VIẾT TAY KHÔNG QUAN TRỌNG NỮA

Thứ sáu - 02/09/2016 15:24

(NCTG) “Lịch sử được trải đầy những mất mát tương tự; ta có thể thấy còn mấy người khắc chữ trên đá, nhúng đầu bút vào mực hay lướt tay trên bàn phím máy chữ? Sẽ chẳng có thiệt hại nào cho trí thông minh của con cái chúng ta. Các giá trị văn hóa được ta gắn với chữ viết tay sẽ biến đổi khi chúng ta thay đổi, như chúng đã từng suốt 6.000 năm qua”.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Tôi từng nghĩ rằng các chính trị gia có đủ chuyện để tranh cãi với nhau. Thực sự thì không: các cơ quan lập pháp khắp đất nước đang tranh luận về tương lai của lối viết chữ thảo (*cursive, chữ viết liền với các nét cong - ND).

Khi Tiêu Chuẩn Cốt Lõi Chung (Common Core standards) được công bố năm 2010, chữ viết tay bị đẩy lùi ra sau đánh máy. Trường học cần đảm bảo rằng tất cả học sinh từ lớp Bốn “có đủ các kỹ năng đánh máy”, nhưng cũng được yêu cầu dạy học sinh “các điểm cơ bản về viết chữ in” ở mẫu giáo và lớp một. Chữ thảo bị bỏ qua hoàn toàn.

Việc này khiến nhiều giáo viên, phụ huynh và các nhà lập pháp giận dữ. Ít nhất chín tiểu bang và nhiều học khu đã vận động thành công việc mang chữ thảo quay lại trường công và trường bán công đặc cách, nhiều dự luật tương tự đang chờ duyệt ở những nơi khác.

Người ta nói việc suy giảm việc viết tay như là bằng chứng cho sự suy tàn của nền văn minh. Nhưng nếu mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh trở thành một người trưởng thành thành công, có công ăn việc làm, thì đánh máy hữu ích hơn viết tay là điều không thể bàn cãi. Chỉ có vài trường hợp mà viết tay là cần thiết, và số này thậm chí còn ít đi sau khi học sinh kết thúc lớp Hai.

Nếu việc viết chữ in vẫn là kỹ năng hữu ích dù hiếm khi sử dụng, chữ thảo đã được loại trừ. Thực sự, mục đích của nó chỉ đơn giản là tính thực dụng - nếu không phải nhấc bút khỏi giấy, người viết có thể viết nhanh hơn. Chữ thảo xuất hiện ngay buổi đầu của việc viết lách: Người Ai Cập đã phát minh một trong những loại chữ thảo đầu tiên, chữ bình dân, giúp các thầy lục sự ghi chép các giao dịch và luật Pharaon nhanh hơn so với chữ tượng hình.

Thật vậy, mong muốn được viết nhanh đã thúc đẩy sự đổi mới suốt lịch sử: bút bi thay thế bút lông; máy đánh chữ thay cho bút; và máy tính còn nhanh hơn máy chữ. Sao ta lại phải quay trở lại?

Một số chuyên gia cho rằng viết tay mang lại lợi ích cho trí não trẻ em. Giáo sư Virginia Berninger ở Đại học Washington nói rằng “viết tay - tạo hình nên từng con chữ giúp kết nối đầu óc, và có thể giúp trẻ em chú ý hơn đến ngôn ngữ viết”. Một nghiên cứu năm 2012 trên 15 trẻ em cho thấy việc viết chữ bằng tay có thể trợ giúp việc học đọc. Nhưng dường như không có sự khác biệt giữa chữ in và chữ thảo. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy sinh viên đại học ghi chép bằng tay các bài giảng ghi nhớ thông tin tốt hơn so với những người gõ phím, nhưng điều này có thể chỉ ra rằng viết tay chậm hơn khiến sinh viên phải chọn lọc hơn những gì họ viết ra. Có lẽ, thay vì chứng minh viết tay ích lợi hơn so với đánh máy, nó chứng tỏ ta cần dạy thêm về phương pháp ghi chú.

Mục tiêu của dạy viết sớm là giúp trẻ em đạt được “nhận thức tự động” về viết lách - khả năng viết nên câu chữ mà không cần đến ý thức - càng sớm càng tốt, để chúng có thể suy nghĩ về những gì muốn nói thay vì cách viết ra các chữ ấy. Nhiều học sinh hiện nay có thể gõ phím tự động - không cần nhìn vào bàn phím - ở tuổi ngày càng nhỏ hơn, thường là lớp bốn. Điều này cho phép chúng tập trung vào những mối quan tâm bậc cao, như cấu trúc tu từ và chọn lựa từ ngữ.

Một số người còn cho rằng việc học chữ thảo dạy kỹ năng vận động. Nếu thế thì nhiều môn khác dễ thấy là hữu ích hơn, như nấu ăn, may vá hay làm mộc, nhưng rất ít người đòi mang chúng trở lại trường học.

Những lập luận này phần lớn là các luận điểm bên lề cho vấn đề chính yếu, là văn hoá. Trong tháng Tư, khi Thượng viện Louisiana bỏ phiếu đưa chữ thảo quay lại chương trình học ở trường công, các thượng nghị sĩ hét lên “America!” để ăn mừng, như thể học viết chữ thảo là hành động yêu nước.

Một tháng sau, Alabama yêu cầu giảng dạy chữ thảo trong các trường công vào cuối năm lớp ba bằng “Luật Lexi”, đặt theo tên cháu gái của dân biểu Dickie Drake; ông Drake tin rằng “chữ thảo viết tay thể hiện bản sắc của bạn như chính cơ thể bạn vậy”. Như thể là, chữ viết của thể hiện thứ gì đó độc đáo và không thể chối bỏ bên trong con người ta.

Trong hầu hết lịch sử nước Mỹ, chữ thảo lại làm điều ngược lại. Thành thạo nó thực ra là một việc tẻ ngắt lặp đi lặp lại, cốt làm sao để chữ viết tay của mỗi học sinh giống với mẫu chữ chuẩn. Vào giữa thế kỷ 19, đó là mẫu chữ Spencer. Rồi thay thế bằng Phương pháp Palmer, có tính cơ bắp và nam tính hơn, phù hợp với thời đại công nghiệp - một kiểu viết “đơn giản và nhanh chóng” như Austin Palmer mô tả, để thay thế Spencer ẻo lả hơn. Học sinh được dạy dỗ để trở thành “máy viết”, phải giữ cánh tay và vai của chúng trong những tư thế kỳ cục để thành những máy khoan chữ cật lực.

Người ta cũng tin rằng thành thạo phương pháp Palmer sẽ giúp học sinh thành các tín hữu tốt hơn, người nhập cư hòa nhập Mỹ-hóa hơn (qua “hiệu ứng gột rửa mạnh mẽ” của nó), trẻ em hư trở nên tốt hơn (“bước đầu trong việc cải tạo trẻ chểnh mảng”) và công nhân siêng năng hơn (vì chữ có ít đường cong và nét hơn chữ Spencer).

Cha ông chúng ta ở thế kỷ 19 và 20 gắn các giá trị của họ vào chữ viết tay, cũng như chúng ta đang làm với các ý niệm của chúng ta về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa yêu nước hay bản sắc cá nhân. Như thể những vòng lượn lặp lại.

Chúng ta cũng thấy những cuộc tranh luận tương tự về ý nghĩa của chữ viết tay trong những thời điểm chuyển đổi lịch sử khác. Trong thời đầu Trung cổ, các giáo sĩ đã kêu gọi ngừng sử dụng chữ viết kiểu La Mã vì nó trông quá ngoại giáo và cần dùng chữ viết có tính Công giáo hơn. Vào thế kỷ 16, Erasmus viết một đoạn đối thoại trong đó các nhân vật viết bằng chữ Phục hưng giàu sức sống phàn nàn về vẻ “man di” của chữ Gothic mà họ cho là ít văn minh. Họ cũng than phiền rằng phụ nữ có chữ viết tay lộn xộn và nóng vội. (Ngày nay, phụ nữ được nhìn nhận là viết chữ tốt hơn nam giới một cách tự nhiên, phần lớn là vì chữ viết tay được giảng dạy ở độ tuổi nhỏ hơn, khi các kỹ năng vận động của bé gái phát triển hơn).

Chữ thảo không gắn nhiều hơn với lòng yêu nước so với chữ Gothic với man di, hoặc phương pháp Palmer với Ki-tô giáo. Các cuộc tranh luận về chữ viết tay hé lộ những thứ xã hội xem trọng hay sợ hãi; chứ không thực sự về đức hạnh hay trình độ văn hóa của trẻ em.

Cuối cùng, những người ủng hộ chữ thảo hiện thường lập luận rằng những học sinh không học chữ thảo sẽ không thể đọc nó - “chúng sẽ không thể đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” - nhưng quả là sai. Đọc văn bản gốc viết ở thế kỷ 18 ấy là khó khăn với hầu hết mọi người biết chữ thảo, mẫu chữ ấy giờ đã xa lạ. Phần lớn các tư liệu lịch sử không thể đọc được bởi bất cứ ai trừ các chuyên gia, hoặc chúng được viết bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.

Thực sự, những thay đổi mang đến bởi thời đại kỹ thuật số có thể tốt cho người viết lẫn việc viết lách. Đạt được tính tự động nhanh hơn trên bàn phím, học sinh lớp ba ngày nay có thể trở thành người viết tốt hơn một khi viết tay chiếm ít thời gian giáo dục hơn. Bàn phím là một lợi điểm cho học sinh kém khả năng luyện tập vận động tinh, cũng như học sinh với chữ viết tay xấu, những người bị xếp loại thấp hơn so với người viết gọn gàng, bất chấp nội dung họ thể hiện. Điều này được gọi là “hiệu ứng chữ viết tay” được Steve Graham ở bang Arizona chứng minh, ông phát hiện ra rằng “khi các giáo viên được yêu cầu đánh giá nhiều bản của cùng một bài luận, chỉ khác nhau ở độ dễ đọc, bài viết gọn gàng được cho điểm cao hơn hẳn về chất lượng tổng thể so với bài chữ xấu”. Đánh máy san phẳng sân đấu.

Chúng ta có thể là thế hệ viết lách vui vẻ nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu hết học sinh và người lớn viết nhiều hơn hẳn mỗi ngày so với 10 hoặc 20 năm trước đây, họ thường viết mail, nhắn tin qua mạng xã hội, gởi tin nhắn thay vì nói chuyện điện thoại hoặc thăm gặp. Một người càng viết nhiều càng trở thành một người viết tốt hơn. Không có bằng chứng cho thấy “từ ngữ mới” như LOL thâm nhập vào viết lách học thuật, hoặc làm học sinh mắc nhiều lỗi hơn. Thay vào đó, có bằng chứng là sinh viên đại học đang viết các tiểu luận phức tạp hơn, và dài gấp đôi, so với thế hệ trước đây. Lũ trẻ sẽ ổn cả thôi.

Mặc cho sự phản ứng gần đây, việc viết tay sẽ dần trở thành một góc ngày càng nhỏ trong giáo dục tiểu học. Đó là một mất mát - tôi không phủ nhận điều đó. Sự di chuyển của đầu bút dọc trang giấy hẳn là thú vị, dịu êm và đầy quen thuộc. Và thật xúc động khi xem lại những nét vòng, nét sổ đặc trưng của người thân thế hệ trước.

Nhưng là một người thuận tay trái với chữ viết tay tồi tệ và phải theo dõi cuộc chiến của con trai để thành thạo chữ thảo - suốt lớp ba nó đã phải ở lại lớp trong giờ giải lao vì viết chữ j bị ngược - sự mất mát ấy tôi có thể cho qua. Lịch sử được trải đầy những mất mát tương tự; ta có thể thấy còn mấy người khắc chữ trên đá, nhúng đầu bút vào mực hay lướt tay trên bàn phím máy chữ? Sẽ chẳng có thiệt hại nào cho trí thông minh của con cái chúng ta. Các giá trị văn hóa được ta gắn với chữ viết tay sẽ biến đổi khi chúng ta thay đổi, như chúng đã từng suốt 6.000 năm qua.

(*) Nguyên tác: “Handwriting Just Doesn’t Matter” của Anne Trubek, sáng lập viên/giám đốc Belt Publishing, tác giả của “Lịch sử và tương lai bất định của chữ viết tay”. Bài viết đăng trên tờ “Thời báo New York” (The New York Times) số ra ngày 20-8-2016.

Phan Lặng Yên chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh


 
 Từ khóa: chữ viết tay
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn