KHOA VĂN THUỞ ẤY - BÂY GIỜ (Phần 2)

Thứ tư - 14/09/2016 21:46

(NCTG) “Thầy Trương Tửu giảng dạy Văn học Việt Nam. Thầy giảng rất hấp dẫn, rất hùng hồn, rất lý thú, nhất là đọc văn, thơ rất lôi cuốn sinh viên. Hôm thầy giảng “Bình Ngô đại cáo” đông đảo sinh viên đã đứng dậy nghe. Thầy bảo: “Mỗi giờ giảng văn phải là một bữa tiệc!”. Câu nói đó của thầy đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời dạy học”.

Nhóm cựu sinh viên dự bị Đại học Văn 1952-53 chụp kỷ niệm với thầy Trần Văn Giàu và cô nhân dịp thầy cô ra thăm Hà Nội năm 1994 - Ảnh tư liệu

Nhóm cựu sinh viên dự bị Đại học Văn 1952-53 chụp kỷ niệm với thầy Trần Văn Giàu và cô nhân dịp thầy cô ra thăm Hà Nội năm 1994 - Ảnh tư liệu

Xem Phần 1 của bài viết.

Đại học Văn khoa Sư phạm 1954-57

Sau vài ngày lang thang du ngoạn Thủ đô, tôi đã tìm ngay được một nơi làm gia sư, đó là chủ cửa hiệu may âu phục ở phố Hàng Gai. Biết tôi sẽ là sinh viên Đại học, gia chủ rất vui vẻ tiếp đón. Nhà đông con (sáu người) nhưng ở ba tầng khá rộng, nên tôi được ở cùng gia chủ. Tôi chỉ dạy cho hai em bé, còn các anh lớn đã học những lớp trên. Về sau, gia chủ còn cho tôi xuống ở và trông nom một dãy nhà bốn, năm buồng xây xong nhưng chưa sử dụng trong Ngõ Quỳnh - Bạch Mai. Thật tự do, thoải mái sống trong một buồng rộng thênh thang, điện nước đầy đủ!

Tôi vẫn lui tới trường Đại học ở 19 Lê Thánh Tông. Những tháng cuối năm 1954 này nhà trường vô cùng bận rộn, vừa tiếp quản Đại học cũ, vừa xây dựng Đại học mới, nên chỉ mới hình thành các trường Y - Dược, trường Khoa học Tự nhiên, trường Văn - Sử - Địa, trường Luật. Nhưng khi tôi sang Văn phòng trường Luật gặp thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy bảo trường Luật chỉ mới phôi thai chứ chưa mở được ngay. Biết chắc có Đại học Văn khoa và Đại học Văn khoa Sư phạm, tôi liền ghi danh vào học Đại học Văn khoa vì tôi chưa muốn đi vào ngành Sư phạm.

Với danh nghĩa là năm học đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô 1954-1955, nhưng thực ra phải đến đầu năm 1955 mới khai giảng, vì trước đó còn phải chuẩn bị, mà công việc thì rất bề bộn, ngổn ngang.

Rồi ngày thi tuyển đã đến. Tôi còn nhớ hôm đó chỉ phải làm một bài bình luận bài thơ “Hội Tây” của Nguyễn Khuyến:
 
Kìa hội Thăng Bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo

Tôi đã thuộc bài này từ trước, nên viết một mạch dăm trang.

Vào học, tuy là riêng hai lớp Đại học Văn khoa và Đại học Văn khoa Sư phạm, nhưng chúng tôi đều học chung trên Đại giảng đường hầu hết các môn, trừ môn Giáo học pháp.

Tôi vui mừng được gặp lại các thầy cũ từ thời Dự bị Đại học: thầy Đặng Thai Mai, thầy Trương Tửu, thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy Nguyễn Lương Ngọc, thầy Trần Văn Giàu…, giờ được thêm thầy Trần Đức Thảo, thầy Nguyễn Lân, thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Nguyễn Khánh Toàn (đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục) thầy Phan Ngọc… tạo thành một đội ngũ cán bộ giảng dạy vô cùng hùng hậu, tài năng và uyên bác!

Tôi cũng được làm quen với nhiều bạn mới: Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Đặng Anh Đào, Nguyễn Khắc Phi, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Thái Hòa, Hoàng Thiệu Khang, Nguyễn Tuân và hàng trăm bạn khác…

Lớp Đại học Văn khoa có khoảng 70 sinh viên và lớp Đại học Văn khoa Sư phạm có khoảng 100 sinh viên. Hầu hết sinh viên ở trong ký túc xá Bạch Mai (khu trường Đại học Bách khoa bây giờ). Phương tiện đi lại duy nhất của các bạn nội trú là tàu điện. Nhóm chúng tôi mươi sinh viên ở ngoại trú vì hoặc có gia đình trong thành phố như Võ Tấn Quang, Lương Gia Ninh, hoặc làm gia sư như Nguyễn Chân và tôi. Ngoài ra, tôi còn nhận dạy một số giờ ở trường Trung học Long Biên, phố Quang Trung, nên sinh hoạt cũng dễ chịu.

Hằng ngày vào buổi sáng đông đảo sinh viên chúng tôi hay ghé vào hàng xôi lạp xường nóng ở góc đường Lý Thường Kiệt đối diện cửa trường Đại học. Tôi nhớ mãi hương vị tuyệt ngon này, và đó cũng là một kỷ niệm vui của chúng tôi. Ngày 2 buổi học xong, tôi và một số anh em đạp xe ra ăn ở quán sinh viên phố Bà Triệu. Mấy sinh viên miền Nam chúng tôi được miễn phí, còn những sinh viên khác phải trả tiền. Hôm nào cũng vậy, ăn xong, chúng tôi ra Thư viện Trung ương ở phố Tràng Thi nghỉ ngơi, đọc sách và lim dim ngủ, buổi tối thì đọc sách đến 10h đêm mới về.

Đại giảng đường của Trường Đại học có 3 tầng: tầng 1 mỗi sinh viên một bàn riêng liền với một ghế riêng. Trên tầng hai và tầng ba có ghế đệm dài vòng quanh, ai muốn lên ngồi hoặc nằm nghe giảng tùy ý. Bọn mấy chàng ngông chúng tôi - Nguyễn Hoàng Tuyên, Nguyễn Chân, Võ Tấn Quang… đôi khi không được nghiêm túc, lên nằm nghe giảng trên đó!

Lớp Đại học Văn khoa chúng tôi vừa học xong năm thứ nhất thì nhà trường có chủ trương giải thể lớp này, tuyên bố nếu sinh viên nào muốn học tiếp thì nhập vào lớp Đại học Văn khoa Sư phạm năm thứ hai, bằng không tùy ý. Đại đa số chúng tôi học tiếp, nhưng cũng có đôi người tìm đường khác như sang Việt Nam Thông tấn xã chẳng hạn.

Nhờ hoàn cảnh khá thuận lợi, tôi đã tập trung tinh thần và nghị lực nghe giảng hào hứng và say mê, ngày đêm miệt mài trong thư viện nên đã tiếp thu được vô vàn kiến thức bổ ích và lý thú làm nền tảng cho bước đường đời sau đó!

Các thầy, mỗi người một phong cách, nhưng tất cả đều tuyệt vời, thầy nào cũng lưu lại một dấu ấn sâu sắc trong tôi!

Thầy Đặng Thai Mai giảng dạy Lý luận Văn học. Với trí nhớ siêu phàm, thầy có thể đọc thuộc cả cảnh, cả hồi trong bi kịch Hy Lạp, bi kịch, hài kịch cổ điển Pháp, hay những đoạn thơ, văn Pháp dài dằng dặc. Đang thủ thỉ giảng phần chính của bài, thỉnh thoảng thầy mở ngoặc nói thêm, cái mở ngoặc tràng giang đại hải làm sinh viên có khi lạc lối. Trong thầy là một trí tuệ uyên bác với phong cách lịch lãm bộc lộ trong đôi mắt tinh anh và nụ cười rất duyên, rất hóm hỉnh đậm chất hu-mua nhưng cũng vô cùng đôn hậu.

Thầy Trương Tửu giảng dạy Văn học Việt Nam. Đến lớp, thầy mang theo một quyển sổ đặt lên bàn, nhưng không bao giờ mở ra. Thầy giảng rất hấp dẫn, rất hùng hồn, rất lý thú, nhất là đọc văn, thơ rất lôi cuốn sinh viên. Hôm thầy giảng “Bình Ngô đại cáo” đông đảo sinh viên đã đứng dậy nghe. Giảng “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, thầy bảo: “Mỗi giờ giảng văn phải là một bữa tiệc!”. Câu nói đó của thầy đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời dạy học. Có một dạo thầy bị ốm phải đi nằm bệnh viện cả tháng, rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học tiếng tăm đến nói chuyện lấp vào giờ trống, nhưng rồi sinh viên nhận xét là không ai thay thế được thầy! Hôm thầy quay trở lại lớp, đông đảo sinh viên ra tận ngoài cổng trường đón thầy như đón các nguyên thủ quốc gia!

Thầy Trần Đức Thảo giảng dạy Lịch sử Tư tưởng Thế giới. Là nhà triết học tiếng tăm lừng lẫy nhưng lúc nào đi dạy thầy cũng chỉ mặc bộ “đại cán” màu xanh vô cùng giản dị! Vào lớp thầy không mang theo sách vở, tài liệu gì. Về sau, hình như có sự góp ý nào đó về việc không soạn giáo án nên thầy mang theo mảnh giấy để trên bàn nhưng không bao giờ nhìn đến. Thầy ngồi xuống ghế, kéo cái micro gần sát, không hùng biện, mà cứ thủ thỉ nói như tự nói với chính mình. Chúng tôi im phăng phắc theo dõi mạch tư duy của thầy mà nhiều khi không bắt kịp vì những điều thầy giảng vô cùng khó, vô cùng cao siêu và sâu sắc! Nổi bật ở thầy là cái tâm trong sáng tuyệt vời và ý thức về sự phát huy tự do, dân chủ.

Thầy Nguyễn Mạnh Tường vừa làm Giám đốc Đại học Luật, vừa giảng dạy Văn học phương Tây cho chúng tôi. Với hai bằng Tiến sĩ Văn chương và Tiến sĩ Luật cùng 1 năm tại Pháp mà chưa từng có người Pháp nào đạt được, thầy thực sự là một giáo sư kiệt xuất. Thầy vẫn thường nói với chúng tôi là hãy an tâm, kiến thức thầy giảng là tương đương với bất kỳ Đại học nào trên thế giới! Thầy thường bộc lộ quan điểm “người trí thức đứng về phía nhân dân chứ không phải đứng về phía chính quyền”. Chúng tôi nghĩ điều đó đúng cho bất cứ thời đại nào.

Nhưng rồi thầy Tường, thầy Tửu, thầy Thảo, thầy Phan Ngọc - những thầy hay phát ngôn về “sự trung thực của người trí thức”, về ý thức “nhân dân”, về “tự do, dân chủ” đã bị lao đao trong vụ “Nhân văn Giai phẩm”! Những ngày tháng đó thầy Tường sống hiu quạnh ở ngôi nhà 34 Tăng Bạt Hổ. Về sau, khi tôi ra làm Giám đốc Công ty dịch thuật HATRACO từ năm 1992, có mấy lần tôi đến thăm thầy và cũng để nhờ thầy dịch giúp cho mấy văn bản tiếng La Tinh, thầy rất vui vì gặp lại học trò cũ mà thầy nói rằng đã lâu lắm chẳng gặp được ai!

Thầy Trần Văn Giàu giảng dạy Triết học - Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử. Thầy vẫn rất hùng biện, rất say sưa như thời Dự bị Đại học chúng tôi đã từng được nghe. Về Hà Nội có nhiều tài liệu, sách Triết nên chúng tôi hiểu tường tận sâu sắc hơn môn Triết của thầy. Nhưng cũng có một câu chuyện vui, đó là một hôm mấy sinh viên chúng tôi bước lên cầu thang vào Đại giảng đường gặp thầy Trần Đức Thảo và thầy Đào Duy Anh ở trên đi xuống và được nghe mẩu đối thoại của hai thầy:

Thầy Thảo hỏi thầy Đào Duy Anh:

- Dạo này “toi” (tiếng Pháp = cậu) có ngủ được không?

Thầy Đào Duy Anh trả lời:

- “Moi” (mình, tớ) bị mất ngủ liên miên!

Thầy Thảo:

- Vậy sao “toi” không lấy sách Triết của Giàu ra đọc!

Chúng tôi đi vội lên và cả lũ cười khoái trá về câu châm biếm hóm hỉnh của thầy Thảo!

Từ sau 1975, thầy Giàu vào sống trong TP. HCM. Vài mươi năm trước, thầy cùng cô ra chơi Hà Nội, nhóm cựu sinh viên Dự bị Đại học 1952-53 chúng tôi đến thăm thầy cô và hân hạnh, vui mừng được chụp khá nhiều ảnh lưu niệm cùng thầy cô mà tôi còn lưu giữ.
 
Kỷ niệm 45 năm ngày ra trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1954-57 - Ảnh tư liệu
Kỷ niệm 45 năm ngày ra trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1954-57 - Ảnh tư liệu

Thầy Cao Xuân Huy giảng dạy Triết học Phương Đông, một lĩnh vực vừa thâm nghiêm, vừa huyền bí; với kiến thức vô cùng uyên bác, thầy dẫn dắt chúng tôi đi vào các nhà triết học Trung Hoa, đặc biệt là vào Lão tử và Trang tử. Có một lần vừa giảng xong bài, thầy hỏi chúng tôi: “Các anh chị có hiểu không?”. Cả lớp vừa ngập ngừng vừa đồng thanh: “Dạ, hiểu ạ!”. Thầy mỉm cười: “Hiểu thế nào được!”. Chúng tôi cười vui, thích thú!

Thầy Nguyễn Lương Ngọc, giảng dạy Lý luận văn học. Là nhà văn trong nhóm “Xuân Thu Nhã Tập”, thầy rất điềm đạm, khoan thai, cẩn trọng từng câu nói. Chúng tôi đề nghị thầy kể về nhóm “Xuân Thu Nhã Tập”, thầy bảo cách làm thơ của Nhóm là gấp chữ bỏ vào một dãy hòm rồi cứ thế nhặt tờ giấy nào ghi ra giấy từ ấy, thế là thành câu thơ, bài thơ! Thầy giảng mấy câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh trong Nhóm:
 
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa,
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà.

Là mùa xuân như cái lẵng đứng trên bờ (dốc, đê) cao giũ cho trái xuân rơi xuống, cứ nhìn đáy đĩa sẽ thấy mùa nào hoa quả ấy, đó là bước đi theo nhịp rộng lớn của đất trời!

Có lần thầy lấy bài thơ “Quay về vườn cũ” của Phạm Quang Hòa in năm 1944, phân tích tính giai cấp trong văn học:
 
Sao chẳng quay về vườn ruộng cũ,
Trúc vàng trăng sáng gió mông mênh.
Kho trời vô tận tiêu không ngại,
Một bóng em thơ với bóng mình.

… Sao chẳng quay về vườn ruộng cũ
Hay gì đường thế bước chênh vênh,
Chi bằng chung lại đôi đầu nhỏ,
Ca khúc ân tình dưới mái tranh!

Thầy phân tích rất hấp dẫn, tôi rất thích thú nên đã thuộc lòng bài thơ dài từ dạo ấy!

Thầy Nguyễn Khánh Toàn lúc này đang làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, cũng sang giảng dạy khá nhiều giờ về Văn học Nga. Dáng dấp cao lớn, phong cách rất Âu châu, điếu thuốc không rời tay, thầy luôn cuốn hút sinh viên về các tác giả lỗi lạc của nền văn học Nga xán lạn.

Thầy Hoàng Xuân Nhị giảng dạy Văn học Nga - Xô-viết. Thầy rất gần gũi, thân thiết với sinh viên. Có lần thầy thật thà nói với chúng tôi là thầy cũng vừa mới đọc, mới soạn nhà văn này, tác phẩm nọ vài hôm trước, nay ra truyền đạt lại cho chúng tôi, chắc cũng chưa sâu sắc, hoàn hảo! Chúng tôi hết sức thông cảm vì biết rằng thầy đã dành bao công sức và tâm huyết cho việc nghiên cứu, đào sâu, khám phá một lĩnh vực còn rất mới mẻ là Văn học Nga - Xô-viết vào thời gian đó.

Thầy Nguyễn Lân giảng dạy môn Giáo dục học. Với ý thức thành tâm truyền nghề dạy học cho sinh viên, với gương mặt luôn thể hiện niềm thiết tha da diết với môn học này, thầy như rút từ gan ruột truyền lại cho chúng tôi những kiến thức, những kinh nghiệm của nghề dạy học.

Thầy Phan Ngọc mới ở lại làm trợ lý giảng dạy môn Lý luận Văn học nhưng thầy cũng đã đầu tư công sức và tâm huyết viết những tài liệu rất sâu sắc và bổ ích cho sinh viên tham khảo và học tập. Những buổi phụ đạo rất khiêm tốn và rất chân tình của thầy đã để lại trong chúng tôi nhiều tình cảm quý mến!

Trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm, một số thầy đã dấn thân và đã phải mang họa về những cuộc đấu tố của sinh viên mà những ai ở nội trú buộc phải tham gia. Nhóm sinh viên ngoại trú chúng tôi vì ở xa nên có lý do để trốn. Chúng tôi chẳng dự buổi nào, nhưng nghe nói nhiều sinh viên rất hùng hổ trong “thời buổi đảo điên” đó và các thầy cũng “lên bờ xuống ruộng” lắm!

64 năm đã qua, nhiều điều không còn nhớ, nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh kính mến, quý yêu cùng công ơn to lớn của các thầy, những người đã giáo huấn cho tôi thành một Con Người!

64 năm tự hào và hạnh phúc được là học trò của các thầy - những cây đại thụ trong làng Văn - Triết Việt Nam!

Giờ đây, các thầy người còn, người mất; những dòng này thay cho nén hương lòng kính tiễn các thầy đã ra đi!

Ngày thi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sư phạm hè năm 1957, tôi không sao bỏ được thói ngông cuồng của tuổi trẻ. Làm xong bài văn còn giờ, thừa giấy vẽ voi, tôi cao hứng viết hai câu thơ bằng chữ Hán của Lý Bạch vào cuối trang giấy:
 
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh.

(Coi cuộc đời là giấc mộng lớn,
Vậy phải khó nhọc cho cuộc sống làm gì)

Nghĩ rằng, nếu thầy nào chấm mà cố chấp thì sẽ đánh hỏng, mà đánh hỏng cũng chẳng sao! Nhưng rồi không thầy nào cố chấp cả, mà lại rất đại lượng, khoan dung!

Nguyễn Hoàng Tuyên - Còn tiếp


 
 Từ khóa: Văn khoa
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn