NGƯỜI EM TỴ NẠN

Thứ năm - 04/08/2016 02:27

(NCTG) Buổi chiều êm ả. Có chim hót đâu đó ở một vườn nhà kế cận. Có nắng ngoài hiên. Nắng tạt vào qua những phên cửa, gạch những chéo sáng từ tấm thảm Ba Tư lên cái trường kỷ Ottoman và lên khuôn mặt râu không cạo của người đàn ông khốn khó.

Lều trại của người tỵ nạn Syria tại Lebanon - Ảnh: news18.com

Lều trại của người tỵ nạn Syria tại Lebanon - Ảnh: news18.com

Giờ, cụm từ “khốn khó” này có lẽ không thích hợp, hay chỉ thích hợp ở một mức 2,3 nào đó trên 10. Khốn thì anh có và khó thì anh cũng có. Anh ngồi trên ghế ở một tư thế nhột nhạt, chênh vênh nửa đít dặt thành nệm và chắp hai tay trên đầu gối. Anh nói chậm và đứt quãng, biểu hiện bằng nét mặt và cử chỉ vì tôi với anh giao tiếp bằng một ngôn ngữ ngập ngừng và xa lạ với tôi.

Anh đang khổ, đương nhiên, và tôi nắm được phần này. Cả đời anh cũng khổ, tôi đoán là như vậy qua dáng dấp. Anh khổ từ lúc mới lọt lòng và hiện thì anh khổ lắm, chắc là chưa bao giờ khổ thế hay chí ít là đang khổ thêm ở một cường độ bất thường. Bên cạnh anh ở đầu kia ghế, vợ anh an nhiên hơn trong trao đổi với vợ tôi, thỉnh thoảng lại xốc lên trên lòng đứa bé lên hai tuổi, mắt đảo vòng trông chừng đứa bé lên ba. Cô mới có 25 ngoài mà đã năm mặt con, ba đứa lớn ở nhà cho hàng xóm trông hộ.

Họ nói gì với nhau tôi không nắm, hai cô này là chị em cô dì, tuy lâu không gặp nhưng từng có những ngày thơ lên chơi nhà bà ngoại ở phía núi hái hoa và đuổi bướm, trước khi một cô lấy chồng sớm và một cô đi học nước ngoài. Người chồng là anh này, đang thu người nhỏ thó trên chiếc ghế rộng và nhỏ thó là cảm tưởng của tôi, vì anh thật ra cao to và vạm vỡ hơn tôi. Nhỏ thó là đối với cái ghế, đối với căn phòng, đối với nắng ngoài kia hay là vì anh có thuật thu người từ bé, có thuật thu người theo hoàn cảnh học từ lúc chào đời. Tôi với anh tuy lần đầu gặp nhưng dù sao thì cũng là cột chèo vài nấc, đứa bé gái lớn đứng ngơ ngác bên cạnh mẹ thì gọi tôi là bác và máu mủ thì đặc hơn là nước lã.

Em hỏi bác, cửa hàng thì rớt ngay trái pháo, may chẳng chết người nào và cũng chẳng thiệt hại gì bao nhiêu nhưng hàng không về được thì em buôn bán làm sao từ một tháng nay, trước thì lạy trời cũng có đồng ra đồng vào cho các cháu.

Anh có một quầy bày rau trái ngay trước thềm nhà. Nhưng từ khi chiến sự, thành Beirut một tháng nay vây hãm, điện nước còn không có thì làm gì có rau tươi với lại trái cây.

Trước gia đình em ở quê hương cũng làm nghề trồng quả.

Tôi nhớ chuyện bà Leila Khaled từng kể lại. Bà này trong thập niên 70 là nữ không tặc đầu tiên của phong trào giải phóng Palestine. Lúc cả nhà lếch thếnh bồng bế nhau đi bộ sang Lebanon láng giềng tỵ nạn, ngang qua các vườn cam ở miền Nam nước này, bà nghe mẹ bảo các con: “Trái cây rụng dưới đất ở đây các con cũng không được nhặt, đây không phải nhà mình, cây trái là của nước người và mình là người ở đậu”.

Gia đình anh cùng người đồng hương sang đây ở đậu và từ đó không có lối về. Anh sinh ra trong trại tỵ nạn, lớn lên nhếch nhác trong những căn hộ tạm bợ đắp vá từ ngoài ba mươi năm nay. Cô vợ anh tức là cô em họ của vợ tôi, thì người bản xứ nhưng nước này không cho anh vào quốc tịch, các con anh cũng chỉ có quyền cư trú nhưng đó cũng chẳng hề gì. Tháng này, mấy ngày qua, hôm nay mới là gay. Anh bảo với một vẻ cam chịu và biết làm sao đây.

Ariel Sharon đã đến trước ngõ!

Tôi nói, pháo cũng đã về đến đây, hôm qua hôm kia này.

Vợ tôi bảo, nhưng đây là phố, còn kia là trại tỵ nạn. Nó có vào đến đây thì vẫn là khu người Lebanon, đằng kia là trại toàn người Palestine. Nhà đã có ông chú ở đây tạm trú rồi, các em về mang các cháu đến đây ở với ông luôn cho vui. Nàng bật cười, đúng là, bọn Syria đi thì bọn Israel tới.

Đó là hai tuần trước, khi vệ binh Ki-tô được Israel hỗ trợ tràn vào Sabra và Shatila giết 3.500 thường dân tại trại. Gia đình ông em họ thì đã rời cửa hàng rau trái ở tại đó để đến ở nhà này thoát nạn.

Trong số người bị giết tại trại trên, có 7 người Do Thái Palestine, sinh sống tại Palestine đã lâu đời và 1948 khi Israel lập quốc, đã không ở lại làm người Israel kiêu hùng mà theo đồng hương, lối xóm Ki-tô và Hồi giáo của họ sang Lebanon làm người khốn khổ, mang căn cước Palestine tỵ nạn và tôn giáo đạo Do.

Hiện (2016), Lebanon, dân số 4.500.000, ngoài 500.000 Palestine vẫn còn tạm trú từ 1948, đang chứa thêm 1.300.000 người tỵ nạn từ Syria.

Đỗ Khiêm


 
 Từ khóa: tỵ nạn, Lebanon
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn