(NCTG) Một năm trước khi ra đi, Bacon tâm sự với tạp chí “Paris Match”: “Tôi sẽ mãi theo đuổi hội họa, bởi tôi biết rằng tôi không bao giờ nắm bắt được nó”.
Francis Bacon ở Monaco năm 1981 - Ảnh: Eddy Batache (MB Art Collection)
Lời giới thiệu:Triển lãm 64 tác phẩm chưa từng được biết đến của danh họa Anh Francis Bacon (1909-1992) tại Trung tâm Văn hóa Grimaldi Forum (Monaco) kéo dài tới ngày 4-92016. Bài viết đăng trên tuần báo “Point de Vue”, số 3546 (tuần từ 6-7 đến 12-7-2016), Vân Lê chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp.
*
Trên một tấm vải lớn, gần như để mộc, bóng một con bò tót hiện ra.
Không có màu, chỉ một sắc ghi nhạt dần tinh tế cũng biến con vật cơ bắp sẵn sàng lao vào đấu trường, mang một dáng vẻ vừa lịch lãm vừa dễ vỡ. “Study of a Bull”, tác phẩm dở dang của Bacon, vẽ năm 1991, một năm trước khi ông mất. Trước khi được Martin Harrison phát hiện trong một bộ sưu tập cá nhân ở Anh, họa phẩm này chưa từng được giới thiệu ra công chúng. “Bacon đã thực hiện tác phẩm này sau cái chết của Michel Leiris, người khởi xướng việc đấu bò tót” - Martin Harrison cho biết.
Bức vẽ vắng bóng ở tất cả các cuộc triển lãm tưởng nhớ Bacon trước đó (ở Beaubourg năm 1996, ở Tate Modern năm 2009...), cuối cùng đã cho thấy sức mạnh của nó. Cách đó vài mét, gần như đơn sắc, là một bức họa của Bacon lúc còn trẻ, cũng ít được triển lãm. “Màu nước” (Watercolour), một bức vẽ năm 1929, cho Foudation Bacon mượn khi khai trương năm 2014. “Một bức rất quý hiếm, nhất là khi Bacon đã hủy hầu hết tất cả các tranh ông vẽ thời kỳ đầu” - Catherine Alestchenkoff, Giám đốc các sự kiện văn hóa của Forum Grimaldi nhấn mạnh.
Bà cũng nói về một bức tĩnh vật của Fernand Léger, khá có ảnh hưởng với họa sĩ. Cũng vậy, người ta có thể chiêm ngưỡng một bức vẽ khác của Bacon có vẻ hơi bắt chước “Arcachon”, một bức tranh biển của Jean Lurcat. “Bacon lúc đó khá thân với anh em nhà Lurcat ở Paris” - Martin Harrison nhắc lại. “Tôi tin chắc rằng Bacon đã học hỏi ở họ rất nhiều về hội họa, và cả về nội thất nữa”.
Một chủ ý của cuộc triển lãm này cũng muốn minh họa những mối nhân duyên kết nối Bacon với nước Pháp và Monaco. Năm 1927, những ngày đầu sống ở Chantilly, người họa sĩ đã sốc ra sao khi nhìn thấy những bức tranh của Picasso ở phòng tranh Rosenberg. Từ năm 1946, Bacon sống ở Monaco, nơi ông vẽ bức Giáo hoàng đầu tiên, lấy cảm hứng từ Vélazquez, sống trong nhiều biệt thự khác nhau với các người tình thời đó: nhà sưu tập Eric Hall, và cả cô Jessie Lightfoot.
Trong một tâm trạng yêu đời, thậm chí hơi quá đà, họa sĩ ghé sòng bài thường xuyên, say sưa với những vòng quay ngẫu nhiên và “các tai nạn” tới mức ảnh hưởng cả các bức họa của mình. Bacon mất khá nhiều tiền và rơi vào cảnh túng thiếu không mua nổi toile mới ở nhà Maison Franco de Nice, nơi ông thường mua màu và vải. Ông đã phải vẽ vào mặt sau của nhiều tấm tranh. Những đêm rã rượi rồi tới những buổi sáng tràn trề nắng, ngắm đường chân trời trên biển dường như khiến Bacon hồi lại.
“Tôi mê sống bên bờ biển này” - ông viết cho ngài Colin Anderson năm 1947. “Với ánh sáng này, ta luôn có cảm giác đang ở bên bờ của một bí ẩn thực sự”.
“Hội họa Pháp chưa bao giờ khiến ông ngừng say mê, dù đó là tác phẩm của Van Gogh ở Arles, hay của Gauguin, Degas, Toulouse Lautrec, Chardin, thậm chí cả Marie Laurencin” - Martin Harrison nói. Ông đã bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm từ nhiều nguồn, từ những cuốn nhật ký cho tới một số người thân cận với họa sĩ, để lần ra được dấu vết của một số bức tranh.
“Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bước vào trong một cung điện kiểu Ý khá lớn ở Grand Canal. Cùng với một nhà nhiếp ảnh, chúng tôi nhìn thấy một bức tuyệt đẹp của Bacon trong một khung kính mờ xước mà người ta thậm chí còn chưa bóc lớp phim bảo vệ ra”. Bức “Lying Figure” (Nằm úp mặt) câm lặng cho thấy một người đàn ông khỏa thân nằm trên giường.
Một tác phẩm khác cũng khá nặng ký, bức “Portrait of a Man Walking Down Steps” (Chân dung một người đàn ông đang bước xuống), vẽ ngay sau triển lãm ở Grand Palais (Paris) năm 1971.
Khi Bacon bước chân vào giới danh tiếng mà ông luôn mơ ước, cũng là lúc ông đối mặt với cái chết của người tình George Dyer, tự tử đúng hai ngày trước lễ khai mạc triển lãm ở Paris. Trên tranh, Dyer vừa lịch lãm với chiếc cà-vạt, vừa xiêu vẹo với bước chân (kiểu vẽ điển hình của họa sĩ) có vẻ như bám vào lan can một chiếc cầu thang ọp ẹp trước khi vĩnh viễn chìm vào bóng tối.
Một năm trước khi ra đi, Bacon tâm sự với tạp chí “Paris Match”: “Tôi sẽ mãi theo đuổi hội họa, bởi tôi biết rằng tôi không bao giờ nắm bắt được nó”.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...