VLADIMIR VYSOTSKY

Thứ sáu - 09/02/2007 14:12

(NCTG) “Vysotsky đã đi vào bất tử ngay sau cái chết của mình. Ngày nay, thi ca của anh đã được nhắc đến cùng các tác gia kinh điển Nga: trong nhà trường, các tác phẩm của Vysotsky đã được dạy cùng Pushkin và Lermontov. Chàng trai giọng khàn khàn, hát như nói với tất cả nhiệt huyết sôi sục, với tình cảm yêu ghét lẫn lộn, chân thành và bạo liệt, đã trở thành một tượng đài như thế...”.

Vladimir Vysotsky (1938-1980)

Vladimir Vysotsky (1938-1980)

“Vysotsky là con người như thế nào?
Đơn giản nhất, nếu các bạn đọc thơ của anh...”

(Marina Vlady)

Thần đồng người Nga này, thuộc lớp nghệ sĩ tiêu biểu nhất của nền văn hóa Nga đương đại, đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Là người lập ra một trường phái đặc thù trong nghệ thuật trình diễn, danh tiếng của Vysotsky đã vượt khỏi ranh giới Moscow và trong hai thập niên 60-70 thế kỷ trước, cái tên Vysotsky đã trở thành khái niệm trong giới trí thức khối XHCN (cũ).

Hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh, đến giờ, sau 27 năm, vẫn là đề tài tranh luận và tìm kiếm của giới khoa học và công luận. Một điều không thể phủ nhận: tài năng đặc biệt của Vysotsky đã bất lực trước cái thời đại xám xịt không chấp nhận và không "xử lý" nổi những thiên tài - đó là thời đại anh đã sống, anh bám vào nó đến cùng cho dù nó không hề chấp nhận anh.

Vladimir Vysotsky chào đời tại Moscow ngày 25-1-1938. Cả đời, anh gắn bó với thành phố nơi mình đã sinh ra: anh đã trải qua tuổi thơ và những năm tháng chiến tranh tại Moscow, Vysotsky đã đến trường và quyết định trở thành diễn viên. Tại Moscow, anh đã có những vai diễn đầu và cũng tại đây, trong phòng thu âm của hãng Melodya, anh đã thu những đĩa nhạc về sau trở thành "báu vật" của cả một thế hệ. Chưa hết, ở tòa nhà của Đài Phát thanh Trung ương ở phố Pyatnitskaya, 6 vở kịch mà anh nhập vai đã được thu thanh.

Đa phần những vai diễn điện ảnh của Vysotsky được quay tại các phim trường của hãng Mosfilm; tại căn hộ ở phố Malaya Gruzinskaya, anh đã sáng tác những bài ca, bản nhạc tuyệt vời nhất. Cha mẹ anh, các con anh đều sống ở Moscow, những bài ca của anh đến giờ vẫn vang vọng trên đường phố thủ đô và mảnh đất này đã gìn giữ di sản tinh thần của Vysotsky ở mức cao nhất, kể từ khi anh qua đời khi còn rất trẻ.

Chàng sinh viên trường Cao đẳng Kiến trúc, ngay trước khi kết thúc năm học đầu, đã quyết định không theo con đường mà cha mẹ anh hằng mong muốn cho con trai mình. Năm 1956, Vysotsky rời trường và trong vòng 4 năm, anh học nghề tại lớp Sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Moscow với thày Pavel Massalsky. Vysotsky có những vai diễn đầu ở Nhà hát Pushkin và Miniatur.

Năm 1964, anh gia nhập Nhà hát Taganka lừng danh của thày Yury Lyubimov và từ đó đến cuối đời, anh là ngôi sao rực sáng của Taganka. Tại đây, Vysotsky đã xuất thần trong các tác phẩm lớn như "Galilei" (B. Brecht), "Hamlet" (W. Shakespearre), "Vườn anh đào" (A. Chekhov) hay "Tội ác và trừng phạt" (F. Dostoievsky), với những vai diễn "để đời" có tác động không nhỏ đến thi nghiệp sau này của anh (chẳng hạn: bài thơ "Hamlet của tôi", 1972).

Từ năm 1959, Vysotsky còn có nhiều vai diễn điện ảnh, nhưng anh đã không có dịp thể hiện xứng đáng tài năng trong khoảng ba chục bộ phim mà anh góp mặt. Mặc dầu, bộ phim truyền hình 4 tập "Không đổi nơi hẹn hò" cũng khiến cái tên Vysotsky được biết đến ở khắp nơi, nhưng xét cho cùng, kịch trường vẫn là nơi anh thành công hơn và "được là mình" hơn cả. Sức mạnh truyền cảm của anh khiến khán giả bị mê hoặc.

Đáng nhớ nhất là vai diễn Hamlet: trong 10 năm liền, cứ mỗi lần Vysotsky nhập vai người hùng của Shakespearre, là khán trường lại không còn một chỗ trống! Trước buổi diễn, chàng nghệ sĩ ôm đàn guitare chờ khán giả bên cửa ra vào, người vận quần Jean và áo len cao cổ, để rồi sau đó, lại hiện diện trong vai chàng hoàng tử xứ Đan Mạch. Vysotsky chào hỏi từng khán giả vào cửa, như thể anh muốn mở ra, muốn hát cho cả thế giới. Sau mỗi buổi diễn, chàng trai lại hòa mình trong dòng khán giả đang vỗ tay không ngớt, để cảm nhận được sự thương mến và khâm phục dành cho mình.

Trong đời, Vysotsky đã sáng tác chừng 800 bài thơ, đa phần được anh phổ nhạc và lang thang trình diễn (nhiều khi bán hợp pháp) tại những câu lạc bộ, nhà hát, công viên ngoài trời, phố phường và nhà bạn bè. Ca khúc của anh được vang lên trong nhiều bộ phim và vở kịch đương thời. Đề tài và nguồn cảm hứng chính của Vysotsky là tự do, thứ mà anh không có, hoặc rất ít khi có (một phần cũng vì anh không biết làm gì với nó mỗi khi có trong tay).

Vysotsky là bậc thày của những tác phẩm về "blatnoy mir" (thế giới ngầm, thế giới hạ lưu Nga) - thể loại thơ & ca khúc Nga (có phần giống "protest song" ở phương Tây) do anh khởi xướng trở nên một hình thức nghệ thuật đặc biệt, có sức thể hiện vô cùng mạnh mẽ. Với cây đàn guitare trong tay, bằng chất giọng khản đặc và lòng nhiệt thành vô tận, những ca khúc của Vysotsky được lan truyền qua băng cassette thu lậu và chẳng mấy chốc, anh trở thành một nhân vật huyền thoại.

Người Nga tìm thấy ở những tác phẩm của anh một tấm gương trung thực về xã hội Xô-viết; cạnh đó, thế giới đen tối của những trại tập trung và những kẻ tù tội ở Liên Xô được anh mô tả xác thực và trần trụi đến mức trong một thời gian dài, công chúng tưởng anh từng trải qua tù đày lao khổ, hoặc, là một người hùng của "thế giới ngầm".

Vysotsky với cây đàn guitare (năm 1972)

Những bản nhạc & thi ca chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ của Vysotsky như "Mọi người đều ra trận", "Không về từ chiến trận"... cho thấy những ý tưởng thâm trầm và sâu sắc của tác giả. Cạnh đó, anh cũng viết vô số những vần thơ có đề tài chính trị rõ rệt, trong đó, anh đả động công khai đến những vấn đề bị cấm đoán thời bấy giờ như cách mạng Hungary (1956), mùa xuân Praga (1968)...

Các thi phẩm và ca khúc của Vysotsky được giới phê bình ngày nay đánh giá cao trên cả phương diện thi ca truyền thống lẫn nội dung triết học. Ngôn từ rất đa dạng (từ ngôn ngữ Nga cổ đến thứ tiếng lóng đầu đường xó chợ của giới hạ lưu), hình ảnh biểu cảm mạnh mẽ, nhịp điệu, tiết tấu đặc biệt - đó là những yếu tố khiến các thi phẩm của Vysotsky trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong nền thi ca nước Nga sau Thế chiến thứ hai.

Thế giới quan của anh cũng độc đáo và có phần mâu thuẫn: Vysotsky luôn luôn tỏ ra bi quan với tương lai, anh muốn làm ca nhân của một hiện tại vừa tốt đẹp, vừa xấu xa.

Sức hấp dẫn ghê gớm của Vysotsky không chỉ chinh phục được khán giả Liên Xô: anh còn chiếm được tình yêu diệu kỳ và "vô biên giới" của Marina Vlady, nữ tài tử người Pháp gốc Nga, ngôi sao chói lọi của điện ảnh thời đó (1). Nàng nghệ sĩ tuyệt diệu, lịch lãm nhưng lạnh lẽo ấy, đã sẵn lòng rời bỏ vinh quang, rời bỏ kinh thành Paris hoa lệ với ngôi dinh thự sang trọng, xa hoa, rời bỏ người chồng và ba đứa con muôn vàn yêu quý, để theo chàng trai nghèo khó, nghiện ngập, lúc nào cũng say xỉn, không để tâm gì đến hai con trai và lao vào hết bê bối này đến bê bối khác, cả đời chỉ biết ru rú ở đất Moscow.

Tình yêu bão táp của hai người được chính thức hóa trước pháp luật ngày 1-12-1970 và trong vòng 13 năm, họ đã bên nhau, có nhau trong hạnh phúc cao vời, cũng như trong những khổ đau và tăm tối nhất của số phận.

Sau nhiều năm, nhờ sự can thiệp không mệt mỏi của Marina và sức ép của công luận thế giới, Liên Xô chịu nhượng bộ cho Vysotsky ra nước ngoài. Trước mắt Marina, hiện lên viễn cảnh của một cuộc sống vô tư, không thiếu thốn cho hai người, cũng như khả năng sáng tác tự do cho người chồng thân thương: từ suy nghĩ ấy, cô đã đưa Vysotsky một vòng qua Pháp và Mỹ; ở đâu, người nghệ sĩ từ sau "bức màn thép" cũng được đón tiếp nhiệt liệt, được nhìn nhận như một Jim Morrison của nước Nga.

Băng đĩa, thi ca của Vysotsky được xuất bản, cá nhân anh được coi như một anh hùng và biết bao hợp đồng đang chờ anh ở nước ngoài. Vậy mà, không biết làm gì với danh tiếng, với sự sùng bái và những khả năng bứt phá ở ngoại quốc, chàng trai Nga cảm thấy bối rối và... trốn về Moscow. Đề rồi, dù biết là không giải quyết được vấn đề, Marina vẫn theo anh vì tình yêu thương...

Và, ở nước Nga - Xô-viết, Vysotsky lại tiếp tục những gì mà anh thạo, anh trải qua, anh tâm huyết và muốn nói lên: tình yêu, niềm vui, nỗi sầu muộn, chiến chinh và hòa bình... Cạnh đó, anh giễu cợt rất mạnh mẽ thể chế mà anh đang sống cùng sự tầm thường của con người, và lên tiếng cổ vụ những tư tưởng, những cảm xúc tự do của người dân. Tuy nhiên, sinh thời, hầu như các tác phẩm của Vysotsky không hề được phát hành một cách chính thức. Chỉ một số ít ca khúc của anh được in đĩa, một thi phẩm duy nhất của anh được in trong hợp tuyển "Ngày thi ca" (1975).

Chẳng những là nạn nhân của hệ thống kiểm duyệt chính trị, Vysotsky còn bị các đồng nghiệp đố kỵ: nhiều bậc "lão trượng" của nền thi ca Liên Xô luôn ngần ngại và có phần hoảng hốt trước tiếng nói mộc mạc - nhưng rất được ưa chuộng và gây ảnh hưởng lớn - của anh. Các tòa soạn báo khước từ đăng tải thơ ca của Vysotsky bằng vô số những lý do khác nhau như "chưa hoàn thiện về hình thức", "không hợp vận", "không có nội dung sâu sắc"... Hơn thế nữa, anh còn thường xuyên bị báo chí Xô-viết đả phá, thậm chí còn bị coi là "kẻ thù nhân dân".

Suốt đời, Vysotsky hằng mong mỏi đến ngày thơ của anh được ra mắt chính thức ở Liên Xô, cá nhân anh được thừa nhận chính thức như một nhà thơ. Tuy nhiên, sinh thời, người nghệ sĩ phải bằng lòng khi thấy các "fan" của mình truyền tay nhau những bài thơ chép tay, nhưng bản nhạc thu lậu và tự sao chép tại gia. Ấn tượng lớn nhất của Vysotsky là cuộc gặp gỡ năm 1976 với thi hào Joseph Brodsky (Nobel Văn chương 1987): trong dịp đó, anh được Brodsky trân trọng đánh giá như một đồng nghiệp "ngang phân".

Những năm cuối đời, Vysotsky lao vào sáng tác với nhịp độ kinh khủng: không chỉ làm thơ, viết nhạc và thủ diễn, anh còn thử nghiệm viết văn xuôi (2). Cuốn tiểu thuyết dang dở mang tựa đề "Tiểu thuyết về những cô gái" dựa trên một số tình tiết mang tính tự truyện - do Vysotsky khởi viết năm 1977, nhưng chỉ được ra mắt độc giả năm 1988 - là một tác phẩm phản ánh chân thực và toàn diện về bầu không khí o ép ở Liên Xô dưới thời Brezhnev.

Không đạt được mong ước của cả đời người ở Liên Xô, Vysotsky mắc chứng trầm cảm, lao vào nghiện hút và cho dù tìm thấy ở "nàng tiên nâu" cảm hứng sáng tác, sức khỏe anh giảm sút trầm trọng. Marina đưa chồng sang Paris cai rượu, nhưng rồi chẳng được bao lâu, anh lại "đào tẩu" về Moscow. Sự căng thẳng thường trực và những bê bối xuất hiện ngày một nhiều quang anh đã khiến Vysotsky suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ngày 25-7-1980, khi Moscow đang tưng bừng với kỳ Thế vận hội (bị phương Tây tẩy chay), đúng ở giai đoạn chín muồi trong nghệ thuật, Vysotsky đã lặng lẽ ra đi sau cơn nhồi máu cơ tim lần thứ ba, hưởng dương 42 tuổi. "Cái chết của diễn viên Vysotsky" - chàng nghệ sĩ bất trị - chỉ được đưa trong mẩu tin ngắn trên tờ báo buổi chiều ở Liên Xô, vậy mà hàng vạn người đã tụ tập đưa tiễn anh tại Nghĩa trang nghệ sĩ Novodevichi (Moscow). Đây là đám tang được nhiều người tham dự nhất ở Liên Xô, kể từ cái chết của Stalin vào năm 1953!

Vysotsky đã đi vào bất tử ngay sau cái chết của mình. Một năm sau, một chương trình tưởng niệm Vysotsky được tổ chức; rồi, anh được nhận Giải thưởng Quốc gia, sự thừa nhận mà anh hằng mong muốn suốt cuộc đời. Năm 1985, Bảo tàng Vysotsky được mở - từ đó, các tác phẩm của anh được xuất bản, tên anh được đặt cho tàu ngầm và tiểu hành tinh (3).

Nhà hát Taganka công diễn vở kịch về Vysotsky, tại Moscow và Novosibirsk, nhân 15 và 25 năm ngày mất của anh, những bức tượng lớn đã được dựng để tưởng nhớ anh (4). Không năm nào, nước Nga không có những buổi hòa nhạc gợi nhớ hình bóng chàng nghệ sĩ không tuổi. Ngày nay, thi ca của anh đã được nhắc đến cùng các tác gia kinh điển Nga: trong nhà trường, các tác phẩm của Vysotsky đã được dạy cùng Pushkin và Lermontov.

Chàng trai giọng khàn khàn, hát như nói với tất cả nhiệt huyết sôi sục, với tình cảm yêu ghét lẫn lộn, chân thành và bạo liệt, đã trở thành một tượng đài như thế...

Ghi chú:

(1) Những hồi ức của Vlady về Vysotsky và mối tình tuyệt đẹp, nhưng gian nan của hai người, mang tựa đề "Vysotsky, tình yêu của tôi", đã được ấn hành ở Liên Xô vào thời "cải tổ" (nguyên bản tiếng Pháp: "Vladimir ou le vol arrêté". Librairie Arthème Fayard, 1987).

(2) Vlady kể về những ngày ấy của Vysotsky: "Anh làm việc ngày đêm. Buổi sáng, anh đến các buổi diễn tập tại nhà hát; chiều, thường anh đi quay phim hoặc hát; tối, anh chơi nhạc; đêm, anh sáng tác. Cùng lắm, anh chỉ có 4 giờ để ngủ và cái nhịp sống khủng khiếp này, có vẻ không khiến anh mệt, anh như được phấn khích..."

(3) Năm 1985, các nhà thiên văn học thuộc đài khí tượng Krym đã phát hiện ra một hành tinh ở vùng giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc; hành tinh đó được đăng ký vào danh mục các hành tinh quốc tế với số hiệu 2374 và được đặt tên là VladVysotsky, ghép từ tên của cặp vợ chồng Marina Vlady và Vladimir Vysotsky. 

(4) Khi Vysotsky được dựng tượng ở thành phố quê hương Moscow (năm 1995), thông điệp của Marina Vlady đã được đọc lên, rằng, trong thế giới ngày nay cũng vẫn rất cần những lời phản kháng của Vysotsky: "Mười lăm năm trôi qua không làm thuyên giảm nỗi đau, em nhớ anh, cũng như, nước Nga và thế giới đều nhớ anh...".

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Vysotsky
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn