(NCTG) “Những cỗ tăng, họng pháo, máy bay... cồng kềnh xù xì kia, công sức của hàng triệu người làm nên, sẽ chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng để giữ hòa bình, bảo vệ cái Thiện. Nó phải như một người canh gác, kiềm tỏa cái Ác, không để cho cái Ác lộng hành, chứ không phải giúp cái Ác trỗi dậy và hoành hành”.
Bên trong Bảo tàng Quân sự Bỉ
Trở lại Bảo tàng Quân đội Bỉ sau nhiều năm, nhận thấy có một số thay đổi. Trước hết là giờ phải mua vé vào cửa chứ không được miễn phí như những năm trước (có thể vì lý do bảo trì và tăng cường an ninh), mặc dù bảo tàng chắc chắn vẫn được nhà nước chu cấp.
Ba-lô phải gửi bên ngoài (cho vào tủ kính trong suốt khóa mã số), nhưng cũng chưa tới mức phải scan quét cả túi xách tay như nhiều nơi khác. Tuy nhiên, lưu ý là bảo tàng không nhận tiền mặt: dù vé chỉ 5 Euro/người cũng phải trả bằng thẻ ngân hàng.
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là bảo tàng treo nhiều tranh hơn trước, đoán uớc chừng gấp ba lần. Vào trang web của bảo tàng, được biết bảo tàng giờ đã có một bộ sưu tập chừng 1.500 tranh, tượng, phác thảo về chủ đề chiến tranh. Quả rất ấn tượng! Thầm hy vọng trong thời gian tới bảo tàng mở thêm khu vực trưng bày riêng các tranh tượng này.
Ngay sảnh tiếp tân tại bảo tàng, ở vị trí trang trọng nhất là bức tranh vua Leopold I cưỡi ngựa khổ lớn, do họa sĩ Eugène Verboeckhoven vẽ năm 1852. Ông là vị vua đầu tiên của Bỉ, cũng là một nhà quân sự ngoại giao khá tài ba. Ngày ông tuyên thệ tại Brussels năm 1831 được chọn làm ngày Quốc khánh Bỉ: 21-7.
Bức họa khổ khá lớn, bố trí ánh sáng đẹp, thể hiện một vị vua cưỡi ngựa oai phong ngay tiền cảnh. Xa xa một đám đông giáo gươm mũ mão ngựa hí rầm rộ tin tưởng đi theo sự dẫn đường của vị chỉ huy trong ánh rạng đông của ngày mới. Mặc dù không phải bức vẽ đẹp nhất về vua Leopold, nhưng tôi tin đây là bức thích hợp nhất để treo ở Bảo tàng Quân đội.
Họa sĩ cũng khá thành công khi thể hiện thần thái của nhà vua. Điềm tĩnh, vừa phải, không lên gân lên cốt, không khoa tay chỉ trỏ, hô hào ồn ào... Vị chỉ huy dẫn dắt đội quân mặc trang phục thời đó, ngồi vững vàng trên ngựa, đeo dải băng chéo màu đỏ sậm thể hiện thân thế hoàng gia và vị trí đứng đầu.
Một bức tranh rất đẹp, chỉ có tí băn khoăn, để vẽ thì được, còn ra trận mà đeo một đống huân chương thế kia, liệu có nặng nề vướng víu không? Cá nhân tôi thấy ở bức tranh này, được thể hiện tuyệt nhất chính là con ngựa màu trắng, toàn thân phát sáng - như thể nó mới là nhân vật chính chứ không phải nhà vua.
Chứ gì, nhờ nó nhà vua mới tỏa sáng. Nhà vua ra trận không có ngựa mà cuốc bộ (kể cả có giày Nike Air) thì ra đến nơi giặc cũng chả thèm bắn. Nhìn chân con ngựa kìa. Nó mới là anh hùng, bốn chân nó nhuốm màu xám đặc của khói bụi chiến trận.
Nó đã từng đưa nhà vua đi qua bao nhiêu ngàn dặm? Đã từng chạy đủ nhanh khi cần thiết. Và đôi mắt nó, ôi họa sĩ giỏi ở chỗ này. Đôi mắt nó nhuốm màu lo âu. Vâng, nhiệm vụ của nó không phải đưa vị chỉ huy đi dạo. Nó là con ngựa chiến, nó đã đi qua nhiều nơi, trải nghiệm nhiều phen sinh tử, và nó hiểu điều đó biết bao.
Thân hình nó vẫn cuờng tráng khỏe khoắn, nhưng ai biết trước tương lai thế nào? Để nhà vua ngồi cân bằng trên lưng, nó vẫn nhấp vó chân bước đi. Nó chưa dừng được. Phía trên, bầu trời vẫn có những đám mây xám.
Các tác phẩm trong bảo tàng đến từ hơn một trăm họa sĩ, trong số đó nhiều người từng bị tù đày trong thời gian Thế chiến.
Một bức tranh của họa sĩ J. Buysse, hỏi nhân viên bảo tàng thì họ bảo không rõ vẽ năm nào, nhưng tên tranh thì là “Cuộc không kích London” (Attack on London by air), thể hiện Chiến dịch Blitz, khi quân đội phát-xít Đức không kích London khoảng năm 1940-41. Chừng hơn 20 ngàn thường dân đã thiệt mạng và hơn một triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Bức tranh đỏ rực những lửa và bóng máy bay đen như những bóng ma lượn trên đầu một thành phố đang sụp xuống dưới cuộc oanh tạc. Như đã biết, chiến dịch Blitz này của Đức phát-xít, nhằm dập nhuệ khí và buộc Anh quốc phải đầu hàng, đã không thành công.
Đi giữa những chiếc máy bay khổng lồ đã từng lượn trên cao, nhiều chiếc đã gỉ sét với thời gian, có những chiếc “về hưu” ở đây chỉ vì cũ quá, nhưng cũng có nhiều chiếc đã rơi xuống trong các trận chiến, một số khác vì tai nạn trong các cuộc tập huấn. Những cỗ động cơ cháy đen...
Máy bay rơi thì có nhiều nguyên nhân, có thể do thời tiết, do trục trặc kỹ thuật, thậm chí một con chim nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây ra một tai nạn máy bay. Nhưng gì thì gì, số máy bay rơi trong chiến tranh vẫn là nhiều nhất khi bị con người chủ động bắn hạ.
Khu pháo, tăng có một phù điêu tượng đồng khá lớn, cao chừng 5 mét. Một vị nữ thần đứng giữa cầm vòng nguyện quế sẵn sàng trao cho người chiến thắng. Tôi chợt nhận ra, từ thời mông muội tới nay, con người vẫn chưa ngừng giao chiến, từ kiểu thô sơ cho tới kiểu hiện đại.
Từ cưỡi ngựa bắn cung, ném đao, cho tới súng ống, tên lửa, bom đạn, và thậm chí cả vũ khí hóa học... Khác hình thức, nhưng bản chất vẫn là bắn giết loại trừ nhau. Điều đó còn cần thiết cho tới khi nào? Hay có thể là mãi mãi? Không ai biết được. Cuộc chiến nào mà không có lý do, nguyên nhân.
Con người ta đâu chỉ khác nhau về màu da, trang phục, sở thích ăn uống... Một khi quá khác nhau về quan điểm sống, về hệ tư tuởng, về định nghĩa các giá trị nhân văn, và nhất là khi xung đột về lợi ích không thể đối thoại, súng sẽ lên đạn, pháo sẽ lên nòng, máy bay sẽ cất cánh...
Một điểm mới nữa tôi nhận thấy trong chuyến thăm bảo tàng kỳ này là có những trò chơi dành cho trẻ con được bố trí rải rác trong khu vực tham quan. Đây là điểm tôi thấy hay, nó mở ra một hình ảnh khá trực diện về chiến tranh, về hòa bình và ý nghĩa của hòa bình cho khách tới xem.
Bất giác, tôi chợt đặt câu hỏi. Nếu không có những máy bay, tàu chiến, tăng pháo, súng đạn kia. Nếu loại bỏ hẳn chúng đi, không có cảnh sát và quân đội nữa, liệu trẻ em có được thực sự vui chơi trong hòa bình không?
Thời đó, nếu Đồng minh không chống trả Đức phát-xít bằng nỗ lực quân sự, liệu hòa bình có tự nhiên đến? Hitler sẽ bỗng nhiên dừng tay hay đi xa hơn nữa trong chiến dịch thảm sát? Một điều chắc chắn, cái giá của hòa bình là không hề rẻ.
Những cỗ tăng, họng pháo, máy bay... cồng kềnh xù xì kia, công sức của hàng triệu người làm nên, sẽ chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng để giữ hòa bình, bảo vệ cái Thiện. Nó phải như một người canh gác, kiềm tỏa cái Ác, không để cho cái Ác lộng hành, chứ không phải giúp cái Ác trỗi dạy và hoành hành.
Cũng như ngày và đêm, cuộc sống có cái Thiện thì cũng có cái Ác. Nó tồn tại ngay ở mỗi con người . Nhưng môi trường nào để cái Thiện nảy mầm và đuợc nuôi dưỡng thì ở đó con người hạnh phúc, bình an. Còn môi trường nào tạo điều kiện cho cái Ác trồi lên hoành hành, thì chốn đó cuộc sống trở thành địa ngục.
Nói rằng con người chưa ngừng chinh chiến cũng đúng, mà bảo con người không ngừng đấu tranh, cũng không sai.
Thiện và Ác, một cuộc đối thoại chưa thấy hồi kết.
R.I.P. tất cả những người anh hùng bốn phương, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, có huân chương hay không, đã ngã xuống vì hòa bình, vì chính nghĩa trên thế giới này.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...