"CHỈ CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN..."

Thứ hai - 20/08/2007 09:27

"Tình yêu đây là khí giới - Tình thương đem về muôn nơi" (Phạm Duy)

1. Độc giả Việt Nam - đặc biệt là bạn đọc miền Bắc thời chiến tranh chưa kết thúc - chắc không mấy ai không biết đến thiên tiểu thuyết "Con đường đau khổ" (*) của nhà văn Nga Aleksei Tolstoi (1883-1945).

Trong vòng cuốn của tình yêu vĩnh cửu - Tranh của Simon András

Được sáng tác ròng rã và sửa đi sửa lại nhiều lần cho "hợp thời" trong suốt gần 20 năm (1922-1941), tác phẩm lớn này là một bức họa quy mô về những thử thách, những khổ đau, thăng trầm và sự tìm đường của giới trí thức Nga bị xô đẩy vào cuộc Thế chiến (1914-1918) và sau đó, cuộc nội chiến nồi da xáo thịt (1918-1919). Thông qua câu chuyện về cuộc đời và những mối tình của hai chị em Katya và Dasha, tác phẩm đã theo chân họ khắp nước Nga đầy màu lửa để tìm đường và tìm chính bản thể của mình, trong sự giằng co giữa các Thiện - cái Ác (nhiều khi chỉ cách nhau gang tấc), giữa những bè phái mà tính "chính đáng", Chánh - Tà không dễ phân biệt và đánh giá (Hồng quân - Bạch vệ - Vô chính phủ - Cu-lắc - Vô sản...)

Ba tập sách "Hai chị em", "Một ngàn chín trăm mười chín" và "Ban mai yên ả" ngồn ngộn sự kiện, hấp dẫn và lỗi cuốn với những trang đặc tả tâm lý nhân vật tinh tế và tài ba, đôi chỗ không thật thuyết phục khi nhà văn phải hướng ngòi bút theo chủ nghĩa "hiện thực XHCN", mang ý thức hệ "vô sản", nhưng tựu trung, để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất và... dễ nhớ nhất vẫn là lời khẳng định: "Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em".

2. Cái ý "chính trị nhất thời, tình yêu vạn đại", sau này, được sử dụng... liên miên trong văn học Việt Nam, không rõ có phải bắt nguồn từ "Con đường đau khổ" mà ra không? Hay đơn thuần vì nó… quá đúng? Một điều chắc chắn: cứ đụng vào "chân lý" ấy, là chắc chắn tác phẩm không thể... dở.

Như trong bài thơ "Matxcơva - mùa đông 1990" của "thần đồng trẻ thơ" Trần Đăng Khoa (dĩ nhiên, được sáng tác khi anh đã... lớn, và đã có ý thức):

Rồi tất cả sẽ qua thôi, em ạ
Mọi sự kiện cũng sẽ qua, như mốt váy ngắn dài
Những trí tuệ thông minh rồi sẽ thành lẩn thẩn
Có vẻ đẹp nào không héo úa, tàn phai?

Thời gian vẫn đi lạnh lùng, khắc nghiệt
Có kiệt tác hôm nay, mai đã bẽ bàng rồi
Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính
Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi

Ở nơi nào kia, chiến tranh đang gầm rú
Những quốc gia nào đang thay ruột đổi ngôi
Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy
Trước những mưu mô nghiệt ngã của con người

Trong thế giới đổi thay và tráo trở
Anh yêu em. Ta nào thiết gì đâu
Thôi đừng bận tâm về những gì sẽ tới
Chỉ biết lúc này ta đang ở bên nhau

Ta dạt vào đâu đây, niềm đắm say ngây ngất
Tuyết trắng muớt đầu mùa. Những đỉnh tháp uy nghiêm
Hãy im lặng cho làn môi run rẩy
Nói những điều huyền bí của thiên nhiên

Tất cả sẽ qua đi. Chỉ tình yêu còn lại
Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là Người
Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa
Thì biết đâu trái đất đã tan rồi...

Hay trong thi phẩm "Chỉ còn mãi với thời gian" (Hư vô) của Quang Huy, từng gây xôn xao dư luận và văn giới khi nó mới ra đời (năm 1993), có lẽ vì cách thể hiện khá "bạo liệt", ít nhất là trong mấy câu thơ đầu:

Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ trên chùa ngồi chơi
Cái gì rồi cũng rụng rời
Quả trên vườn Cấm, hoa nơi Địa đàng
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ
Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi cũng hư vô như mình.

Nguyễn Huy Thiệp, khi viết vở kịch "Còn lại tình yêu" về Nguyễn Thái Học, có lẽ cũng không ngoài dụng ý như vậy, khi ông để một vị tướng công an đánh giá như sau về sự nghiệp của nhà cách mạng lãng mạn chủ trương "không thành công cũng thành danh": "Chúng ta có lỗi biết bao nhiêu nếu chúng ta nhìn nhận những người anh hùng chỉ trên khía cạnh chính trị mà thôi. Chúng ta quên mất rằng họ tồn tại được trong trí nhớ nhân dân trước hết là ở nhân cách của mình, ở tình yêu con người trong trái tim của họ. [...] khi Nguyễn Thái Học chết đi, người vợ chưa cưới của ông đã tuẫn tiết theo chồng. Khi một người con gái đã dám hy sinh cả cuộc đời mình vì một người đàn ông thì người đàn ông ấy không tầm thường chút nào đâu... Ông Nguyễn Thái Học vẫn còn lại tình yêu trong mỗi chúng ta. Tình yêu thì mãi mãi vẫn còn, không thể mất được".

3. Cách mạng dân chủ 1956 ở Hungary - được coi là cuộc cách mạng lãng mạn nhất, tinh khôi nhất và trong trắng nhất trong lịch sử của những biến cố bạo lực, những cuộc chiến tranh - đã đi qua và trụ lại trong nền âm nhạc Hung ở ca khúc "Người con gái nhà Kárpáthy" (A Kárpáthyék lánya) của cặp nhạc sĩ tài ba Szörényi Szabolcs - Bródy János. Trong nhiều năm, bài hát đã bị cấm và chỉ chính thức trở lại với người yêu nhạc vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Lý do của sự cấm đoán khá đơn giản: bởi ca khúc ca ngợi tình yêu và sức sống của ký ức yêu thương, vượt qua đạn bom và vượt qua cả thử thách của thời gian.

Tự do và tình yêu. Budapest, tháng 10-1956 (ảnh tư liệu)

Đẹp và động lòng cả về nhạc điệu và ca từ, "Người con gái nhà Kárpáthy" thuật lại một chuyện tình bi ai thời ly loạn:

Trong lòng Józsefváros, nơi ánh sáng cũng tối tăm, nơi những tòa nhà chen chúc, một thiếu nữ tóc vàng trưởng thành thời thập niên 50. Người con gái nhà Kárpáthy mồ côi cha: cha cô mất tích và cả gia đình chờ trông đợi ông, nhưng vô hiệu. Rồi năm 1956 định mệnh đến, không ai đoán biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Nhưng cô gái thì vẫn chờ đợi một cuộc hẹn hò và suốt ngày, cô lẩm nhẩm một bài ca. Trong cơn bão táp của thời cuộc, trái tim cô đã bùng cháy lửa tình yêu: cô và người bạn trai cùng đến tiệm bánh ngọt bên góc phố, để rồi chàng trai mời cô một lát bánh ga-tô. Và, cô gái vẫn hát thầm trong lòng bài ca ấy, khi bom đạn rơi xuống thành phố, nhà cửa đổ sập lên tiệm bánh ngọt, và cả khi mối tình đầu của cô đã ra đi không về.

Năm tháng trôi qua, trong lòng Józsefváros, nơi nhà cửa đổ nát ngổn ngang trong cuộc chiến, nay đã mọc lên những tòa cao ốc chắn cả ánh dương. Cô gái nhà Kárpáthy di tản sang Mỹ, có xe hơi, có nhà lầu tại New Jersey, có chồng Pháp và hai con trai; cậu lớn chơi trong một ban nhạc New wave. Nhưng có những đêm, khi bầu không khí im lặng bao trùm căn nhà, cô hát thầm bài ca xưa và một lần nữa, cô chờ người yêu đầu. Tự hát trong lòng, cô nhớ lại tiệm bánh thuở nào và mang trong lòng bài ca ấy, cô về lại thăm nước Hung. Để rồi, đến lại nơi chốn xưa, cô trả tiền mua 33 lát bánh ga-tô để tưởng nhớ mối tình đầu đã xa...

Józsefváros, địa điểm được nhắc tới trong ca khúc, từng là một quận "truyền thống", bùn lầy nước đọng của thủ đô Budapest, đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều trận chiến anh dũng nhất và ác liệt nhất của những chàng trai, cô gái Pest với vũ khí thô sơ, tự làm, trước lực lượng quân đội chính quy mạnh hơn họ gấp bội. Ấy vậy mà trong ca khúc, hình ảnh đọng lại, không phải là đạn bom mà là tiệm bánh ngọt nơi cặp trai gái yêu nhau với mối tình đầu, đã mời nhau lát bánh ga-tô; là bài ca mà cô gái thầm hát trong lòng cả cuộc đời, khi chờ đợi cuộc hẹn hò, khi đạn bom máu chảy và người yêu cô không về, và cả trong những đêm không ngủ mong ngóng hình bóng người tình đầu, khi cuộc đời tưởng đã an bài với một gia đình viên mãn...

Và, 33 năm lao khổ của người Hung (1956-1989), từ cuộc cách mạng 1956 bị đè bẹp đến khi xứ sở này chuyển mình theo con đường dân chủ, giản dị và âm thầm, được ghi nhận trong ca khúc như 33 lát bánh mà người phụ nữ đã mua để tưởng nhớ tình yêu đầu…

4. Nhiều cuộc cách mạng đầy bạo lực, nhiều cuộc chiến đẫm máu đã khởi đầu trên tinh thần lãng mạn rất đẹp đẽ, của/với tâm thức yêu thương (tự do, độc lập, nhân quần...) Nhưng cuối cùng, phải chăng, cái còn lại, vẫn chỉ là tình yêu?

(*) Có lẽ nên dịch là "Con đường khổ ải" vì tựa đề bộ sách ám chỉ quãng đường khổ ải mà Đức Chúa Jesus phải vác cây thập giá đến nơi bị hành hình - cũng như, toàn bộ đường đời gian nan mà Ngài đã vượt qua - để cứu chuộc cho loài người.

H.Linh, 19-8-2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn