Phỏng vấn Joseph Brodsky: NỖI HOÀI NHỚ CỐ HƯƠNG CÓ KHI NÀO? (2)

Thứ sáu - 17/08/2007 21:38

(NCTG) "Không ai có thể đại diện cho một ai khác ở bất kỳ một nơi nào; một nhà văn, một nhà thơ lại càng không thể làm việc đó. Nhà thơ cùng lắm chỉ có thể "đại diện" cho thứ ngôn ngữ [mà anh ta dùng], nhưng ngay điều này cũng khá khiên cưỡng. Con người chỉ có thể đại diện cho chính mình, cho những niềm say mê và những nỗi sợ hãi của riêng mình, cho kinh nghiệm cá nhân của bản thân mình, nếu có."

Anh nghĩ thế nào, nhà văn một nước nhỏ - ví dụ một quốc gia Baltic - có cơ được giải thưởng Nobel hay không? Câu hỏi này thôi thúc nhiều người Baltic.

Tất nhiên là có chứ. Ví dụ Tiệp Khắc chẳng lớn hơn Lithuania là bao.

Lớn hơn khoảng bốn lần.

Ừ thì bốn lần. Chẳng quan trọng lắm.

Thời trước, tôi suy ra một định luật như sau: nếu dân số lớn gấp n lần thì nền văn học cũng lớn gấp n lần, chí ít là được biết đến nhiều hơn.

Có thể. Có trời biết được. Tôi không biết. Tuy vậy, người Trung Quốc cũng đã từng đặt cho tôi câu hỏi này.

Ai cơ, người Đài Loan hay "hồng vệ binh"?

Người Đại lục, loại hậu duệ Mao ấy.

Và anh trả lời ra sao?

Tôi bảo: chịu, nhưng chắc hẳn là đúng. Tại sao không?

Và anh cũng trả lời như thế cho những người Baltic?

Cố nhiên. Ngoài ra, chắc anh cũng đã nhận thấy, giải Nobel là sự biểu dương cho lý thuyết xác suất, có thể nói như vậy.

Ở đây, môn địa lý hiệu chỉnh cho lý thuyết xác suất: người ta cố gắng cứ dăm năm lại trao giải cho một người thuộc dòng văn học tiếng Tây Ban Nha, mười năm cho một người viết văn tiếng Nga và cứ thế.

Đúng, nhưng tôi không tin rằng những người trao giải coi đây là bổn phận của họ. Đúng hơn, điều đó phụ thuộc vào sự am hiểu của họ. Nếu ở một nơi nào đó họ không có người thông tin cho họ thì tại đó sẽ không có giải. Thành thử phải cố gắng dùng mọi phương tiện để cho thế giới biết: nền văn học này hay nền văn học kia quả thực có tồn tại.

Người ta bảo quan trọng nhất là ai đó phải phát hành một tác phẩm bằng tiếng Thụy Điển vì các ông hàn Thụy Điển không biết và cũng không muốn biết thứ tiếng nào khác...

Không đúng! Họ biết tối thiểu ba thứ tiếng. Đây là thông tin bậc một vì tôi được thấy họ. Hoặc, thường thường họ biết bốn thứ tiếng: Pháp, Ý, Anh và Đức. Và tất nhiên, tiếng Thụy Điển. Nghĩa là rất có thể dình dung được chuyện ai đó không có tác phẩm bằng tiếng Thụy Điển, nhưng vẫn được nhận giải.

Nói chung, các ông hàn Thụy Điển gây cho anh ấn tượng như thế nào?

Tốt đẹp đến mức có thể! Đó là những con người thú vị. Những người tôi có dịp trò chuyện đều rất thông minh và chắc chắn là họ vô cùng uyên bác. Một thứ tinh thần cục bộ, địa phương chủ nghĩa đặc trưng cho họ - tất yếu tôi nhận thấy điều đó -, nhưng đây là đặc điểm của mọi quốc gia Baltic...

Cám ơn.

Không dám. Nhưng ấn tượng tốt đẹp về tổng thể, đó là một thực tế. Và nước Nga cũng chính là một tỉnh lỵ lớn, chứ không phải gì khác...

Trong trường hợp nước Nga, điều này là một nhược điểm thì đúng hơn...

Tất nhiên, nhất là khi nó ở mức độ như thế. Nhưng theo quan điểm của tôi, chủ nghĩa cục bộ tạo điều kiện cho sự ra đời của một nền nghệ thuật lớn, nền văn học lớn. Bởi lẽ chủ nghĩa cục bộ đã sản sinh ra thứ hoài mong "văn hóa thế giới" của Mandelshtam. Tôi nghĩ rằng tâm trạng hoài mong văn hóa thế giới ở Thụy Điển không kém chút nào so với ở Lithuania hay ở Nga. Hoặc cũng ở cường độ như vậy.

Và điều đó không dính gì đến tầm cao của một dân tộc?

Không.

Cả trong trường hợp một chế độ chính trị?

Nó đặc trưng cho mọi con người làm văn hóa.

Người Anh chẳng mấy hoài mong văn hóa thế giới...

Có lẽ người Anh thì không. Nhưng ví dụ người Mỹ - La Tinh chẳng hạn, họ rất hoài mong. Hệt như ở nước Nga. Lý giải thế nào đây về những thành công của các nền văn học Mỹ - La Tinh trong vòng 10-20 năm vừa qua? Bởi lẽ họ đánh cắp của tất cả mọi người. Và đây là một quá trình rất sống động.

Họ đánh cắp như đa số dân Nga?

Như đa số dân Nga, đúng vậy. Nền văn học Mỹ - La Tinh hiện nay đang ở trong tình trạng như văn học Mỹ thế kỷ XIX. Hoặc, như văn học Nga nửa đầu thế kỷ XIX.

Ngoại trừ Pushkin?

Ngoại trừ Pushkin. Mặc dù, ngay Pushkin cũng đánh cắp, thường xuyên. Nhưng ông là một thiên tài. Cũng phải phân biệt ai đánh cắp...

Giới văn sĩ ngày nay thường không biết cách đánh cắp?

Đúng thế.

Và sau đó họ làm nên văn nghiệp vì họ tìm ra được một cái gì đó đặc biệt?

Không. Sự hoài mong văn hóa thế giới là như thế này. Anh nghĩ xem, ở đó, phương Tây - hoặc ngược lại, nếu anh ở Mỹ - La Tinh: ở đó, phương Đông - xảy ra một điều gì mà tôi không biết, tôi chỉ hình dung được ra nó một cách vô cùng mờ ảo. Dựa trên một vài dấu hiệu đặc trưng, tôi tưởng tượng ra trước mắt tôi những đỉnh cao mà nền văn hóa đã từng chinh phục. Tôi tìm cách lặp lại, gây dựng lại những dấu hiệu đó trong nền văn hóa của chính tôi. Đồng thời, đôi lúc tôi bỏ qua ngay cả những thứ đã thực sự tồn tại. Tôi tỏ ra thích hợp với một thứ mà chưa ai làm được điều đó.

Anh mắc phải sai lầm nực cười, theo nghĩa tích cực của từ này.

Đúng vậy.

Sau một hội nghị ở Washington, tại đó Andrey Bytov ngồi cùng bàn với hai chúng ta, ông ta trả lời phỏng vấn tờ “Moskovskiye Novostyi”. Trong bài phát biểu của mình, Bytov tuyên bố: những người di tản không thể tạo nên được ý kiến khách quan về văn học Xô-viết vì họ đã rời đất nước mười năm hay còn lâu hơn nữa, các nhận xét của họ được dựa trên những kinh nghiệm thời đó. Việc rèn luyện khoa học trong các trường đại học không thay thế được sự tham gia đích thực vào quá trình văn học và sống lưu vong là một trạng chán nản, thái thờ ơ với mọi sự. Anh có thể trả lời ông ta như thế nào?

Đó là một lời tuyên bố quá rộng. Bản thân vấn đề do Bytov đưa ra đã giả thiết một sự tổng quát hóa. Nếu chúng ta trò chuyện về văn học hay bất cứ một hiện tượng văn hóa nào do những cá nhân sáng tạo nên thì tổng quát hóa là việc không phải chỗ. Không tồn tại những khái niệm như "văn học lưu vong" hay "văn học thành phố lớn". Cái tồn tại là tập thể nhất định của những nhà văn cùng có một mẫu số chung là ngôn ngữ.

Và vị trí nơi họ sống không phải là một mẫu số chung?

Tôi nghĩ rằng không. Có lẽ điều đó chỉ đúng đến một mức độ nhất định hoặc nó có chút sắc màu chân lý nào đó, nếu chúng ta nhắc đến nó trong những chuyện liên quan đến văn xuôi. Nếu ai đó viết văn xuôi, quả thực anh ta cần phải tham dự vào đời sống xã hội, phải phản ứng lại đời sống xã hội; anh ta cần phải có một xã hội cùng những truyền thống đặc thù của nó để anh ta có thể đưa ra ý kiến thế này hay thế khác về chúng. Nhưng thi ca lại hoàn toàn khác. Một thi sĩ khác một văn sĩ chính ở chỗ về căn bản, anh ta không cần đến một xã hội. Chỉ một sự duy nhất anh ta cần đến ở xã hội, đó là ngôn ngữ.

Là ngôn ngữ, và rằng người ta hãy để thi sĩ được yên.

Đúng, rằng người ta để thi sĩ được yên, chắc chắn là như thế. Trái với nhà văn, nhà thơ quả thực giống như một con chim: nó kêu chiêm chiếp ở bất kỳ một cành cây nào. Nó kêu chiêm chiếp và thế là hết, khá nhiều khi nó tưởng tiếng lá xào xạc là tràng vỗ tay.

Như vậy, anh hoàn toàn không đồng tình với Bytov?

Không, tôi không đồng ý chút nào với ông ta.

Anh không nghĩ rằng lối sống Xô-viết đã áp đặt khuynh hướng tổng quát hóa cho người dân?

Nói chung, đây là lời nguyền của cả thời đại chúng ta, chứ không riêng gì ở Liên Xô, mặc dù ở đó nó mang tính chất cuồng bạo nhất. Lời nguyền đó của thời đại chúng ta được một sự việc vô cùng đơn giản sản sinh ra: sự bùng nổ dân số.

Anh coi trọng những truyền thống nào của nền thi ca Nga và anh coi những cái gì là có hại?

Tôi coi trọng tất cả mọi truyền thống của nền thi ca Nga.

Tất cả ư? Kể cả Igor Severyanin?

Tất cả. Kể cả những vần thơ của Tyuchev biểu hiện lòng trung thành tôi tớ của ông ta. Đây cũng là một bộ phận cấu thành của bức tranh chung. Thôi được, có thể nói là tôi không cần chút gì từ những nhà vị lai. Mặc dù tôi nghĩ rằng tôi đã học hỏi được nhiều ở Mayakovsky. Trong một chừng mực nhất định, điều này cũng đúng đối với Khlebnikov, có điều ở một mức độ thấp hơn. Igor Severyanin luôn luôn khiến tôi xa lánh thì hơn là hấp dẫn tôi. Nhưng ông ấy cũng phải có chỗ đứng của ông nếu chúng ta nói về thế kỷ XX...

Thế còn Yevtushenko và Voznesensky?

Một nhà thơ có thể đánh giá một nhà thơ khác, nhưng cũng có thể đánh giá khi không là nhà thơ... Tình thế ở đây đã trở nên khó xử hơn. Đáng tiếc là họ cũng thuộc kho tàng thi ca Nga; mặc dù khi nghĩ đến nền thi ca Nga, hai cá nhân này thường không xuất hiện ý thức tôi.

Akhmadulina có hay xuất hiện?

Trong một chừng mực nhất định. Bà ấy ở một trình độ cao hơn. Theo ý tôi, giữa hai nhân vật kể trên cũng tồn tại một thứ hạng nào đó: mức độ ghê tởm mà tôi cảm thấy khi đọc thơ họ dẫu sao vẫn khác nhau. Có lợi cho Yevtushenko. Anh ta dùng thứ tiếng Nga khá hơn, ngoài ra anh là một hiện tượng hoàn toàn trong suốt: một nhà máy sản xuất sự tự mãn, nhưng ít nhất anh ta không có nhu cầu đóng vai trò một thi sĩ bị rút phép thông công, một kẻ tiền phong... Voznesensky vô vị, tầm thường hơn nhiều. Tôi cho rằng không tồn tại thứ hạng trong sự tầm thường, tuy nhiên Yevtushenko là kẻ giả trá về nội dung và Voznesensky là kẻ giả trá về mỹ học. Và việc này tồi tệ hơn nhiều.

Có điều gì tương tự như thế trong thế kỷ XIX?

Tôi không thấy những sự tương đồng như thế trong thế kỷ XIX. Tôi nghĩ rằng đây là sản phẩm của một chế độ xã hội mới.

Anh nhận định thế nào về các nhà thơ Xô-viết: Lugovsky, Tikhonov?

Tôi có ý kiến khá tốt về cả hai người.

Còn về Antokolsky?

Còn khá hơn nữa. Hai thi sĩ nói trên giỏi hơn về kỹ thuật nhưng đối với tôi, Antokolsky có ích hơn về mặt văn hóa. Tikhonov thời muộn mằn là tập hợp của những điều ngu xuẩn khủng khiếp, nhưng chính vì vậy nó lại có giá trị; một thứ quái vật hoàn thiện, như một kết cục lô-gích. Tikhonov thời trẻ hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Còn tác phẩm “Giữa thế kỷ” của Lugovsky, từng được nhiều người ưa thích?

Thời trước tôi có đọc.

Và anh thích chứ?

Tôi không thích lắm, nhưng tác phẩm đó thú vị trên phương diện làm sao có thể biến mọi thứ nội dung kinh khủng thành thể thơ yambus (1) ngũ ngôn. Thời còn trẻ, tôi còn rất ưa thích Bagritsky và Selvinsky nữa.

Còn Tvardovsky?

Không bao giờ tôi ưa thích đặc biệt Tvardovsky; xin lỗi, tôi không thể làm khác, tôi thấy thơ của ông luôn luôn buồn tẻ. Mặc dù nó muôn màu muôn vẻ, có nội dung và mọi thứ đẹp khác... Klyuyev đã khá hơn rồi.

Thế ư? Còn những thi sĩ bình dân thế kỷ XIX? Nekrasov?

Không, tôi không thích Nekrasov. Không bao giờ. Nói thế nào nhỉ, đây là bằng chứng muộn mằn cho sức khỏe tinh thần của tôi. Ngoại trừ bài “Nhà vua băng giá có cặp mũi đỏ”.

Akhmatova thích nhiều bài thơ của ông ấy...

Tôi cho rằng Akhmatova cũng ưa “Nhà vua băng giá có cặp mũi đỏ” nhất. Tuy nhiên, Nekrasov có một đặc điểm vô cùng khác thường mà không hiểu sao vẫn chưa được ai đả động đến: sự bệnh hoạn của ông. Nekrasov là một người vô cùng bệnh tật. Chưa từng có ai như thế trong nền văn học Nga. Những xác chết cứng đờ thường xuyên...

Một thứ Beckett của Nga...

Không, không như Beckett. Một thứ guignol (6) kinh khủng của Nga. Và điều đó thật thú vị. Nhưng cũng chỉ đôi chút thôi vì rốt cục thơ ca không cần phải như thế. Tóm lại, không tồn tại một thứ triển vọng tinh thần nào ở con người Nekrasov. Không có trên phương diện thi pháp, không có trên phương diện mỹ học và không có cả trên phương diện nội dung. Nếu có, chỉ có thể là sản phẩm phụ của những công cụ mà ông đã sử dụng, trái với ý muốn của ông.

Và những nhà thơ bình dân khác?

Tôi thử đọc thơ Koltsov nhưng ông không có tác động gì đến tôi. Đại loại như Tvardovsky. Tôi thấy khó khi nhận xét bởi tôi thờ ơ như nhau đối với cả hai người, mặc dù người thứ hai - trong một chừng mực nào đó - là người cùng thời với tôi. Nghĩa là tôi hiểu vai trò đại chúng của Tvardovsky, nhưng đối với tôi tất cả đều vô cùng buồn tẻ, dù tôi không muốn bác bỏ tính xác thực của những cảm giác của ông. Nhưng thi ca, đáng tiếc, không chỉ là sự xác thực của những cảm giác mà còn là kiến thức nghề nghiệp nữa. Thuần túy về mặt kỹ thuật, Tvardovsky là nhà thơ lão luyện. Nhưng cũng có thể nói nói điều đó về Smelyakov: trong phương diện này, ông còn vượt cả Tvardovsky.

Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn giữa Smelyakov và Tvardovsky, chắc chắn anh sẽ chọn Tvardovsky?

Tôi để ra một bên cả hai cuốn sách. Đáng tiếc. Cái nhánh này của nền thi ca Nga không mấy thú vị đối với tôi. Với tôi, Baratinsky là hay, Vyasemsky là đặc sắc, kể cả những gì phát triển từ họ. Nói chung, toàn bộ nền thi ca Nga cho đến thời Lermantov, kể cả ông, đều đặc sắc. Sau Lermantov, tất cả trở nên hơi tẻ nhạt.

Còn Tyuchev?

Tyuchev, Tyuchev... Suốt đời mình, tôi cũng ngẫm nghĩ: Tyuchev. Nhưng nếu người ta đọc kỹ lưỡng ông, sẽ vỡ ra rằng chỉ có 10-20 bài thơ của ông còn trụ lại được.

Có thể cũng chẳng cần nhiều hơn?

Có lẽ. “Chu kỳ Denisov” là cả một cái gì đó hiếm có. Cùng lúc đó, Tyuchev, kẻ bề tôi trung thành...

Chính ở trên anh vừa nói rằng ngay cả những vần thơ trong đó Tyuchev bày tỏ lòng trung thành với chính quyền, cũng có ý nghĩa.

Đúng vậy. Chúng cũng có ý nghĩa, như các bài thơ của Tikhonov hay Gribachev, tại đó rồi tất cả mọi thứ đã trở thành phi lý. Nhưng nếu chúng ta đã nói đến các vị có danh này, không thể không nhắc tới nhà thơ Xô-viết quan trọng nhất (hoặc một trong những thi sĩ Xô-viết quan trọng nhất): Zabolotsky. Một thi sĩ tuyệt vời! Cả Zabolotsky thời trẻ lẫn Zabolotsky muộn mằn. Zabolotsky muộn mằn viết bài thơ “Ở đâu đó trên mặt đất, vùng ngoại ô Magadan”. Chưa ai viết được bài nào sánh nổi với nó.

Ông ta cũng mạnh mẽ như Solzhenitsyn.

Có lẽ còn mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Zabolotsky rất giống Platonov, trên phương diện một nhà phong cách học.

Hãy chuyển sang chuyện khác. Anh coi Auden là một trong số những người thày của anh. Auden là một nhà văn châm biếm, cũng như anh. Tại sao tính châm biếm lại quan trọng đến thế đối với anh?

Tôi không muốn nói đây là châm biếm. Hoặc nếu phải thì trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ đơn thuần là bằng chứng của một trí tuệ tỉnh táo. Như thế, tính mỉa mai thuần túy không đến nỗi quan trọng lắm. Cần phải gọi nó bằng một cái tên khác. Chính xác hơn, ta phải nói như sau: đó là sự cảm nhận tiền đồ, là cảm quan hài hước. Và là cảm giác tỉnh táo. Bởi lẽ châm biếm - như Frost khẳng định - là thứ ẩn dụ xỏ lá. Nghĩa là có thể nói "cặp mắt em như những vì sao", nhưng câu này tầm thường. Thi sĩ sợ nhất khi bị kết tội đa sầu đa cảm, thành thử anh ta nói "cặp mắt em như những chiếc phanh", câu này gây cười và khiến anh ta được ưa chuộng.

Voznesensky đã làm như thế.

Đúng. Nhưng anh ta phải trả giá đắt. Vì trong dịp gần nhất, anh ta không thể nâng lên được một tầm cao mới bằng trò tinh tướng tương tự. Quá phí phạm trong công việc này, anh ta sẽ bị bại ngay...

Ngoại cảnh có ảnh hưởng đến mức nào vào công việc của anh?

Hiện nay, nó vô cùng ảnh hưởng vì tôi có một lượng khổng lồ thư từ, điện thoại và mọi thứ việc khác, vốn hoàn toàn xa lạ đối với tôi... Hiện nay ngoại cảnh đang chống lại tôi. Nhưng, giả sử nếu có một thứ mệnh lệnh nhất quyết mang tính nội tại thì tôi sẽ bất chấp tất cả. Tuy nhiên, dường như hiện tại tôi thiếu một thứ mệnh lệnh nội tâm "hãy viết đi!" v.v... Trong thi pháp của tôi, chủ yếu tôi để ý đến quá trình và việc quá trình đó tác động ra sao đến ý thức tôi. Khá thường xuyên, tôi cảm thấy một sự bức thiết nội tại khiến tôi phải làm thơ. Tôi cảm thấy điều đó thường xuyên hơn nhiều so với việc trả lời thư tín, điện thoại, hoặc viết bài.

Hoặc trả lời phỏng vấn.

Và khi sự bức bách nội tâm này đụng đầu với thực tại, thường thường tôi bỏ thây kệ thực tại. Hiện nay rõ ràng tôi chưa có sự bực thiết nội tâm đó, mặc dù tôi đoan chắc là nó tồn tại.

Như thế chúng ta trở lại vấn đề tự do chính trị, trong một chừng mực nhất định...

Điều này đã không quan trọng đối với Frost, không quan trọng đối với Rozanov, không quan trọng đối với Thomas Hardy, không quan trọng đối với Tsvetaya, không quan trọng đối với Pasternak...

Khi sự tự do chính trị không còn đối với Tsvetaya, bà đã thôi viết và treo cổ tự vẫn.

Nhưng năm 1918, 1919 và 1920, bà vẫn làm thơ đấy thôi...

Khi đó, mọi thứ vẫn chưa đến nỗi tồi lắm...

Có thể. Nhưng đối với Akhmatova chẳng hạn, tự do chính trị không đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Như những thi sĩ, Akhmatova, Tsvetaya, Mandelshtam đã định hình trước cuộc khủng hoảng chính trị mới. Tôi tin rằng họ đã trở nên những đại thi hào mà không phụ thuộc vào mọi hoàn cảnh. Tôi nghĩ rằng tự do chính trị không quá quan trọng đối với một thi sĩ, trừ phi sự thiếu vắng của nó đe dọa đến thực thể của anh ta.

Đối với anh, tự do chính trị có quan trọng không?

Tôi muốn bỏ phiếu cho quyền tự do chính trị thì hơn là chống lại nó. (Cười.) Mặc dù điều này phụ thuộc vào tính tình, vào sức mạnh tinh thần, và có những người không thể tồn tại, không thể hoạt động một cách thích ứng nếu thiếu tự do. Một số người khác lại có khả năng. Là một người Do Thái, có vẻ tôi thuộc týp người có khả năng thích nghi - chính xác hơn là có khả năng chịu đựng - trong bất cứ tình cảnh nào. Ngoại trừ buồng hơi ngạt. Hoặc trại tập trung.

Anh không thể viết nếu bị giam trong trại tập trung?

Không, tôi không thể. Tôi đã có thể và cũng đã từng viết trong nhà tù, nhưng khi đó tôi còn trẻ. Ai biết được bây giờ tôi còn có thể làm được việc ấy không? Hẳn là tôi không thể chịu đựng được lâu.

Anh là một trong số ít ỏi các nhà thơ viết bằng hai thứ tiếng. Việc anh viết bằng thứ tiếng nào phụ thuộc vào đâu?

Vào các hoàn cảnh. Thực sự tôi chỉ viết bằng Anh ngữ khi không thể tránh khỏi. Chỉ trong hai, ba trường hợp, tôi viết bằng tiếng Anh mà không bởi một sự cần thiết khách quan; khi đó tôi cảm thấy sự bức thiết nội tâm.

Đó là những dịp nào? Bài viết về Auden chăng?

Không, trong dịp viết về Auden, tôi cũng bị sự bức xúc bên ngoài chi phối: tôi phải viết trong vòng một tuần hay tám ngày...

Và khi nào anh bị sự bức xúc nội tâm thôi thúc?

Lần duy nhất tôi cảm thấy sự cần thiết nội tâm thực sự là khi tôi viết tiểu luận “Một phòng rưỡi”. Có thể tìm thấy lời giải thích trong văn bản. Trong một mức độ nhất định, bức xúc nội tâm thúc đẩy tôi viết tiểu luận “Ít hơn toàn phần”: đơn thuần tôi muốn viết một cái gì đó bằng Anh ngữ.

Tuy nhiên, anh hay làm thơ bằng tiếng Nga hơn?

Tất nhiên.

Nhưng đôi lúc anh cũng viết bằng tiếng Anh?

Có một lý do rất đơn giản: chữa bệnh. Khi con người sống trong một môi trường ngôn ngữ nhất định, lúc đó cái môi trường ấy tác động lên anh ta. Anh ta muốn viết bằng thứ tiếng đó để thấy rõ mình có khả năng không? Những tiếng vọng trong và ngoài thì thầm vào tai anh: đừng làm thế, đừng rút khỏi nền văn hóa của riêng mình, đừng để bị lôi cuốn! Khi bị quyến rũ, người ta có thể cư xử theo hai cách. Hoặc là kháng cự lại và cuối cùng trở thành một ông thánh. Nhưng có nhiều khả năng hơn là anh ta sẽ phát rồ. Vì vậy, tôi luôn theo đường lối sau đây: đôi khi, hãy chịu sự quyến rũ đó.

Uy tín văn sĩ của anh được phân đều trên các thi phẩm và các tập tiểu luận. Vậy, nhà thơ Brodsky và nhà tiểu luận Brodsky có quan hệ như thế nào với nhau?

Không chút nghi ngờ, tiểu luận là một loại hình nghệ thuật. Một bận, tôi diễn đạt rằng đối với Tsvetaya - theo nhận định của Clausewitz: "Chiến tranh là sự tiếp tục của đường lối chính trị bằng những phương tiện khác" -, văn xuôi là sự tiếp tục của thi ca bằng những phương tiện khác. Trong trường hợp của tôi, điều này hoàn toàn không phải như vậy.

Tôi luôn cảm thấy rằng những lời lẽ của Clausewitz cũng đúng với anh.

Có thể trong ý nghĩa rằng đối với tôi, tiểu luận là sự tiếp nối của chiến tranh. Nhưng không phải của thi ca.

Thi ca đối với anh không phải là chiến tranh...

Thi ca nói chung không phải là chiến tranh. Hoặc là chiến tranh, nhưng theo một ý nghĩa khác. Dù sao đi nữa, viết tiểu luận là một quá trình hoàn toàn khác... Mặc dù, nếu anh viết được một bài tiểu luận tốt, anh cũng cảm thấy thỏa mãn đại loại như khi anh viết được một bài thơ hay. Tuy nhiên, đối với tôi, thi ca thú vị hơn và ở một cung bậc khác. Tôi không thích viết văn xuôi. Tôi chỉ viết khi cần. Trước kia, những lý do vật chất và tham vọng dẫn dắt tôi: tôi đã viết những bài báo cho “New York Rewiev of Book” và những chỗ khác để khỏi bị tống cổ khỏi nơi làm việc...

Còn bây giờ, khi vấn đề đó đã được giải quyết?

Có lẽ trong tương lai tôi chỉ viết phê bình... Về những cuốn sách của những người tôi quen biết, hoặc về những gì gần gũi với trái tim tôi. Chắc chắn là tôi còn viết một tiểu luận: dẫn dắt vào cuốn sách “Hành trình nước Nga” (3) của de Custine. Lẽ ra, đã phải in nó từ lâu lắm rồi.

Anh có biết là ai đã in cuốn sách đó ở Nga không?

Ở Nga người ta chưa in nó.

Có in rồi đấy, vào năm 1930, bởi "Hội những người bị xuôi đuổi chính trị". Cố nhiên, sau một thời gian ngắn, họ lại trở thành những kẻ bị xuôi đuổi nên đã không có lần xuất bản thứ hai. Câu hỏi cuối cùng: anh có thể kể kỹ lưỡng hơn về việc anh đã ra khỏi Hàn lâm viện Mỹ như thế nào, khi Yevtushenko được bầu vào đó?

Có một câu ngạn ngữ Nga tuyệt vời, theo đó...

... không ngồi với bất kỳ ai...

... trên một cái hố.

Nhưng chính anh đã nói rằng so với Voznesensky, Yevtushenko cũng không đến nỗi tồi tệ lắm...

Đúng thế, so với Voznesensky. Nghĩa là nếu chúng ta không tính từ số không mà từ phía bên kia của số không... Nhưng nếu tính từ số không thì anh ta là thứ không thể chịu đựng nổi. Theo ý tôi, đó là một người xấu, một kẻ bất lương - đây là ấn tượng cá nhân của tôi, được chứng tỏ bởi những kinh nghiệm cá nhân - hơn thế nữa, anh ta rất có hại cả trong lĩnh vực văn học lẫn chính trị. Đối với tôi, không thể chấp nhận được chuyện ngồi cùng phần tử ấy trong một tổ chức. Chỉ có thế thôi.

Thử hỏi tại sao giới thượng lưu Mỹ [establishment] lại để tâm đến những nhân vật kiểu Voznesensky?

Bí quyết vô cùng đơn giản: sự hoài niệm. Hoài niệm về thời trai trẻ của chính họ. Họ đã từng để tâm đến những việc Yevtushenko làm, đã dịch anh ta từ khi họ còn trẻ. Thứ nhất, bởi khi đó họ không chưa hiểu gì cả. Thứ nhì, bởi "bụt chùa người vẫn thiêng hơn" và nền văn học Nga luôn có một uy tín nhất định, có vẻ như ở đó luôn xảy ra một sự gì đó quan trọng. Cũng giống như việc chúng ta ngỡ có những chuyện động trời xuất hiện trong nền văn học Mỹ. Sự khác biệt là chúng ta đã có lý và họ thì không. Chẳng hạn, họ đã có một Prost hoặc một Faulkner. Ở ta không có ai tương tự. Ngoài ra, giới thượng lưu - cũng lại vì lý do định luận - dễ lĩnh hội thứ tinh thần Nác-xít, dễ tiếp thu những gì giống bản thân họ. Và trong cặp thi sĩ nhỏ mọn của nước ta, họ đã - và cho đến ngày nay, vẫn - nhận ra chính bản thân họ. Hai chục năm trước, một người quen của hai chúng ta đã gọi hiện tượng đó là "Quốc tế của những kẻ bất tài". Cứ nghĩ đến chuyện cặp thi sĩ này đại diện cho nền thi ca Nga, chúng ta đến chết vì ngượng mất.

Theo anh, ai là người đại diện cho nền thi ca Nga?

Không ai cả. Nói chung, trong cái từ "đại diện" này có một cái gì đó khủng khiếp. Không ai có thể đại diện cho một ai khác ở bất kỳ một nơi nào; một nhà văn, một nhà thơ lại càng không thể làm việc đó. Nhà thơ cùng lắm chỉ có thể "đại diện" cho thứ ngôn ngữ [mà anh ta dùng], nhưng ngay điều này cũng khá khiên cưỡng. Con người chỉ có thể đại diện cho chính mình, cho những niềm say mê và những nỗi sợ hãi của riêng mình, cho kinh nghiệm cá nhân của bản thân mình, nếu có. Ở một ý nghĩa tổng quát hơn, anh ta chỉ đại diện cho những khả năng của sapiens, của con người như tâm hồn, tinh thần, trí tuệ, đạo đức. Nói cho cùng, một nhà văn hay nhà thơ được định giá trị chính bằng cái mà anh ta đóng góp vào các phác họa về những tiềm năng của loài người chúng ta. Văn học về thực chất là một dạng của lịch sử, do ngôn ngữ bó buộc thì đúng hơn là do kinh nghiệm.

Ghi chú:

(1) Âm tiết trong thơ cổ điển, có nhịp tăng tiến, được tạo thành bởi một nguyên âm thấp và một nguyên âm cao.

(2) Một hình tượng được ưa chuộng của ngành múa rối Pháp.

(3) Cuốn sách viết vào thế kỷ XIX, nói về chế độ chuyên chế ở nước Nga.

Xem Phần 1 ở đây.

H.Linh dịch và giới thiệu, theo bản tiếng Hung


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn