“MONEY MONSTER” - TIỀN KHÔNG PHẢI KẺ THÙ

Thứ hai - 20/06/2016 02:50

(NCTG) “Tiền không phải là kẻ thù. Đồng tiền là một cách để thể hiện chúng ta thấy điều gì quý giá”, theo quan điểm của nữ diễn viên nổi tiếng, đạo diễn Jodie Foster.

Jodie Foster với vai diễn đáng nhớ trong bộ phim nổi tiếng “Người lái taxi”

Jodie Foster với vai diễn đáng nhớ trong bộ phim nổi tiếng “Người lái taxi”

Lời giới thiệu: Bốn chục năm đã trôi qua kể từ khi Jodie Foster đoạt giải Oscar cho vai diễn của cô trong phim “Taxi Driver” (Người lái taxi, 1976). Hiện ở tuổi 54, cô ít diễn hơn và tập trung cho vai trò mới của cô: đạo diễn phim.

“Money Monster” (Đồng tiền quái vật), bộ phim thứ tư của Jodie là một phim hành động thriller về những tác hại thảm khốc của chủ nghĩa tư bản hoang dã, với diễn xuất của hai diễn viên gạo cội Julia Robert và George Clooney.

Bài phỏng vấn sau với Jodie Foster được thực hiện bởi Lieven Trio, phóng viên chuyên về điện ảnh và bình phim của đài Studio Brussel, đăng trên nhật báo “Metro” số ra ngày 1-6-2016. Trân trọng giới thiệu (NCTG).

 
Poster của bộ phim
Poster của bộ phim

- Trong bộ phim, George Clooney đóng vai một người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp, bị bắt làm con tin. Nhưng thực ra thì chính chị cũng nhốt anh ấy trong phim này còn gì, vì anh ấy gần như phải diễn suốt từ đầu chí cuối phim.
 
V, phim này cũng không dễ tí nào với anh ấy. George phải thoại nhiều, diễn nhiều, và đảm nhiệm rất nhiều thứ: vừa chạy, vừa nhìn vào camera này camera kia, vừa phải thoại nữa. Đúng là với vai này anh phải làm rất nhiều. Nhiều tới mức chính anh cũng quên cả sự hài hước vốn có của mình (cười). Thường thì ở trường quay anh hay tếu táo làm các đồng nghiệp ôm bụng cười. Nhưng lần này thì không có thời gian.
 
- Phim này cũng không dễ với chính chị. Chị chưa từng làm phim nào thể loại thriller. Mà phim này thì lại còn khá nhiều cảnh quay trực tiếp nữa.
 
Vâng đúng vậy. Và lại còn có năm câu chuyện song song phải theo nữa. Phối hợp tất cả cùng lúc quả thật rất thách thức. Tôi có thể nói với anh rằng đây là bộ phim khó nhất mà tôi từng làm. Chúng tôi cũng may mắn có được những đóng góp tuyệt vời về kỹ thuật của những nhân vật dày dạn kinh nghiệm phim trường như Martin Scorsese, Oliver Stone, v.v…
 
- Kẻ bắt con tin Kyle thực ra cũng chỉ là một người rất bình thường. Anh ta bị mất tiền tiết kiệm do lỗi tư vấn đầu tư của người dẫn chương trình TV Lee Gates. Rồi anh ta đòi phải giải thích tiền của anh đi đâu. Hãy hình dung sự phẫn nộ mà tất cả chúng ta đều cảm nhận được sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
 
Kyle tìm kiếm câu trả lời. Nhưng anh chỉ nhận được một sự giải thích mơ hồ rằng đó là một “sai số” trong “thuật toán”. Đó là điều tất cả chúng ta đã trải qua trong thời kỳ khủng hoảng. Đối với đa số trong chúng ta, thế giới tài chính vẫn còn là một bí ẩn, một cái gì đó mà chúng ta có lẽ chả bao giờ hiểu được. Chúng ta nghĩ thế và nó đẩy chúng ta xa câu trả lời thực sự, khiến chúng ta đâm ra ngớ ngẩn.
 
- Bộ phim có phải là một sự phê phán đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại?
 
Tiền không phải là kẻ thù. Đồng tiền là một cách để thể hiện chúng ta thấy điều gì quý giá. Và điều đó đôi khi cũng rất khó hiểu, khi chúng ta áp dụng khái niệm lòng tự trọng vào đó.

Chúng ta có xu hướng so sánh các thành công và rủi ro của chúng ta với số tiền mà chúng ta có trong tài khoản. Điều đó không lành mạnh. Nhưng vấn đề không chỉ là tiền bạc, nó chỉ là phương tiện. Bộ phim cũng không phải là chống sự vận hành của chủ nghĩa tư bản. Thế giới tài chính không phải là một đế chế ma quỉ. Ngược lại, chính mọi người làm nên thế giới đó, để tạo ra công việc và sự tiến bộ.

Hãy xem hệ thống tín dụng, hiện giờ nó bị xem như nguồn gốc của mọi vấn đề, nhưng thực tế nó là một hệ thống tốt nhất thế giới. Nhờ có nó mà mọi người được hưởng chất lượng sống mà nếu cách khác chắc sẽ không thể có được. Cho con cái đi học, rồi xây nhà, nơi họ có thể sống đến cuối đời. Tuy nhiên, một số người lạm dụng hệ thống này, và vấn đề là ở chỗ đó.
 
- Chị vẫn là một trong số hiếm các nữ đạo diễn phim ở Hollywood. Điều này đang được cải thiện? 
 
Tôi nghĩ vậy. Có khá nhiều thay đổi, nhưng nó cũng không nhanh lắm. Đặc biệt những phim lớn của Hollywood. Phụ nữ hiếm khi được giao chỉ đạo phim. Ở Hollywood có rất nhiều nữ đạo diễn, kịch bản phim, nhà sản xuất, diễn viên, và phụ trách kỹ thuật. Khi tôi còn nhỏ, hầu như tôi chả thấy bóng cô nào trong trường quay. Thế nên bây giờ vậy cũng là khá hơn nhiều rồi.

Nhưng chúng ta cần có nhiều nữ đạo diễn hơn. Theo tôi, đó là pháo đài cuối cùng phải chiếm được, để có thể tạo ra nhiều khác biệt hơn ở Hollywood. Bởi vậy tôi hy vọng phim của tôi thành công về tài chính, để các xưởng phim thấy rằng không có rủi ro khi một phụ nữ chỉ đạo phim. Rồi dần dần sẽ có nhiều ý thức hơn về điều đó. 
 
- Năm 2013 chúng tôi vẫn còn được thấy chị diễn. Bây giờ chị sẽ chỉ tập trung cho việc đạo diễn phim?
 
Hiện nay thật sự là tôi tập trung đặc biệt cho việc đạo diễn phim. Đó thực sự là một ám ảnh đối với tôi. Và nó cũng rất hợp với tính cách của tôi. Tôi là một nguời làm việc tập trung cao độ. Tôi xác định làm gì là tôi tập trung kinh khủng. Tôi không thể nghĩ gì khác.

Nhưng tôi sẽ không ngưng việc diễn xuất.Tôi đã diễn từ lúc lên ba tuổi, và điều đó khó có thể so sánh với những thứ khác. Tôi rất hạnh phúc với tất cả những gì diễn ra giữa hai tiếng hô “Diễn!” và “Cắt!”. Phần còn lại là vòng quay của danh tiếng, tôi thực sự không nhớ nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiệp diễn viên, cũng có thể là sắp tới đây thôi.

Vân Lê dịch từ nguyên bản tiếng Hà Lan, từ Brussels


 
 Từ khóa: Jodie Foster, đạo diễn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn