Nhân 75 năm ngày sinh của Andrei Tarkovsky: LÁ THƯ CUỐI CÙNG GỬI CHA

Thứ sáu - 27/07/2007 21:55

(NCTG) Andrei Tarkovsky (1932-1986), nhà đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch Nga, là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của nền điện ảnh thế giới mà tên tuổi đã vượt qua "bức màn thép" của Liên bang Xô-viết để đến với thế giới ngay trong những năm tháng trì trệ nhất của "triều đại Brezhnev".

Đạo diễn Andrei Tarkovsky (1932-1986)

Chào đời trong một gia đình có nguồn gốc từ vùng Caucase, Dagestan, cha là Arseny Tarkovsky (1907-1989), nhà thơ, dịch giả nổi tiếng, được coi là người kế tục truyền thống thi ca Nga thế kỷ XX, năm lên ba, Tarkovsky đã phải chịu cảnh xa cha và sống cùng thân mẫn và em gái trong một ngôi nhà thuê tại một vùng quê. Trong những năm Trung học, Tarkovsky học nhạc và hội họa, rồi từ năm 1951, ông học tiếng Ả Rập trong vòng 2 năm tại Viện Ngoại ngữ Phương Đông. Thế giới quan phương Đông, đặc biệt là Đạo Lão, đã có ảnh hưởng lớn đến ông trong thời gian đó.

Năm 1954, Tarkovsky ghi danh vào Học viện Điện ảnh Moscow, và được học trong lớp của bậc thày điện ảnh Mikhail Romm. Sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu năm 1962, khi ông cho ra đời bộ phim "Thời thơ ấu của Ivan", một tác phẩm lập tức đem lại vinh quang cho Tarkovsky trên trường quốc tế: ông được giải Sư tử vàng (dành cho đạo diễn xuất sắc nhất) của Liên hoan phim Venice (Ý). Trong số những lời ngợi ca bộ phim, đáng kể là đánh giá của văn hào Pháp Jean Paul Sartre trên tờ "L'Unità". Năm 1966, khi quay "Andrei Rublev", lần đầu tiên Tarkovsky gặp phải những cản trở và sách nhiễu từ phía chính quyền; mãi đến năm 1970, phim mới được ra mắt. Như vậy, mốc 1966 đánh dấu sự mở đầu một cuộc chiến dai dẳng và cam go giữa nhà đạo diễn thiên tài và các thế lực bảo thủ, trì trệ và quan liêu, trong lĩnh vực tự do trong sáng tạo và tư tưởng.

Trong hai năm sau, các kịch bản của Tarkovsky lần lượt bị từ chối và chỉ đến năm 1972, ông mới được trở lại làm phim: tác phẩm "Solaris" của ông lại đạt thành công vang dội ở nước ngoài, khiến Tarkovsky được Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes. Sau bộ phim "Tấm gương" (1974) cũng rất thành công, Tarkovsky thực hiện được ước mơ của các thế hệ đạo diễn: ông được dàn dựng vở "Hamlet" tại Nhà hát Lenkom (Moscow).

Năm 1978, khi bắt đầu làm bộ phim "Stalker", được coi là một trong những tác phẩm hàng đầu của lịch sử điện ảnh thế giới, Tarkovsky lại đụng độ với chính quyền và bị Ủy ban Điện ảnh Quốc gia tìm cách "chơi xấu" trong mọi việc. Tuy nhiên, nhà đạo diễn không chịu bó tay và cả cơn nhồi máu cơ tim tháng 4-1978 cũng không khiến ông chùn lòng: năm 1979, ông hoàn thành bộ phim với một ội dung và ý đồ nghệ thuật khác rất nhiều so với ban đầu.

Năm 1979, Tarkovsky viết xong kịch bản phim "Hoài niệm", được ông coi là "chứng tỏ một tình yêu nước sâu sắc". Phim quay tại Ý và đoạt Giải thưởng lớn tại Cannes. Năm 1983, ông dàn dựng vở opera "Boris Godunov" (nhạc: Mussorgsky) tại London, Anh. Thời gian đó, Tarkovsky thường xuyên có nhưng buổi thuyết trình ở Ý và Anh và điều này càng khiến chính quyền Liên Xô bực dọc: họ không muốn gia hạn giấy tờ cho nhà đạo diễn. Năm 1984, sau nhiều ngày tháng lưỡng lự và ngần ngừ, Tarkovsky tuyên bố không quay về Nga: ông lựa chọn sự lưu vong văn hóa để có điều kiện làm việc và sáng tạo. Bộ phim cuối cùng của ông, "Lòng hy sinh" (1986) được hoàn thành tại Thụy Điển lại mang đến cho Tarkovsky Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes.

Andrei Tarkovsky qua đời ở Pháp đúng vào thời gian công cuộc "cải tổ" bắt đầu ở Liên Xô. Trong thời kỳ sau đó, Tarkovsky được phục hồi ở quê hương, phim của ông được chiếu thường xuyên và khán giả hâm mộ điện ảnh đích thực tại Nga đã có dịp làm quen với những tuyệt tác mang đậm tính văn chương và triết học của ông.

*

Hai mươi năm trước, nhân dịp Tarkovsky từ trần, tờ tuần báo "Magyarország" (Nước Hung) số 25 đã có một bài viết cảm động giúp cho chúng ta hiểu thêm về những day dứt, trăn trở của một nghệ sĩ lớn khi bị buộc phải xa rời quê hương mình. Đặc biệt, cũng trong dịp ấy, độc giả được biết đến lá thư cuối cùng gửi cha của Tarkovsky, vừa là lời trần tình động lòng của nhà đạo diễn, vừa là một bản án trước thể chế độc tài tại quê hương ông những năm tháng ấy. Sau đây là bản dịch bài viết.

Khi làm phim

Sự hình thành số phận những tài năng thực sự luôn thu hút được sự chú ý của những kẻ đương thời. Nhất là khi số phận ấy (bao gồm đời tư và sự nghiệp sáng tạo) đầy rẫy những khó khăn và những tình cảnh bi thảm.

Andrei Tarkovsky - nhà đạo diễn điện ảnh Xô-viết lừng danh, nhà biên kịch, nghệ sĩ ưu tú nước Cộng hòa Liên bang Nga, con trai của nhà thơ Arseny Tarkovsky - đã từ trần tại Pháp, nơi đất khách quê người.

Công luận phản ứng theo nhiều cách khác nhau về mẩu tin nói trên. Đại đa số nhận nó với sự chấn động sâu sắc và muốn biết nhiều hơn nữa về cuộc sống và sự nghiệp của nhà đạo diễn. Nhưng cũng có những kẻ (thực ra, số này ít thôi), phản đối cả chuyện người ta đặt song song hai cái tên: tên của Arseny Tarkovsky, người chiến sĩ tuyến đầu một thuở, và tên của Andrei Tarkovsky, một kẻ lưu vong tầm thường; cho dù, họ là cha và con.

Nhằm xua tan những lời ra tiếng vào khác nhau, Arseny Tarkovsky cùng các họ hàng thân thích và bạn bè gần gũi ở Moscow của nhà đạo diễn đòi đưa ra trước công luận những lá thư của Andrei Tarkovsky gửi cha. Lá thư này giúp chúng ta hiểu rõ thêm về tác giả của "Adrei Rublyov", "Stalker" và nhiều kiệt tác điện ảnh khác.

Mối quan hệ giữa cha và con luôn luôn mật thiết và đầy tin tưởng. Người con sùng kính và thương yêu người cha; người cha, bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, là tấm gương để người con noi theo (1). Không phải ngẫu nhiên mà trong những bộ phim của Tarkovsky, các bài thơ của người cha thường xuyên được vang lên. Mặt khác, nhà đạo diễn luôn là kẻ cầu toàn: khi quay bộ phim "Tấm gương", Arseniy Tarkovsky đã phải đọc đi đọc lại 11 lần một bài thơ của ông...

... Bức thư chúng tôi công bố sau đây là lá thư cuối cùng gửi cha của nhà đạo diễn. Nó đồng thời là câu trả lời cho niềm tin của Arseny Tarkovsky, rằng mọi nghệ sĩ đều có quyền tự do sáng tạo, nhưng anh ta phải làm điều đó tại chính quê hương mình.

Tháng Hai 1982, Tarkovsky đến Ý theo con đường chính thức để chuẩn bị cho một bộ phim hợp tác Ý-Liên Xô. Sau đó, ông đề nghị kéo dài thời gian cư trú ở đó, vì chưa hoàn thành công việc như đã dự định.

Tháng Sáu 1984, trong một cuộc họp báo tại Paris, ông thông báo có ý định ở lại nước ngoài cho đến khi kết thúc công việc. (Trong thời gian cư trú ở Tây Âu, Tarkovsky không hề tuyên bố bất kỳ một câu gì có hại cho tổ quốc mình; cho đến cuối đời, ông vẫn là công dân Xô-viết)

Năm 1985, Tarkovsky ốm nặng, như vậy, đáng tiếc là ông không có điều kiện theo dõi những biến chuyển tích cực đang bắt đầu ở Liên Xô. Nhưng, toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của nhà đại diễn đều gắn liền mật thiết với quê hương ông.

Ba năm rưỡi trôi qua kể từ ngày ông viết bức thư nói trên...

*

Cha yêu dấu!

Con vô cùng tiếc vì cha cho rằng con đã lựa chọn vai trò "lưu đày" và muốn vĩnh viễn rời bỏ tổ quốc mình. Có thể cha không đếm, nhưng cha hãy tin rằng trong khoảng 20 năm hoạt động trong ngành điện ảnh Xô-viết, gần 17 năm con không được làm việc. Người ta không muốn cho con làm việc! Trong thời gian ấy, con là kẻ bị đày ải. Giọt nước cuối cùng trong cốc là vụ bê bối ở Cannes, tại đó các vị "có thẩm quyền" đã làm tất cả để con không được nhận giải bởi phim "Hoài niệm" (cuối cùng, con đã được ba giải). Bộ phim đó của con chứng tỏ một tình yêu nước sâu sắc...

Rất ít người trong số các đồng nghiệp của Mayakovsky đến dự cuộc triển lãm nhân 20 năm sáng tạo của nhà thơ. Điều đó làm thi sĩ vô cùng khổ tâm, ông cảm thấy nó tàn nhẫn và bất công. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học cho rằng sự kiện ấy góp phần không nhỏ vào quyết định tự vẫn của Mayakovsky.

Năm con năm mươi tuổi, không hề có triển lãm, nhưng đến mấy lời kỷ niệm hoặc chúc tụng cũng không được xuất hiện trong tạp chí điện ảnh của chúng con; mặc dù trong những dịp như thế, người ta thường chúc mừng (và họ cũng chúc mừng) tất cả những hội viên Hội Điện ảnh.

Nhưng đây là những việc nhỏ mọn, chẳng cần phải bàn nhiều, chỉ có điều chúng thật nhục nhã. Cha không hề biết đến chúng.

Con hoàn toàn không có ý ra đi dài hạn. Con chỉ muốn xin hộ chiếu cho mình, cho Larisa, Andryusha (2) và cho bà, để con có thể làm việc tại nước ngoài trong vòng ba năm và thực hiện được ước mơ thuở nào: biên kịch vở "Boris Godunov" tại London, ở Covent Garden, và dựng phim "Hamlet".

Không phải ngẫu nhiên mà con viết đơn gửi lên Hội [Điện ảnh]... Đến hôm nay, con vẫn chưa nhận được hồi âm...

Con tin tưởng rằng nhà nước Xô-viết sẽ cho phép con làm công việc đó và cho phép Andryusha cùng bà đến chỗ con. Đã một năm rưỡi nay con không được thấy họ. Con tin tưởng rằng nhà nước Xô-viết sẽ hành động một cách nhân đạo và công minh...

Con không còn cách lựa chọn nào khác. Con không thể cho phép mình quỵ lụy đến cùng cực và thư của con chỉ là lời đề nghị chứ không đòi hỏi.

Nói về tình yêu quê hương của con, con khuyên cha hãy xem bộ phim "Hoài niệm" (nếu người ta còn cho cha coi). Con hy vọng rằng cuối cùng mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp, con hoàn thành công việc ở đây và có thể nhanh chóng trở về Moscow. Con đã rất mong mỏi giây phút ấy, ngay cả khi con biết có thể con sẽ lại không có việc làm. Con đã bắt đầu quen với điều này.

Con hy vọng rằng nhà nước Xô-viết không chối từ lời đề nghị khiêm nhường và tự nhiên của con. Trong trường hợp ngược lại, có thể sẽ xảy ra tai tiếng lớn. Con muốn tránh điều này, cha cũng có thể hiểu được. Con không phải kẻ đào tẩu, con là một nghệ sĩ, thực hiện phận sự của mình vì vinh quang của nền điện ảnh Xô-viết. Không phải con là kẻ cuối cùng...

Con đã làm ra lắm tiền (ngoại tệ) cho nhà nước Xô-viết, hơn nhiều so với những kẻ khác. Vì thế, con không tin rằng mình sẽ bị đối xử bất công. Con luôn là một nghệ sĩ Xô-viết và sẽ vẫn là một nghệ sĩ Xô-viết, cho dù những kẻ đẩy con phải ra nước ngoài có nói gì đi nữa.

Andrey Tarkovsky, con trai bất hạnh và đau khổ đến tột cùng của cha.

Rome ngày 16 tháng Chín 1983.

Ghi chú:

(1) Mặc dù cha mẹ ông chia tay nhau rất sớm và Tarkovsky được mẹ nuôi dưỡng.

(2) Vợ và con của Tarkovsky.

(3) Một phần của bài viết đã được đăng trên tạp chí "Gió Đông" (Đức).

Nguyễn Hoàng Linh dịch và giới thiệu theo bản tiếng Hung


 
 Từ khóa: Tarkovsky
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn