NHỮNG HÌNH BÓNG CŨ

Thứ hai - 02/05/2016 06:17

(NCTG) “Có người chồng, người con nào trong phim đã chết trong trại “học tập cải tạo” hay làm mồi cho cá mập, cho biển dữ cuồng nộ trong một chuyến đi lênh đênh vô định cách đây ba, bốn mươi năm? Cô gái e dè bước xuống hồ bơi của CLB Thể thao Sài Gòn trong một đoạn phim có nhảy xuống biển tự trầm để khỏi sa vào tay bọn hải tặc trong một đêm đen?”

Hình ảnh Sài Gòn năm 1967 với những tà áo dài và biển quảng cáo - Ảnh: Cựu binh Mỹ Eaindy

Hình ảnh Sài Gòn năm 1967 với những tà áo dài và biển quảng cáo - Ảnh: Cựu binh Mỹ Eaindy

F. vừa chào từ giã và chưa xuống hết cầu thang thì tôi đã vội vàng đóng ngay cửa lại rồi nhào vào phòng làm việc với mấy trăm thước phim anh vừa đưa.

F. đã tình cờ mua được những thước phim này ở Sài Gòn trong một lần du lịch cách đây vài năm. Một người bán dạo đưa cho anh xem khi anh hỏi người này về phim ảnh Sài Gòn thuở trước. Đường Đồng Khởi và Lê Lợi vẫn có người bán dạo chào mời du khách những tấm bảng đồ Đông Dương thời thuộc Pháp, những bức bưu ảnh cảnh Sài Gòn thập niên 60, 70 thế kỷ trước.

Các cửa tiệm bán hàng lưu niệm thì trưng bày trong các tủ kính những đồng tiền xưa bằng bạc có một lỗ nhỏ hình vuông hay tròn ở giữa để xâu thành chuỗi, những con tem có ảnh vua Bảo Đại mặc triều phục oai nghiêm hay Nam Phương Hoàng hậu với khuôn mặt kiều diễm điểm chút u sầu, hoặc một nông dân với con trâu ốm yếu đang cày bừa trên những cánh đồng lúa nhỏ ở miền quê Việt Nam.

Thời gian đó F. vẫn chưa tốt nghiệp Đại học Điện ảnh nhưng đã bắt đầu dựng vài bộ phim tài liệu ngắn. Sau một hồi kỳ kèo giá cả, anh mua hết toàn bộ mấy trăm thước phim gồm nhiều đoạn ngắn, trong đó có những đoạn đã bị mờ hay có nhiều vết xước. Ban đầu anh cũng chưa biết sẽ làm gì với chúng nhưng chỉ vì yêu thích phim ảnh và sự hiếu kỳ thúc đẩy nên anh mua lại, cất đấy. Một thời gian sau anh mới nảy ra ý định làm một tác phẩm video ngắn cho một cuộc triển lãm.
 
Đường phố Sài Gòn 1961 - Ảnh: “Life”
Đường phố Sài Gòn 1961 - Ảnh: “Life”

Những đoạn phim 8 ly với nhiều đề tài khác nhau này phần lớn là phim đen trắng, có lẽ được cắt ra từ những cuốn phim tư nhân. Hay cũng có thể chỉ là những đoạn bị cắt bỏ khi người làm phim sau khi quay đã ráp nối và dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh. Hoặc giả, vì một lý do nào đó mà một cuốn phim nguyên lại bị cắt xén ra thành nhiều mảnh vụn manh mún.

Đó là những thước phim mà phần lớn là phim câm do một số gia đình ở Sài Gòn đã quay trong những sinh hoạt đặc biệt như lễ sinh nhật, một chuyến đi nghỉ hè hoặc một buổi xem xiếc ngoài trời. F. nhờ tôi xem rồi nói cảm tưởng, hoặc kỷ niệm mà những đoạn phim ngắn đã gợi ra cho tôi khi xem. Anh sẽ thâu phần trình bày của tôi cùng của vài anh chị người Việt khác, rồi sẽ phát song song khi phim được chiếu lên trong cuộc triển lãm.

Tôi ngồi vào bàn, cho phim vào máy và hồi hộp chờ đợi những hình ảnh xuất hiện. Một nhóm trẻ em khoảng từ tám đến mười tuổi cầm tay nhau tung tăng hồn nhiên đi dạo chơi cùng một phụ nữ có lẽ là chị vú ở vườn Tao Đàn có hai hàng cây cổ thụ trồng thẳng tắp dọc đường Đoàn Thị Điểm ở đoạn băng qua vườn. Con đường đấy ngày nay vẫn còn đó nhưng những người trong phim thì đã mất hay vẫn còn. Tôi không biết được.

Một đoạn phim khác quay lại một buổi tiệc gia đình: những vị khách ăn mặc lịch sự, những em bé trai đeo cà-vạt trang trọng và một thiếu nữ vẻ mặt hớn hở nhưng có pha chút thẹn thùng, e lệ khi thổi nến trên chiếc bánh kem đầy hoa mừng sinh nhật.
 
Góc đường Lê Lợi - Tự Do - Ảnh: Internet
Góc đường Lê Lợi - Tự Do - Ảnh: Internet

Đoạn phim thứ ba về một cuộc du ngoạn gia đình ở Bãi Sau, Vũng Tàu, buổi ăn trưa ngay ngoài bãi biển: một thanh niên tóc húi cao, mặc áo “montagu” thời thượng dạo ấy đang hối hả lùa vội những con bún dài vào miệng trong lúc mọi người chung quanh òa lên cười với vẻ khoái trá khi thấy một bé trai tròn ùng ục đẩy được một bé gái sún răng xuống nước. Vài ba phụ nữ chụm đầu trò chuyện trong khi hai thanh niên khệ nệ khiêng một thùng nước ngọt ra chỗ họ ngồi và các em bé rụt rè hoặc mạnh dạn cầm tay một người đàn ông đi xuống biển.

Một đoạn phim khác thu lại cảnh một chuyến đi thăm thân nhân hay bạn bè ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với những bước chân rón rén trên một cây cầu khỉ...

Hầu như trong tất cả các đoạn phim đó, bao giờ cũng có hình ảnh những em bé hồn nhiên, nghịch ngợm, vui đùa dưới cái nhìn âu yếm của những bà mẹ trẻ mặc áo dài cổ cao, thắt eo thật chặt, vạt dài bén gót theo đúng thời trang những năm 60 thế kỷ trước, và những người cha mặc sơ-mi ngắn tay thắt cà-vạt hẹp bản và đi giầy bít.

Một buổi lễ rửa tội cho một cháu bé sơ sinh cũng được ghi lại trong một đoạn phim màu ngắn. Tôi nghe ra phần kinh cầu bằng tiếng La Tinh trong phim và nhớ lại những buổi chiều Chủ nhật cùng mấy đứa bạn đi xem lễ ở Nhà thờ Đức Bà cho dù không có đạo.

Nói chung, đấy chỉ là những hình ảnh sinh hoạt gia đình không có gì đặc biệt mà ngược lại, lắm khi buồn tẻ vì người quay phim chỉ là nghiệp dư, không thành thạo về cách chọn góc cạnh thích hợp khi quay và không biết gì - hay biết rất ít - về kỹ thuật ráp nối, dựng phim để thành một tác phẩm nghệ thuật.
 
Đường Đồng Khánh ở Chợ Lớn, năm 1965 - Ảnh: Internet
Đường Đồng Khánh ở Chợ Lớn, năm 1965 - Ảnh: Internet

Những “nhân vật” trong phim cũng chẳng có gì đáng nhớ vì không có ai là Hoa hậu Sài Gòn, cũng như những đào kép cải lương cỡ Hùng Cường, Thành Được không hiện diện trong phim. Đó chỉ là những con người rất bình thường, những thước phim rất bình thường, chẳng có hành động (action), chẳng có diễn biến hồi hộp và diễn viên thì đóng thật không xuất sắc chút nào. Nhưng sao những con người vô danh ấy cứ làm tôi ray rứt khiến tôi phải suy nghĩ mãi không thôi.

Có ai trong số những con người ấy còn hiện diện ở đâu đó trên cõi thế gian này? Các cháu bé của gần nửa thế kỷ trước nay đã bước vào tuổi hưu trí và đang vui hưởng thú an nhàn ở một nơi nào đó tại một nước nào đó, hay cũng đã sang thế giới bên kia, hoặc một mình trong một nhà dưỡng lão và trí nhớ thì đã không còn minh mẫn?

Tôi đoán họ phải thuộc những gia đình khá giả của Sài Gòn trước đây, khi việc tự quay phim gia đình 8 ly cũng như chụp ảnh polaroid đang bắt đầu trở thành một thứ “mốt” được yêu thích vào cuối những năm 50. Chỉ những gia đình trung lưu mới có khả năng mua một máy quay phim nhỏ để tự làm phim sinh hoạt gia đình.

Cũng có lẽ sau tháng 4-1975, họ đã hốt hoảng trốn chạy, vứt lại đằng sau những cuốn phim đã quay như đã vứt lại gia tài, sự nghiệp? Một cặp vợ chồng đã cùng nhau vượt mọi gian khổ, mấy mươi năm sau có còn hạnh phúc bên nhau như xưa hay đã mỗi người một ngả?
 
Những ai đã vĩnh viễn ra đi trên đường vượt biển... - Ảnh: vietboatpeoplemuseum.ca
Những ai đã vĩnh viễn ra đi trên đường vượt biển... - Ảnh: vietboatpeoplemuseum.ca

Có người chồng, người con nào trong phim đã chết trong trại “học tập cải tạo” hay làm mồi cho cá mập, cho biển dữ cuồng nộ trong một chuyến đi lênh đênh vô định cách đây ba, bốn mươi năm? Cô gái e dè bước xuống hồ bơi của CLB Thể thao Sài Gòn trong một đoạn phim có nhảy xuống biển tự trầm để khỏi sa vào tay bọn hải tặc trong một đêm đen?

Có ai trong số những con người đó đã có lần trở về ngôi nhà xưa như ông Otto Frank sống sót trở về từ một trại hủy diệt của Đức Quốc Xã và tình cờ biết được cuốn nhật ký mà người con gái thứ của ông là Anne Frank đã viết tại nơi ẩn náu trước khi bị bắt đưa vào trại tập trung?

Người về trong các khúc phim vụn của F. có khi thất vọng nhận ra rằng những thước phim kỷ niệm không còn đó nữa và mọi dấu vết quá khứ đã bị xóa sạch. Có ai tiếc nuối, nhớ nhung hình ảnh của người vợ hay người mẹ thương yêu đã qua đời mà họ vẫn hy vọng sẽ nhìn thấy lại trong một đoạn phim ngắn ngủi? Có người vợ, người mẹ nào lặng lẽ cố lục lọi trí nhớ nơi đã cất phim và cất công tìm nhưng không thấy những hình bóng cũ của một thời yên bình trong quá khứ rất xa xăm?

Có lẽ một tay bán dạo đã tình cờ đi ngang qua một ngôi biệt thự không người ẩn mình sau những cây ngọc lan nở hoa trắng muốt trên một con đường nhỏ kín đáo gần khu nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước đây, hay qua một căn nhà hai tầng vô chủ có ban-công nhìn xuống một con phố tấp nập trong trung tâm của Sài Gòn. Có lẽ anh ta lẻn vào tính hôi của và tìm ra những thước phim đấy. Hay biết đâu, một nhân vật trong phim đã bán chúng cho một anh chàng chuyên buôn các thứ hàng đồng nát để lấy tiền mua một ký gạo cho các cháu bé trong phim?
 
Những bé gái kháu khỉnh ở Đà Nẵng ngày ấy, nay đâu? - Ảnh: Internet
Những bé gái kháu khỉnh ở Đà Nẵng ngày ấy, nay đâu? - Ảnh: Internet

Cũng không loại trừ, người chủ mới hãnh tiến của ngôi nhà sau 1975 đã tìm thấy và thản nhiên vứt bỏ chúng vào giỏ rác, để rồi một kẻ nghèo khó đi lục thùng rác đã lượm chúng ra và mang theo vì thấy ở chúng cơ hội kiếm được một ít tiền mưu sinh bằng cách bán lại cho khách du lịch ngoại quốc tò mò muốn tìm hiểu Sài Gòn ngày xưa, hay cho những lính Mỹ thuở nào nay du lịch sang Việt Nam để tìm lại một chút kỷ niệm của một thời chiến tranh cay nghiệt.

Cũng có thể những người đến kiểm tra nhà trong một đợt “đánh” tư sản hoặc bắt một kẻ bị tình nghi “chống phá chính quyền mới” đã mang những thước phim này đi và quẳng cho một người bán dạo đang năn nỉ họ. Hay có khi chính người làm phim đã hốt hoảng vứt chúng trong những ngày sau tháng Tư vì sợ bị dán cho cái nhãn hiệu “tư sản”, “đồi trụy”, hay đơn giản chỉ vì nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân trước mọi đổi thay đầy bất trắc.

Những người trong các thước phim cũ phai màu đấy, họ là ai? Có khi nào họ hình dung được là một nhà đạo diễn trẻ từ Âu Châu xa xôi đã vui mừng khi tình cờ mua những thước phim gia đình ấy trên đường phố Sài Gòn và trân trọng gìn giữ chúng, làm ra một tác phẩm mới về một thời đã qua với những hình bóng cũ. Và chúng tôi, khi xem đã được phép nhắc đến những kỷ niệm thiếu thời trong gia đình và những sinh hoạt trong xã hội. Mỗi người đều có những cảm tưởng hoàn toàn khác nhau khi xem phim. Một đoạn phim có thể gợi cho mỗi người những kỷ niệm riêng tư độc đáo, những ấn tượng sâu xa khác biệt nhau.

Tôi xem đi, xem lại các đoạn phim và mỗi lần lại nhớ thêm ra được những kỷ niệm thời niên thiếu. Những lần cùng cả nhà đi tắm biển Vũng Tàu hay một ngày đi Cần Thơ đến thăm gia đình một người bạn của ba mẹ tôi. Cả bọn được dịp nhìn thấy những cây xoài sai trái, những vườn cam xanh trĩu quả, những con phà cũ, bẩn, đầy rác rưởi, chạy chậm chậm trên sông nước mà dưới con mắt của bọn trẻ con chúng tôi thì chúng mênh mông không thấy bến bờ.
 
Những hình ảnh đã chỉ còn trong tâm tưởng: rạp phim Lệ Thanh trên đường Phan Phú Tiên (Sài Gòn), chuyên chiếu phim tình cảm Đài Loan - Ảnh: Internet
Những hình ảnh đã chỉ còn trong tâm tưởng: rạp phim Lệ Thanh trên đường Phan Phú Tiên (Sài Gòn), chuyên chiếu phim tình cảm Đài Loan - Ảnh: Internet

Chúng tôi vẫn còn đó nhưng những kỷ niệm thì đã quá xa xôi, nằm yên trong ký ức và dần dần phai nhạt cùng năm tháng vì những bận rộn đời thường, vì sự già nua tuổi tác. Lúc đấy người ta lại cần có một tấm ảnh cụ thể đã chụp cách đây năm sáu chục năm, cần những thước phim thời xưa cũ để giúp ký ức hồi phục lại một khuôn mặt yêu dấu không còn đó.

Cũng như khi mấy chị em chúng tôi mở cái hộp kẹo Nhật hình vuông cỡ lớn màu đỏ của những năm 60 mà mẹ tôi dùng để cất giữ một số ảnh gia đình thì mọi kỷ niệm sinh động lại trở về trong ký ức từng người mà không ai có thể lấy mất, trừ phi chính mình tự chối bỏ và quên đi quá khứ. Mấy chị em chúng tôi lại bắt đầu tranh nhau kể những chuyện liên quan đến một bức ảnh nào đó mà nay đã dần phai màu và lại cười trêu nhau về vẻ mặt ngô nghê trong ảnh hay về một cái quần mặc lụng thụng lòi cái bụng ỏng.

Những gia đình có những thước phim đã mất thì còn có gì giúp họ ôn lại những kỷ niệm xưa, để chỉ cho một đứa cháu nhỏ ngày nay hình ảnh của ông hay bà hồi còn để chõm hoặc mặc quần thủng đáy? Làm sao người ta có thể sống mà không có quá khứ?

Có khi nào một người trong phim lại tình cờ xem được triển lãm của F. và chợt nhận ra chính mình cách đây trên nửa thế kỷ? Họ sẽ cười hay sẽ khóc? Sẽ vui hay buồn? Sẽ cám ơn F. hay tức giận anh vì anh đã gợi lại cho họ một quá khứ mà họ muốn quên? Tôi thì vẫn tin rằng cuộc đời luôn tặng cho mình những sự tình cờ nếu như mình luôn hy vọng hay thậm chí có khi đã tuyệt vọng.
 
Thương xá Tax thập niên 60 thế kỷ trước - Làm sao có thể sống mà không có quá khứ? - Ảnh: Internet
Thương xá Tax thập niên 60 thế kỷ trước - Làm sao có thể sống mà không có quá khứ? - Ảnh: Internet
 
Một lần, trong một trại hè thanh niên quốc tế mà tôi có dịp được tham dự, một nam sinh đã ôm tôi khóc tức tưởi sau một buổi xem cuốn phim tài liệu về tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã. Em tình cờ nhìn ra cuốn hộ chiếu của ông em được chiếu trong phim trước khi ông bị bắt vào trại tập trung cùng vô số người Do Thái khác. Lần đầu tiên em nhìn thấy ảnh ông trong cuốn hộ chiếu với tên tuổi, lý lịch của ông. Lần đầu tiên em biết mặt ông.

Còn F. thì vẫn bị Sài Gòn của quá khứ và hiện tại “ám ảnh” và vẫn bay đến đấy như quay về với quê nhà thân yêu, đi tìm giùm cho những người xa lạ với anh những tháng ngày đã mất và hồi phục cho họ những hình bóng cũ trong những thước phim gia đình đã bạc màu với thời gian và tái dựng một quá khứ bao giờ cũng đẹp đẽ khi mình quay nhìn lại với vô vàn niềm tiếc nhớ.

Nguyên Hà, từ Berlin (CHLB Đức)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn