các chiến sĩ hi sinh trong cuộc cách mạng 1956. Các chính đảng Hung đều thống nhất cho rằng sự kiện đó đã mang lại sự hòa hợp dân tộc, dẫn đến sự thay đổi thế chế chính trị một cách hòa bình ở nước này.

Về mặt hình thức, người Hung gọi sự kiện này là lễ "tái mai táng" Nagy Imre.

Trần Lê, theo các tư liệu lịch sử Hung


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn