(NCTG) “Chính Sè Goòng làm nên Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Một Sè Goòng trung hậu và hồn nhiên trong buông thả và kỷ luật, một Sè Goòng nền nếp và ăn chơi trong khiêm nhường và học hỏi, một Sè Goòng tiến bộ và lương thiện trọng nghĩa trọng tình…”.
Bùng Binh Sè Goòng (khi chưa bị san bằng năm 2014) - Ảnh: Internet
Trước 1954, Người Pháp gọi Sài Gòn là “La perle de l'extrême-orient/Ngọc Trai Viễn Đông”. Người Việt bỏ quên chữ Perle là Ngọc Trai chỉ còn Hòn Ngọc Viễn Đông. Châu Âu không có ngọc trai. Thời nữ hoàng Victoria nước Anh ngọc trai cực quí chỉ dành cho hoàng gia và quí tộc, người thường cỡ mình đeo lạng quạng chém đầu.
Năm 1859, người Pháp chiếm Gia Định, năm 1912 người Pháp chính thức bảo hộ ba xứ Maroc, Algérie và Tunisie đầy ắp tài nguyên và chiếm vị trí chiến lược hàng hải. Người Pháp gọi thị xã Saïdia thuộc tỉnh Berkane, biên giới hai nước Maroc-Algeria, là “La Perle Orientale/Hạt Trai Phương Đông” hay “La Perle Bleue/Hạt Trai Xanh” nằm dựa ngay biển Địa Trung Hải xanh biếc. Có lẽ vì vậy người Pháp cũng đặt tên Sài Gòn là Hạt Trai, khoe ngầm sự chiến thắng của Đế quốc Pháp trải từ Bắc Phi tới Viễn Đông.
Sè Goòng từ 1954 - 1975
100 năm trước 100 năm sau không có một Sè Goòng như thế. Chèng ơi, zắc này hổng biết phải đọc phải viết bao nhiêu cuốn sách cho vừa bụng anh? Ngày nay, có người tiếc nuối Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Quả là có nhiều điều tiếc nuối, nhưng quên mất tiêu điều ngược lại: hổng phải Tổng Thống Ngô Đình Diệm làm nên Sè Goòng, mà chính Sè Goòng làm nên Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Một Sè Goòng trung hậu và hồn nhiên trong buông thả và kỷ luật, một Sè Goòng nền nếp và ăn chơi trong khiêm nhường và học hỏi, một Sè Goòng tiến bộ và lương thiện trọng nghĩa trọng tình… Đã ai bao giờ hỏi: “Sao (Tổng thống Ngô Đình Diệm) hông chọn cố đô Huế mà chọn Sè Goòng làm thủ đô chi vậy? Nếu ông chọn cố đô Huế thì sao?”.
Sè Goòng từ 1975 tới nay
Vật lại đổi sao lại dời. Sao Hôm mọc đàng Tây sao Mai mọc hừng Đông dù hai sao là một dù người Việt vẫn thương nhau như thuở Mẹ về với Cha. Người lật đật lìa bỏ Sè Goòng đi tìm cái sống trong cái chết. Người nhào tới Sè Goòng kiếm chác danh vọng om sòm khoe thắng khoe thua tìm chút cơm chút cháo chiếm biệt thự chiếm nhà cao. Người ta ồ ạt nhận là “Người Sài Gòn” cũng như huyên náo nhận là “Người Hà Nội”. Tên Hòn Ngọc Viễn Đông thường được nhắc tới nhắc lui bắt mệt mà hông thèm nói tên có từ đâu. Thậm chí Sè Goòng bị chê là xô bồ dơ dáy “Ngọc giống gì, hòn đá thì có”. Hoa Mười Giờ Sè Goòng chỉ cười hổng cãi chi cho mệt cầm canh. Sè Goòng như tình yêu. Yêu thì đừng cãi cãi thì khỏi yêu. Hổng yêu thì thôi đi đi cho khuất mắt, có đứng ca cải lương thâu đêm suốt sáng đổ lệ hai ba hàng Sè Goòng cũng chẳng màng.
Tháng Bẩy năm nay, Cô Ba nắng Sè Goòng vén khăn rằn từ trên cao nhìn xuống ngó hai buổi ra mắt sách. Tên Sè Goòng ngon lành trên bìa sách. Một bộ ba cuốn về Sè Goòng xưa của công tử Nam Kỳ Nguyễn Đức Hiệp, “Sài Gòn - Cholon, Thể Thao và Báo Chí trước 1945”, “Sài Gòn - Chợ Lớn”; và “Sài Gòn Không Phải Ngày Hôm Qua” của Nhóc-Petrus Ký Phúc Tiến.
Tên “Sài Gòn”, gai nhọn hay mật ong, chua dâu da hay thơm mít tố nữ, đắng khổ qua hay vú sữa mềm môi? Có lẽ tên “Sài Gòn” không còn là một sợ hãi tiềm ẩn như mươi năm trước? Lảng òm, đánh đứa nào cũng thắng sợ đách gì một cái tên? Sách viết những gì? Ới này cô Tư cô Năm muốn biết thì tìm mà đọc. Cô Sáu Sè Goòng biết cũng hổng nói bị vì Cô Bẩy Sè Goòng chỉ quen Dạ chứ hổng có Thưa hèn chi Cô Tám Sè Goòng hông dám trả lời câu hỏi “tại sao tới giờ những giá trị của Sài Gòn mới được nhắc lại” nếu trả lời đâu vào đấy cũng mất mười cuốn sách nếu đầu chưa bị chặt.
Tháng Bẩy năm nay, Cậu Chín Nguyễn Xuân Anh Tuấn vào Sở Thú Sè Goòng lặng lẽ lau chùi bồn hoa, con mắt nghệ sĩ người Sè Goòng thứ thiệt yêu Sè Goòng thứ thiệt biết thương hoa tiếc ngọc mới nhìn ra dưới lớp bụi thời gian mảnh Mosaic tuyệt vời ngủ say giữa ngàn lá xôn xao.
Hồ Leman, Geneve, Tháng Bẩy 1954
Nè Cô Mười Sè Goòng, nhắc Tháng Bẩy này đừng quên Tháng Bẩy kia nha. Một Tháng Bẩy đau đớn chìm trong quên lãng. 20-7-1954 tại Hội nghị Genève nước Việt Nam bị chia cắt ở sông Bến Hải dù Bác Sĩ Trần Văn Đỗ của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam miền Nam rơi lệ không chịu ký chia đôi đất nước; dù Huynh trưởng Hướng đạo Võ Thành Minh cắm lều tuyệt thực bên hồ Leman thổi sáo khóc thương. Thây kệ tía! Người ta vẫn chia đôi nước Việt hổng hỏi ý dân Việt. Bên hồ Leman đẹp như một giấc mơ, tiếng sáo vô vọng Võ Thành Minh chìm sâu dưới đáy.
Giữa muôn ngàn biến cố ấy… nắng Sè Goòng vẫn rực rỡ mỉm cười… cho đến năm 2030 khi một phần Lục tỉnh Miền Nam kể cả Sè Goòng có thể sẽ chìm dưới làn nước biển.
Lúc đó người Sè Goòng hôm nay sống sót có còn thì giờ tiếc Sè Goòng? Có còn náo nhiệt nhận Sè Goòng nhận Mỹ Tho nhận Châu Đốc nhận cô em Cần Thở Cần Thơ hò em lảnh lót bên bờ sông trăng?
Sè Goòng lúc đó hông cười nữa. Bông Mười Giờ hông còn nở. Ngọc Trai Sài Gòn thì đà tan vỡ từ lâu.
Trần Thị Vĩnh-Tường, từ California - Tháng Bẩy 2016
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...