Nhà văn Cấn Vân Khánh: “ĐI TỪ CÁI NHỎ NHẶT ĐỂ VƯƠN TỚI MỘT CÁI GÌ ĐÓ CAO HƠN!”

Chủ nhật - 16/09/2007 05:02

(NCTG) Hai mươi tám tuổi, là tác giả của ba tập truyện ngắn, trong đó “Khi nào anh thuộc về em” đã được tái bản chỉ ít tuần sau khi ra mắt vào tháng Sáu năm nay, Cấn Vân Khánh là một cái tên đang được chú ý trong số các tác giả trẻ ở Việt Nam hiện tại (*).

Góp mặt trong tập truyện ngắn “Vũ điệu thân gày” (mới phát hành mùa hè 2007) của 12 tác giả trẻ, nhưng khác với đa số các đồng nghiệp, Cấn Vân Khánh không chủ trương (nhất thiết phải có) những đột phá thật “mới”, thật “lạ” về cách diễn đạt, về hình thức. Văn của chị, tựu trung, xoay quanh chủ đề truyền thống Tình yêu, Gia đình, “thất tình lục đục” mà như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét là “không có gì mới dưới mặt trời”, “chỉ có cách nhìn cách nói về chúng là mới mà thôi”. Ấy vậy mà các truyện ngắn, đoản khúc của Khánh đọc vẫn hấp dẫn, vẫn thu hút, có truyện đạt mức sâu sắc trong phân tích và khắc họa hình ảnh và tâm trạng các nhân vật.

Mới đây, NCTG đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà văn Cấn Vân Khánh về một số vấn đề mà tờ báo quan tâm. Xin trân trọng giới thiệu!

*

NCTG: “Khi nào anh thuộc về em”, tác phẩm gần đây nhất của chị mới xuất bản được mấy tháng, đến nay đã tái bản và theo các thông tin thì sách bán rất chạy.Theo chị, đâu là lý do của hiện tượng này, khi dân tình vẫn kêu ca “văn hóa đọc” xuống cấp? Cho dù, trước đó đa phần các truyện của chị đã được đưa lên blog?

Tôi cho rằng xã hội càng phát triển thì văn hóa đọc càng không thể mai một, mà còn có phần ngược lại. Tôi thấy người làm sách và người ham đọc sách rất nhiều đấy chứ. “Văn hóa đọc” xuống cấp hay không là do các nhà văn chưa lôi kéo được độc giả về phía mình. Những độc giả nhiệt tình mua sách của tôi là những độc giả trẻ. Những truyện ngắn trong tập “Khi nào anh thuộc về em” hầu hết tôi đã in trên báo và tạp chí, sau đó mới đưa lên blog. Tôi cảm thấy mình thành công khi độc giả nhiệt tình mua sách của tôi là những độc giả trẻ vì tôi viết truyện là nhằm cho họ đọc.

NCTG: Chị nghĩ sao khi nhiều người cho rằng truyện của chị mang hơi hướng “Quỳnh Dao”, “không tư tưởng”, v.v... Có người còn đưa ra những nhận xét không mấy thiện cảm về dòng văn học chick lit (được hiểu là sách giải trí “thuần túy”, đa phần của các tác giả nữ hiện tại và dành cho độc giả nữ là chủ yếu) và tên chị có được nêu ở đâu đó. Chị có ý kiến gì?

Tôi chưa bao giờ đọc truyện Quỳnh Dao nên tôi không thể có ý kiến gì về việc so sánh văn tôi giống ai đó, còn nhận xét văn tôi không tư tưởng thì tôi muốn hỏi lại anh tư tưởng là gì? Tôi cho rằng hầu hết các tác phẩm văn học đều chứa đựng trong nó một thông điệp nào đó, một cái nhìn nào đó, một tư tưởng nào đó dù lớn hay nhỏ. Tôi thích đi từ cái nhỏ nhặt đế vươn đến một cái gì đó lớn lao hơn. Tôi thừa nhận độc giả của tôi phần nhiều là nữ giới. Dường như độc giả nam không thích đọc truyện của tôi. Đó là cách lựa chọn của độc giả. Họ có quyền lựa chọn những cuốn sách, những dòng văn học thích hợp với thị hiếu, gu thẩm mĩ nghệ thuật của họ. Tuy nhiên, đánh giá về dòng văn học “phụ nữ” và các tác giả của nó, trong đó có tôi, cần một cái nhìn thấu hiểu và rộng mở hơn là những nhận xét cảm tính và có phần khắt khe.

NCTG: Đề tài tình yêu bàng bạc trong các sáng tác của chị. Vậy Khánh ngoài đời là một phụ nữ thế nào? Quan niệm của chị về tình yêu ra sao? Chị có định chọn mảng đề tài nào khác ngoài tình yêu cho các tác phẩm của mình?

Tôi là người kiêu hãnh và hơi ích kỷ trong tình yêu. Có nhiều điều để tôi quan tâm hơn là quá tốn thời gian và tâm sức vào một người đàn ông nào đó. Tôi dễ rung động nhưng lý trí khiến tôi luôn tỉnh táo. Đôi khi tôi muốn được yêu dữ dội, thậm chí hơi bi lụy như những nhân vật nữ của mình. Tôi nghĩ tình yêu là điều tuyệt vời nhất nếu cả hai người chân thành trao và nhận. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán khi viết về tình yêu và tôi cũng chưa thấy độc giả nào kêu rằng chị viết về tình yêu dở lắm rồi, dừng lại đi thôi.

Tôi thích thử nghiệm nên không có lý do gì tôi không thay đổi đề tài cả, có điều sớm hay muộn thôi.

Cấn Vân Khánh: Kiêu hãnh và hơi ích kỷ trong tình yêu

NCTG: Cũng như nhiều nhà văn cùng lứa, chị đã dùng blog như một phương tiện khá hữu hiệu để quảng bá và “kiếm” độc giả cho mình, trước khi các tác phẩm được in ấn thành sách. Tuy nhiên, văn được viết và post trước trên blog bị một số người nhận xét là thường vội vã, không sâu sắc, xô bồ, dễ bị ảnh hưởng bởi thị hiếu người đọc, v.v… Chị thấy thế nào?

Tôi là người hiện đại nên việc tôi dùng blog để đưa tác phẩm của tôi đến với độc giả một cách nhanh chóng nhất không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tôi có một số người bạn viết truyện online và post lên blog, nhưng cũng chưa thấy ai bị coi là vội vã. Các độc giả đón nhận rất nhiệt tình. Tôi cho rằng mọi người nên ghi nhận tâm huyết của các nhà văn đi theo lối văn học mạng. Những người làm nghệ thuật đều hiểu quy luật đào thải rất nghiệt ngã và chính vì thế, tự họ phải lường trước chuyện xô bồ trước khi độc giả click vào blog để đọc truyện của họ.

NCTG: Gần đây bạn đọc quan tâm đến loạt truyện chị viết online trên blog. Phải chăng đây là sự tiếp nối của dòng văn “nhật trình” ngày xưa? Chị có định sửa lại để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh sau khi đã kết thúc trên blog? Dự định của chị trong tương lai gần?

Tôi mới viết một truyện dài mang tên “Người đàn ông mắt trong” và post lên blog cá nhân hàng ngày. Cũng không ngờ là tôi lại nhận được nhiều lời động viên, nhận xét thế. Độc giả của tôi rất dễ thương. Họ tham gia ý kiến cho đoạn kết của truyện và tôi đã viết thêm theo ý họ. Tôi cho rằng viết truyện đăng tải trên blog có cái hay là độc giả được tham gia xây dựng nhân vật, tình tiết truyện cùng tác giả. Tôi luôn làm việc cẩn thận nên việc sửa lại chắc là rất ít.

Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ in một tập truyện ngắn nữa vào cuối năm. Sắp tới, tôi sẽ hợp tác với nhà văn nữ Di Li để viết một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, hy vọng sẽ khiến độc giả hài lòng vì sự hòa trộn giữa hai phong cách khác biệt nhau.

NCTG: Xin cám ơn nhà văn Cấn Vân Khánh và chúc chị nhiều thành công!

(*) NCTG đã có dịp đăng tải 2 truyện ngắn của Cấn Vân Khánh: “Sự nhạy cảm”“Người tình”.

Trần Lê thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn