KHOA VĂN THUỞ ẤY - BÂY GIỜ (Phần 1)

Thứ tư - 14/09/2016 02:54

(NCTG) “Những kỷ niệm cũ của một thời tuổi trẻ xa xăm như sương mù che phủ tâm trí tôi, nó mờ mờ ảo ảo, lúc nhớ lúc quên khi hồi ức về duyên nợ với Khoa Văn diễn ra 64 năm về trước!” - hồi tưởng nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên.

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên trước Vương cung thánh đường Thánh Mary (Basilica di Santa Maria in Ara coeli, Roma, 1986) - Ảnh tư liệu

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên trước Vương cung thánh đường Thánh Mary (Basilica di Santa Maria in Ara coeli, Roma, 1986) - Ảnh tư liệu

Đường xa ngàn dặm

Hè năm 1950, ba chúng tôi - Nguyễn Thành Trai, Bùi Vân Nghĩa, Nguyễn Hoàng Tuyên vừa học xong bậc Trung học Trường Trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi, Liên khu V còn đang chờ đợi để được học tiếp thì đến cuối năm 1951 được tin ngoài Liên khu IV mở Trường Dự bị Đại học, trong đó có Ban Văn - Sử - Địa và Ban Toán - Lý - Hóa. Chúng tôi cũng được nghe có các thầy Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lương Ngọc, Đào Duy Anh… tiếng tăm lừng lẫy giảng dạy.

Vốn rất ham mê, thích thú với văn chương, lại đang thời tuổi trẻ đầy lãng mạn và mơ ước, chúng tôi vô cùng vui mừng, háo hức, rồi ngày đêm mong ngóng đến “tương tư” về cái Khoa Văn ấy, mà “Tương tư có nghĩa gì non ải” (“Cảm thông”, Vũ Hoàng Chương) cho nên chúng tôi quyết tâm sẽ mạo hiểm vượt núi băng ngàn ra Bắc học tập.

Trong số ba học sinh, tôi là người trốn gia đình để đi vì gia đình tôi có 2 anh em trai, mà anh trai tôi - anh Nguyễn Tấn Hòe - đã đi theo bác Phạm Văn Đồng bằng đường biển ra Bắc học từ năm 1948, vì vậy nếu tôi nói lộ ra thì chắc chắn gia đình tôi sẽ ngăn cản, không cho đi.

Đầu tháng 1-1952 chúng tôi lên đường. Hành trang chỉ có vài bộ quần áo xi-ta (vải sợi to nhuộm màu xám dùng để may quần áo bộ đội), bộ bà ba đen và mấy thứ vật dụng hàng ngày. Chúng tôi đi xe ngựa được 30km từ Quảng Ngãi ra Bến Ván (An Tân) thuộc đất Quảng Nam, bên kia sông là miền Pháp chiếm đóng, nên phải đi bộ lên phía Tây chừng 70km đến Tuyên Phước là chân dãy Trường Sơn. Chúng tôi nhập với đoàn cán bộ quân báo Liên khu V ra Việt Bắc họp, vì vậy có giao liên dẫn đường.

Và từ đây mỗi người phải tự trang bị cho mình thêm một ruột tượng gạo đủ cho 5 ngày, một lon thức ăn khô thịt băm, muối vừng, một cà-mèn để nấu cơm và một bi-đông đựng nước uống. Giờ chỉ còn lội suối trèo đèo, vạch cây rừng tìm lối. Vượt qua Nam Đông một ngày băng hơn 30 con suối. Leo lên đỉnh núi Bút cao nhất Trường Sơn, nhìn xuống phía Đông là đèo Hải Vân thăm thẳm; giữa trưa mưa móc lộp bộp rét run người, sau khi tự nấu ăn xong, mỗi người còn cố nấn ná lấy dao khắc tên mình trên vách núi để lưu dấu tuy biết rằng vĩnh viễn sẽ không bao giờ trở lại nơi đây!

Đoàn đi rất nhanh 30, 40km mỗi ngày, đêm nghỉ trong những lán gỗ tròn của cây rừng, nằm đau lưng khủng khiếp nhưng không còn cách nào khác, buộc phải thích nghi!

Chúng tôi còn phải vượt hai đỉnh cao nữa là Dốc Kèn (vừa đi vừa chạy, thở như thổi kèn!) và Đèo Giảm Thọ (ai đã đi qua sẽ phải mất dăm bảy tuổi thọ!).

Ra đến U Bò, Ba Rền (Tây Quảng Trị và Quảng Bình) có câu chuyện hú hồn: Đêm nằm trong nhà dân, đến khuya cọp (hổ) xông vào cửa làm đổ loảng xoảng thùng sắt, nồi niêu xoong chảo mà mọi người đề phòng đặt áp vào cửa, chúng tôi vùng dậy hé nhìn qua khe cửa thấy cọp chạy cong đuôi dưới ánh trăng rừng! Sáng hôm sau leo núi thấy tràn đầy cây hoa dạ lan, hương thơm lừng rất thích thú, nhưng rồi càng leo cao hương càng nồng nặc vì sương mù dày đặc mãi chưa tan còn phủ trùm cả núi làm chúng tôi ngạt thở, ngây ngất như say nằm lăn ra thiêm thiếp, cho đến khi mặt trời lên cao rọi tan sương, hương thoát ra ngoài bấy giờ chúng tôi mới tỉnh, tiếp tục cuộc hành trình!

Còn biết bao chuyện kỳ thú khác nữa…

Hơn một tháng trời đi bộ, chúng tôi đến đất Hà Tĩnh thuộc vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, xuống núi gặp ngay miền Bồng Lai (chắc là do cán bộ, bộ đội từ Nam ra Bắc đặt tên!). Mà đúng là bồng lai thật, vì trước mặt chúng tôi là một xóm nhà tranh đông đúc, đèn đóm sáng trưng, buôn bán tấp nập, hàng hóa đầy ắp toàn những thứ quý từ trong “tề” (vùng tạm chiếm của Pháp) mang ra, nào cà phê thơm nức, thuốc lá Cotab, nào quần áo, giày dép, thứ gì cũng có.

Chúng tôi qua Đức Thọ nghỉ vài ngày cho lại sức rồi tiếp tục cuộc hành trình ra Nghệ An, qua Vinh đã tiêu thổ kháng chiến, lên Nam Đàn, đến chợ Rạng - Thanh Chương, đúng nơi Trường Dự bị Đại học Liên khu IV đóng.

Dự bị Đại học Văn khoa - Một mối tình đầu

Đầu tháng 2-1952, chúng tôi đến Trường, được nghe anh em kể lại rằng năm trước (1951) Liên khu IV đã mở một lớp Đại học Văn khoa. Đây là lớp chuyên sâu cấp tốc vì chỉ học trong vòng dăm tháng, hai thầy Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy phụ trách giảng dạy Văn học, Bạch thoại và Hán học, văn học Lão - Trang cho 7 học viên: anh Nguyễn Đức Nam, anh Nguyễn Tài Cẩn, anh Tôn Gia Ngân, anh Phạm Bá Rô, anh Vũ Xuân Ba, chị Đặng Thị Hạnh (con thầy Mai) và một ai nữa tôi quên mất. Về sau, anh em hay gọi lớp này là nhóm “Thất tinh”, 7 học trò đầu tiên của Khoa Văn, 7 ngôi sao nổi tiếng về tài năng, về trí tuệ và về kiến thức uyên thâm.

Đấy là khóa đầu tiên khai sinh ra Khoa Ngữ Văn - Đại học Việt Nam, tính đến nay đã tròn 65 năm!
 
*

Trường Dự bị Đại học Liên khu IV gồm 2 phân hiệu: Phân hiệu Nghệ An và Phân hiệu Thanh Hóa. Chúng tôi vào gặp Ban Giám đốc Phân hiệu Nghệ An. Thầy Đặng Thai Mai, giám đốc, tiếp chúng tôi (sau này tôi được biết nhiều người gọi thầy là Đặng Thái Mai, nhưng chính là Đặng Thai Mai, vì ông thân sinh thầy lấy tên một quả núi ở quê nhà là Thai Mai đặt tên cho thầy). Thầy rất điềm đạm, đôi mắt tinh anh chứng tỏ một trí tuệ thông minh và sắc sảo, đặc biệt là nụ cười rất dí dỏm, tiếp chúng tôi rất thân tình làm chúng tôi rất ấm lòng và rất vững tâm, cái ấn tượng đẹp đẽ ban đầu ấy mãi về sau in dấu ấn sâu đậm trong tôi!
 
Chúng tôi được vào học lớp Dự bị Đại học Văn - Sử - Địa, khóa I (1952 - 1953) (Trường chỉ mở thêm được khóa II (1953-1954) rồi kết thúc, trong khóa II tôi nhớ có anh Cao Xuân Hạo học). Lớp chúng tôi cũng vừa mới khai giảng, sĩ số khoảng dưới 40. Thầy Đặng Thai Mai dạy Văn, Triết phương Tây, thầy Cao Xuân Huy dạy Triết phương Đông, thầy Nguyễn Lương Ngọc dạy Lý luận văn học, thầy Trần Văn Giàu vừa bận công tác ngoài Việt Bắc, vừa làm Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa, từng đợt vào Nghệ An dạy Triết Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử cho chúng tôi, thầy Trần Đình Gián dạy Địa và thầy Tôn Thất Chiêm Tế dạy Sử.

Những bạn cùng lớp mà tôi còn nhớ: anh Nguyễn Văn Hoàn, chị Đặng Thanh Lê, anh Phan Trọng Luận, anh Trần Thanh Đạm, anh Thanh Lam, anh Phan Sĩ Phiên, anh Trần Đình Hượu, anh Trọng Bằng, anh Bùi Quang Đoài, anh Phan Sĩ Tấn, anh Nguyễn Trường Lịch, anh Nguyễn Xuân Nam (là học sinh miền Nam ra trước chúng tôi). Các bạn sinh viên phần lớn ở các tỉnh Nghệ, Tĩnh, Bình. Anh em rất chân tình, thân mật, quý mến chúng tôi.

Nhóm ba chúng tôi lúc đầu sống trong nhà đồng bào, cùng nhau tự nấu ăn chung theo kiểu chúng tôi thường gọi là “popote”, có một dạo Trọng Bằng ở cùng, suốt ngày cứ chơi guitare “phừng phừng”, cũng vui tai, nhưng có khi cũng bực vì không tập trung học tập được. Bà mẹ nhà chúng tôi ở yêu thương, quý mến chúng tôi như con, sáng nào bà cũng nấu một nồi nước chè xanh thơm ngon, gọi chúng tôi ra uống “nát mới” cùng với khi thì khoai lang, khi thì lạc luộc với tất cả tấm lòng tuy nghèo nhưng rất thơm thảo, khắc ghi trong chúng tôi những kỷ niệm ấm lòng!
 
Nhóm cựu sinh viên dự bị Đại học Văn 1952-53 - Ảnh tư liệu
Nhóm cựu sinh viên dự bị Đại học Văn 1952-53 - Ảnh tư liệu

Tôi trốn đi chỉ mang theo dăm chỉ vàng, Bùi Vân Nghĩa nhiều hơn một ít, còn Nguyễn Thành Trai mang được mấy lạng vì nhà giàu; kẻ ít người nhiều, chia ngọt sẻ bùi, chúng tôi cotiser (góp tất cả chung nhau) cho cuộc sống. Về sau nguồn tiền đã cạn, mỗi người tự đi tìm nơi làm précepteur (gia sư). Tôi được vào sống trong nhà một địa chủ, dạy cho em gái 12 tuổi, chủ nhà rất kính trọng, đến bữa mang cơm lên nhà trên cho tôi ăn riêng, tuy cũng chẳng có gì ngoài miếng cá mè nhỏ hay cá rô, bát canh rau dút và đĩa nhút (xơ mít muối nhà nào cũng có, “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” nổi tiếng mà!). Tôi không muốn cách bức thế, nhiều lần đã đề xuất ăn chung với gia đình, nhưng gia đình không chịu, không thay đổi cung cách tôn sư trọng đạo ấy.

Thời gian này sống rất thiếu thốn, gian khổ, nhưng chúng tôi lại học tập rất hào hứng say mê. Cứ đến 5h rưỡi chiều, khi mặt trời lặn là lúc mỗi người cắp theo chiếc bàn gỗ nhỏ cá nhân, mang theo chiếc đèn làm bằng hộp GIB đánh răng đã hết đổ dầu hỏa vào, có ngọn bấc thắp sáng leo lắt để tránh máy bay địch, chúng tôi lên Đền Cả trên một ngọn đồi học tập. Cũng có khi mượn được lớp học bình dân của địa phương thì không phải đi xa.

Còn nhớ một tối thầy Trần Văn Giàu giảng Triết, vì quá nóng nên thầy lấy chiếc khăn to lau mồ hôi mặt mũi, rồi quàng luôn trên cổ, chốc chốc lại lau, thầy đang thao thao giảng thì anh Trần Thanh Đạm giơ tay xin hỏi một câu gì đó tôi không nhớ rõ nhưng chắc là không đúng trọng tâm nên thầy vung tay đấm vào cột đền mấy cái và nói: “Dới cái đầu óc như dzậy thì làm sao mà hiểu được!”, cả lớp chúng tôi bấm bụng cười, nhưng không dám cười to!

Những gì bấy giờ các thầy giảng cho chúng tôi đều mới mẻ, lạ lẫm và vô cùng bổ ích. Chúng tôi nghe giảng như nuốt từng lời, tài liệu học tập bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt hoặc thầy cho mượn, hoặc bạn nào tìm được bao giờ cũng chuyền tay nhau chép lại, khi là nghiên cứu văn học của Roger Garaudy, khi là Triết học của Politzer, khi là tài liệu quý hiếm khác của các thầy hay các tác giả trong nước.

Thường các buổi giảng của thầy Đặng Thai Mai, thầy Nguyễn Lương Ngọc thì các bạn bên Trường Sư phạm Trung cấp Liên khu IV đóng gần hay sang ngồi cuối lớp nghe ké. Tôi vẫn còn nhớ mấy chị Bích Thọ, Tân Nhân, Ngọc Bảo…

Chợ Rạng - Thanh Chương, miền đất trong ký ức gian khó mà yêu thương! Bà mẹ già nua, em bé mà tôi làm gia sư, những gương mặt, những con người, các thầy, các bạn đồng học, đã qua 64 năm, nhiều lúc vẫn hằn lên trong tâm tưởng tôi!

Chúng tôi học ở đây từ tháng 2-1952 đến hết tháng 9-1952, sang tháng 10 nhà trường có chủ trương sáp nhập Phân hiệu Nghệ An vào Phân hiệu Thanh Hóa, thầy trò chúng tôi cuốc bộ ra thị xã Thanh Hóa tiêu thổ kháng chiến, lên Hậu Hiền, qua Cầu Kè thuộc huyện Thiệu Hóa cách thị xã Thanh Hóa chừng 25km và đấy là nơi đóng của Trường Dự bị Đại học Liên khu IV trong 3 năm liền.

Nhập hai Phân hiệu, có thêm thầy Trương Tửu, thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy Đào Duy Anh… đội ngũ các thầy thêm hùng hậu; chúng tôi có thêm bạn mới: anh Lại Đức Khái, anh Bùi Hoàng Phổ và nhiều anh em khác…

Chúng tôi trú và học ở thôn Cầu Kè, còn lớp Toán - Lý - Hóa ở thôn Lư Khánh. Cách chúng tôi khoảng 5km là Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền từ Liên khu III sơ tán vào đóng gần thị trấn Hậu Hiền. Học sinh trung học vui vẻ trẻ trung nên hay biểu diễn văn nghệ và lần nào có cuộc vui, chúng tôi thường hay sang đó dự và rất lấy làm thích thú!

Các thầy của chúng tôi ở tập trung trong một thôn, cách lớp học dăm km. Vào khoảng đầu năm 1953 là thời điểm khởi đầu phát động quần chúng của Cải cách Ruộng đất. Chúng tôi nghe tin các thầy Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh bị địa phương đưa ra đấu tố! Chúng tôi rất lo lắng dẫu biết rằng các thầy chẳng liên quan gì đến ruộng đất! Cũng may là hình như thầy Trần Văn Giàu đã lên can thiệp và các thầy cũng được giải thoát!

Hè 1953 kết thúc khóa học một năm rưỡi của Trường Dự bị Đại học. Nhà trường thông báo sẽ mở tiếp lớp Sư phạm cao cấp trong 6 tháng cuối năm 1953. Nhiều anh em theo học tiếp lớp này và khi ra trường đều đi dạy Văn cấp 3.

Riêng nhóm ba sinh viên miền Nam chúng tôi không muốn đi dạy mà mỗi người tự định hướng khác cho mình. Giữa năm 1953 tôi về thị xã Thanh Hóa, vừa làm gia sư ở nhà ông Lang y Tứ Hải tại Nhồi, cách thị xã 2km, vừa dạy một số giờ tại trường Tư thục Cù Chính Lan. Vào lúc này tôi được tin Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã Hoàng Tuấn ở Việt Bắc thông báo tuyển Phóng viên và Biên tập viên đi học ở CHDC Đức, tôi liền nộp đơn xin ứng tuyển. Tôi mong ước và chờ đợi, nhưng bước sang năm 1954 lại được nghe tin hoãn tuyển sinh lớp này. Thì ra đó là thời điểm tất cả dành cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp theo là Hiệp định Hòa Bình, tiếp quản Thủ đô. Cuối tháng 10-1954, sau 5 ngày đi bộ từ Thanh Hóa, tôi và Bùi Vân Nghĩa về đến Hà Nội, còn Nguyễn Thành Trai muốn trở về Liên khu V nên không đi cùng 2 chúng tôi.

Niềm vui vỡ òa, đêm đầu tiên về đến Thủ đô, chúng tôi thỏa sức ngắm cảnh phố phường, nơi nào cũng đẹp, cũng kỳ thú, cũng hấp dẫn; đi ngang qua phố Phan Bội Châu, nhìn Đại sứ quán Ả Rập nhưng chúng tôi cứ tưởng là cung điện của vua chúa nào vì vẻ đẹp lộng lẫy với bao nhiều đèn lấp lánh rực rỡ!

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Nguyễn Hoàng Tuyên - Còn tiếp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn