Chú bảo: “Hoặc mặn chát, hoặc nhạt thếch, đừng lờ lợ”.
Tôi cười, nghĩ tới những khoảng lưng chừng, những vùng lờ lợ.
1. Có một loài cá được sinh ra ở vùng nước ngọt. Đến lúc đủ khả năng di cư, chúng bơi ra biển và dành phần lớn phần đời của chúng sống ở vùng nước mặn. Đến độ tuổi sinh sản, chúng bơi ngược dòng từ biển trở về đầu nguồn con sông nơi chúng đã sinh ra để đẻ trứng và chết ngay sau đó. Cuộc vượt thác ngược dòng này thành hình tượng “cá vượt vũ môn” để ví von cho những người vượt qua cam go, thử thách để đạt đến mục đích của mình.
Vòng đời của loài cá di cư này thật thú vị với những hành trình mà không phải loài nào cũng có được. Hẳn các bạn đã biết tôi đang nói đến loài cá nào. Và từ vùng nhạt thếch bơi ra vùng mặn chát rồi trở về ấy, chúng chắc chắn phải bơi qua những vùng nước lợ.
Dù sao đi nữa, vùng lờ lợ - nửa đục nửa trong, cũng là sự giao thoa cho hai vùng cực mặn chát và nhạt thếch. Chỉ đơn giản là một phần ta cần phải đi qua nếu thực sự muốn “vượt vũ môn” và hoàn thành cuộc hành trình di cư của đời mình.
2. Tôi thích làm những đồ thủ công mỹ nghệ, nhất là làm hoa. Nhưng trước giờ, tôi chỉ làm chơi cho mình và những người tôi quý. Dù là thú chơi, nhưng tôi rất nghiêm túc trong việc học và làm sao cho thành quả cuối cùng được đẹp nhất và ngày càng đẹp hơn. Có lần, tôi tình cờ gặp một người trong ngành thiết kế hoa lâu năm và có tầm. Như vớ được một ông thầy, tôi chuyện trò hỏi han và xin xem những mẫu thiết kế cũng như các kinh nghiệm trong thiết kế của anh ấy.
Anh thấy tôi say mê và cũng xem những mẫu hoa tôi đã làm, những bản vẽ thiết kế… có lẽ là cũng tạm được, anh nghĩ tôi muốn theo đuổi công việc đó thì phải. Tôi chỉ coi đó là một thú chơi với thái độ chăm chút nghiêm túc cho những gì tôi làm. Anh hỏi tôi sao em không làm đi? Tôi cười, nửa đùa nửa thật, em chưa đủ khả năng. Anh hơi ngạc nhiên, rồi khuyên. Nếu em làm thì làm ngay bây giờ đi, đừng sợ mình không đủ trình độ, vì xã hội người Việt bây giờ nhập nhằng chưa phân biệt được đẹp xấu nên còn dễ làm, chứ chừng chục năm nữa tư duy thẩm mỹ của mọi người cao hơn thì rất khó làm.
Tôi nhớ tới một chị bạn nhiều năm trước đây từng là biên tập viên của một tờ báo lớn. Từ những tác phẩm của tôi được đăng trên tờ báo đó, mà tôi và chị biết nhau, để rồi bây giờ tôi được ngồi chuyện trò với chị như những người bạn viết.
Chúng ta gặp nhau trong đời này, được chuyện trò chia sẻ với nhau, hẳn là có duyên. Duyên lành cho những màu hoa, mùi hương và vị đắng (trà hay cà phê) phải không?
Nếu như anh bạn làm thiết kế hoa khuyên tôi làm đi, làm liền đi, vì xã hội đang nhập nhằng lắm, họ không phân biệt được, không biết em dở đâu mà lo; thì chị bạn với lòng tự trọng của người viết đã mấy mươi năm và niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ ý thức được giá trị bản thân mình, chị khuyên tôi làm cái gì cho em thu nhập đủ sống, phát triển và tạo ra giá trị thật thà, hữu ích. Với riêng việc viết, đừng cố ép phải ra tác phẩm nhiều về số lượng mà chất lượng chưa đến đâu. Chị và tôi, chúng tôi, đều rất coi trọng độc giả và biết ơn người dành thời gian cho mình.
Rất nhiều khi, dù lòng rất yêu quý văn chương nhưng tôi không muốn viết thêm một câu chuyện nào nữa cả vì có nhiều điều không vui trong đời tư. Nhưng rồi, nhờ những tin nhắn, những hỏi han thân tình của những độc giả, và các tác giả đi trước, các anh chị biên tập… động viên tôi viết tiếp. Giữ được tình yêu bền bỉ với một điều gì đó, nhất là những thứ không thể nóng vội như văn chương nghệ thuật hay khoa học kỹ thuật, thì ngoài yếu tố nội lực, từ lòng kiên nhẫn của chính chúng ta, còn cần, rất cần sự động viên của những người xung quanh, nhất là đối tượng chia sẻ thành quả cuối cùng…, nhờ đó tôi mới đi qua được những khoảng lờ lợ trong cuộc đời mình.
Mượn trang sách này, tôi gửi lòng biết ơn các bạn. (*)
(*) Bài viết trích từ tập tản văn “Cây táo nở hoa” (NXB Trẻ, 2016). Đây là đầu sách thứ tư của tác giả trẻ Tuệ An sau “Soireé trắng không dành cho búp bê hư” (NXB Lao Động & Alpha Books), “Đường ra biển lớn” (NXB Kim Đồng) và “Người chăn chim ở nhà thờ Đức Bà” (NXB Phụ Nữ).
Tuệ An, từ TP. HCM