(NCTG) “Vịt trời trúng độc” là vở kịch rối dây được xây dựng dựa trên nguyên tác “Con vịt trời” (Vildanden, 1884) của nhà soạn kịch nổi tiếng người Na Uy - Henrick Ibsen.
Một cảnh trong vở diễn - Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam
Đây là một vở kịch hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, nằm trong dự án Hợp tác Sản xuất Quốc tế Nhật - Việt 2016 giữa Nhà hát rối dây Edo - Yukiza và Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Lần đầu tiên được xem một vở kịch rối dây do các nghệ sĩ Nhật biểu diễn, thật là khó khăn khi con rối bé tí ở tít dưới, còn màn hình phụ đề tiếng Việt thì ở trên. Những đoạn đầu khá vất vả khi cứ phải nhìn con rối, nhìn mặt diễn viên rồi lại nhìn màn hình.
Về sau khi đã quen thì việc đầu tiên là nhìn màn hình đọc nhanh lời thoại rồi nhìn xuống con rối và nhìn mặt diễn viên.
Mở màn, một người đàn ông tay xách lồng tập tễnh đi ra và nói rất nhiều về việc vịt trời bị chết hàng loạt ở Bắc Âu mà mãi sau này gần cuối vở kịch mình mới hiểu được đó là hiện thân của những con vịt bị loài người bắn hạ bằng đạn chì.
Lúc đầu mình cứ nghĩ đây là vở kịch nói về vấn nạn môi trường, về sự tàn độc của con người khi sử dụng đạn chì để bắn vịt và liên tưởng đến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Nhưng càng xem thì lại càng cảm thấy kịch nói về số phận con người, về những mâu thuẫn giữa người với người, giữa quá khứ và hiện tại.
Vậy sự việc hàng loạt con vịt trời bị chết và người đàn ông tập tễnh hiện thân của những con vịt bị bắn kia có mối liên quan thế nào với số phận, mâu thuẫn của những con người trong vở kịch?
Sau cảnh người đàn ông tập tễnh là đến cảnh đám tang, đoàn người lầm lũi đi trong đêm tối tìm nghĩa địa chôn cất người đã mất, bất ngờ gặp tay thợ săn. Và từ lúc này, câu chuyện quay ngược về quá khứ: đoàn người kể cho tay thợ săn nghe về cái chết của người trong quan tài.
Do lần đầu xem thể loại này, bất đồng ngôn ngữ, người xem không thể tập trung vào một vấn đề vì vừa phải đọc phụ đề vừa phải nhìn xuống diễn viên rồi con rối, nên để hiểu hết và nắm bắt được những vấn đề vở kịch muốn chuyển tải chắc phải xem thêm một hoặc hai lần nữa.
Cho đến tận kết thúc vở kịch mình cũng không hiểu tại sao nhân vật Hedvig lại sử dụng ba con rối giống hệt nhau?
Các diễn viên rối dây Nhật Bản đã rất giỏi khi họ vừa phải điều khiển con rối lại vừa phải diễn, giọng nói, nét mặt, điệu bộ đúng như nhân vật đó. Hai nghệ sĩ kịch nói Việt Nam Lê Khanh và Thanh Bình diễn khá tốt giữa người với những con rối.
Thực sự đây là một loại hình pha trộn lần đầu mình được xem, khá bất ngờ và khá khó - không hiểu sao các nghệ sĩ lại dàn dựng được và diễn nhuần nhuyễn đến thế.
Cám ơn các diễn viên Nhà hát rối dây Edo - Yukiza (Di sản văn hóa dân gian phi vật thể quốc gia của Nhật Bản và Thủ đô Tokyo), cám ơn Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã mang đến cho khán giả Thủ đô một loại hình nghệ thuật mới không dễ thưởng thức.
Rất tiếc là số buổi công chiếu tại Hà Nội quá ít nên không thể đi xem thêm một hai lần nữa để hiểu kỹ và rõ hơn thông điệp của vở kịch.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...