REMBRANDT, THIÊN TÀI MÃI ĐI TÌM SỰ THẬT

Thứ hai - 03/10/2016 02:49

(NCTG) “Ba giai đoạn sáng tác của Rembrandt với bộ sưu tập các bức chân dung tự họa của ông và người thân, các tác phẩm thời trẻ và thời đã vững vàng, các bức họa, phác thảo, tranh khắc trong nhiều trạng thái khác nhau... cho thấy một thiên tài mãi đi tìm sự thật”.

“Chân dung Hendrikje Stoffels”, hiện trưng bày tại Triển lãm Quốc gia London (Anh Quốc), một tuyện phẩm được đánh giá là đã lột tả cả vẻ đẹp nhan sắc lẫn nội tâm của người phụ nữ

“Chân dung Hendrikje Stoffels”, hiện trưng bày tại Triển lãm Quốc gia London (Anh Quốc), một tuyện phẩm được đánh giá là đã lột tả cả vẻ đẹp nhan sắc lẫn nội tâm của người phụ nữ

Đối diện bức họa này, cái nhìn của nhân vật nữ khiến trái tim bạn bứt rứt.

Cái nhìn dịu dàng và trầm tĩnh, vừa tổn thương vừa muốn bảo vệ.

Đường cắt của chiếc áo để cho người xem đoán phần tuyết trắng nơi cổ. Một chiếc áo lông đắt tiền phủ qua vai, trong khi bàn tay phải vịn vào tay ghế. Thực sự rất quý phái. “Chân dung Hendrikje Stoffels”, nàng hầu của họa sĩ, người phụ nữ cuối cùng bên ông.

Ông đã muốn giới thiệu nàng như một phụ nữ rất quan trọng trong cuộc đời mình” - Peter Schatborn, người phụ trách triển lãm “Rembrandt intime”, nhấn mạnh. “Cô ấy đối xử cực kỳ tốt với ông. Và cùng với Titus, con trai của Rembrandt, cô đã bảo vệ ông khỏi các chủ nợ, khi ông định bán tất cả để tránh phá sản. Tiếc là cô ấy mất sáu năm trước khi họa sĩ ra đi và Titus thì mất 13 tháng trước cha mình”.

Bi kịch và vinh quang trộn lẫn trong cuộc đời của danh họa Hà Lan Rembrandt. Là con trai của một chủ nhà máy xay bột giàu có ở Leyde, ông sinh năm 1606. Mười bốn tuổi ông theo học họa sĩ Jacob Isaacsz van Swanenburgh, rồi sau đó theo học tại xưởng của họa sĩ Peter Lastman, chuyên vẽ các cảnh trong kinh thánh và thần thoại.

Rembrandt học được ở đó khá nhiều về kỹ thuật, màu sắc, bố cục, tuy nhiên cũng không lâu. Vì cậu học trò đã sớm tìm con đường riêng cho mình hướng tới cách diễn đạt, sức mạnh, và những bố cục tập hợp”, Peter Schatborn nói. Giai đoạn đầu tiên này đã mở màn cho triển lãm “Bối cảnh lịch sử” (La scène d'histoire) năm 1626 với các bức họa khổ lớn, màu sắc sống động, và những khuôn mặt phản chiếu tâm hồn các nhân vật.

Đối với Pierre Curie, người phụ trách bảo tàng Jacquemart-André, thì: “Rembrandt thường thích vẽ khổ nhỏ. Ở ông, sự thân thuộc cũng nằm trong những chủ đề được đề cập trong quá trình sáng tạo. Ông đã tìm tòi nhiều tới mức người ta có thể khám phá sự phát triển của ông ở mọi giai đọan cuộc đời”.
 
“Bữa ăn của những nguời hành hương ở Emmaus” (một kiệt tác về sáng-tối)
“Bữa ăn của những nguời hành hương ở Emmaus” (một kiệt tác về sáng-tối)

Sau Louvre, Jacquemart-André là bảo tàng thứ hai của Pháp trưng bày tác phẩm của danh họa này. “Bức “Chân dung bác sĩ Arnold Tholinxz” được Edouard André mua năm 1865. Bức “Bữa ăn của những người hành hương ở Emmaus” và bức “Chân dung công chúa Amalia ở Solms” được mua năm 1891 và 1892 với sự tham gia của Nélie Jacquemart” - Pierre Curie cho hay.

Ba bức trong bộ sưu tập cố định của bảo tàng về danh họa này đại diện cho ba giai đoạn chính trong cuộc đời Rembrandt: giai đoạn sáng-tối, giai đoạn hiện thực và giai đoạn cảm xúc sâu sắc của bản thể mà bức “Chân dung Hendrickje Stoffels” là một minh chứng hoàn hảo.

Cũng như bức “Titus đang đọc” (Titus lisant). Áng sáng rơi từ trên cao, xuống khuôn mặt, mái tóc, đôi bàn tay, và cuốn sách. “Đó là một bức chân dung khá trìu mến, của một người cha vẽ con mình. Và cậu con trai trong mắt ông cũng hơi giống mẹ” - Peter Schatborn mỉm cười. Vợ Rembrandt, tên là Saskia mất ở tuổi 30, được giới thiệu trong triển lãm này qua bức “Saskia và Flore”, vẽ năm 1634, một kiệt tác mượn của Bảo tàng Ermitage (Saint Peterburg, Nga).
 
“Saskia và Flore”
“Saskia và Flore”

Đó là giai đoạn mà nghệ thuật của bậc thầy rực rỡ với phong cách hiện thực (réalisme), một sự chính xác ngoạn mục. Trong bộ áo choàng bằng gấm vóc Phương Đông đắt tiền, Saskia đầu đội vòng hoa, hiện thân cho tuổi trẻ và sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, mượn ý từ thần thoại Hy Lạp về nữ thần Flore. 

Rembrandt sử dụng các tác phẩm của những họa sĩ khác để nuôi nấng những chủ đề về Phương Đông của ông, như khiến ông nghĩ đến trang phục của Saskia. Ở nhà ông có những sưu tập các tượng bán thân, tranh tượng, bản khắc... của Titien, Durer..., những vỏ sò, thanh gươm và nhiều vật khác mà ông sử dụng để vẽ vào tranh của mình.

Ông luôn luôn tìm tòi hiện thực trong từng chi tiết, để thể hiện sâu mỗi khuôn mặt, mỗi cảm xúc con người. Rất nhiều bức chân dung tự họa ông thực hiện ở giai đọan này. Ông dùng nó để nghiên cứu từng cung bậc cảm xúc của chính mình, trong gương
” - Pierre Curie nhận định. 

Cũng như Titien, Caravage, Rubens... Rembrandt là một bậc thầy về sáng-tối trong lịch sử hội họa thế giới.
 
“Cô dâu Do Thái”, một trong những bức nổi tiếng nhất của Rembrandt
“Cô dâu Do Thái”, một trong những bức nổi tiếng nhất của Rembrandt

Triển lãm có tên “Rembrandt intime” tại Bảo tàng Jacquemart-André (Paris) từ 16-9 cho tới ngày 23-1-2017 giới thiệu ba giai đoạn sáng tác của Rembrandt với bộ sưu tập các bức chân dung tự họa của ông và người thân, các tác phẩm thời trẻ và thời đã vững vàng, các bức họa, phác thảo, tranh khắc trong nhiều trạng thái khác nhau... cho thấy một thiên tài mãi đi tìm sự thật, theo bài viết đăng trên tạp chí “Point de Vue” số 3557.

Vân Lê lược dịch, từ Brussels


 
 Từ khóa: Rembrandt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn