KHOA VĂN THUỞ ẤY - BÂY GIỜ (Phần 3)

Thứ sáu - 16/09/2016 13:31

(NCTG) “Theo dòng thời gian nhìn lại 64 năm qua, tôi vui sướng, hân hoan, tự hào và hạnh phúc được sống, học tập và giảng dạy với Khoa Ngữ văn - mối tình đầu và cũng là tình cuối của tôi”.

Tổ Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1995

Tổ Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1995

Xem Phần 1 và Phần 2 của bài viết.

Châu về Hợp Phố - Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội

Tốt nghiệp, ra Trường, tôi được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông Lao động khu Tả Ngạn và Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh Hải Dương. Sau ba năm công tác, tôi được chuyển về Hà Nội dạy Trường Văn hóa Cán bộ trực thuộc Bộ Giáo dục đóng tại Mễ Trì trong hai năm. Ông Hiệu trưởng trường này là Nguyễn Lê Thiệu được Bộ cử đi xây dựng Trường Sư phạm 10+1 (sau lên 10+2) ở Thanh Hóa, rủ tôi đi cùng.

Tôi vào dạy ở Thanh Hóa ba năm thì Bộ có chủ trương mở Trường Sư phạm 10+2 tại Hà Bắc, cử anh Vũ Trần Thực đang là Hiệu phó Trường Sư phạm 10+2 Thanh Hóa ra làm Hiệu trưởng và tôi ra làm Trưởng ban Văn - Sử của trường mới. Ba năm sau, 1968, Trường Sư phạm 10+2 Hà Bắc được sáp nhập thành Khoa Cấp 2 thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1970, tôi được chuyển về giảng dạy ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Về đây, tôi vui mừng cảm thấy như mình được trở về nhà, được sống trong không khí ấm áp, thân quen!

Trong buổi họp Khoa đầu tiên của tôi, anh Lê Trí Viễn, Chủ nhiệm Khoa giới thiệu tôi với anh em, và trong phút giây xúc động đó, tôi đã lẩy một câu Kiều:
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc tự ngày nào kia!
    
Niềm ao ước từ mười mấy năm trước của tôi đến đây đã trở thành hiện thực!

Về Khoa Văn, tôi được gặp lại anh Lê Trí Viễn, Chủ nhiệm Khoa, anh Nguyễn Đức Nam, Tổ trưởng Tổ Văn học Nước ngoài, cả hai anh, tôi được tiếp xúc khi còn làm Trưởng ban Văn - Sử Khoa Cấp 2; được gặp lại các bạn thời Dự bị Đại học: anh Phan Trọng Luận, chị Đặng Thanh Lê, anh Nguyễn Xuân Nam, anh Bùi Hoàng Phổ, anh Trần Thanh Đạm…, cùng các bạn Văn khoa Sư phạm 1954-1957: Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Khắc Phi, Đặng Anh Đào, Thái Thu Lan, Lan Hương, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Thái Hòa.

Tôi cũng được làm quen với các bạn mới trong Tổ Văn học Nước ngoài: Lương Duy Trung và Lương Duy Thứ có mối quan hệ thân thiết với tôi vì hai anh là em chị Bích Thọ, chị dâu tôi, các anh Phùng Văn Tửu, Trần Xuân Đề, Đinh Việt Anh, Nguyễn Ngọc Ảnh, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Thị Hoàng, Lâm Ngọc Hoàn cùng các anh trong Khoa: Đỗ Hữu Châu, Đỗ Bình Trị, Thành Thế Thái Bình, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử và nhiều anh chị khác đã nhanh chóng trở thành những người bạn thân quý của tôi.

Hòa nhập với Khoa Văn, tôi say mê nghiên cứu, giảng dạy các phần Văn học Phương Tây: Văn học cổ đại Hy Lạp, Văn học Phục hưng các nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Văn học cổ điển Pháp. Tôi chỉ có một mong muốn là những bài giảng đó để lại trong sinh viên một ấn tượng nào đó, một tình cảm nào đó.

Còn nhớ vào năm 1978, Khoa Văn chủ trương giảng dạy chuyên đề sau Đại học trong các bộ môn, anh Nguyễn Đức Nam, Tổ trưởng Tổ Văn học nước ngoài đã tin tưởng giao cho tôi giảng chuyên đề Sau Đại học đầu tiên của Tổ Bộ môn và tôi đã chọn giảng chuyên đề “Sếc-xpia và chủ nghĩa hiện thực thời đại Phục hưng”. Anh Đức Nam là chuyên gia hàng đầu về Sếc-xpia (*) ở Việt Nam và cũng là người đòi hỏi cao về chuyên môn, học thuật, vậy mà anh lại khen chuyên đề của tôi rất có chất lượng!

Niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp bội khi học trò của tôi không chỉ ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội trong mấy mươi thế hệ mà còn ở nhiều trường Đại học, Học viện khác nữa: Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Xuân Hòa), Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du (từ khóa 1 đến khóa 6, trừ khóa 4 tôi đi Ý), Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Học viện Âm nhạc Hà Nội, Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp, Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ĐHSP Vinh, ĐHSP Cần Thơ… Ở đâu tôi cũng giảng dạy tận tình, say mê, gây được hứng thú và sự hấp dẫn, tạo được ấn tượng tốt đẹp cùng tình cảm mến mộ trong nhiều thế hệ sinh viên.

Những ngày Khoa Văn sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ đã lưu lại trong tôi vô vàn những kỷ niệm khó quên, một thời sống rất gian khổ mà vẫn lạc quan, yêu đời, và tình đồng nghiệp, tình thầy trò chưa bao giờ đẹp đến như vậy! Dạo ấy, anh Lưu Đức Trung - người bạn tri kỷ của tôi - thường xuyên đi cùng tôi khi thì Đan Phượng, khi thì Yên Mỹ, Văn Giang giảng dạy nơi sơ tán, chung sống trong nhà dân, chia ngọt sẻ bùi, thân thương biết mấy!

Làm sao quên được chuyến Nam du sau ngày giải phóng của 3 chúng tôi - Phùng Văn Tửu, Lưu Đức Trung và tôi - mà chúng tôi thường đùa vui là ba chàng ngự lâm pháo thủ, vào Sài Gòn đầu năm 1979. Phùng Văn Tửu ở lại Sài Gòn giảng cho Đại học Sư phạm TP. HCM, Lưu Đức Trung và tôi xuống giảng cho Đại học Cần Thơ, ngày ăn toàn cá, đêm nằm nghe cá quẫy dưới sàn. Rồi Tết năm đó chiến tranh Tây Nam xảy ra, chúng tôi bị kẹt lại một thời gian, may mà về được Hà Nội nhưng cũng đã qua dịp Tết.

Hè năm 1986, Bộ Giáo dục thông báo là Bộ Ngoại giao Ý sẽ chọn một người đã từng giảng dạy Văn học Ý sang nghiên cứu Văn học Ý và học tiếng Ý trong thời gian 8 tháng. Cũng không ít gian truân, nhưng cuối cùng tôi được chọn đi vào dịp đó. Cùng đi với tôi là một cán bộ giảng dạy ở trường Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao. Lần đầu tiên bước chân đến một nước tư bản, chúng tôi vô cùng vui mừng nhưng cũng hết sức bỡ ngỡ! Tôi đã hăng say và thích thú học tập lớp tiếng Ý, trong vòng 6 tháng xong chương trình của 12 tháng bởi lợi thế biết tiếng Pháp, mà trong tiếng Ý có đến ba, bốn mươi phần trăm tiếng Pháp. Còn nhớ tôi đã viết hai câu chuyện bằng tiếng Ý về “Quả táo vàng” trong thần thoại Hy Lạp và “Trương Chi” trong truyện cổ Việt Nam tặng cho cô bạn học người Hy Lạp và cô đã ngỡ ngàng và thích thú như thế nào!

Tôi về hưu cuối năm 1999, kết thúc một chặng đường dài ba mươi năm gắn bó với Khoa Ngữ văn với biết bao vui buồn, được mất, thành bại, nhưng trên hết là lưu giữ một ân tình sâu nặng về tình bạn, tình đồng nghiệp và tình thầy trò qua nhiều thế hệ cho mãi đến nay còn in đậm trong tâm trí tôi!

Hôm liên hoan chia tay Tổ Văn học Nước ngoài, anh Nguyễn Hải Hà, Tổ trưởng, viết tặng tôi mấy câu trên bưu thiếp “Tiễn anh Tuyên nghỉ hưu”:
 
Chia tay chợt thấy nặng lòng
Nhìn nhau nước mắt lưng tròng mến thương
Bên nhau dưới một mái trường
Nhớ nhau nhớ mãi chặng đường đã qua
.

Theo dòng thời gian nhìn lại 64 năm qua, tôi vui sướng, hân hoan, tự hào và hạnh phúc được sống, học tập và giảng dạy với Khoa Ngữ văn - mối tình đầu và cũng là tình cuối của tôi.

(*) William Shakespeare (1564-1616), đại văn hào Anh.

Nguyễn Hoàng Tuyên - Tháng 5-2016


 
 Từ khóa: Văn khoa
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn